Sự kiện được tổ chức tại Trung tâm Khuyến nông TP Hải Phòng với mục đích tuyên truyền, giới thiệu, liên kết, tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng, đặc sản, sản phẩm OCOP, sản phẩm chất lượng cao được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP có truy xuất nguồn gốc đến tay người tiêu dùng TP Hải Phòng và tỉnh Hải Dương.
Ông Bùi Thanh Tùng - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hải Phòng cho biết, vải thiều được trồng ở vùng đất Thanh Hà có lợi thế về khí hậu và thổ nhưỡng nên chất lượng ngon hơn hẳn so với quả trồng ở những nơi khác và phù hợp với thị hiếu của người dân thành phố.
Hải Phòng hiện có 43 sản phẩm OCOP được công nhận và một số sản phẩm đặc sản, đặc trưng như: Na Liên Khê, Bánh đa cua, Cá thu một nắng…. Qua sự kiện lần này sẽ là tiền để Hải Phòng và Hải Dương giao thương các sản phẩm đặc trưng, đặc sản, sản phẩm OCOP của 2 địa phương vào các siêu thị, cửa hàng tiện ích, cửa hàng nông sản an toàn để giới thiệu đến người tiêu dùng.
"Vải thiều Thanh Hà được trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn khắt khe nên ngành nông nghiệp muốn giới thiệu những sản phẩm tốt nhất, có chất lượng cao nhất đến người dân Hải Phòng. Hiện tại, chúng tôi đã giao cho Trung tâm khuyến nông thực hiện nhiệm vụ mở các điểm giới thiệu và bán sản phẩm vải thiều Thanh Hà tại các điểm bán như: Văn phòng giới thiệu sản phẩm trung tâm khuyến nông số 6, phố Chiêu Hoa, quận Kiến An; Văn phòng giới thiệu sản phẩm Trạm khuyến nông Kiến Thụy, thị trấn Núi Đôi, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng…", ông Tùng chia sẻ.
Tỉnh Hải Dương có trên 9.100ha vải thiều, sản lượng ước tính năm 2021 khoảng 55.000 tấn, trong đó, trà vải sớm 30.000 tấn, với trà vải thiều chính vụ cũng đã bắt đầu cho thu hoạch với sản lượng dự kiến khoảng 25.000 tấn.
Hiện tại, sản lượng vải sớm đã tiêu thụ hết, trong đó, tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc khoảng 15.000 tấn, nội địa 8.000 tấn; xuất khẩu sang Nhật Bản, Australia, Singapore, Canada, Malaysia, Indonesia, Thái Lan… còn lại tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị trong nước và trên sàn thương mại điện tử.
Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT Hải Dương, vải thiều sau ki thu hoạch, vải không còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đáp ứng yêu cầu khắt khe nhất của các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, Australia, Singapore, Italy, Pháp, Thái Lan, Trung Quốc… nên được các thương lái, doanh nghiệp tập trung thu mua giúp việc tiêu thụ thuận lợi hơn các địa phương khác trong cả nước.