Không ngừng cập nhật công nghệ mới
Thời gian gần đây, dẫu là tỉnh nghèo nhưng Bình Định rất quan tâm đầu tư công nghệ trong lĩnh vực thủy lợi nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý và khai thác các công tình thủy lợi trên địa bàn.
Theo ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và nguồn lực của tỉnh, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào quan trắc cảnh báo thiên tai các công trình thủy lợi trên địa bàn ngày càng hoàn chỉnh.
Mạng lưới quan trắc khí trượng thủy văn được thiết lập ở các lưu vực sông hồ, hồ chứa nước lớn; bản đồ rủi ro từng loại hình thiên tai được xây dựng ngày càng chi tiết, đảm bảo cung cấp kịp thời thông tin tham mưu phục vụ lãnh đạo các cấp chỉ đạo điều hành.
Đặc biệt, tại hồ Định Bình, hồ chứa có dung tích lớn nhất tỉnh Bình Định với 226 triệu m3 nước, Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định đã lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống camera giám sát 12 cửa tràn và 4 trạm đo mưa tự động.
Theo ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch Công ty TNHH Khai thác công tình thủy lợi Bình Định, các trang thiết bị hiện đại đã giúp đơn vị quản lý hồ Định Bình thực hiện chính xác hơn nhiệm vụ vận hành công trình. Hơn nữa, các trang thiết bị hiện đại cũng đã giúp việc kiểm tra, giám sát lượng mưa, lượng nước đến cũng thuận lợi hơn.
“Các thông số thu thập được rất quan trọng, đó là cơ sở để chúng tôi báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo điều tiết nước trong từng thời điểm cụ thể, sao cho phù hợp với tình hình thực tế.
Chúng tôi cử cán bộ túc trực 24/24 giờ tại công trình để quan trắc, vận hành và thực hiện báo cáo tất cả các yếu tố liên quan đến hồ Định Bình cho cấp trên xem xét, chỉ đạo đúng theo quy định”, ông Nguyễn Văn Phú chia sẻ.
Cũng theo ông Phú, Công ty TNHH KTCTTL Bình Định, trong thời gian qua, đươn vị này đã phối hợp với Tập đoàn Điện lực Kyushu (Nhật Bản) ứng dụng thử nghiệm hệ thống phần mềm điều khiển dòng chảy HNT, nhằm hỗ trợ công tác vận hành, quản lý hồ chứa nước Định Bình trong mùa mưa lũ.
Hệ thống phần mềm này có 4 mô-đum chứa nhiều chức năng quan trọng, có thể tính được lưu lượng nước đến hồ trong mùa mưa lũ, lưu lượng xả tràn qua đập, biểu đồ theo dõi dòng chảy, dự báo lượng mưa ngắn hạn trong lưu vực hồ…
“Với công nghệ Tập đoàn Điện lực Kyushu, dự báo mưa sẽ được báo chính xác từng ngày trên lưu vực hồ Định Bình. Do đó, ngành chức năng sẽ biết lượng nước về hồ trong thời gian tới là bao nhiêu để điều tiết”, ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, chia sẻ.
Hiêụ quả thiết thực
Cũng theo ông Chương, hiện Bình Định lắp đặt gần 100 trạm đo mưa tự động, trong đó 30 trạm đo mưa tự động chuyên dùng phục vụ phòng chống thiên tai, 600 trạm quan trắc lũ cộng đồng và các trạm quan trắc mực nước ở các hồ chứa. Các trạm đo mưa này sẽ cho ngành chức năng biết cụ thể định lượng mưa và dự báo lượng nước đến trong các hồ chứa, từ đó, ngành chức năng tính toàn để có điều tiết phù hợp.
“Các trạm đo mưa giúp cho ngành chức năng quản lý nước tưới tốt hơn. Bởi, các đơn vị quản lý hồ chứa sẽ nắm bắt được chính xác mực nước hồ trong từng thời điểm để điều tiết. Trước đây, các đơn vị quản lý hồ cứ 15 phút phải ra đo mực nước hồ 1 lần, rồi ghi chép để báo về công ty, sau đó công ty mới bào về Chi cục Thủy lợi tỉnh để lên phương án điều tiết nước tưới.
Giờ cán bộ của đơn vị quản lý hồ cứ ngồi một chỗ nhưng thông tin cứ 15 phút cập nhật về máy chủ 1 lần, không cần báo cáo nhưng cơ quan chủ quản vẫn nắm bắt được tình hình mực nước thực tế của hồ chứa. Đặc biệt, với công nghệ này, cơ quan chủ quản sẽ nắm bắt được lượng nước trên địa bàn còn bao nhiêu để chủ động điều tiết. Ngoài ra, còn nắm bắt được hệ thống tưới nào đang phung phí nước tưới để cảnh báo, điều chỉnh”, ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, cho hay.
“Hiện hợp đồng giữa Công ty TNHH KTCTTL Bình Định với Tập đoàn Điện lực Kyushu (Nhật Bản) đã qua thời gian vận hành thử nghiệm miễn phí phần mềm điều khiển dòng chảy HNT trong công tác vận hành, quản lý hồ chứa nước Định Bình trong mùa mưa lũ.
Do vận hành công nghệ này trong những năm qua cho thấy hiệu quả, nên Sở NN-PTNT đang phối hợp với Ban quản lý Dự án nông nghiệp tỉnh đưa vào Dự án Phát triển ứng phó biến đổi khí hậu vùng đồng bào dân tộc thiểu số để mua phần mềm nói trên vận hành cho hồ Định Bình”, ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định.
"Hiện Bình Định đã xây dựng được bản đồ ngập lụt do bão mạnh, siêu bão và lập kế hoạch quản lý lũ tổng hợp hạ lưu lưu vực sông Kôn-Hà thanh giai đoạn 2 và triển khai thực hiện nhằm chủ động chỉ huy, điều hành phòng chống mưa lớn, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất giảm thiệt hại về người và tài sản của người dân", ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định.