| Hotline: 0983.970.780

Khánh Ly: 'Tôi chưa bao giờ khóc trước Trịnh Công Sơn'

Thứ Ba 11/10/2016 , 07:47 (GMT+7)

Cố nhạc sĩ từng viết bài 'Rơi lệ ru người' tặng danh ca nhưng ngoài đời, cả hai giấu nước mắt vào lòng khi gặp nhau.

Đầu tháng 12, Khánh Ly dự kiến thực hiện liveshow của bà tại Nhà hát Hòa Bình, TP HCM. Đây là lần đầu tiên sau 41 năm, danh ca tái ngộ khán giả Sài Gòn trong một đêm nhạc riêng. Bà có cuộc trò chuyện vớiVnExpress về kỷ niệm với thành phố này.

- Ngày xưa, Khánh Ly chân đất hát ở Sài Gòn có Trịnh Công Sơn đàn. Trong liveshow dự kiến tổ chức vào tháng 12, ai sẽ là người ôm đàn bên Khánh Ly?

- Người nào đàn cũng được vì đã không có ông Sơn thì ai cũng thế thôi. Tôi không thể đòi hỏi mà phải chấp nhận sự thật không còn ông Sơn nữa. Với tôi, ông vẫn quanh quẩn đâu đây, vẫn ở khắp nơi trong Sài Gòn này. Ở đây, chỗ nào tôi cũng có cảm tưởng dấu chân ông đã bước qua, hơi thở của ông vẫn là hơi thở Sài Gòn. Ngày trước, tôi sống và hát ở Sài Gòn cũng là theo ước mơ của ông Sơn chứ khi đó tôi chưa biết ước mơ như thế. Ông Sơn luôn muốn sống mãi ở nơi này.

Khánh Ly chia sẻ bà luôn cảm nhận cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Khánh Ly chia sẻ với bà hình ảnh cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gắn liền với Sài Gòn. Ảnh: Gia Tiến.


- Mỗi lần về Sài Gòn, ngoài công việc, bà tìm đến những nơi nào?

- Tôi tưởng tôi sẽ đi lại con đường xưa, nơi chốn cũ nhưng tôi không đến nữa. Vì tôi biết mọi sự đã thay đổi. Hơn 40 năm bản thân tôi cũng thay đổi huống chi cỏ cây, gỗ đá… Những người tôi muốn tìm không còn nên tôi không đi tìm. Về tới Sài Gòn tôi chỉ nhớ ông Trịnh Công Sơn. Không chỉ vậy, bên cạnh ông Sơn còn có tấm lòng của người Sài Gòn dành cho tôi, đó là điều đáng quý. Với tôi như vậy đã là rất đủ.

- Tại sao với bà, Sài Gòn chỉ có ông Trịnh Công Sơn, khi ở đây bà vẫn thành danh qua tác phẩm của các nhạc sĩ?

- Dĩ nhiên tôi còn thành danh với nhạc của các tác giả khác nhưng có những điều trong đời sống không mang ra so sánh được. Nó như tình yêu vậy. Tình yêu không phải là trang sách để mình có thể lật trang này sang một trang hoàn toàn mới.

- Bà từng nói bà không yêu ông Sơn khoảng thời gian hai người ở Đà Lạt, vậy với thời gian cả hai ở Sài Gòn thì sao?

- Ông Sơn ở Đà Lạt hay Hà Nội, Sài Gòn cũng là ông Trịnh Công Sơn thôi. Ông Sơn còn sống hay ông Sơn đi cõi khác cũng là ông Sơn thôi. Không vì ông Sơn ở đây hay không có ở đây mà tình yêu tôi dành cho ông thay đổi. Nó chỉ có một tình yêu duy nhất.

- Nhưng bà từng chia sẻ, quãng đời ở Đà Lạt là lúc bà và Trịnh Công Sơn giữ mối tình thơ nhạc, còn ở Sài Gòn là quãng đời ghi dấu cả hai thành một đôi trong âm nhạc, cùng ăn, cùng hát... Vậy có thể hiểu sự thay đổi trong mối quan hệ đó thế nào?

- Không có thay đổi đâu, mối quan hệ đó đã ghi dấu từ đầu. Nếu mình nghĩ đó là số phận, định mệnh thì từ lúc gặp nhau nó đã đóng dấu đời mình. Mối quan hệ ấy không có gì thay đổi dẫu ông Sơn ở đâu, có năm bảy vợ thì vẫn là ông Sơn của tôi thôi.

Khánh Ly và Trịnh Công Sơn ở Quán Văn.
Khánh Ly và Trịnh Công Sơn ở Quán Văn.


- Năm 1967 khi bà từ Đà Lạt về lại Sài Gòn, bà đã gặp lại Trịnh Công Sơn như thế nào?

- Chúng tôi đi ngoài phố và gặp nhau thôi, rất tình cờ, dẫu có thể không phải là ngẫu nhiên. Lần đầu chúng tôi gặp lại là ở đường Lê Thánh Tôn. Lúc đó, cả hai mừng lắm. Ông Sơn rủ tôi đi hát liền. Ở Sài Gòn, đêm đầu tiên tôi hát cùng ông trước cả nghìn người tại Quán Văn.

