Ông Nguyễn Văn Huyến, quyền Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Vĩnh Phúc. |
Như NNVN thông tin, ông Nguyễn Văn Huyến, Phó chủ tịch HĐND thị xã Phúc Yên bỗng dưng được bổ nhiệm làm quyền Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc. Trước đó, ông Huyến chưa từng có kinh nghiệm quản lý trong lĩnh vực này. Là người đứng đầu ngành giáo dục mà chưa làm việc trong giáo dục, để ông Huyến nắm được, khái quát được những công việc chuyên môn thì cũng phải mất một thời gian dài “học việc” chứ chưa nói đến điều hành tốt hoạt động giáo dục, thi cử của địa phương.
Đặc biệt, trong bối cảnh tình trạng thi cử như thời gian qua, thì quyết định bổ nhiệm cán bộ không có chuyên môn làm lãnh đạo ngành Giáo dục lại càng khiến nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc lo ngại về môi trường đào tạo của con em mình.
Nhằm giải đáp những băn khoăn, trăn trở của nhân dân Vĩnh Phúc, ngày 18/9/2019, PV báo NNVN đã gặp trực tiếp tân lãnh đạo Sở GĐ-ĐT để nghe về kế hoạch hành động cũng như tâm tư tình cảm của ông sau 3 tháng làm việc ở vị trí công tác mới, lĩnh vực công tác mới.
Về câu chuyện bổ nhiệm vị trí lãnh đạo Sở GĐ-ĐT có đủ điều kiện hay không, theo ông Huyến, việc này thuộc lĩnh vực Ban Tổ chức Tỉnh ủy phụ trách. Ông là cán bộ được phân công nên chỉ chấp hành. Về chuyên môn, qua 3 tháng điều hành công việc tại Sở GĐ-ĐT, cùng với sự nỗ lực làm quen, học hỏi nên ông Huyến cũng đã tự trang bị một số kiến thức chuyên ngành.
Tạm gác lại câu chuyện bổ nhiệm, hiện nhân dân Vĩnh Phúc đang quan tâm đến chương trình hành động của tân lãnh đạo Sở GD-ĐT, ông có thể chia sẻ ngành GD-ĐT Vĩnh Phúc có điểm mạnh, điểm yếu như thế nào và trên cơ sở đó đưa ra những hoạch định chiến lược?
Ông Nguyễn Văn Huyến: Kế hoạch dự định triển khai công việc thì nhiều lắm. Trước hết là phải bám lấy kế hoạch của Bộ GD-ĐT. Ngành Giáo dục Vĩnh Phúc có một nền tảng rất tốt, có nhiều trường đạt chuẩn quốc gia, tỉ lệ học sinh thi đạt điểm trung bình khá cao, đứng trong tốp 10 trên cả nước.
Tuy nhiên, điểm hạn chế của ngành Giáo dục Vĩnh Phúc so với các tỉnh khác chính là ứng dụng khoa học công nghệ trong giảng dạy và học tập. Về nội dung này tôi có tìm hiểu ở TP HCM và nhận thấy rằng trong năm qua họ đã có bước nhảy vọt về ứng dụng khoa học công nghệ trong giảng dạy tại các trường tiểu học, trung học.
Năm 2017 họ đứng ở top 9 nhưng năm vừa qua TP HCM đã lọt vào tốp 5. Tăng một lúc lên 4 bậc, rất là giỏi. Bằng cách kêu gọi xã hội hóa, TP HCM đầu tư trang thiết bị trường học rất hiện đại, đây là cái mình phải học hỏi.
Vậy TP HCM đã kêu gọi xã hội hóa như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Huyến: Đầu tiên nhà nước đầu tư một lớp để xây dựng mô hình. Sau đó kêu gọi gia đình, phụ huynh học sinh cùng đóng góp mở rộng mô hình.
Nếu kêu gọi đầu tư xã hội hóa không bằng chính sách, cũng không do các “mạnh thường quân” đóng góp mà thu từ phụ huynh học sinh thì sẽ dễ dẫn đến tình trạng lạm thu. Cách này không thể áp dụng ở địa bàn Vĩnh Phúc, đặc biệt là tuyến huyện nơi các hộ gia đình nông thôn còn nghèo.
Ông Nguyễn Văn Huyến: Vâng. Đúng thế. Cái này chúng tôi còn đang nghiên cứu. Chưa áp dụng. Thứ hai, tôi sẽ xây dựng một Đề án nhằm thu hút học sinh giỏi vào nghề sư phạm bởi thời gian gần đây số lượng học sinh giỏi đăng kí vào ngành sư phạm rất ít. Sẽ đề nghị tỉnh hỗ trợ chi phí sinh hoạt ăn, ở… những đối tượng của dự án và sẽ tạo điều kiện nhận vào biên chế đối với các môn học thiếu giáo viên, làm như vậy thì chỉ 5 năm sau sẽ có đội ngũ giáo viên vừa hồng, vừa chuyên.
