| Hotline: 0983.970.780

Khánh Hòa phát hiện dịch tả lợn Châu Phi

Thứ Tư 19/06/2024 , 18:19 (GMT+7)

Khánh Hòa Kết quả xét nghiệm 2 mẫu bệnh phẩm trên đàn lợn chết tại xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm đều dương tính với bệnh dịch tả lợn Châu Phi (ASF).

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa phối hợp với UBND xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm tổ chức tiêu hủy xong toàn bộ số lợn chết. Ảnh: KS.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa phối hợp với UBND xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm tổ chức tiêu hủy xong toàn bộ số lợn chết. Ảnh: KS.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Khánh Hòa, ngày 12/6, Sở nhận được thông tin có lợn chết thu gom tại bãi đất trống của Xí nghiệp Cát, thôn Tân Phú, xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm. Sau khi nhận được tin báo, đơn vị đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiến hành kiểm tra thực tế ổ dịch.

Tại thời điểm kiểm tra, đoàn ghi nhận có khoảng 100 con lợn khoảng 80kg đã chết chưa xác định được chủ lợn và có triệu chứng nghi mắc bệnh truyền nhiễm.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa đã lấy 2 mẫu bệnh phẩm gửi Chi cục Thú y vùng VI. Kết quả xét nghiệm cho thấy, các mẫu bệnh phẩm dương tính với bệnh dịch tả lợn Châu Phi (ASF).

Trong chiều ngày 12/6, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa phối hợp với UBND xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm tổ chức tiêu hủy xong toàn bộ số lợn chết tại chỗ. Rắc vôi bột, phun thuốc vệ sinh tiêu độc toàn bộ khu vực lợn chết và nơi tiêu hủy lợn. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn lợn.

Theo ông Huỳnh Kim Khánh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa, nguy cơ xảy ra bệnh dịch tả lợn Châu Phi trong thời gian tới là rất cao.

Do thời tiết diễn biến cực đoan thay đổi bất lợi làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển, lây lan và gây bệnh.

Trong khi nhu cầu giao thương buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật gia tăng phục vụ cho du lịch của tỉnh

“Điều kiện chăn nuôi của các cơ sở chăn nuôi nông hộ còn hạn chế, có hiện tượng bán, vứt xác lợn bệnh, chết ra bên ngoài. Thực trạng giết mổ nhỏ, lẻ tại các cơ sở không được phép giết mổ vẫn còn hoạt động không được kiểm soát, quản lý tại một số địa phương.

Đặc biệt, virus gây bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện trên địa bàn tỉnh”, ông Huỳnh Kim Khánh cho hay.

2 mẫu bệnh phẩm trên đàn lợn chết tại xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm gửi Chi cục Thú y vùng VI xét nghiệm đều cho kết quả dương tính với bệnh dịch tả lợn Châu Phi (ASF). Ảnh: KS.

2 mẫu bệnh phẩm trên đàn lợn chết tại xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm gửi Chi cục Thú y vùng VI xét nghiệm đều cho kết quả dương tính với bệnh dịch tả lợn Châu Phi (ASF). Ảnh: KS.

Để chủ động ngăn chặn bệnh dịch tả lợn Châu Phi phát tán và lây lan trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, đảm bảo phát triển chăn nuôi bền vững, Sở NN-PTNT Khánh Hòa đã có văn bản đề nghị các địa phương khẩn trương triển khai thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Theo đó, Sở NN-PTNT Khánh Hòa đề nghị UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND cấp xã triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Trong đó, tăng cường giám sát, phát hiện sớm những trường hợp bệnh, chết; Khai báo chính quyền và ngành thú y lấy mẫu, nếu xét nghiệm phát hiện virus dịch tả lợn Châu Phi phải tiến hành tiêu hủy khẩn cấp trong 24 giờ; Tổ chức triển khai đầy đủ, quyết liệt các biện pháp chống dịch.  

Bên cạnh đó, thống kê lại toàn bộ số hộ nuôi lợn trên địa bàn. Chuẩn bị sẵn sàng địa điểm, nhân lực và vật tư chống dịch và triển khai tiêu hủy nhanh chóng khi phát hiện lợn bệnh, chết do mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi tránh lây lan.

