| Hotline: 0983.970.780

Khẩn trương khôi phục sản xuất vụ đông sau mưa lũ

Thứ Năm 12/10/2023 , 08:37 (GMT+7)

Đợt mưa lớn kéo dài cuối tháng 9 vừa qua đã khiến nhiều diện tích cây vụ đông của Nghệ An bị thiệt hại, phải gieo trồng lại.

Đợt mưa to gây ngập úng vừa qua, trên địa bàn Nghệ An đã có gần 3.000ha cây trồng vụ đông bị ảnh hưởng với nhiều mức độ. Sau đợt mưa lớn, nông dân tranh thủ những ngày nắng ráo khẩn trương ra đồng nạo vét lại kênh mương để tiêu thoát hết nước, dựng lại cây trồng bị đổ khi đất còn ướt, thu lượm hết những cây không còn khả năng khôi phục, tiếp tục gieo hạt giống lứa mới, tranh thủ trồng dặm những nơi có cây bị vùi dập hoặc đổ gãy không có khả năng chăm sóc lại.

Nhiều diện tích ngô tại huyện Diễn Châu bị đổ ngã do mưa lớn cuối tháng 9 vừa qua. Ảnh: Phú Hương.

Nhiều diện tích ngô tại huyện Diễn Châu bị đổ ngã do mưa lớn cuối tháng 9 vừa qua. Ảnh: Phú Hương.

Nhiều diện tích rau màu phải gieo trồng lại

Gia đình ông Nguyễn Văn Minh ở xã Quỳnh Liên (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) vụ đông này gieo trồng được 5 sào cây cà rốt. Cà rốt đã xuống giống được gần một tháng, cây nào cũng xanh tốt thì đợt mưa to kéo dài từ ngày 25 đến 28/9 vừa qua khiến nước ngập sâu toàn bộ diện tích. Trời ngừng mưa, nước rút hết, cây và lá dính đầy đất, lại gặp nắng to nên cây nào cũng thối rễ, chết, héo rũ, thiệt hại 100%. Ông Minh tâm sự: "Riêng tiền mua giống, phân bón đã mất gần 2 triệu đồng/sào, chưa kể tiền công. Thôi, mất cũng tại trời, chờ đất khô, cày bừa ngay trồng tiếp lứa mới để bán vào dịp cuối năm".

Ông Hồ Ngọc Tăng - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Liên cho biết: Quỳnh Liên là xã tổ chức triển khai sản xuất vụ đông mạnh nhất, sớm nhất của thị xã Hoàng Mai. Tính đến hết tháng 9, toàn xã đã gieo trồng được 351ha các loại cây vụ đông, trong đó có 55ha su su, 35ha cà rốt, 32ha hành, 28ha mướp, 5ha ngô, 5ha khoai lang và 181ha rau các loại. Đợt mưa lớn vừa qua đã gây ngập úng nặng trên một số diện tích, trong đó có 110ha cây rau màu các loại hư hỏng hoàn toàn. Sau khi hết mưa, trời có nắng trở lại nên 110ha nói trên đã được bà con nông dân trong xã làm lại đất và đang tiến hành gieo trồng lại.

Tại huyện Quỳnh Lưu, những ngày này, bà con nông dân đang ra đồng để thu hoạch các loại rau, củ còn có thể vớt vát được sau đợt mưa lớn cuối tháng 9, vệ sinh sạch sẽ đồng ruộng để gieo trồng tiếp lứa mới.

Nông dân huyện Diễn Châu thu hoạch vớt vát ngô non bị đổ gãy. Ảnh: Mai Giang.

Nông dân huyện Diễn Châu thu hoạch vớt vát ngô non bị đổ gãy. Ảnh: Mai Giang.

Ông Lý Văn Chuẩn ở xã Quỳnh Lương (huyện Quỳnh Lưu) cho biết, nhà ông gieo trồng được 5 sào hành sắp đến ngày thu hoạch thì bị mưa to kéo dài gây ngập úng nặng. Sau khi nước rút hết, gặp trời nắng to, cả 5 sào hành cây nào cũng héo rũ, lá vàng úa, gia đình phải vội vàng nhổ hết và tiến hành sơ chế để loại bỏ những cây dập nát, lá úa vàng, chọn lại những cây còn sử dụng được bán cho các thương lái với giá rất rẻ để bù lại phần nào chi phí đã bỏ ra.

Bà Võ Thị Bích Hằng – Trưởng phòng NN-PTNT huyện Quỳnh Lưu cho biết, đợt mưa to kéo dài vừa qua, huyện Quỳnh Lưu có gần 700ha cây vụ đông bị ngập và hư hỏng nặng không thể khôi phục lại. Hiện nay, UBND huyện đang tập trung chỉ đạo các địa phương tiếp tục gieo trồng lại vì quỹ thời gian để sản xuất vụ đông vẫn còn dài.

"Thật đáng tiếc vùng chuyên canh rau hàng hoá lớn nhất của huyện ở các xã Quỳnh Lương, Quỳnh Minh, Quỳnh Bảng… đợt mưa vừa rồi bị thiệt hại khá nặng. Riêng xã Quỳnh Lương 153ha hành lá, cà rốt, su hào, rau cải… bị hư hỏng hoàn toàn", bà Hằng cho biết.

