Trong chuyến công tác vào Bình Định kiểm tra những tàu cá vỏ thép đóng mới theo NĐ 67 bị hư hỏng, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám đã phải thốt lên: “Không hiểu vì sao cả 18 tàu hỏng đều dồn hết về Bình Định, đều tập trung vào 2 đơn vị đóng tàu Đại Nguyên Dương và Nam Triệu, tất cả các trường hợp đều vay vốn từ Ngân hàng Đầu tư và phát triển VN (BIDV)?”.
Những chiếc tàu ngư dân vay tiền từ BIDV do Cty Nam Triệu đóng đã hư hỏng nằm bờ tại Cảng cá Đề Gi (huyện Phù Cát, Bình Định) |
Lần dò theo nghi vấn của Thứ trưởng Vũ Văn Tám, PV NNVN đã có những cuộc trò chuyện với ngư dân và ngành chức năng các cấp để tìm hiểu phía sau đấy là gì.
200 hồ sơ còn bị ngân hàng “ngâm”
Trao đổi với PV NNVN, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, lắc đầu ngao ngán: “Trong quá trình thực hiện NĐ 67 trên địa bàn, riêng chuyện này tôi đã phải đau đầu nhức óc. Phần phải ra sức năn nỉ các ngân hàng tham gia cho ngư dân vay đóng tàu vỏ thép 67, phần thì năn nỉ ngư dân dù thủ tục có nhiêu khê đến mấy cũng phải ráng đeo bám các ngân hàng, để vay được vốn đóng tàu vỏ thép đi đánh bắt cho yên tâm, thế nhưng kết quả chưa ra làm sao cả!”.
Theo ông Trần Châu, dù can thiệp quyết liệt là vậy, nhưng hiện nay ở Bình Định chỉ mới có 56 trường hợp được vay vốn đóng tàu 67, còn lại khoảng 200 hồ sơ đã được tỉnh phê duyệt nhưng chưa cầm được đồng tiền của ngân hàng. “Sở dĩ tiến độ đóng tàu vỏ thép theo NĐ 67 trên địa bàn chưa đạt được như mong muốn là do các ngân hàng đưa ra muôn thứ lý do để làm giảm tiến độ cho vay”, ông Châu nhận định.
Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết ở huyện Hoài Nhơn, huyện trọng điểm về nghề khai thác thủy sản của Bình Định, đã được UBND tỉnh phê duyệt đến 115 hồ sơ đủ điều kiện vay tiền đóng tàu 67. Tuy nhiên, cho đến nay trên địa bàn huyện này chỉ mới đóng được 19 tàu theo NĐ 67, trong đó có 17 tàu vỏ thép và 2 tàu vỏ gỗ.
Con tàu của ngư dân Nguyễn Văn Mạnh ở huyện Phù Mỹ vay tiền từ BIDV do Cty Đại Nguyên Dương đóng đang gỉ sét nghiêm trọng |
“Trong số 19 tàu đã đóng theo NĐ 67 trên địa bàn có 16 chiếc vay vốn của BIDV, 1 chiếc vay vốn Agribank và 2 chiếc vay vốn của Ngân hàng Công thương. Hiện ở huyện Hoài Nhơn còn gần 100 hồ sơ tồn đọng, trong đó có hơn 10 hồ sơ đã hoàn tất thiết kế, đã thực hiện giao dịch với Ngân hàng BIDV suốt 5 năm qua nhưng đến nay ngư dân vẫn chưa được giải ngân. Trong quá trình thẩm định hồ sơ cho ngư dân, các ngân hàng cố tình kéo dài thời gian. Do đó, ngư dân rất khó tiếp cận với đồng vốn của ngân hàng để đóng tàu 67”, ông Ngô Thanh Thoại, chuyên viên phụ trách ngành thủy sản, Phòng Kinh tế huyện Hoài Nhơn, cho biết.
BIDV chỉ định luôn đơn vị đóng tàu?
Thật nực cười khi có chuyện ngân hàng chỉ định luôn đơn vị đóng tàu. Theo lời kể của một số ngư dân, trong quá trình giải quyết hồ sơ vay tiền đóng tàu 67 của ngư dân, BIDV phòng giao dịch huyện Hoài Nhơn lại “kiêm” thêm việc chỉ định đơn vị đóng tàu cho ngư dân. Nếu ngư dân không đồng ý, không làm theo, thì giải ngân là chuyện… trong mơ.
Đơn cử như trường hợp của ngư dân Võ Duy Khương ở thôn Ka Công, xã Hoài Hương. Ròng rã 3 năm anh Khương đeo đuổi giao dịch với BIDV phòng giao dịch huyện Hoài nhơn để vay tiền đóng tàu vỏ thép 67, nhưng đi lên đi xuống đến “mòn đàng chết cỏ” mà hồ sơ của anh Khương vẫn không được giải quyết. Nản quá, không còn hơi sức để đeo đuổi, nên anh Khương xếp hồ sơ vay vốn đóng tàu 67, tự vay tiền chịu lãi suất thương mại để đóng chiếc tàu vỏ gỗ.
