| Hotline: 0983.970.780

Keo và bạch đàn chiếm 70% diện tích rừng trồng sản xuất

Thứ Sáu 12/04/2019 , 12:57 (GMT+7)

Sáng 12/4 tại Thái Nguyên, Bộ NN-PTNT phối hợp với tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội nghị Giống cây trồng lâm nghiệp dưới sự chủ trì của Thứ trưởng thường trực Hà Công Tuấn. Gần 100 đại biểu là nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp đến từ các tỉnh, thành trên cả nước tham dự.

Hội nghị giống lâm nghiệp ngày 12/4 tại Thái Nguyên với sự tham dự của hàng trăm đại biểu đến từ đơn vị nghiên cứu, cơ quan quản lý tại các tỉnh, thành, doanh nghiệp

Còn lại 183 giống được công nhận

Theo ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, hiện việc quản lý giống lâm nghiệp đang được thực hiện theo Pháp lệnh giống cây trồng số 15/2004/PL năm 2004; Nghị định số 66/2016/NĐ-CP năm 2016; Thông tư số 30/2018/TT-BNNPTNT năm 2018 và Thông tư số 43/2018/TT-BNNPTNT năm 2018 Quy định về xuất nhập khẩu.

Trước năm 2018, có 6 thủ tục trong sản xuất giống cây lâm nghiệp, từ khảo nghiệm giống, công nhận giống, công nhận vườn giống, công nhận nguồn giống ở tỉnh, chứng nhận vật liệu giống và chứng nhận lô cây con. Thông tư 30/2018 đã đơn giản hóa còn 2 thủ tục hành chính công nhận giống cây trồng lâm nghiệp và công nhận nguồn giống cây trồng lâm nghiệp.

Thứ trưởng thường thực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn
"Mặc dù hiện nay các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý giống lâm nghiệp đã khá đầy đủ, song còn nhiều tồn tại những hạn chế. Bản thân ngành lâm nghiệp đã nhìn thấy những hạn chế đó nên đã và đang có những động thái kiện toàn hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giống lâm nghiệp. Do đó, trong Luật Lâm nghiệp và các nghị định, thông tư mới đây, Bộ NN-PTNT đã xây dựng ban hành rất nhiều quy định mới theo hướng rút ngắn chu kỳ, thời gian nghiên cứu để phù hợp hơn với những đặc thù riêng của ngành lâm nghiệp." Thứ trưởng Hà Công Tuấn.

Thông qua kết quả khảo nghiệm, nghiên cứu chọn, tạo giống đã công nhận được 231 giống, trong đó: 95 giống của 6 loài Keo; 85 giống của 5 loài Bạch đàn; 33 giống của 4 loài Tràm; 4 giống Thông caribeae; 10 giống Mắc-ca; 2 giống Phi lao; 1 giống Dẻ ăn quả và 1 giống Sa nhân tím. Đến năm 2014, rà soát hủy bỏ 48 giống do thoái hóa, không đáp ứng được yêu cầu sản xuất. Số giống còn lại là 183 giống.

Sau khi loại bỏ các giống thoái hoá hiện còn 183 giống cây lâm nghiệp được công nhận

Từ các giống được công nhận đến nay giống các loài keo, bạch đàn chiếm 70% diện tích rừng trồng sản xuất, diện tích trên 1 triệu ha. Ngoài ra, từ các nguồn giống được công nhận (rừng giống, vườn giống) đã cung cấp giống có chất lượng để trồng rừng cho các loài cây Mỡ, Bồ đề, Tràm. Nhóm loài cây này chiếm 20%, diện tích tương ứng 299.154 ha. Nhóm các loài cây khác có chu kỳ khai thác trên 10 năm (Lát, Xoan, Thông và các loài cây bản địa khác), chiếm 10%, diện tích tương ứng 149.577 ha.

Cả nước hiện có 744 đơn vị, cá nhân sản xuất kinh doanh giống (có đăng ký sản xuất kinh doanh). Trong đó có 229 cơ sở thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ, Công ty lâm nghiệp sản xuất khoảng 20% số lượng cây giống hàng năm  và 515 Công ty tư nhân và hộ gia đình sản xuất khoảng 80% số lượng cây giống cung cấp cho trồng rừng.

Hàng năm các địa phương trong cả nước sản xuất khoảng 650 triệu cây giống phục vụ trồng rừng, trong đó cây gieo ươm từ hạt 500 triệu cây (chiếm 77%, gồm các loài chủ yếu như: Keo tai tượng, Thông mã vĩ, Hồi, Lát hoa, Quế, Mỡ, Lim xanh, Bồ đề, Sa mộc) và 150 triệu cây mô-hom (chiếm 23%, gồm: Keo lai, Bạch đàn lai, Bạch đàn u rô).

Cần sự đột phá trong giống lâm nghiệp

Ngành giống lâm nghiệp thời gian tới cần ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao, nhất là mô hom vào sản xuất

Tuy nhiên, trong công tác quản lý giống vẫn còn những tồn tại, hạn chế, như việc xây dựng và ban hành bổ sung các tiêu chuẩn để quản lý chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp chưa đầy đủ và kịp thời.

Chưa quy định bắt buộc đối với các tổ chức, cá nhân trồng rừng sản xuất có sử dụng vốn ngân sách nhà nước, hoặc các chương trình, dự án tài trợ khác phải sử dụng giống mô, hom để nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng.

