Mặt hồ lung linh hơn nhờ bức tranh pin mặt trời
Tháng 6/2019 vừa qua, 2 trong số 3 cụm nhà máy điện mặt trời ở vùng bán ngập hồ Dầu Tiếng, tỉnh Tây Ninh do Tập đoàn Xuân Cầu làm chủ đầu tư đã chính thức đưa vào hoạt động từ tháng 6/2019, cung cấp một nguồn điện khổng lồ hòa vào mạng lưới điện quốc gia. Công trình được xây dựng trải dài trên diện tích hơn 720ha đất bán ngập khu vực hồ Dầu Tiếng, với sản lượng điện khoảng 1,9 triệu kWh/ngày (690 triệu kWh/năm). Tổng vốn đầu tư gần 12.760 tỷ đồng. Đây là một trong những dự án điện mặt trời lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Chạy dài khoảng 4km, rộng khoảng 500ha, cánh đồng pin được xây dựng trong hơn một năm qua, bởi hơn 1.000 kỹ sư và công nhân tập đoàn Xuân Cầu và đối tác B. Grimm Power Public (Thái Lan). Phía trên rừng cột bê tông cao 6 - 8 mét, những tấm pin năng lượng mặt trời được gắn hướng về phía nam, để đón bức xạ mặt trời. Những tấm pin này sẽ nạp dòng điện một chiều, sau đó qua hệ thống máy điện để chuyển đổi thành dòng xoay chiều, nâng áp lên 22 kV, truyền về trạm biến áp 220 kV và hòa vào lưới điện quốc gia.
Theo đại diện chủ đầu tư Xuân Cầu, mỗi năm nhà máy sẽ sản xuất lượng điện tương đương 1.500 tỷ đồng, trung bình 1ha mỗi năm mang lại khoảng 3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cụm nhà máy điện DT1 và 2 sẽ là một cú hích để phát triển các khu công nghiệp lân cận, góp phần tạo công việc đáng kể cho nguồn lao động địa phương. Ngoài tra, công trình này còn tạo cảnh quan rất đẹp, thu hút khách tham quan, kết nối với các điểm hồ Dầu Tiếng và núi Bà Đen, tạo ra hệ sinh thái kinh tế và du lịch.
Đánh giá về tiềm năng của công trình, anh Hoàng Ngọc Ánh, kỹ sư thi công điện tại công trình cho biết, địa điểm đặt nhà máy thường xuyên có nắng với lượng bức xạ lớn và ổn định, với cường độ bức xạ đạt 5,1 kWh/m2 mỗi ngày và số giờ nắng trung bình 2.400 giờ/năm. Để khai thác hết tiềm năng từ vùng bán ngập, chủ đầu tư và đối tác chấp nhận mức đầu tư lớn cho hạ tầng kỹ thuật và các công nghệ liên quan. Hệ thống pin sử dụng công nghệ quang điện loại silic đa tinh thể, hiệu suất chuyển đổi trên 17%; 70 bộ inverter (biến tầng) hiệu suất chuyển đổi trên 98%. Ngoài ra, phần pin và inverter được lựa chọn theo công nghệ 1.500VDC để giảm thiểu tối đa tổn hao điện năng.
Chia sẻ thêm về dự án, kỹ sư Phùng Ngọc Tuyên, đang làm việc tại dự án cho biết, dự án có 1,8 triệu tấm pin mặt trời được cố định trên gần 190.000 cọc bêtông trải dài ven bờ hồ và khu đất bán ngập của hồ Dầu Tiếng. Để gắn các tấm pin mặt trời lên cọc, phía công ty sử dụng các thùng phuy kết thành bè và làm giàn giáo nổi. Những ngày đầu thi công do chưa quen với phương pháp này, nhiều công nhân bị say sóng, không ít người đã té nhào xuống nước khi đang làm việc trong điều kiện bồng bềnh trên mặt nước.
“Có đợt đang giữa đêm, nước lũ về ồ ạt ngập luôn khu vực kho tập kết vật liệu, tấm pin, anh em công nhân phải thức xuyên đêm cứu đồ đạc. Đến tháng 6/2019, khi dự án đưa vào vận hành, anh em vỡ òa hạnh phúc vì cuối cùng bao vất vả của anh em đã đạt thành quả. Công trình không chỉ mang lại giá trị kinh tế lớn, mà còn tô điểm cho hồ Dầu Tiếng vốn đã đẹp nay còn đẹp hơn”, kỹ sư Tuyên nói.