- Bà và Trịnh Công Sơn có bao giờ thổ lộ rằng người này có tình cảm với người kia?

- Lại càng không bao giờ. Chúng tôi không bao giờ đề cập chuyện đó dù xa hay gần. Mối quan hệ giữa cả hai người muốn hiểu sao thì hiểu. Bởi vì nó không có gì thì hỏi làm gì. Nếu có đã có ngay. Tình yêu lạ lắm, yêu là yêu từ tích tắc đầu tiên.

- Từ khi biết nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đến giờ, lần nào bà rơi nước mắt vì nhạc sĩ này?

- (Im lặng lâu) Không. Có những điều mình giấu kín trong tâm tư, có những giọt nước mắt giấu kín, nhưng cái quan trọng dù ở đâu mình cũng nhớ, không cần phải tới ngày giỗ ông tôi mới nhớ, đã nhớ thì sáng trưa chiều tối đều có thể nhớ. Cách sống tôi là vậy, không biểu lộ bên ngoài, cái gì giữ trong tim là yêu dấu. Yêu là phải giấu đi để những điều mình nói ra không phương hại tới ai, những điều mình giấu kín trong lòng là những điều mình trân quý nhất. Có những niềm vui chỉ có thể vui một mình thôi. Nhiều khi khuya về ngồi một mình nhớ tới những chuyện cũ bỗng cười một mình. Vì cái vui của mình chưa chắc là cái vui của mọi người, cái buồn của mình cũng thế. Giờ, khi tôi nhớ ông Sơn hay chồng tôi, tôi thường giữ một mình.

- Bà chưa khóc vì ông Sơn vậy trước mặt ông Sơn có bao giờ bà khóc vì một điều gì đó?

- Không. Chưa bao giờ. Kể cả những lúc cuộc đời đi vào những ngõ quanh tôi cũng chưa bao giờ khóc trước mặt ông Sơn. Đối với mẹ tôi, chồng tôi, tôi còn chưa khóc, dù khó khăn đau khổ nhất đến có thể chết được tôi cũng không khóc. Có khóc cũng vô ích. Chỉ có mình thôi, không ai gánh vác cho mình được đâu.

- Phải chăng vì bà có thể trải lòng mình trong ca khúc nên bà không cần phải khóc nữa?

- Nghe tôi hát thì hiểu. Tôi không nói được điều đó. Khi nghe tôi hát người ta khóc, ai hiểu thì hiểu, tôi không thể than van mọi người hãy hiểu giùm tôi.

Khánh Ly hát tại TP HCM trong đêm nhạc thiện nguyện Vòng tay nhân ái quy tụ nhiều ca sĩ
Khánh Ly hát tại TP HCM trong đêm nhạc thiện nguyện "Vòng tay nhân ái" quy tụ nhiều ca sĩ diễn ra vào tháng 9. Ảnh: Gia Tiến.


- Trịnh Công Sơn đã viết bao nhiêu ca khúc cho bà?

- Chỉ có một bài duy nhất tôi biết ông viết cho tôi, đó là bài Rơi lệ ru người. Ông đã nói với tôi điều đó. Còn với tôi, bài nào ông sáng tác tôi cũng nghĩ là viết cho tôi cả. Cũng giống như khi mọi người nghe nhạc ông mọi người cũng có thể nghĩ đó là viết cho họ vì họ tìm được bản thân trong đó.

- Thương quý ông Trịnh Công Sơn như thế, vì sao đám tang ông 15 năm trước, bà không về?

- Đám tang ông Sơn tôi đã mua vé máy bay nhưng không về vì tôi không muốn làm xáo trộn tang lễ. Dẫu người ta quý ông Sơn cỡ nào đi nữa người ta cũng muốn biết con nhỏ Khánh Ly là ai. Đó là làm lộn xộn. Tất cả hào quang là của ông. Tôi chỉ là cái bóng bên cạnh hào quang.

Từ khi tôi rời Việt Nam cho đến ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mất, chúng tôi đã có bốn lần gặp lại. Lần đầu tiên là năm 1988 tại Paris, Pháp. Lần thứ hai là năm 1992, gặp ở Canada, khi ông Sơn qua đó chữa bệnh, đó là sau khi mẹ ông Sơn mất. Đến năm 1997 tôi về và gặp ông ở Sài Gòn. Năm 2000, vài tháng trước khi ông mất, tôi có về thăm ông. Ngày đó, tôi về Sài Gòn là để thăm ông Sơn vì tôi gần như không còn người thân ở đây.

(vnexpress.net)

Xem thêm
Trưng bày 70 tác phẩm mỹ thuật về lịch sử chiến dịch Điện Biên Phủ

Ngày 26/4, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam khai mạc triển lãm ‘Đường lên Điện Biên’ nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).

Nhận định U23 Việt Nam vs U23 Iraq: Vượt lên chính mình

Trận đấu giữa U23 Việt Nam vs U23 Iraq trong khuôn khổ vòng tứ kết giải U23 Châu Á 2024 sẽ diễn ra vào lúc 00h30 ngày 27/4/2024 trận sân vận động Al Janoub.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm