Dự án triển khai tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long nhằm tối ưu việc sử dụng đất và thích ứng với biến đổi khí hậu. Dự án Hệ thống Sản xuất tích hợp nuôi trồng thủy sản và năng lượng mặt trời cho hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên (SHRIMPS) có tổng kinh phí 3,17 triệu Euro.
Dự án này nằm trong khuôn khổ hợp tác nghiên cứu giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Đức. Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Liên bang Đức (BMBF) tài trợ thực hiện dự án theo Chương trình khung “Nghiên cứu phát triển bền vững” (FONA3) thông qua hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu và phát triển của các đối tác Fraunhofer ISE, Viện Sinh thái Thủy sản Thünen (Đức), SMA Sunbelt Energy GmbH và Suntrace GmbH.
Các đối tác phía Việt Nam gồm Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh, Viện Năng lượng Việt Nam, một công ty sản xuất tôm lớn tại Việt Nam và Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu. Dự án được triển khai thực hiện đến tháng 8/2022.
Ông Tobias Cossen - Giám đốc Dự án SHRIMPS cho biết, dự án hướng đến giảm thiểu lượng nước ngọt tiêu thụ và nước thải phát sinh, giảm phát thải CO2 và các nguồn gây ô nhiễm, tăng khả năng phục hồi của các trang trại trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Cải thiện tình hình kinh tế của các vùng nông thôn trong khu vực ĐBSCL.
Đồng thời, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, khuyến khích phương pháp nuôi tôm bền vững và tạo nền tảng chuyển giao kiến thức quốc tế và liên ngành.
Dự án bao gồm ba giai đoạn. Giai đoạn 1: Phát triển Hệ thống SHRIMPS. Các đối tác của dự án sẽ nghiên cứu những phương thức sản xuất có nhiều triển vọng nhất và lên ý tưởng cho các giai đoạn tiếp theo dựa trên kết quả đạt được.
Những nghiên cứu sơ bộ này tập trung vào hiệu ứng bóng râm của các mô-đun điện mặt trời lên các quy trình sản xuất tôm giống tương ứng cũng như mối quan hệ tương tác giữa nuôi trồng thủy sản, lượng điện mặt trời sản xuất và hiệu quả hệ thống cơ bản.
Dựa trên kết quả nghiên cứu, dự án sẽ xây dựng ý tưởng về lượng điện mặt trời sản xuất có tính đến những yêu cầu về điện năng, truyền ánh sáng tối ưu, hiệu ứng ăn mòn, nhiệt độ sản xuất tối ưu và những thông số khả thi khác. Khả năng chịu tải của các khu sản xuất của một công ty sản xuất tôm ở Việt Nam sẽ được nghiên cứu và đưa ra các giải pháp cần thiết để gia cố cấu trúc khu sản xuất.
Việc xây dựng và kết nối lưới điện của nhà máy thí điểm cũng như nâng cấp bên trong nhà máy và giảm yêu cầu đầu tư bên ngoài, các điều kiện khung pháp lý và yêu cầu pháp lý của chiến lược khai thác được kiểm tra và đánh giá nhằm làm rõ các vấn đề pháp lý liên quan đến việc sử dụng đất.
Giai đoạn 2: Thí điểm lắp đặt nhà máy SHRIMPS. Nhà máy thí điểm sẽ được lắp đặt tại khu đất công ty sản xuất tôm tại tỉnh Bạc Liêu thuộc khu vực ĐBSCL.
Nhà máy sẽ được xây dựng nhằm chứng minh tiềm năng của hệ thống tích hợp nuôi trồng thủy sản và điện mặt trời trong sản xuất tôm giống bằng quy trình biofloc, công suất lắp đặt sẽ rơi vào khoảng 100kWp.
Giai đoạn 3: Giám sát, đánh giá và chuyển giao kỹ thuật. Nhà máy thí điểm sẽ được giám sát chặt chẽ nhằm đảm bảo độ tin cậy và sẽ được dùng làm mô hình công nghiệp tham khảo không chỉ ở Việt Nam mà cho cả các quốc gia khác.
Thêm vào đó, trọng tâm của dự án là chuyển giao các hệ thống điện mặt trời đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở khu vực sông ĐBSCL.
“Dự án sẽ cung cấp một giải pháp thiết thực nhằm tối ưu hóa việc sử dụng diện tích đất đồng thời cho sản xuất thực phẩm và năng lượng tại Việt Nam, cũng như góp phần hỗ trợ các vùng nuôi trồng thủy sản tại địa phương thích ứng tốt hơn với tác động của biến đổi khí hậu.
Dự kiến khi dự án được triển khai, sẽ giúp giảm lượng nước ngọt tiêu thụ và nước thải phát sinh, giảm phát thải khí CO2, trong khi đó vẫn duy trì nhiệt độ nước ổn định để tôm phát triển và cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân tại nhà máy.
Chúng tôi sẽ giám sát hoạt động lắp đặt nhà máy thí điểm, tiếp đó sẽ chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp thủy sản vừa và nhỏ tại các tỉnh khác, cuối cùng sẽ nhân rộng ra các nước khác trong khu vực Đông Nam Á”, ông Tobias nhấn mạnh.