Huyện Diễn Châu là địa phương luôn đi đầu trong việc tổ chức sản xuất vụ đông ở tỉnh Nghệ An. Ông Lê Thế Hiếu – Trưởng phòng NN-PTNT huyện cho biết, đến cuối tháng 9/2023, toàn huyện đã gieo trồng được 3.750ha cây trồng vụ đông các loại, trong đó riêng cây ngô trên 1.000ha. Đợt mưa to vừa qua đã làm thiệt hại 1.025ha cây trồng các loại, chủ yếu làm gây đổ đối với cây ngô, dập nát thân lá và thối rễ đối với rau màu, củ quả các loại.

Một số diện tích rau màu vụ đông ở Nghệ An bị ảnh hưởng do mưa lớn, nông dân phải thu hoạch non để vớt vát. Ảnh: Thanh Phúc.

Một số diện tích rau màu vụ đông ở Nghệ An bị ảnh hưởng do mưa lớn, nông dân phải thu hoạch non để vớt vát. Ảnh: Thanh Phúc.

Hiện nay, UBND huyện đã cử nhiều đoàn xuống cơ sở để nắm bắt tình hình thiệt hại, cùng chính quyền các địa phương chỉ đạo bà con nông dân thu gom hết diện tích các cây trồng bị hư hại nặng không thể khôi phục lại được, vệ sinh sạch sẽ đồng ruộng, tiếp tục gieo trồng lại các loại cây rau màu ngắn ngày càng sớm càng tốt. Riêng cây ngô chỉ gieo trồng ngô sinh khối làm thức ăn gia súc hoặc bán cho các trang trại chăn nuôi bò sữa đang có nhu cầu lớn.

Diễn Hùng (huyện Diễn Châu) là xã có diện tích ngô vụ đông được gieo trồng lên đến 200ha, trong số này có 50ha bị mưa gió làm gãy đổ, không còn khả năng chăm sóc được, bà con nông dân phải thu hoạch bắp non bán cho thương lái để bù đắp phần nào chi phí.

Bà Nguyễn Thị Thu ở xóm Ngọc Mỹ cho biết, nhà bà gieo trồng được 4 sào ngô, đợt mưa to, gió lớn vừa qua có 2 sào ngô bị gãy đổ phải thu hoạch non, còn lại 2 sào nữa tiếp tục dựng lại cây, vun gốc, với hi vọng cây ngô tiếp tục phát triển tốt.

Không để vùng bãi sông Lam bỏ hoang vụ đông

Tại huyện Nam Đàn - một trong những địa phương có diện tích cây trồng vụ đông nhiều trên đất bãi sông Lam, trong đợt mưa lũ vừa qua cũng bị thiệt hại lớn. Ông Phạm Văn Mạnh ở xóm Thiên Tân, xã Thượng Tân Lộc cho biết: Đợt mưa lũ vừa rồi đã làm một mẫu ngô nếp (5.000m2) của gia đình ông ở vùng đất bãi thấp sông Lam bị nước ngập lên đến cổ bông. Sau khi nước rút, cả nhà vội vã thu hoạch hết bắp non bán cho thương lái với giá chỉ bằng một nửa so với trước đó.

Nông dân tập trung chăm sóc cà rốt sau đợt mưa lớn. Ảnh: Thanh Phúc.

Nông dân tập trung chăm sóc cà rốt sau đợt mưa lớn. Ảnh: Thanh Phúc.

Riêng ở vùng đất bãi cao ít bị ngập lụt hơn, ông gieo trồng các giống ngô lai dài ngày năng suất cao để lấy hạt làm thức ăn chăn nuôi. Đợt mưa to, gió lớn vừa qua ngô bị đổ ngã nhiều nên khi nước rút phải tiến hành dựng lại những cây bị đổ, vun đất vào gốc khi đất còn ướt để không làm đứt hoặc gãy rễ.

Bà Bùi Thị Oanh – Trưởng phòng NN-PTNT huyện Nam Đàn cho biết, đợt mưa lũ kéo dài từ ngày 25 – 28 tháng 9 vừa rồi đã làm cho hàng trăm ha cây trồng vụ đông ở các xã vùng bãi thấp ngoài đê sông Lam như Trung Phúc Cường, Thượng Tân Lộc... bị ngập sâu trong nước.

Sau khi trời ngừng mưa, nước rút cạn dần, UBND huyện đã cử các phòng ban xuống cơ sở cùng với chính quyền các địa phương chỉ đạo bà con nông dân ra đồng dựng lại cây bị đổ ngã, chờ đất khô ráo vun lại gốc và tiếp tục chăm sóc. Với tinh thần không để một tấc đất nào hoang hoá trên bãi sông Lam, sau khi nước rút đến đâu, bà con nông dân tiếp tục gieo trồng các loại rau, củ quả ngắn ngày như su hào, bắp cải, đậu các loại đến đó.

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Nghệ An, các diện tích cây vụ đông bị thiệt hại trong đợt mưa to, gió lớn vừa qua chủ yếu ở các địa phương ven biển thuộc các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò... và các huyện có đất bãi ven sông Lam từ Hưng Nguyên lên Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương, Anh Sơn… do nguồn nước quá lớn từ thượng nguồn đổ về gây ngập úng nặng. Đến nay, các diện tích bị thiệt hại đã được khôi phục lại sản xuất, đảm bảo kịp thời vụ.

Xem thêm
Gần 3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi Quảng Ninh khôi phục tốt

3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi của Quảng Ninh, nhất là đàn gia cầm tăng mạnh, cơ bản khôi phục sản xuất so với trước bão.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.