Công tác nghiên cứu chọn, tạo giống lâm nghiệp hiện chủ yếu là các loài cây nhập nội sinh trưởng nhanh, chưa quan tâm giống cây bản địa, cây gỗ lớn, cây lâm sản ngoài gỗ. Đặc biệt, số lượng giống được công nhận sau khi rà soát, hủy bỏ còn 183 giống, nhưng số lượng đưa vào sản xuất còn rất thấp, chỉ 55 giống, chiếm tỷ lệ 30%.

Giá thành sản xuất cây giống mô, hom (Keo, Bạch đàn) còn cao so với cây giống sản xuất từ hạt (đơn giá cây hạt 700-800 đồng/cây; cây hom 1.000-1.300 đồng/cây; cây mô 2.200-2.500 đồng/cây).

Nguồn giống có chất lượng di truyền cao (Rừng giống, Vườn giống) còn hạn chế, hạt giống từ rừng rừng giống, vườn giống mới đáp ứng được khoảng 40% đối với những loài trồng từ hạt. Giống của loài cây bản địa có giá trị kinh tế cao còn ít, đặc biệt là giống của loài cây lâm sản ngoài gỗ.

Đối với nhóm loài cây trồng rừng gỗ lớn, tập trung đánh giá phân loại để khuyến cáo sử dụng giống cụ thể cho từng vùng sinh thái. Nghiên cứu chọn giống để đáp ứng các yêu cầu của công nghiệp chế biến như: tỷ trọng, co rút, mấu mắt…

Tiếp tục chọn lọc, nghiên cứu nhân giống đối với các loài cây bản địa mọc nhanh để trồng rừng theo từng vùng sinh thái. Rà soát, hoàn thiện văn bản quản lý, xây dựng bổ sung các tiêu chuẩn để quản lý chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp như: Tiêu chuẩn quốc gia về khảo nghiệm đối với cây lâm sản ngoài gỗ, Tiêu chuẩn về lâm phần tuyển chọn; tiêu chuẩn về cây giống cây lâm nghiệp chính (đã có 16 loài/20 loài cây trồng chính).

Bộ NN-PTNT sẽ sớm trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 66/2016/NĐ-CP, trong đó bổ sung điều kiện sản xuất, kinh doanh giống cây trồng

Riêng đối với các cơ quan, đơn vị nghiên cứu về giống cây trồng lâm nghiệp, tổ chức thực hiện có hiệu quả các dự án giống cây trồng lâm nghiệp, cung ứng kịp thời các giống đầu dòng có năng suất, chất lượng cao cho các địa phương sản xuất phục vụ trồng rừng.Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức kiểm tra, thanh tra chuyên đề về công tác giống cây lâm nghiệp theo kế hoạch đối với một số tỉnh còn tỷ lệ cao về diện tích rừng trồng chưa được kiểm soát chất lượng giống. Kiểm tra việc lưu trữ, sử dụng giống gốc tại các đơn vị có giống được công nhận đảm bảo công tác quản lý, lưu trữ và sử dụng giống gốc hiệu quả.

Các dự án khuyến lâm, dự án sản xuất thử tập trung xây dựng các mô hình bằng những giống có năng suất, chất lượng cao mới được công nhận ở các vùng sinh thái phù hợp làm cơ sở giới thiệu, quảng bá để sớm đưa các giống mới vào sản xuất.

Tiếp tục chọn tạo, nhập khẩu đối với các loài cây mọc nhanh có năng suất, chất lượng cao phục vụ trồng rừng sản xuất, đồng thời chọn tạo, cải thiện các giống cây bản địa sản xuất gỗ lớn, cây lâm sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế cao (Sâm Ngọc linh, Thảo quả, Sa nhân, Ba kích, Hồi, Quế, Song, Mây,..) theo các vùng sinh thái khác nhau để đưa vào sản xuất đại trà.

Chia sẻ bên lề Hội nghị, Thứ trưởng thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn nhấn mạnh, trong đề án tái cơ cấu ngành cũng như các chương trình, kế hoạch thúc đấy sản xuất lâm nghiệp phục vụ xuất khẩu, Bộ NN-PTNT luôn xác định về lâu dài và bền vững phải nâng cao tỷ trọng gỗ từ rừng trồng trong cơ cấu gỗ và lâm sản xuất khẩu của Việt Nam.

Lĩnh vực giống lâm nghiệp đóng vai trò quan trọng giúp nâng cao tỷ lệ gỗ rừng trồng trong cơ cấu nguyên liệu phục vụ gỗ chế biến xuất khẩu

Mặc dù đã được nâng lên trên 50% trong những năm qua nhưng so với thế giới tỷ lệ gỗ từ rừng trồng của Việt Nam hiện vẫn còn thấp nên dư địa vẫn còn khá lớn nên trong thời gian tới khâu quản lý, sản xuất giống đóng vai trò vô cùng quan trọng trong chuỗi giá trị rừng trồng tại nước ta. Trong đó, khâu ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật hiện đại vào khâu giống như mô, hom là một trong những nhiệm vụ trọng điểm trọng tâm, với mục tiêu nâng tỷ lệ mô hôm từ khoảng 25% hiện nay lên 75 - 80% trong vài ba năm tới.

Nhìn chung, thực thi pháp luật về giống cây trồng lâm nghiệp trong những năm qua cơ bản giống đưa vào sản xuất đã được quản lý chặt chẽ theo chuỗi hành trình từ khâu công nhận giống, nguồn giống, vật liệu nhân giống đến cây con trồng rừng, tính đến năm 2018 bảo đảm cung cấp 80% giống được công nhận, trong đó 50% giống từ nhân giống sinh dưỡng cho trồng rừng.

 

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.