| Hotline: 0983.970.780

Tín hiệu tích cực cho cá tra từ 2 thị trường lớn nhất

Thứ Năm 09/04/2020 , 11:51 (GMT+7)

Xuất khẩu cá tra đang gặp khó khăn lớn do dịch Covid-19. Nhưng đã có những tín hiệu tích cực cho cá tra từ 2 thị trường lớn là Mỹ và Trung Quốc.

Chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ảnh hưởng nặng nhất

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 2 tháng đầu năm nay, trong các mặt hàng thủy sản chủ lực, cá tra là mặt hàng bị ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch Covid-19.

Cụ thể, so với cùng kỳ năm ngoái, giá trị xuất khẩu cá tra trong 2 tháng đầu năm nay giảm tới 32% và chỉ đạt hơn 210 triệu USD.

Nguyên nhân chính làm sụt giảm mạnh giá trị xuất khẩu cá tra là sự trì trệ ở thị trường Trung Quốc. Năm 2019, Trung Quốc là thị trường lớn nhất của cá tra Việt Nam, với giá trị xuất khẩu là 622,7 triệu USD, chiếm 31% tổng giá trị xuất khẩu cá tra.

Trong những tháng đầu năm nay, do dịch Covid-19, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc gần như bị ngưng trệ. Thông tin từ nhiều doanh nghiệp cá tra cho hay, các đơn hàng xuất cá tra sang Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm bị chậm hoặc gián đoạn xuất khẩu.

Với một số doanh nghiệp cá tra, lượng đơn hàng trong tháng 2 và 3 chỉ còn bằng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Do đó, giá trị xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm đã giảm sâu tới 52% so với cùng kỳ 2019.

Không chỉ Trung Quốc, một số thị trường quan trọng khác cũng gặp khó khăn trong tiêu thụ cá tra. Trong tháng 3, xuất khẩu cá tra sang các thị trường trọng điểm ở châu Âu như Anh, Đức, Ý… bị ảnh hưởng nặng nề do những nước này trở thành những “ổ dịch” lớn. Xuất khẩu cá tra sang EU trong 2 tháng đầu năm giảm tới gần 40% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Ở khu vực ASEAN, xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm như Thái Lan, Malaysia, Singapore… cũng sụt giảm do ảnh hưởng của Covid-19.

Chẳng hạn, việc xuất khẩu cá tra sang Malaysia đã bị ngưng trệ trong thời gian nước này phong tỏa toàn bộ đất nước để chống dịch (2 tuần kể từ 16/3). Giá trị xuất khẩu cá tra sang ASEAN trong 2 tháng đầu năm chỉ đạt 26,5 triệu USD, giảm 19,3%.

Tín hiệu tích cực

Điều đáng mừng là trong bối cảnh u ám ấy, đã bắt đầu có những tín hiệu tích cực từ 2 thị trường quan trọng bậc nhất là Mỹ và Trung Quốc.

Thu hoạch cá tra ở ĐBSCL. Ảnh: Hoàng Vũ.

Thu hoạch cá tra ở ĐBSCL. Ảnh: Hoàng Vũ.

2 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ chỉ đạt 38,6 triệu USD, giảm tới 27% so với cùng kỳ 2019. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ giảm bởi nguyên nhân chính là giá cá tra xuất khẩu giảm nhiều so với đầu năm 2019.

Cụ thể, đầu năm 2019, giá cá tra xuất khẩu sang Mỹ còn ở mức 4,73USD/kg, đến cuối năm chỉ còn 2,85USD/kg.

Trong khi đó, lượng tồn kho cá thịt trắng, trong đó có cá tra, đã giảm nhiều trên thị trường Mỹ. Do vậy, thị trường này đang tăng nhu cầu nhập khẩu cá thịt trắng nói chung, cá tra nói riêng.

Tiêu thụ thủy sản nói chung, cá tra nói riêng ở thị trường Mỹ đang tăng lên do tâm lý tích trữ lương thực, thực phẩm để phòng dịch Covid-19, cũng tạo thêm cơ hội để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu cá tra vào thị trường này.

Theo Seafoodsource, doanh số bán lẻ thủy sản tươi, đông lạnh, thủy sản bảo quản lâu đều đang tăng mạnh ở các hệ thống siêu thị Mỹ. Chẳng hạn, từ ngày 2/7/3, doanh số bán thủy sản đông lạnh ở các siêu thị Mỹ đã đạt 1,1 tỷ USD, tăng 3,5% so với trước đó.

Việc các nhà máy chế biến cá thịt trắng (cá tuyết, cá minh thái…) bị ngưng hoạt động một thời gian dài do Covid-19, cũng là cơ hội để cá tra Việt Nam xâm nhập vào thị trường Mỹ, bởi từ nhiều năm nay, Trung Quốc là một trong những nguồn cung lớn về cá thịt trắng chế biến cho thị trường cá thịt trắng toàn cầu.

