| Hotline: 0983.970.780

Khai thác 'nước chết' chống hạn

Thứ Sáu 23/09/2016 , 13:15 (GMT+7)

Thời điểm căng thẳng nhất của đợt nắng hạn năm 2016 tại các huyện khu vực phía nam tỉnh Hà Tĩnh có đến hàng nghìn ha lúa thiếu nước, trong khi đó, các huyện phía bắc và phía tây lại được hồi sinh nhờ khai thác tốt mực “nước chết” tại các hồ đập.

dscf4340104806342
Ông Trần Quốc Hùng, Giám đốc Cty Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh, cho biết để khai thác “nước chết” chống hạn hiệu quả cần nắm được địa bàn tưới và thực lực tưới của công trình

 

Vụ HT năm nay tiếp tục là một vụ sản xuất khó khăn đối với nông dân Hà Tĩnh. Ảnh hưởng của đợt rét đầu vụ ĐX khiến thời vụ HT bị chậm trên dưới 15 ngày dẫn đến thu hoạch chạy lũ cuối vụ càng cấp tập.

Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, hiện một số diện tích lúa đang bắt đầu cho thu hoạch với tín hiệu thêm một vụ mùa bội thu.

“Để vượt qua được giai đoạn mấy tháng liền nắng nóng liên tục, đảm bảo lúa sinh trưởng phát triển tốt, hệ thống hồ đập thủy lợi phục vụ tưới chống hạn đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Chúng tôi ghi nhận đánh giá rất cao những sáng tạo trong quá trình vận hành “nước chết” chống hạn của Cty TNHH MTV thủy lợi Bắc Hà Tĩnh”, ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Tĩnh nói.

Đầu vụ ĐX 2015 - 2016 mực nước đo tại các hồ đập do Cty quản lý chỉ đạt 50 - 60%. Trong quá trình điều tiết tưới dù rất tiết kiệm nhưng do lượng mưa trung bình thấp hơn cùng kỳ nhiều năm, nắng hạn gay gắt nên đầu vụ HT 2016 mực nước tại các hồ đập chỉ còn 20 - 40%; trong đó một số hồ lớn như Vực Trống, Cu Lây, Khe Hao, phục vụ tưới cho gần 3.000ha lúa ở 10 xã của huyện Can Lộc cũng chỉ đạt 25 - 30% so với thiết kế, do đó có đến 1.500ha lúa có nguy cơ gặp hạn.

Ngoài mực nước trong hồ đạt thấp, mực nước tại trạm bơm Linh Cảm có thời điểm giảm xuống -1,2m; tại kênh trục sông Nghèn xuống cốt 0 nên các trạm bơm không thể bơm tưới chống hạn.

“Chúng tôi phải tranh thủ huy động tối đa các máy bơm dã chiến để lấy nước từ các sông suối bổ sung cho hồ đập, trạm bơm bơm cứu lúa. Như trạm bơm Linh Cảm, trước Cty chỉ bơm giờ thấp điểm để tiết kiệm kinh phí nhưng vụ HT năm nay Cty huy động 6/6 máy bơm dã chiến bơm 24/24h để chống hạn”, ông Trần Quốc Hùng, Giám đốc Cty Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh cho hay.

Theo ông Hùng, trước vụ sản xuất, để đảm bảo nước đến ruộng tiết kiệm, không thừa, không thiếu, Cty đã thực hiện đồng bộ các giải pháp công trình và phi công trình như ép nước, thường xuyên kiểm tra trạm bơm, kênh dẫn nước; phối hợp các địa phương nạo vét, tu sửa công trình; tuyên truyền người dân sử dụng nước tiết kiệm... Kết quả, sau gần 3 tháng chống hạn, toàn bộ diện tích Cty phục vụ tưới đảm bảo đủ nước, không có diện tích nào bị hạn.

Chia sẻ về kinh nghiệm vận hành “nước chết” chống hạn, ông Trần Quốc Hùng nói: “Để sử dụng nguồn nước hiệu quả quan trọng nhất là phải nắm được địa bàn tưới và thực lực tưới của từng công trình. Việc cân đối nguồn nước cần thực hiện từ đầu năm chứ không phải đến đầu vụ mới cân đối. Đặc biệt, khi phát hiện thiếu nước, cán bộ vận hành phải thực hiện phương châm tưới dè xẻn, “chia bữa” cho hết giáp hạt nhằm đảm bảo hồ đập không bị kiệt nước”.

Một ví dụ cụ thể, để hỗ trợ hồ Vực Trống tưới chống hạn, Cty sử dụng trạm bơm Linh Cảm và 7 máy bơm dã chiến bơm nước từ khe suối bổ sung suốt vụ HT, sau khi cấp đủ nước chăm sóc, Cty còn dự trữ được 1,5 triệu m3 nước phục vụ tưới trỗ, rất may đến thời điểm lúa trỗ gặp mưa nên không phải tưới nữa.

Hệ thống kênh trục sông Nghèn, thởi điểm nước kiệt nhất, Cty tranh thủ vận hành cống Đức Xá, cống Trung Lương để đưa nước xuống kênh trục sông Nghèn, cấp cho 180 trạm bơm, phục vụ tưới cho các huyện Lộc Hà, Can Lộc, Hồng Lĩnh, Đức Thọ và một phần Bắc Thạch Hà.

Cty Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh hiện quản lý 22 hồ chứa nước lớn nhỏ; 23 trạm bơm; 9 cống ngăn mặn, giữ ngọt phục vụ tưới cho 52.000ha của 7 huyện phía bắc và phía tây tỉnh Hà Tĩnh. Trong số 22 hồ đập do Cty quản lý đang có 4 hồ nằm trong “báo động đỏ” là Đá Bạc (thị xã Hồng Lĩnh); An Hùng (Can Lộc); Khe Dẻ, Vực Rồng (Hương Sơn) cần sửa chữa gấp.

 

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.