Lũ biến đổi chậm
Theo ông Văn Khánh Phỉ, dự báo viên Đài Khí tượng thuỷ văn Vĩnh Long, hiện mực nước đầu nguồn sông Cửu Long biến đổi chậm và ở mức nhỏ hơn 20 - 25% so với trung bình nhiều năm (TBNN). Tại vùng hạ lưu, trên sông Tiền tại trạm Mỹ Thuận mực nước trung bình thấp hơn TBNN cùng thời kỳ 0,25 m và cao hơn cùng kỳ năm trước.
Đài Khí tượng thuỷ văn Vĩnh Long nhận định, tuy mực nước đầu nguồn lên chậm nửa cuối tháng 8 nhưng sau đó lên nhanh. Đầu nguồn sông Cửu Long ít có khả năng xuất hiện lũ sớm. Đỉnh lũ năm trên sông Tiền tại Tân Châu và sông Hậu tại Châu Đốc ở mức báo động (BĐ) I, thấp hơn đỉnh lũ TBNN từ 0,3 – 0,8m.
Trong 6 tháng tới, mực nước cao nhất tại trạm Mỹ Thuận trên sông Tiền ảnh hưởng các đợt triều cường trên BĐ III từ 0,15 đến 0,20m, ở mức xấp xỉ năm 2020 là 2,07m. Mực nước thấp nhất tại các trạm nội đồng từ -1,50 – -1,60m.
Đỉnh lũ năm trên sông Tiền tại trạm Mỹ Thuận và các trạm nội đồng ở mức trên BĐIII, thấp hơn đỉnh lũ năm 2019. Thời gian xuất hiện đỉnh lũ năm vào nửa cuối tháng 9 đầu tháng 10.
Trong những tháng cuối năm 2021, mực nước sông Cửu Long chịu ảnh hưởng của các đợt triều cường mạnh. Mực nước cao nhất năm trên sông Tiền tại trạm Mỹ Thuận đạt trên BĐ III từ 0,10 – 0,20m và ở mức xấp xỉ cùng kì năm ngoái. Cần đề phòng triều cường gây ngập lụt sâu ở các vùng ven sông, trũng thấp.
Theo ông Lưu Nhuận, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long cho biết: Nhằm chủ động trong công tác phòng, chống, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021.
Nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch đề ra là tiếp tục triển khai thực hiện các văn bản của Trung ương và địa phương về công tác phòng, chống thiên tai. Nhất là, nâng cao chất lượng thông tin, dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai và năng lực ứng phó, xử lý khi xảy ra thiên tai để chủ động phòng, tránh giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Khẩn trương gia cố, sửa chữa, nâng cấp, duy tu các công trình thủy lợi đã xuống cấp. Đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo chất lượng xây dựng các dự án, công trình trọng điểm về phòng, chống ngập lụt, ngăn triều, sạt lở để bảo vệ dân cư và ổn định sản xuất, kinh doanh…
Tiếp tục đầu tư hệ thống thuỷ lợi vùng Nam Mang Thít
Mới đây, nhằm tăng cường công tác thuỷ lợi, ổn định sản xuất, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đã ký Quyết định số 3222/QĐ-BNN-KH về chủ trương đầu tư dự án Công trình thủy lợi vùng Nam Măng Thít với tổng mức đầu tư (dự kiến) là 1.039,2 tỉ đồng.
Dự án sẽ xây dựng mới 6 cống. Đó là các cống Bưng Trường trên kênh Bưng Trường, cống Sậy Đồn trên kênh Mây Phốp-Ngã Hậu và 4 cống nằm phía bờ Nam của sông Măng Thít. (gồm cống: Trà Ngoa, Sa Rày, Cái Cá, Mương Khai Lớn). Bên cạnh đó, dự án cũng sửa chữa, thay mới cửa cống từ tự động thành cưỡng bức cho 3 cống, gồm cống: Mỹ Văn, Rạch Rum, Nàng Âm và mở rộng cống Cái Hóp. Đồng thời, nạo vét tuyến kênh La Ghì-Trà Côn và các công trình phụ trợ.
Dự án được tổ chức thực hiện từ nay đến năm 2026. Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng thủy lợi 10 (thuộc Bộ NN-PTNT) được giao làm chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án. Hệ thống thủy lợi vùng Nam Măng Thít gồm phần lớn diện tích của tỉnh Trà Vinh và hai huyện Vũng Liêm, Trà Ôn của tỉnh Vĩnh Long được Bộ NN-PTNT đầu tư giai đoạn 1 từ năm 2000 đến 2007.
Hệ thống có nhiệm vụ kiểm soát mặn, triều cường, lấy nước và trữ nước ngọt, tiêu úng, tiêu chua, rửa phèn cho 171.626 ha đất nông nghiệp và 225.682ha đất tự nhiên (Vĩnh Long 49.020ha, tỉnh Trà Vinh 176.662ha). Bên cạnh đó, hệ thống còn kết hợp nuôi trồng thủy sản theo hướng đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp và phát triên giao thông thủy bộ tạo thành mạng lưới giao thông thủy bộ liên hoàn.