| Hotline: 0983.970.780

Khai thác 'mỏ vàng' từ chất thải chăn nuôi: 26 triệu con lợn thịt thải hơn 300 tỷ lít nước bẩn

Thứ Ba 07/05/2019 , 10:15 (GMT+7)

Trong nhiều năm qua, TS. Nguyễn Thế Hinh, Phó Giám đốc Ban Quản lý các dự án nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) và các cộng sự đã dầy công nghiên cứu những bất cập của ngành chăn nuôi Việt Nam, từ đó đưa ra những giải pháp căn cơ và hiệu quả, nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.

LTS: Tư duy chăn nuôi lợn của đại bộ phận nông dân Việt Nam đang đi ngược với xu hướng của các nước phát triển. Đã đến lúc, chúng ta phải từ bỏ thói quen chăn nuôi lãng phí nguồn nước, phát triển kinh tế bất chấp sự tổn hại đến môi trường.

Nhằm thay đổi nhận thức của người chăn nuôi, NNVN phối hợp với Ban Quản lý dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp Trung ương mở chuyên mục "Quản lý chất thải chăn nuôi tổng hợp", hướng tới sản xuất sạch, thân thiện với môi trường.
 

Lãng phí tài nguyên nước vô cùng!

Trong số các loài vật nuôi, chăn nuôi lợn thịt là nguồn gây ô nhiễm nghiêm trọng nhất do người dân sử dụng nhiều nước để làm vệ sinh và làm mát cho lợn.

nh-chup-mn-hinh-2019-05-01-luc-081255115809784
Theo phương thức chăn nuôi truyền thống, mỗi con lợn tốn từ 30 - 35 lít nước/ngày

Theo điều tra của dự án Hỗ trợ Nông nghiệp các bon thấp (LCASP) năm 2015, trung bình người dân sử dụng khoảng 30 lít nước/đầu lợn/ngày. Cá biệt có nhiều hộ ở đồng bằng sông Cửu Long sử dụng đến trên 60 lít nước/đầu lợn/ngày dẫn đến nhiều kênh rạch bị ô nhiễm nghiêm trọng do chất thải chăn nuôi. Như vậy, mỗi năm chăn nuôi lợn thải ra môi trường trên 300 triệu m3 nước thải.

Trong khi đó, nhiều nước phát triển trên thế giới như Đan Mạch, Hà Lan, Đức, Mỹ... sử dụng rất ít nước trong chăn nuôi lợn (khoảng 6 – 10 lít nước/ngày). Lượng nước sử dụng chủ yếu là nước uống.

Theo điều tra của LCASP, trung bình một ngày lượng nước thải ra môi trường do chăn nuôi một con lợn thịt vào khoảng 2 lít nước tiểu, 20 lít nước làm mát và 10 lít nước vệ sinh chuồng trại. Lượng nước này sẽ hòa lẫn với khoảng 2kg phân (tỷ lệ 20% chất khô).

Từ đó, TS. Nguyễn Thế Hinh và các cộng sự đưa ra những đề xuất xây dựng Chương trình quản lý chất thải chăn nuôi tổng hợp (IWM – Integrated Waste Management) nhằm mục tiêu thay đổi nhận thức và hành vi của người dân về tiết kiệm nước trong chăn nuôi và áp dụng các công nghệ quản lý chất thải chăn nuôi tổng hợp theo hướng vừa giúp bảo vệ môi trường, vừa tăng cường tái sử dụng nguồn chất thải chăn nuôi làm phân bón hữu cơ và năng lượng sinh học.

Như vậy, trong nước xả chăn nuôi lợn sẽ có khoảng 1,25% chất khô. Do lượng nước thải chăn nuôi lợn ở nước ta có hàm lượng chất khô rất thấp nên rất khó sử dụng và xử lý. Đó là sự lãng phí tài nguyên vô cùng lớn.
 

Thiệt hại kép

Vì sao nước thải chăn nuôi lợn ở Việt Nam ít được sử dụng và khó quản lý nhất? Đó là vì lượng nước thải quá lớn, sử dụng cho nhu cầu uống, rửa chuồng và tắm lợn. Trong khi đó, diện tích đất canh tác xung quanh trang trại thường rất ít nên không thể sử dụng hết nước thải để tưới cho cây trồng; nước thải có mùi hôi thối, khó vận chuyển đi xa cho các mục đích trồng trọt và nuôi trồng thủy sản.

Nồng độ chất khô trong nước thải từ các chuồng trại khá thấp, dẫn đến khó áp dụng các công nghệ tách ép phân hiện đang ứng dụng phổ biến ở các nước phát triển;

Hiện nay, nhà nước chưa ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn cho phép tái sử dụng nước thải chăn nuôi cho mục đích trồng trọt dẫn đến nhiều trang trại không có tiềm lực để đầu tư những hệ thống xử lý nước thải chăn nuôi thật sạch, nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn xả thải hiện hành như QCVN 62 và QCVN 08 của Bộ Tài nguyên - Môi trường.

Hiện trạng này đang gây nên tình trạng lãng phí kép và ô nhiễm kép trong quản lý chất thải chăn nuôi. Cụ thể, trong khi nguồn chất thải chăn nuôi quý giá không được tái sử dụng cho ngành trồng trọt thì hằng năm Việt Nam phải nhập hàng tỷ USD phân bón hóa học về để bón cho cây trồng.

Nguồn chất thải chăn nuôi không được sử dụng xả xuống nguồn nước gây ô nhiễm và khoảng 50% phân bón hóa học khi bón xuống đất bị rửa trôi xuống nguồn nước gây ô nhiễm; càng sử dụng nhiều phân bón hóa học, đất đai càng bị chai và lượng phân bón hóa học bị rửa trôi càng lớn.

Hậu họa từ ô nhiễm

Ô nhiễm môi trường đã làm phát sinh dịch bệnh, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả chăn nuôi.

Từ năm 1997 đến nay, dịch lở mồm long móng trên gia súc đã diễn ra thường xuyên và đến nay chưa được khống chế triệt để.

Từ đầu năm 2007 đã bùng phát hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản (bệnh tai xanh - PSSR) trên lợn, gây tổn thất lớn cho ngành chăn nuôi, gây mất an toàn thực phẩm và còn có nguy cơ lây nhiễm sang người nguy hiểm không kém bệnh cúm gia cầm, bệnh lở mồm, long móng.

Và mới đây nhất, đầu năm 2019, dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện ở hơn 20 tỉnh, thành, gây thiệt hại không nhỏ cho người chăn nuôi.

Đồng Thái

 

Xem thêm
Cây dâu khỏa lấp cây tiêu ở vùng biên

BÌNH PHƯỚC Từng là thủ phủ hồ tiêu của tỉnh Bình Phước, sau thời kỳ hồ tiêu suy thoái, mô hình trồng dâu nuôi tằm đã mở ra hướng đi mới cho người dân nơi đây.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Xử lý triệt đề gian lận trong quản lý mã số vùng trồng dừa

Một trong những vấn đề cần giải quyết triệt để hiện nay là tình trạng mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong ngành dừa và nông sản.