| Hotline: 0983.970.780

Khánh Hòa: Khắc phục khuyến nghị của EC

Thứ Sáu 20/03/2020 , 10:03 (GMT+7)

Dư kiến cuối tháng 5, đầu 6/2020, đoàn công tác Ủy ban Châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam giám sát việc thực thi khuyến nghị liên quan tới “thẻ vàng” IUU.

Ông Võ Nam Thắng, PGĐ Sở NN-PTNT Khánh Hòa. Ảnh: Ngọc Thăng.

Ông Võ Nam Thắng, PGĐ Sở NN-PTNT Khánh Hòa. Ảnh: Ngọc Thăng.

Nhiều khả năng Khánh Hòa là nơi đoàn đến kiểm tra. Để tìm hiểu về công tác chuẩn bị, PV có cuộc trao đổi với ông Võ Nam Thắng, PGĐ Sở NN-PTNT Khánh Hòa.

Các khuyến nghị cơ bản đã khắc phục

Thưa ông, để có thể gỡ thẻ vàng, tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện các khuyến nghị của EC ra sao?

Khánh Hòa đã vào cuộc quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của EC về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Nhờ vậy, từ tháng 10/2018 đến nay, Khánh Hòa không có tàu cá nào vi phạm khai thác trái phép tại vùng biển nước ngoài.

4 văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá tại các cảng cá và đi vào hoạt động nề nếp.

Hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tại các cảng cá đã đi vào hoạt động ổn định. Công tác thanh tra, tuần tra kiểm tra trên biển được thực hiện thường xuyên nên vi phạm trong hoạt động khai thác thủy sản đã giảm. Hồ sơ xử lý tàu cá vi phạm được lưu trữ đầy đủ và thường xuyên cập nhật công khai trên Website của Sở NN-PTNT…

Khánh Hòa được phân bổ lắp đặt 120 máy Movimar trên các tàu cá. Thực hiện chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, đến nay đã thu hồi bàn giao máy Movimar cho Đài Thông tin duyên hải Nha Trang.

Đối với việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS), đến nay đã có 440 tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (trong đó 34/34 tàu chiều dài từ 24 mét trở lên đã lắp đặt. Qua theo dõi và thông tin từ các chủ tàu, thì thiết bị đang hoạt động ổn định, tự động báo cáo vị trí tàu theo tần suất 2h/lần, truy xuất được các dữ liệu, báo cáo theo quy định.

Đã đầu tư trang bị hệ thống máy vi tính và màn hình cỡ lớn đặt tại trạm bờ Chi cục Thủy sản đảm bảo việc theo dõi giám sát các tàu cá qua thiết bị giám sát hành trình (VMS).

Công tác kiểm soát tàu cá ra cảng, vào cảng được Ban quản lý các cảng cá, xây dựng và tổ chức thực hiện các quy trình kiểm tra giám sát tàu cá xuất nhập cảng theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017 và Thông tư số 21/2018/TT-BNNPTNT, phù hợp với điều kiện hoạt động của từng cảng.

Việc giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ tại cảng đã được tổ chức kiểm tra, giám sát sản lượng thủy sản theo thành phần loài, đối với 100% tàu bốc dỡ thủy sản tại các cảng cá.

Lập quy trình kiểm tra, giám sát sản lượng thủy sản theo thành phần loài đối với 100% tàu bốc dỡ thủy sản tại các cảng cá. Kiểm tra chặt chẽ, không cho bốc dỡ lên cảng những loài thủy sản trong “Danh mục cấm khai thác bốc dỡ tại cảng cá”.

Công tác khai báo tàu cá cập cảng, rời cảng theo quy định. Cụ thể, thuyền trưởng thông báo ít nhất trước 1 giờ khi tàu cá vào cảng và rời cảng cho Ban quản lý cảng cá. Việc thu nộp Nhật ký khai thác thủy sản của chủ tàu/thuyền trưởng tại các cảng cá trên địa bàn tỉnh được đảm bảo đúng.

Hồ sơ xác nhận, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản lưu trữ đầy đủ, có hệ thống, dễ dàng truy cập, đáp ứng được nhu cầu truy xuất nguồn gốc khi có yêu cầu.

Kiến nghị, đề xuất Trung ương và tỉnh

Nhìn chung hiện các khuyến nghị của EC, tỉnh Khánh Hòa cơ bản đã khắc phục, tuy nhiên ông còn có những kiến nghị, đề xuất gì? 

Hiện nay tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên chưa lắp đặt đầy đủ thiết bị giám sát hành trình theo lộ trình quy định của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP, đặc biệt là nhóm tàu cá hoạt động nghề lưới kéo và các tàu không tham gia khai thác vùng biển xa theo chính sách 48.

