Số vụ vi phạm lâm luật giảm hẳn, độ che phủ rừng tăng cao, rừng trồng ngày càng được nâng cao năng suất và chất lượng, đặc biệt là giá trị kim ngạch XK lâm sản tăng mạnh.
Những con số
Báo cáo của Bộ NN-PTNT, trong năm 2018, độ che phủ rừng toàn quốc đạt 41,65%, tăng 0,2% so năm 2017, đạt chỉ tiêu kế hoạch theo Nghị quyết của Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018. Giá trị SX lâm nghiệp tăng 6,09% so với năm 2017. Trong năm 2018, ngành chức năng các địa phương đã phát hiện 12.945 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, giảm 3.577 vụ so với cùng kỳ; diện tích rừng bị thiệt hại 936ha, giảm 515ha so với cùng kỳ.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thăm xưởng SX của Cty Tiến Đạt |
Diện tích rừng đặc dụng toàn quốc trong giai đoạn 2016 - 2018 tăng thêm 79.283ha so với năm 2015; phục hồi được 25.273ha rừng bị suy thoái, đạt 99,1% nhiệm vụ của cả giai đoạn. Thực hiện thí điểm lồng ghép, chia sẻ lợi ích và thực hiện Kế hoạch hành động cấp cơ sở tại 17 đơn vị thí điểm ở 6 tỉnh, gồm Lào Cai, Bắc Kạn, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Bình Thuận và Cà Mau với tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp 43.259ha, trong đó có 33.940,76ha rừng tự nhiên và 9.319ha rừng trồng phòng hộ xung yếu ven biển, thực hiện tại 191 xã, thị trấn, số người được hưởng lợi vào khoảng 331.400 người. Thực hiện lồng ghép với Chương trình chi trả dịch vụ môi trường rừng tại 2 tỉnh Lào Cai và Lâm Đồng với diện tích 4.000ha.
Trong năm 2018, toàn quốc trồng rừng tập trung được 231.520ha, đạt 118,7% kế hoạch năm; trong đó có 15.070ha rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, đạt 100,5% kế hoạch; 216.450ha rừng SX, đạt 120,3% kế hoạch năm. Trồng cây phân tán đạt 63,86 triệu cây, đạt 127,7% kế hoạch năm. Khoanh nuôi tái sinh được 386.485ha, trong đó khoanh nuôi mới 112.394ha, đạt 107% kế hoạch năm. Chuyển hóa rừng trồng kinh doanh gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn được hơn 84.000ha, đạt 94% nhiệm vụ của Chương trình. Tỷ lệ diện tích rừng trồng được kiểm soát chất lượng giống là 85%, về đích trước 2 năm so với nhiệm vụ của Chương trình. Năng suất rừng trồng bình quân đạt 21,86 m3/ha/năm, đạt 109% so với nhiệm vụ đề ra của Chương trình, về đích trước 2 năm so với nhiệm vụ của Chương trình.
Các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm chủ trương dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên, kể cả đối với diện tích rừng đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Sản lượng khai thác gỗ năm 2018 đạt 27,5 triệu m3, trong đó sản lượng khai thác gỗ rừng trồng tập trung đạt 18,5 triệu m3, tăng 3% so với năm 2017; sản lượng khai thác gỗ cây trồng phân tán và cây cao su tái canh khoảng 9,0 triệu m3. Nguồn nguyên liệu trên đã đáp ứng 80% nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ trong nước.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm việc với Cty Tiến Đạt |
Giá trị kim ngạch XK lâm sản đạt 9,382 tỷ USD, tăng 15,9% so với 2017; chiếm hơn 23% tổng giá trị kim ngạch XK toàn ngành. Giá trị xuất siêu của lâm sản chính đạt 7,067 tỷ USD. Đến nay, đồ gỗ Việt Nam đã XK sang trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó thị trường XK lâm sản chủ yếu tại 5 thị trường chính gồm: Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, chiếm 87,33% tổng kim ngạch XK lâm sản. Giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2018 khoảng 2,317 tỷ USD, tăng 6,27% so với năm 2017.
“Lột xác” để tiếp tục bứt phá
Cuối tuần qua, trong chuyến công tác về Bình Định để chủ trì Hội nghị phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đến thăm Cty Kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt đóng tại phường Bùi Thị Xuân (TP Quy Nhơn), một trong những con chim đầu đàn trong ngành chế biến gỗ Việt Nam với kim ngạch XK năm 2018 đạt 42 triệu USD.
Theo ông Đỗ Xuân Lập, Giám đốc Cty, hiện nay các thị trường tiêu thụ lớn mặt hàng đồ gỗ đang đổ dồn về Việt Nam. Tuy nhiên, các DN Việt chưa thể bứt phá chủ yếu do công nghệ còn lạc hậu, nhất là hệ thống quản trị nội bộ còn rất hạn chế. Do thiếu năng lực quản trị nên việc xây dựng các chuỗi cung ứng chưa đáp ứng được yêu cầu. Hiện tại ở Việt Nam mới chỉ có 4 Cty xây dựng được hệ thống chuyên môn hóa, đổi mới công nghệ, đang tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. “Nếu như khi còn sử dụng công nghệ cũ, để XK lô hàng đạt trị giá 20 triệu USD chúng tôi phải cần đến 225 lao động, sau khi đổi mới công nghệ, số lao động giảm xuống còn 60 công nhân cho lô hàng này”, ông Đạt nói.
Cũng theo ông Lập, cốt lõi của ngành gỗ Việt Nam hiện nay là phải chủ động được nguồn nguyên liệu. “Để phát triển nguồn nguyên liệu bền vững, bảo đảm nguồn cung cho SX, cần có sự tham gia của các Cty lâm nghiệp tại các địa phương, những đơn vị đang quản lý nguồn tài nguyên lớn về đất rừng. Nếu các Cty này được cổ phần hóa, nguồn lực được tăng cường để đầu tư vào phát triển rừng, thì chúng ta mới có cơ hội sở hữu những cánh rừng bạt ngàn được xây dựng theo chuỗi để vừa tăng hiệu quả kinh tế rừng vừa ổn định nguồn nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ”, ông Đạt đề xuất.
1 phân xưởng SX với trang thiết bị hiện đạt của Cty Tiến Đạt |
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá là ngành gỗ Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên, vẫn đang còn phải đối mặt với những thách thức lớn. Muốn bứt phá, cần phải tái cấu trúc lại các DN chế biến. Trước hết, các DN phải chủ động tìm kiếm thị trường, vừa chú trọng thị trường nội địa vừa lấy thị trường thế giới để làm căn cứ cạnh tranh, và có định hướng SX những sản phẩm phù hợp. “Muốn được vậy, các DN phải tập trung đổi mới công nghệ, đổi mới quản trị, kết hợp công nghiệp vật liệu với chế biến gỗ để tạo ra sản phẩm đa dạng hơn, đẹp hơn, có sức cạnh tranh hơn”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
“Trong thời gian tới, các DN chế biến gỗ phải đóng vai trò “đòn bẩy” để đổi mới công tác trồng rừng, phát triển trồng rừng gỗ lớn để chủ động nguyên liệu. Gắn trồng rừng với bảo vệ môi trường. Gắn trồng rừng với nâng cao hiệu quả nghề rừng”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng. |