“Thú thiệt với anh, tui đã có 27 năm gắn bó với biển cả, hiểu rất rõ tàu cá vỏ thép hiệu quả như thế nào trong khai thác, nên tui rất muốn được sở hữu 1 con. Vì vậy suốt 3 năm tui cố gắng đeo bám ngân hàng suốt mấy năm trời, cuối cùng đành bỏ cuộc vì nếu cứ theo nó bỏ làm bỏ ăn mà chẳng được gì”, anh Khương bộc bạch.
Theo anh Võ Duy Khương, hồ sơ vay vốn đóng tàu 67 của anh được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt trong đợt 2, vào tháng 4/2015, tổng kinh phí 16,2 tỷ đồng. Theo lời kể của Khương, trong quá trình giao dịch với Ngân hàng BIDV phòng giao dịch huyện Hoài Nhơn còn nảy sinh thêm chuyện còn nực cười hơn.
Ngư dân Võ Duy Khương, người phải bỏ cuộc vay tiền đóng tàu 67 vì không chịu nổi nhiêu khê của ngân hàng BIDV |
“Lúc cầm hồ sơ vay tiền đóng tàu 67 của tui, trưởng phòng giao dịch BIDV tại Hoài Nhơn lúc bấy giờ là ông Khánh bảo tôi là cần phải gửi vào ngân hàng khoản vốn đối ứng 1,5 tỷ đồng, để hồ sơ được giải quyết nhanh hơn. Tui mở cờ trong bụng, gửi ngay vào Ngân hàng BIDV phòng giao dịch huyện Hoài Nhơn 1,5 tỷ đồng, hầu mong việc giải quyết hồ sơ cho mình được hanh thông. Vậy nhưng qua 2 năm mà hồ sơ của tui vẫn không được giải quyết.
Mệt mỏi quá, không thể chờ được nữa, tui rút 1,5 tỷ đồng về, sau đó ra Quảng Ngãi vay thêm của 1 ngân hàng thương mại số tiền 1,5 tỷ đồng để về đóng chiếc tàu gỗ BĐ 98168 TS (810CV) với tổng kinh phí 4,7 tỷ đồng. Trong 3 chuyến biển gần đây, chuyến nào tàu BĐ 98168 TS của tui cũng kiếm được 500 triệu đồng, nếu cứ đeo bám ngân hàng để vay tiền thì đến giờ này chỉ có đói”, anh Khương tâm sự.
Trong cuộc trao đổi, anh Khương tiết lộ thêm câu chuyện khác mà theo anh là chuyện “tế nhị”, còn với tôi đây chính là chiếc chìa khóa mở ra vấn đề tôi đang muốn tìm hiểu.
“Lúc đến ngân hàng giao dịch, người đứng đầu phòng giao dịch của Ngân hàng BIDV tại huyện Hoài Nhơn khi ấy là ông Khánh buộc tui phải đóng tàu tại Cty TNHH MTV Nam Triệu. Nhưng tui không đồng ý, bởi đóng tàu ở Cty Nam Triệu kinh phí cao quá, đến hơn 19 tỷ đồng. Tui nhất quyết đóng ở Cty Việt Tiến vì ở đây chỉ có giá hơn 16 tỷ. Giảm nợ được đồng nào đỡ đồng đó, để đỡ áp lực trả nợ sau này. Sau khi tui từ chối đóng tàu tại Cty Nam Triệu theo lời đề nghị của ông Khánh, tui thấy hồ sơ của mình hầu như bị “chìm ngỉm” tại Ngân hàng BIDV”, anh Khương bộc bạch.
Sau đó, anh Khương tiếp tục giao dịch với Ngân hàng Đông Á về khoản vay để đóng tàu vỏ thép 67. Tại ngân hàng này anh Khương cũng được chỉ định phải đóng tàu tại Cty TNHH Đại Nguyên Dương. Lần này anh Khương cũng từ chối thẳng thừng. Bởi một lý do đơn giản, anh Khương đã “thẩm thấu” sự kém chất lượng về vỏ thép của những con tàu được đóng tại đơn vị này...
"Tui nghĩ không hề sai, bây giờ gặp lại những chiếc tàu vỏ thép do Cty Đại Nguyên Dương đóng, chưa được 1 năm mà tui thấy chúng gỉ sét trông như sắp phải đưa đi bán sắt vụn”, anh Khương trình bày.
“Liên quan chuyện “Ngân hàng với NĐ 67”, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, còn bày tỏ bức xúc: “Các ngân hàng thương mại cho ngư dân vay vốn để đóng tàu vỏ thép theo NĐ 67 quy định kỳ hạn trả nợ quá ngắn, có ngân hàng quy định chỉ 1 quý. Biển giả đánh bắt lúc có lúc không, do đó kỳ hạn 3 tháng trả nợ 1 lần là vượt quá khả năng của ngư dân. Nếu ngư dân không trả đúng kỳ hạn thì toàn bộ dư nợ sẽ bị chuyển sang nhóm nợ quá hạn, và như vậy thì ngư dân sẽ bị mất đứt khoảng hỗ trợ lãi suất của Nhà nước. Tôi đề nghị các ngân hàng giãn kỳ hạn trả nợ cho ngư dân đến 6 tháng, có như vậy ngư dân mới giảm được áp lực trả nợ, yên tâm bám biển làm ăn”. |