Vậy tỉnh Vĩnh Phúc đang thiếu giáo viên ở mảng nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Huyến: Ví dụ như ở bậc tiểu học đang thiếu giáo viên Văn hóa, một số bộ môn của Trung học cơ sở cũng thiếu giáo viên Tin học, Ngoại Ngữ…
Tỉnh Vĩnh Phúc đang thiếu giáo viên bộ môn Tin học, Ngoại ngữ hay chỉ thiếu những giáo viên giỏi, đạt tiêu chuẩn cao trong những môn này?
Ông Nguyễn Văn Huyến: Không. Đúng là thiếu. Chúng tôi đang rất cần.
Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh đi đầu về phân luồng giáo dục. Ông đánh giá thế nào về thực trạng phân luồng giáo dục của tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay và có định hướng gì để làm tốt hơn công tác phân luồng giáo dục?
Ông Nguyễn Văn Huyến: Vĩnh Phúc có một thuận lợi là nhiều trường nghề, lại có tới 9 Trung tâm giáo dục thường xuyên nên trong thời gian qua công tác phân luồng giáo dục của Vĩnh Phúc đạt kết quả rất tốt, tới 30%. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ có văn bản yêu cầu đạt tỉ lệ phân luồng sâu hơn, dự kiến đến năm 2025 phải đạt tỉ lệ phân luồng giáo dục tới 45% học sinh vừa học văn hóa vừa học nghề, chỉ còn khoảng 55% học sinh theo học Phổ thông Trung học hệ chính quy. Sở cũng tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch, hướng tới đạt tỉ lệ phân luồng của Chính phủ.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ phân luồng giáo dục, chúng ta cần xác định rõ những nhóm nghề đào tạo đảm bảo dễ xin việc, thu nhập cao… Nếu căn cứ vào thực tế tỉnh Vĩnh Phúc thì những nhóm nghề nào sẽ được định hướng học sinh theo học?
Ông Nguyễn Văn Huyến: Hiện các trường dậy nghề thuộc quản lý của Sở LĐ-TB&XH nên vấn đề này các đồng chí có thể khai thác thông tin từ bên đó.
Theo tôi, các trường nghề của Sở LĐ-TB&XH có nhiệm vụ đào tạo nhưng nhiệm vụ hướng nghiệp, phân luồng cho học sinh từ cấp Trung học cơ sở lại là của Sở GĐ-ĐT. Nếu chúng ta không biết nhóm nghề nào cho thu nhập cao, dễ xin việc, không chứng minh được doanh nghiệp nào đang cần nhân lực thì sao có thể thuyết phục, định hướng cho học sinh?
Ông Nguyễn Văn Huyến: Trên địa bàn thì cũng có nhiều trường, nhiều nhóm ngành nghề khác nhau trong đó phần lớn là ngành nghề cơ khí ví dụ như Cao đẳng nghề Việt Xô, Cao đẳng nghề Việt Đức. Rồi nghề Điện, nghề Kế toán, nghề Du lịch…
Về chủ trương cải cách giáo dục, ông có kế hoạch gì cho nghành GD-ĐT của tỉnh Vĩnh Phúc hay chưa?
Ông Nguyễn Văn Huyến: Vấn đề này, trước mắt chúng tôi cứ thực hiện theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT đã.
Tôi hiểu. Đây là lĩnh vực mới với ông nên vẫn còn bỡ ngỡ, ông cần phải có thời gian để nắm bắt. Vậy nếu sau này có thời gian suy nghĩ thêm về chương trình hành động của mình, ông có thể liên hệ với tòa soạn để cung cấp thông tin.
Ông Nguyễn Văn Huyến: Vâng.
Khi đến đây, Báo NNVN kì vọng được lắng nghe một tân tư lệnh ngành GD-ĐT với tầm nhìn bao quát, xuyên suốt hệ thống giáo dục, nắm rõ điểm mạnh và điểm yếu trong ngành Giáo dục của tỉnh Vĩnh Phúc. Tuy chưa thể chi tiết nhưng phải cũng đủ để hiểu ngành, đủ để xác định việc nào quan trọng cần làm trước, việc nào có thể làm sau. Hoặc ít nhất, tư lệnh ngành cũng cần thể hiện tham vọng nào đó để tạo dấu ấn của ngành GD-ĐT tỉnh Vĩnh Phúc.
Tiếc rằng, buổi trao đổi về kế hoạch hành động của tân lãnh đạo Sở GD-ĐT diễn ra ngắn gọn và không có nhiều nội dung.