| Hotline: 0983.970.780

Kết quả thẩm định chỉ ra hàng loạt sai phạm đóng tàu vỏ thép 67

Thứ Sáu 23/06/2017 , 07:15 (GMT+7)

Chiều 22/6, Sở NN-PTNT Bình Định tổ chức cuộc họp để báo cáo kết quả thẩm định chất lượng 18 tàu cá vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 trên địa bàn tỉnh.

19-07-33_1
Ông Phan Trọng Hổ, GĐ Sở NN-PTNT Bình Định chủ trì cuộc họp

Về phía Bộ NN-PTNT có ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản và ông Đào Hồng Đức, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm tàu cá thuộc Tổng cục Thủy sản tham dự. Ngoài ra, cuộc họp còn có các đơn vị liên quan, lãnh đạo 4 huyện có tham gia đóng tàu 67 cùng 18 ngư dân là chủ tàu có đơn kiến nghị phản ánh tàu vỏ thép kém chất lượng.
 

Nhiều sai phạm

Mở đầu cuộc họp, ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, Tổ trưởng Tổ thẩm định chất lượng tàu vỏ thép, báo cáo kết quả thẩm định. Sau khi kiểm tra tại hiện trường 17 tàu, tổ công tác nhận thấy: Có 12 tàu phần vỏ tàu bị gỉ sét tự nhiên, một số vị trí mặt boong gỉ sét nhiều hơn; có 5 con phần vỏ tàu, mặt boong, cabin, trang thiết bị trên boong tàu gỉ sét nặng, bong tróc, xuống cấp trầm trọng. Kết quả thí nghiệm thép, tổ kiểm định xác định: Có 5 tàu do Cty TNHH Đại Nguyên Dương đóng có nguồn gốc xuất xứ thép từ Trung Quốc và 12 tàu do Cty TNHH MTV Nam Triệu đóng có nguồn gốc xuất xứ thép từ Hàn Quốc.

Về máy, có 9 máy chính hiệu Mitsubishi MPTA các chi tiết không đồng bộ gồm: Bộ sinh hàn giải nhiệt khí bằng nước ngọt, bơm nước biển gắn ngoài, hệ thống ống dẫn giải nhiệt đã gia công lại, bộ sinh hàn nước biển thay thế chỉ giải nhiệt nước ngọt. Các chi tiết trên đi kèm với động cơ không đồng bộ và không phù hợp với nguyên tắc hoạt động loại máy thủy chính hãng. Hãng Mitsubishi đã có văn bản xác nhận không sản xuất động cơ có Model và công suất như ghi trên decal máy. Hầu hết các máy chính này đều hoạt động không ổn định...

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng những chiếc máy “dởm” được lắp vào tàu của ngư dân như kết luận kiểm định nêu ra là do có “lỗ hổng” từ đơn vị đăng kiểm. Tổ kiểm định của Bình Định cho rằng, trong quá trình kiểm tra tại hiện trường máy trước khi lắp đặt và sau khi lắp đặt máy, các đăng kiểm viên đã không kiểm tra kỹ chứng nhận nguồn gốc xuất xứ (CO), chứng nhận chất lượng (CQ), chứng nhận thí nghiệm máy (ETR) của nơi SX và không quan sát kỹ các chi tiết không đồng bộ với máy thủy, như: Bộ sinh hàn giải nhiệt khí bằng nước ngọt, bơm nước biển gắn ngoài, hệ thống ống dẫn giải nhiệt gia công, bộ sinh hàn nước biển thay thế chỉ giải nhiệt nước ngọt...

19-07-33_2
Ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản phát biểu tại cuộc hộ

Tại cuộc họp, hàng chục ngư dân có dịp “kể khổ” về những hư hỏng của con tàu của mình. Liền sau đó, cuộc họp bỗng “nóng” lên khi cánh phóng viên được chủ tọa cuộc họp, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, cho đặt câu hỏi. Nhiều câu hỏi về trách nhiệm của đăng kiểm viên khi đã để xảy ra sai sót. Ông Đào Hồng Đức, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm tàu cá, thừa nhận: “Đơn vị đăng kiểm là cơ quan kiểm tra an toàn về mặt kỹ thuật. Thế nhưng để xảy ra trường hợp có những chiếc tàu vỏ thép kém chất lượng, trong đó có trách nhiệm của cơ quan đăng kiểm”.

19-07-33_3_2
Ông Đào Hồng Đức, GĐ Trung tâm đăng kiểm tàu cá trả lời các câu hỏi của PV

Trả lời vì sao đăng kiểm viên không phát hiện ra máy bộ giả máy thủy, ông Đức cho rằng: “Các đăng kiểm viên chỉ kiểm tra hồ sơ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là căn cứ vào kết quả giám định của đơn vị định độc lập rằng đó là những máy thủy 100%, chứ không kiểm tra chi tiết nên không phát hiện ra”.
 