Thành lập đoàn kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ tại các cơ sở giết mổ trên địa bàn.

Lập danh sách các điểm giết mổ không được phép giết mổ, không được cơ quan thú y kiểm soát và báo cáo danh sách điểm giết mổ trái phép về Sở NN-PTNT trước ngày 30/6 để phối hợp xử lý nghiêm tình trạng giết mổ trái phép làm phát tán, lây lan dịch bệnh.

Tổ chức tuyên truyền, khuyến cáo người chăn nuôi, buôn bán, giết mổ lợn thực hiện "5 không" theo đúng quy định của Luật Thú y.

Sở NN-PTNT Khánh Hòa đề nghị UBND huyện, thị xã, thành phố triển khai tiêu hủy nhanh chóng khi phát hiện lợn bệnh, chết do mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi tránh lây lan. Ảnh: KS.

Sở NN-PTNT Khánh Hòa đề nghị UBND huyện, thị xã, thành phố triển khai tiêu hủy nhanh chóng khi phát hiện lợn bệnh, chết do mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi tránh lây lan. Ảnh: KS.

Sở NN-PTNT Khánh Hòa cũng đề nghị UBND huyện Cam Lâm chỉ đạo quyết liệt UBND các xã, thị trấn triển khai phòng, chống dịch bệnh. Trong đó, tập trung kiểm tra, thống kê chính xác tình hình chăn nuôi và dịch bệnh ở đàn lợn tại địa phương.

Chỉ đạo các cơ quan chức năng, Công an huyện nhanh chóng điều tra, xác minh nguồn gốc số lợn chết tập kết tại xã Cam Thành Bắc và xử lý nghiêm cá nhân vi phạm theo quy định.

Đồng thời, đề nghị Chi cục Chăn nuôi và Thú y chỉ đạo lực lượng thú y trên địa bàn tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh. Nếu phát hiện lợn bệnh, nghi mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi, lợn chết không rõ nguyên nhân thì lấy mẫu xét nghiệm và xử lý kịp thời tránh lây lan.

Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường theo dõi, giám sát đàn lợn, tổ chức tiêm phòng vacxin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn lợn (lở mồm long móng, tai xanh, dịch tả lợn Châu Phi…); Rắc vôi bột, phun thuốc vệ sinh tiêu độc khu vực chăn nuôi định kỳ.

Ngoài ra, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cần giám sát chặt chẽ tình hình chăn nuôi và dịch bệnh tại các trang trại chăn nuôi lợn gia công của Công ty chăn nuôi C.P. Việt Nam và Công ty TNHH CJ VINA AGRI - CN Bình Dương trên địa bàn.

Kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ tại các cơ sở giết mổ trên địa bàn. Phối hợp xử lý nghiêm các cơ sở giết mổ lợn có dấu hiệu mắc bệnh, cơ sở không được phép giết mổ, không được cơ quan Thú y kiểm soát.

Mới đây, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa đã có văn bản yêu cầu các cơ sở chăn nuôi lợn tăng cường thực hiện công tác giám sát dịch bệnh trên đàn lợn, đặc biệt là bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Thực hiện đầy đủ quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng và phòng bệnh cho đàn lợn. Sử dụng các giải pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi.

Trong trường hợp phát hiện vật nuôi mắc bệnh, chết, có dấu hiệu mắc bệnh truyền nhiễm hoặc vật nuôi bị chết bất thường mà không rõ nguyên nhân phải thực hiện ngay việc khai báo dịch bệnh động vật cho nhân viên thú y cấp xã, UBND cấp xã hoặc Trạm Chăn nuôi và Thú y.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Áp dụng IPHM, 5 sào bưởi cho lợi nhuận tăng thêm hơn 16 triệu đồng

Khánh Hòa Không chỉ giảm chi phí vật tư đầu vào, áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây bưởi còn giúp nông dân tăng lợi nhuận và chất lượng sản phẩm.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.