| Hotline: 0983.970.780

Kết nối, tiêu thụ sản phẩm sầu riêng Khánh Sơn

Thứ Bảy 31/07/2021 , 16:33 (GMT+7)

Nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sầu riêng Khánh Sơn trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, tỉnh Khánh Hòa đang hỗ trợ nông dân kết nối, tiêu thụ sản phẩm.

Sầu riêng Khánh Sơn cơm vàng, hạt lép, chất lượng đặc biệt

 Khánh Sơn là huyện miền núi cách TP Nha Trang khoảng 100km về phía tây nam tỉnh Khánh Hòa. Là huyện ngăn cách với đồng bằng bởi đèo Khánh Sơn, cao đến 600m so với mực nước biển, ở ranh giới xã Cam Phước Tây (Cam Lâm) và xã Ba Cụm Bắc (Khánh Sơn).

Sầu riêng Khánh Sơn năm nay được mùa. Ảnh: BL.

Sầu riêng Khánh Sơn năm nay được mùa. Ảnh: BL.

 Do nằm trong vùng chuyển tiếp giữa cao nguyên Lâm Đồng và Duyên hải miền Trung nên khí hậu ở Khánh Sơn đặc trưng là nhiệt đới gió mùa, ôn hòa. Thêm vào đó, thổ nhưỡng ở đây rất phù hợp để phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Nhất là các loại cây ăn trái như măng cụt, bưởi da xanh, quýt, chôm chôm, chuối…Đặc biệt thương hiệu sầu riêng cơm vàng hạt lép Khánh Sơn có chất lượng đặc sắc, được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp chứng nhận sở hữu nhãn hiệu vào tháng 3/2011.

 Theo UBND huyện Khánh Sơn, hiện trên địa bàn huyện đã phát triển vùng trồng và sản xuất cây ăn quả tập trung của tỉnh với diện tích lên đến 3.150 ha. Trong đó cây sầu riêng 1.731ha; chuối 780ha, bưởi 343ha; chôm chôm 70ha; quýt 38ha…Dự kiến vào cuối tháng 7 đến đầu tháng 8/2021, tổng sản lượng các loại cây ăn quả thu hoạch đạt trên 7.100 tấn. Cụ thể, sầu riêng 6.240 tấn, chuối 700 tấn, bưởi da xanh 60 tấn, măng cụt 30 tấn, chôm chôm 30 tấn, mít 20 tấn, quýt 20 tấn.

Sầu riêng Khánh Sơn cơm vàng, hạt lép. Ảnh: KS.

Sầu riêng Khánh Sơn cơm vàng, hạt lép. Ảnh: KS.

 Hiện giá thu mua các loại nông sản trái cây trên địa bàn huyện như sầu riêng Ri6 là 35.000đ/kg, sầu riêng Moonthong là 45.000đ/kg; bưởi 15.000đ/kg; chôm chôm 20.000đ/kg; măng cụt 45.000đ/kg; quýt 15.000đ/kg; chuối 4.000đ/kg. Tuy nhiên do ảnh hưởng dịch bệnh Covid -19 nên hiện hoạt động giao thương, thu mua nông sản có phần hạn chế, nên sức thu mua, tiêu thụ nông sản sụt giảm, giá cả đang có xu hướng giảm theo. Từ đó sẽ ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống bà con nông dân trên địa bàn huyện.

 Trước tình hình trên để kịp thời hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông sản trái cây cho nông dân, UBND huyện Khánh Sơn đã chủ động xây dựng phương án, đề ra các giải pháp giúp người dân tiêu thụ. Cụ thể, huyện cho đăng ký tham gia xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm sầu riêng Khánh Sơn đạt tiêu chuẩn VietGap, OCOP với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, với tổng sản lượng khoảng 3.750 tấn, tương ứng 287ha. Đồng thời triển khai các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, đặc biệt là các sản phẩm sầu riêng được chứng nhận VietGap, OCOP...

Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên nông dân lo lắng đầu ra sầu riêng. Ảnh: KS.

Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên nông dân lo lắng đầu ra sầu riêng. Ảnh: KS.

 Theo ông Nguyễn Văn Nhuận, Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, trong thời gian tới huyện sẽ tiếp tục kêu gọi, vận động các doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh tham gia liên kết với các hợp tác xã, tổ hợp tác và người nông dân trên địa bàn để sản xuất và tiêu thụ ổn định đầu ra nông sản. Vận động bà con các nhà vườn sớm thực hiện chốt giá bán tại vườn đối với các đơn vị thu mua ngay đầu vụ thu hoạch để đạt được giá bán cao, tránh tình trạng giảm giá khi đến vụ thu hoạch đại trà.