Hàng ngàn công việc cho lao động địa phương
Theo lãnh đạo công ty Xuân Cầu, sau khi đi vào vận hành, lượng điện do DT1 và 2 sản xuất ra sẽ được đấu nối vào đường truyền tải 220kV Bình Long - Tây Ninh. Với công suất 1,9 triệu kWh/ngày, dự án này sẽ đóng góp một lượng điện khủng vào nguồn điện miền Nam, giảm phụ thuộc vào mạng lưới truyền tải Bắc - Nam. Đây là nguồn năng lượng sạch, việc tác động đến môi trường thấp nên phía Tổng công ty Điện lực miền Nam rất hoan nghênh.
Ngoài ra, dự án nhà máy điện năng lượng mặt trời ở hồ Dầu Tiếng sẽ đưa Tây Ninh thành một trung tâm năng lượng tái tạo lớn của Việt Nam và khu vực, phát huy được tiềm năng to lớn về năng lượng mặt trời của tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà, cũng như từng bước giảm dần việc cung ứng điện từ các nguồn năng lượng sử dụng nhiên liệu không thân thiện với môi trường.
Trao đổi về công tác đánh giá tác động môi trường trước khi khởi công dự án điện mặt trời hồ Dầu Tiếng, ông Nguyễn Thanh Ngọc, Phó Chủ tịch tỉnh Tây Ninh cho biết, trước khi thi công, chủ đầu tư đã nghiên cứu kỹ càng về đặc điểm tự nhiên khu vực hồ Dầu Tiếng và lên phương án thi công kỹ lưỡng.
“Khi quyết định chủ trương đầu tư dự án điện năng lượng mặt trời tại khu vực hồ Dầu Tiếng, địa phương này đã xem xét, đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng các yếu tố, các điều kiện cần và đủ để bảo đảm dự án điện mặt trời không ảnh hưởng đến an ninh, an toàn hồ đập. Đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường, hệ sinh thái của hồ.
Chúng tôi yêu cầu dự án phải sử dụng công nghệ kỹ thuật hiện đại, không gây ô nhiễm môi trường. Sau đó, các công nghệ, phương án áp dụng đã được UBND tỉnh Tây Ninh và các cơ quan chuyên ngành kiểm tra, đánh giá trước khi bắt đầu thực hiện. Phía chủ đầu tư cũng đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và trình phê duyệt theo đúng quy định”, ông Ngọc nói.
Theo báo cáo dự báo của Tổ chức Năng lượng Quốc tế (International Energy Agency), đến năm 2050, điện mặt trời có thể sẽ đóng vai trò quan trọng, là nguồn cung cấp năng lượng lớn nhất cho con người toàn cầu, hơn cả nhiên liệu hoá thạch, năng lượng gió, thủy năng và năng lượng hạt nhân.
Theo ông Ngọc, với tổng công suất của 3 dự án lên tới 500 MW, đây là dự án điện năng lượng mặt trời lớn nhất Việt Nam hiện nay. Vì vậy, trong quá trình xây dựng cũng như sau khi hoàn thành, đi vào hoạt động, dự án sẽ cần một lượng lớn nhân công để vận hành, bảo trì.
Trong đó, nhân công địa phương là một trong những nguồn nhân lực được nhà đầu tư ưu tiên tuyển dụng. Ngoài ra, dự án sẽ góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại khu vực, nhất là giao thông. Bên cạnh đó, khi dự án đi vào hoạt động sẽ đóng góp nguồn thuế không nhỏ vào ngân sách địa phương, nguồn ngân sách này sẽ được phân bổ để phát triển các cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống người dân.
Một điều chắc chắn là, công trình dự án năng lượng điện mặt trời này sẽ góp phần “nâng tầm” đáng kể về chất lượng cảnh quan cho khu vực hồ Dầu Tiếng. Đây sẽ là yếu tố thu hút khách du lịch đến tham quan, tạo điều kiện phát triển du lịch cho địa phương và tăng nguồn thu đáng kể.
“Hiện các nguồn nhiên liệu hiện hữu vẫn cung cấp phần lớn nhu cầu năng lượng của con người như than đá, dầu mỏ, khí đốt…đang ngày càng cạn kiệt, khan hiếm, chưa kể còn tác động xấu rất lớn đến môi trường như biến đổi khí hậu, ô nhiễm. Do vậy, việc nghiên cứu và sử dụng các nguồn năng lượng mới có khả năng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, địa nhiệt hay năng lượng sinh khối là một nhu cầu tất yếu”, ông Ngọc nói.