Chính vì vậy, sau khi sụt giảm rất mạnh trong tháng 1, sang tháng 2, giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ đã tăng trở lại với mức tăng gần 67% so với tháng 2/2019. Trong nửa đầu tháng 3, giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ tiếp tục tăng trưởng với mức tăng 18,8% so với cùng kỳ. Từ đầu năm đến giữa tháng 3, Mỹ đang là thị trường lớn nhất của cá tra Việt Nam khi chiếm 18,8% tổng giá trị xuất khẩu cá tra.

Với thị trường Trung Quốc, tín hiệu tích cực đã xuất hiện từ tháng 2, khi hoạt động xuất khẩu cá tra sang thị trường này bắt đầu được nối lại. Sang tháng 3, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc dần trở lại bình thường.

Chỉ trong nửa đầu tháng 3, giá trị xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc đã cao hơn giá trị xuất khẩu trong cả tháng 2, khi đạt 13 triệu USD.

Theo dự đoán của các doanh nghiệp cá tra, sang tháng 4, XK cá tra sang Trung Quốc có thể phục hồi 50%, tháng 5 hồi phục 70% và đến tháng 6 hồi phục hoàn toàn 100%.

Ở châu Âu, thương mại thủy sản đang bị ảnh hưởng nặng nề do chính sách phong tỏa của nhiều nước nhằm kiểm soát dịch bệnh, đã ảnh hưởng lớn tới hoạt động vận chuyển, giao nhận. Qua đó, ảnh hưởng không nhỏ tới xuất khẩu cá tra sang khu vực này.

Tính đến giữa tháng 3, xuất khẩu cá tra sang EU đã giảm tới hơn 47% so với cùng kỳ. Thế nhưng, nhu cầu tiêu thụ thủy sản, trong đó có cá tra, tại các hệ thống siêu thị ở châu Âu đang có xu hướng gia tăng. Đây chính là cơ hội cho cá tra trở lại thị trường này khi dịch bệnh đã được kiểm soát.

Giá cá nguyên liệu sẽ tăng

Do xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, giá cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện vẫn đang ở mức thấp. Giá cá tra thịt trắng loại 0,7 - 0,8kg/con trên thị trường hiện đang ở mức 18.000 - 18.500 đồng/kg. Tuy nhiên, giá cá nguyên liệu đang khá ổn định trong 2 tháng qua.

Nuôi cá tra ở ĐBSCL. Ảnh: Hoàng Vũ.

Nuôi cá tra ở ĐBSCL. Ảnh: Hoàng Vũ.

Điều đáng chú ý là mặc dù giá cá tra nguyên liệu trên thị trường đang ở mức thấp, khiến người nuôi thua lỗ, nhưng các hộ có liên kết với các doanh nghiệp, vẫn đang bán được cá tra nguyên liệu với mức giá đảm bảo có lợi nhuận.

Chẳng hạn, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia (IDI) thuộc Tập đoàn Sao Mai, đã mua cá nguyên liệu cho các hộ liên kết với giá ổn định khoảng 25.000 đồng/kg.

Nhờ đẩy mạnh liên kết với nông dân, năm 2019, IDI đã xây dựng được vùng nguyên liệu cá tra với diện tích 350ha, giúp cho tập đoàn chủ động được 90% nguyên liệu chế biến và xuất khẩu 47.640 tấn cá thành phẩm.

Năm 2020, IDI tiếp tục phát triển và mở rộng vùng nuôi cá tra tập trung, nhằm đạt mục tiêu 54.000 tấn cá thành phẩm xuất khẩu.

Điều này cho thấy, liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp là hướng đi đúng để ổn định đầu ra và lợi nhuận cho người nuôi cá tra, đảm bảo nguồn nguyên liệu chất lượng tốt cho doanh nghiệp.

Về tình hình cá tra nguyên liệu nói chung, theo nhận định của VASEP, do ảnh hưởng của hạn mặn và sự trầm lắng của thị trường đầu năm nay, cả doanh nghiệp và nông dân đều giảm thả nuôi. Do đó, sản lượng thu hoạch trong 2 tháng tới dự kiến sẽ giảm. Cộng với những tín hiệu tích cực từ thị trường, nhiều hy vọng giá cá tra nguyên liệu sẽ tăng lên trong thời gian tới.  

Theo VASEP, trong tháng 4, xuất khẩu cá tra nói chung vẫn còn khó khăn do nhiều thị trường dự báo tiếp tục giảm vì hoạt động vận chuyển bị gián đoạn bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, những tín hiệu tích cực từ 2 thị trường lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc sẽ đem lại niềm hy vọng cho cá tra trong những tháng tới, nhất là khi dịch bệnh dần được kiểm soát ở các thị trường tiêu thụ chính. 

Xem thêm
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.

Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 97% dự toán

Sau 10 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ 2023.