 Mở rộng kết nối, tiêu thụ sầu riêng

 Bên cạnh đó, UBND huyện Khánh Sơn cũng đã kiến nghị UBND tỉnh Khánh Hòa quan tâm, chỉ đạo và tạo điều kiện hỗ trợ, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, nhất là sản phẩm sầu riêng sắp thu hoạch.

 Tại cuộc họp trực tuyến tìm giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ nông sản của huyện Khánh Sơn trong tình hình dịch Covid-19 phức tạp, mới đây UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo các Sở ngành kết nối, hỗ trợ tiêu thụ nông sản, trong đó có sầu riêng Khánh Sơn.

Hiện tỉnh Khánh Hòa cung cấp danh sách cơ sở sản xuất, kinh doanh sầu riêng để kết nối, tiêu thụ sầu sản phẩm. Ảnh: KS.

Hiện tỉnh Khánh Hòa cung cấp danh sách cơ sở sản xuất, kinh doanh sầu riêng để kết nối, tiêu thụ sầu sản phẩm. Ảnh: KS.

 Sau đó, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN-PTNT, UBND huyện Khánh Sơn đã phối hợp Sở Công Thương cung cấp danh sách cơ sở sản xuất, kinh doanh sầu riêng đề nghị Vụ Thị trường trong nước, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, các siêu thị, doanh nghiệp phân phối hỗ trợ giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm sầu riêng Khánh Sơn.

 Về phía ngành nông nghiệp cũng đã chỉ đạo phòng ban chuyên môn phối hợp với địa phương triển khai tư vấn, hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác đã được chứng nhận VietGAP trong việc duy trì giấy chứng nhận đã được cấp, duy trì nhật ký sản xuất và lẫy mẫu giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm….

Hiện huyện Khánh Sơn có khoảng 287,5ha sầu riêng được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: KS.

Hiện huyện Khánh Sơn có khoảng 287,5ha sầu riêng được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: KS.

 Ông Chu Đức Hùng, Trưởng phòng Chế biến thương mại nông thủy sản, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và thủy sản Khánh Hòa, cho biết, hiện trên địa bàn huyện Khánh Sơn có khoảng 287,5ha sầu riêng được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP. Để quảng bá sản phẩm, Chi cục đã có văn bản gửi các Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản các tỉnh giới thiệu các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng các tỉnh để có kế hoạch liên kết, tiêu thụ trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Chi cục cũng đang phối hợp với Sở Công thương tổ chức vận động các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn hỗ trợ tiêu thụ nông sản thực phẩm.

 “Để hỗ trợ, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sản đang vào dịp thu hoạch, Chi cục tiếp tục phối hợp với UBND các địa phương trong tỉnh và Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản các tỉnh thống kê các cơ sở thu gom nông thủy sản trên địa bàn các tỉnh, các doanh nghiệp tại các tỉnh đến đặt vấn đề liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Từ đó phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện vận chuyển hàng hóa trong điều kiện dịch Covid-19”, ông Hùng chia sẻ.

Bên cạnh đó, Chi cục tiếp tục phối hợp với Sở Công thương vận động các đơn vị bán lẻ, các cơ sở kinh doanh như siêu thị Co.opmark, siêu thị Bách Hóa Xanh, Megar Market…trên địa bàn trong việc liên kết, tiêu thụ các sản phẩm nông sản của tỉnh qua đó tạo kênh tiêu thụ trong nước ổn định cho các sản phẩm. Cùng với đó phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan tiếp tục tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các hộ trồng trọt, nuôi trồng thủy sản trong việc trồng trọt, nuôi trồng thủy sản đúng theo quy định, hướng dẫn kê khai, đăng ký đầy đủ thông tin với cơ quan quản lý. Cũng như phối hợp với các cơ quan, đơn vị tập trung triển khai Đề án phát triển chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh Khánh Hòa.

Xem thêm
Tiêu thụ điện lập kỷ lục mới trong những ngày đầu nghỉ lễ

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sản lượng tiêu thụ điện ngày cả nước và công suất cực đại hệ thống điện đã đạt kỷ lục mới.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Chọn nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm’, Dabaco đặt kế hoạch lợi nhuận 729 tỷ đồng

Trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới và trong nước nhiều biến động khó lường, cùng mục xuyên suốt là 3F, năm 2024 Dabaco sẽ chọn lựa nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm'.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.

Bình luận mới nhất