| Hotline: 0983.970.780

Khẩn cấp ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi: Kinh nghiệm C.P

Thứ Hai 04/03/2019 , 15:42 (GMT+7)

Trao đổi với NNVN, một chuyên gia giàu kinh nghiệm về phòng chống dịch bệnh của Cty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam cho biết: Ngay từ đầu tháng 9/2018, khi DTLCP được công bố tại Trung Quốc, C.P Việt Nam đã ngay lập tức áp dụng các biện pháp ngăn chặn nghiêm ngặt đối với dịch bệnh đặc biệt nguy hiểm này.

* Việt Nam không chỉ cần chặn dịch từ bên trong

Là bệnh virus, không có kháng sinh điều trị, lại không có vacxin phòng bệnh, bao vây khi có dịch, vì vậy, chăn nuôi an toàn sinh học, bao vây ổ dịch, triển khai các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm vẫn là giải pháp hàng đầu, duy nhất mà Cty C.P áp dụng.

16-25-21_1
Poster cấm đưa vào các sản phẩm từ thịt lợn tại cảng hàng không quốc tế của Thái Lan

Ngay từ khi Trung Quốc công bố phát hiện DTLCP, C.P đã ngay lập tức nghiên cứu, biên soạn các tài liệu tuyên truyền cho toàn bộ nhân viên trong Cty cũng như các trại chăn nuôi gia công trên toàn quốc hiểu thế nào là DTLCP, tính chất nguy hiểm, các kỹ thuật, nguyên tắc chăn nuôi an toàn sinh học để ngăn chặn xâm nhiễm... Đồng thời, thắt chặt việc tuân thủ tuyệt đối các quy trình phòng chống DTLCP đối với toàn bộ các trại chăn nuôi của Cty. Nhân viên ra vào chuồng trại phải tắm giặt qua 2 vòng sát trùng, tất cả phương tiên, dụng cụ ra vào các trại phải bắt buộc khử trùng, hoặc đưa qua tủ UV để chiếu tiệt trùng bằng tia UV. Nghiêm cấm mang bất kỳ loại thực phẩm nào từ bên ngoài vào trại; không nuôi bất kỳ động vật nào khác (chó, mèo...) trong chuồng trại; tiến hành tiêu diệt các côn trùng xâm nhập vào trại như chuột, gián, ruồi, muỗi, nhện... Đây là các giải pháp giảm thiểu nguy cơ xâm nhiễm DTLCP.

Chuyên gia này cũng cho rằng, thời gian qua, Việt Nam đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp ngăn chặn DTLCP, trong đó có việc ngừng NK thịt lợn và các sản phẩm thịt lợn từ các nước đã xuất hiện DTLCP. Đồng thời, Việt Nam cũng đã quyết liệt triển khai các biện pháp dập dịch, ngăn chặn dịch lây lan tại các ổ dịch trong nước. Tuy nhiên, cần phải tránh tư duy “đằng nào nước ta cũng đã có DTLCP rồi” mà buông lỏng kiểm soát nguồn lây lan từ các nước vào Việt Nam. Bởi việc khống chế dịch trong nước sẽ vô nghĩa nếu tiếp tục có nguồn lây lan mới vào nước ta.

Theo đó, Việt Nam không chỉ cần thiết phải cấm NK thịt lợn và các sản phẩm từ lợn từ các nước có dịch (bắt buộc phải có giấy phép NK và kiểm dịch), mà còn phải có các giải pháp cụ thể để kiểm soát triệt để các sản phẩm thịt lợn, kể cả qua chế biến như xúc xích, thịt xông khói..., bởi virus DTLCP có khả năng tồn tại trên nhiều sản phẩm thịt lợn đã chế biến. Đây là điều mà các tổ chức như Thú y Thế giới (OIE), FAO đã có khuyến cáo, cảnh báo về việc thịt lợn, kể cả các sản phẩm đã qua chế biến chín là một trong những nguyên nhân chính làm lây lan dịch bệnh. Vì vậy, cần phải có biện pháp cụ thể để kiểm soát nguy cơ lây lan theo hình thức này đối với du khách khi đến Việt Nam, nhất là đối với du khách đến từ các quốc gia đang có dịch tại các cửa khẩu, cảng hàng không quốc tế...
 

Cần phạt nặng nếu đưa sản phẩm từ thịt lợn vào Việt Nam

Kinh nghiệm của Thái Lan cho thấy, ngay sau khi DTLCP bùng lên ở Trung Quốc, nước này đã ngay lập tức triển khai các biện pháp nghiêm ngặt, không để “lọt lưới” đối với bất kỳ sản phẩm nào có nguồn gốc từ thịt lợn mà du khách mang theo tới Thái Lan, đặc biệt là du khách từ các nước đã có DTLCP. Theo đó, Thái Lan tăng cường chó nghiệp vụ để phát hiện kiểm soát đường biên giới với các nước láng giềng và các cảng hàng không quốc tế để kiểm tra các sản phẩm từ thịt lợn nhập lậu. Đồng thời, triển khai lấy mẫu ngẫu nhiên đối với sản phẩm thịt lợn NK để giám sát dịch bệnh...

16-25-21_2
Lực lượng chức năng và chó nghiệp vụ được triển khai nhằm phát hiện các sản phẩm từ thịt lợn vào Thái Lan

Các poster tuyên truyền về việc cấm và sẽ phạt nặng đối với hành vi đem theo sản phẩm từ thịt lợn đã được triển khai tại các cảng hàng không. Chó nghiệp vụ được huy động để kiểm soát kỹ hành lý của hành khách nhập cảnh vào nước này, đặc biệt là lượng khách du lịch rất đông đảo đến từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, Thái Lan cũng đã tăng cường các biện pháp lấy mẫu, phân tích để sàng lọc và phát hiện virus DTLCP đối với các trang trại chăn nuôi cũng như các sản phẩm từ lợn, nhất là sản phẩm NK... Đến thời điểm này, các biện pháp này vẫn đang được Chính phủ Thái Lan triển khai nghiêm ngặt.

Các biện pháp ngăn chặn DTLCP tương tự cũng đã được triển khai tại Đài Loan. Đặc biệt với du khách đến từ Trung Quốc, Đài Loan bắt buộc kiểm tra 100% hành lý xách tay và tăng mức phạt đối với các trường hợp không khai báo có mang sản phẩm từ thịt heo lên tới 6.486 USD...

“Việt Nam cần phải có các giải pháp tương tự để ngăn chặn nguy cơ lây lan thêm các ổ dịch mới do nguồn lây nhiễm đến từ các nước bên ngoài. Theo đó, cần phân luồng nhập cảnh riêng đối với các công dân nhập cảnh vào Việt Nam đến từ các nước đã có DTLCP; sử dụng chó nghiệp vụ để phát hiện du khách mang theo thực phẩm chế biến từ thịt lợn; có thông báo phạt nặng nếu du khách nhập cảnh vào Việt Nam mang theo thực phẩm chế biến từ thịt lợn mà không khai báo... Bên cạnh đó, công dân Việt Nam trở về từ các nước có DTLCP cũng phải áp dụng các biện pháp kiểm soát tương tự” – chuyên gia của Cty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam khuyến cáo.

Xem thêm
Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hỗ trợ vật tư cho vùng măng tây lớn nhất Ninh Thuận

NINH THUẬN 08 hộ dân thực hiện mô hình trồng thâm canh cây măng tây xanh theo hướng hữu cơ tại xã An Hải (huyện Ninh Phước) được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc BVTV...

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.