Làm rõ chuyện bán máy “dởm” của Cty Hoàng Gia Phát

Xoay qua vị đại diện Cty Nam Triệu, đơn vị đã lắp những chiếc máy không chính hãng Mitsubishi, không đồng bộ cho tàu ngư dân, các phóng viên đặt câu hỏi: “Có phải công ty đã mua những chiếc máy trôi nổi, không chính hãng để lắp cho tàu vỏ thép?”. Ông Bùi Hữu Hùng, Phó Tổng Giám đốc Cty TNHH MTV Nam Triệu, cam kết: “Chúng tôi đã hợp đồng mua máy thủy chính hãng hiệu Mitsubishi 100% của Cty TNHH TM XNK Hoàng Gia Phát”.Trong khi trước đó, đại diện Cty Hoàng Gia Phát từng cho báo chí biết rằng, Cty Nam Triệu đã ký hợp đồng mua máy bộ nên họ cung cấp đúng như thế. Trả lời thắc mắc này của phóng viên, ông Hùng lại một lần nữa khẳng định là Cty Nam Triệu hợp đồng mua máy thủy Mitsubishi chính hãng 100%. “Hiện Cty Nam Triệu đang thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Hậu cần (Bộ Công an) làm rõ chuyện bán máy thủy “dởm” của Cty Hoàng Gia Phát”, ông Hùng nói.

Để khắc phục hậu quả, Sở NN-PTNT Bình Định đề nghị Cty TNHH MTV Nam Triệu phải thay mới toàn bộ 10 máy chính Mitsubishi không đồng bộ gồm 5 máy S6R2-MPTA và 5 máy S6R, đồng thời thay mới máy chính hiệu Doosan cho ngư dân Trần Đình Sơn. Đề nghị Cty Nam Triệu và Cty TNHH Đại Nguyên Dương phải làm sạch bề mặt và sơn lại một phần hoặc toàn bộ những tàu bị gỉ sét. Nếu các tàu kiểm tra các phần tôn vỏ không đạt thép cấp A thì phải kiểm tra và đánh giá lại toàn tàu, thay thế lại các phần tôn vỏ không đạt thép cấp A. Các vỏ tàu đã thay thế thép Trung Quốc nhưng đảm bảo thép cấp A, nếu giữa chủ tàu và cơ sở đồng ý thì cơ sở đóng tàu phải trả lại chênh lệch giá thép Hàn Quốc hoặc Nhật Bản so với thép Trung Quốc cho chủ tàu. Đề nghị tiếp tục trưng cầu giám định và tham khảo tài liệu, ý kiến của các cơ quan chức năng liên quan đến các mẫu thép có 4 thành phần hóa học (C, Si, P, S) đạt theo chuẩn của thép A, 1 thành phần hóa học Mn không đạt theo tiêu chuẩn loại thép thường cấp A theo QCVN 21:2010/BGTVT để có kết luận chính xác.

“Ngoài ra, các địa phương cần thống kê những thất thu của các con tàu nằm bờ bấy lâu nay chờ sửa chữa để báo cáo lên UBND tỉnh, đề nghị tỉnh yêu cầu các đơn vị đóng tàu bồi thường cho ngư dân khoản này”, ông Phan Trọng Hổ tuyên bố.
 

Báo cáo Chính phủ

Trong cuộc họp, ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, chia sẻ những mất mát, thiệt hại mà 18 ngư dân là chủ những tàu vỏ thép kém chất lượng phải gánh chịu trong thời gian vừa qua. Ông Oai khuyến cáo ngư dân, trong thời gian tới, khi các đơn vị đóng tàu sửa chữa những hư hỏng tàu của mình, nếu ngư dân không đủ trình độ giám sát thì phải thuê giám sát, khoản chi phí này sẽ được tính vào dự toán vay đóng tàu theo Nghị định 67.

19-07-33_4
Ông Bùi Hữu Hùng, Phó Tổng GĐ Cty Nam Triệu đứng giữa “vòng vây” của phóng viên

“Bộ NN-PTNT đã tạm đình chỉ 2 công ty đóng tàu Đại Nguyên Dương và Nam Triệu, không cho 2 đơn vị này nhận đóng mới thêm tàu vỏ thép theo Nghị định 67 cho đến khi khắc phục xong những tàu hư hỏng tại Bình Định”, ông Oai cho biết.

Cũng theo ông Oai, quan điểm của Bộ NN-PTNT là các đơn vị đóng tàu phải khắc phục triệt để các lỗi đã vi phạm theo hợp đồng, đồng thời bồi hoàn thiệt hại về thu nhập cho chủ tàu do tàu bị hư hỏng không đi khai thác được.

“UBND tỉnh Bình Định cần khẩn trương đưa ra kết luận về các lỗi hư hỏng các con tàu, làm rõ trách nhiệm của cơ sở đóng tàu và các bên liên quan. Sau buổi họp hôm nay, Sở NN-PTNT hoàn thiện nhanh báo cáo để trình UBND tỉnh, để UBND tỉnh Bình Định báo cáo với Bộ NN-PTNT, sau đó Bộ NN-PTNT tổng hợp báo cáo lên Chính phủ”, ông Oai đề nghị.

Tại cuộc họp, PV NNVN đã đặt câu hỏi với đại diện Ngân hàng BIDV Chi nhánh Phú Tài về phản ánh của một số chủ tàu về việc BIDV phòng giao dịch huyện Hoài Nhơn đã kiêm luôn việc chỉ định đơn vị đóng tàu. Trả lời câu hỏi này, ông Lê Bá Duy, Phó Giám đốc BIDV Chi nhánh Phú Tài chỉ nói gọn lỏn: “Theo quy chế của cơ quan tôi không có quyền phát ngôn”, thế rồi ông Duy đi xuống trước sự ngỡ ngàng của cả hội trường.

 

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.