Không nên quay lưng
Ghi nhận PV NNVN tại các chợ Đầm, xóm Mới... TP Nha Trang (Khánh Hòa) những ngày gần đây, hầu hết các tiểu thương bán thịt đều lắc đầu thở dài vì buôn bán ế ẩm.
Chính vì vậy, tại chợ xóm Mới hiện nhiều tiểu thương bán thịt đã tạm nghỉ, còn một số khác đã giảm số lượng thịt lợn bán ra hằng ngày.
Chị Giang ngồi buồn so vì buôn bán thịt ế ẩm |
Ông Nguyễn Hữu Cường, Phó BQL chợ xóm Mới xác nhận: Toàn chợ có 80 sạp bán thịt lợn. Hiện có hơn 10 sạp tạm nghỉ. Một số sạp bán thịt còn lại cũng giảm từ 30 - 40% lượng thịt bán ra hằng ngày so với trước đây.
Ông Võ Tám Quang, một tiểu thương bán thịt ở xóm Mới bộc bạch: Dù thịt lợn bán ra chúng tôi cam kết đảm bảo nguồn gốc rõ ràng là lấy tại các lò mổ ở đường Đồng Nai (TP Nha Trang) và được cơ quan chức năng kiểm soát, chứng nhận đảm bảo VSATTP. Song một số người tiêu dùng có tâm lý e ngại trước thông tin về DTLCP cho nên mới xảy ta tình trạng thịt lợn còn đầy sạp.
Cũng theo các tiểu thương bán thịt các chợ ở TP Nha Trang, hiện tâm lý người tiêu dùng đã hiểu sai lệch về DTLCP ảnh hưởng đến sức khỏe. Trong khi đó cơ quan chức năng đã thông tin trên báo chí, trong đó có Báo NNVN khẳng định: “DTLCP không lây sang người”.
Còn tại Khánh Hòa, đến thời điểm này lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh xác nhận vẫn chưa xuất hiện DTLCP.
Thịt lợn bán tại chợ đảm bảo an toàn
Đó là khẳng định ông Nguyễn Hữu Thắng, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa. Bởi nguồn thịt hiện nay bán ở các chợ, hầu hết là do Cty CP và Cty CJ cung cấp cho các lò mổ giết mổ, chỉ số ít của các trang trại và hộ chăn.
Trong khi đó, lợn của các Cty CP, CJ và trang trại trên địa bàn tỉnh đa phần được chăn nuôi theo quy mô trại lạnh, khép kín. Đồng thời được Chi cục giám sát suốt quá trình chăn nuôi từ khâu nhập con giống, tiêm phòng vacxin và được giám sát kiểm tra chất cấm trước khi xuất bán.
Ông Võ Tám Quang cho biết, dù thịt lợn bán ra có nguồn gốc rõ ràng nhưng tiêu thụ rất chậm |
Còn đối với những hộ chăn nuôi nhỏ cũng có sự chủ động con giống do tự nuôi lợn nái hoặc lấy lợn giống từ những Cty sản xuất lợn giống trên địa bàn. Rồi họ cũng thực hiện tiêm phòng đảm bảo, được cơ quan thú y và chính quyền địa phương giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh.
Hơn nữa, nhằm đáp ứng chất lượng sản phẩm thịt lợn và ngăn ngừa dịch bệnh động vật, đặc biệt là DTLCP xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh xuất phát từ hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm, Chi cục đã tăng cường thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ.
Cụ thể, toàn tỉnh có 136 lò giết mổ lợn đã được Chi cục tăng cường thực hiện kiểm tra, giám sát về điều kiện vệ sinh thú y lò mổ, chú trọng kiểm tra nguồn gốc lợn được giết mổ. Bố trí đầy đủ nhân viên trực tiếp thực hiện kiểm soát giết mổ, kiểm tra giấy chứng nhận kiểm dịch hoặc tài liệu chứng minh nguồn gốc lợn nói riêng, gia súc, gia cầm nói chung đưa vào giết mổ. Tuyên truyền, vận động tới từng chủ cơ sở giết mổ lợn biết về tác hại của dịch bệnh gia súc, gia cầm nhất là bệnh DTLCP, đó là: Không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn nghi bệnh, chết, không rõ nguồn gốc. Đồng thời hướng dẫn họ thường xuyên thu dọn vệ sinh, khử trùng cơ sở và phương tiện vận chuyển sau mỗi ca sản xuất.
“Sản phẩm thịt lợn nói riêng, gia súc, gia cầm nói chung được bán ra thị trường đảm bảo được giết mổ từ những con lợn, con gia súc, gia cầm an toàn dịch bệnh, khỏe mạnh, không có chất cấm và có nguồn gốc rõ ràng”, ông Thắng nói.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa: Tổng đàn lợn thịt toàn tỉnh hiện có khoảng 228.000 con, trong đó Cty CP 157.000 con, Cty CJ có 36.000 con, còn lại các trại và hộ dân khoảng 35.000 con. Với số lượng trên, mỗi ngày các cơ sở chăn nuôi xuất bán ra thị trường từ 1.300 - 1.500 con lợn thịt. Như vậy, với công suất giết mổ hàng ngày như thế, thì số lượng lợn thịt xuất chuồng trên địa bàn đủ để cung cấp cho các lò mổ trong tỉnh và khi thừa sẽ xuất đi tỉnh khác. Tuy nhiên hiện lượng thịt lợn tiêu thụ trên địa bàn hiện giảm mạnh dẫn đến có nhiều lò nghỉ mổ. Do đó, tổng công xuất giết mổ hiện tại chỉ còn khoảng 550 - 680 con/ngày. |