Nguyên nhân là do hoạt động khai thác thủy sản gặp nhiều khó khăn, hiệu quả kinh tế thấp như nguồn nhân lực lao động biển khan hiếm, sản lượng và giá cả sản phẩm thấp… nên nhiều chủ tàu neo bờ, chờ bán tàu. Một số khác do kinh tế khó khăn nên không lắp đặt thiết bị vì phát sinh nhiều chi phí.

Bên cạnh đó, tập quán ngư dân từ nghề cá trước đây hoạt động tự phát, không muốn bị giám sát.

Từ năm 2018 đến nay, tàu cá Khánh Hòa không vi phạm khai thác trái phép tại vùng biển nước ngoài. Ảnh: Ngọc Thăng.

Từ năm 2018 đến nay, tàu cá Khánh Hòa không vi phạm khai thác trái phép tại vùng biển nước ngoài. Ảnh: Ngọc Thăng.

Các Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá trên địa bàn tỉnh và Trạm bờ giám sát tàu cá đặt tại Chi cục Thủy sản là những công việc đặc thù, phải đảm bảo thời gian trực làm việc 24/24h, nhằm đảm bảo việc giám sát kiểm tra, kiểm soát hoạt động của tàu cá, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác...

Song do nguồn nhân lực hạn chế, nên phải bố trí cán bộ vừa thực hiện nhiệm vụ thường xuyên của đơn vị, vừa luân phiên làm việc tại các Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá trên địa bàn tỉnh và Trạm bờ giám sát tàu cá nên rất khó khăn vất vả.

Việc xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác từ các Ban Quản lý Cảng cá tỉnh ngoài còn nhiều bất cập gây ảnh hưởng đến công tác Chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác cho các doanh nghiệp trong tỉnh.

Theo khoản 4, Điều 11, Thông tư số 21/2018/TT – BNNPTNT thì thời gian tiếp nhận và giải quyết hồ sơ chứng nhận là 2 ngày. Tuy nhiên qua đối chiếu thông tin các xác nhận số liệu thủy sản khai thác từ tỉnh ngoài còn nhiều sai sót như: Sai lệch về thời hạn giấy phép, thời gian chuyến biển trùng với thời gian khai thác của tàu cá; nhật ký nhiều chỉnh sửa…

Một số tổ chức quản lý cảng cá chưa cung cấp được các giấy tờ liên quan như: giấy phép khai thác, nhật ký khai thác, tài liệu liên quan đến việc kiểm soát sản lượng qua cảng, hoặc biên bản bốc dỡ thủy sản...

Về các chuỗi liên kết khai thác, chế biến, tiêu thụ cá ngừ giữa các doanh nghiệp và ngư dân cũng gặp nhiều khó khăn. Trong năm 2019 số lượng tàu cá tham gia trong chuỗi, sản lượng giao dịch giảm, chất lượng cá ngừ đạt tiêu chuẩn hàng bay (fillet) giảm so với trước.

Trước những khó khăn trên, Sở NN-PTNT kiến nghị, đề xuất Trung ương cần sửa đổi bổ sung chính sách 48, trong đó tăng số chuyến biển được hỗ trợ trong năm (hiện tại là 4 chuyến/năm) để các tàu cá tự giác thực hiện việc mở thiết bị giám sát hành trình (24/24h).

Cũng như cần xây dựng chính sách hỗ trợ các tác nhân tham gia chuỗi liên kết cá ngừ theo Quyết định 3465/QĐ–BNNPTNT ngày 6/8/2014 của Bộ NN- PTNT phê duyệt Đề án “Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi”.

Tổ chức hướng dẫn công tác xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác cho các Ban quản lý các Cảng cá được chỉ định thực hiện công tác xác nhận và có biện pháp xử lý nghiêm các cảng cá chưa thực hiện đúng theo Thông tư 21/2018/TT-BNNPTNT.

Đối với UBND tỉnh sớm phê duyệt Quyết định ban hành quy trình xử lý dữ liệu giám sát hành trình đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m đến dưới 24m trong quá trình hoạt động trên biển. Cũng như sớm tăng cường bổ sung kinh phí, nhân lực, vật lực… cho các đơn vị trực tiếp làm nhiệm vụ chống khai thác IUU.

Đồng thời chỉ đạo các huyện, thị xã, TP có giải pháp quyết liệt đối với công dân tại địa phương là các chủ tàu cá không chấp hành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định.

Có chính sách hỗ trợ cước phí sử dụng thiết bị giám sát hành trình (350.000đ/tháng) để giảm bớt khó khăn cho ngư dân, cũng như đảm bảo giám sát hoạt động tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên được liên tục.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Hơn 370ha tôm nuôi bị thiệt hại do nắng nóng

TRÀ VINH Theo Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, hiện toàn tỉnh đã có hơn 122ha nuôi tôm sú cùng hơn 249ha nuôi tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại do ảnh hưởng nắng nóng gay gắt.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.