| Hotline: 0983.970.780

Khảo nghiệm nhiều giống sắn kháng bệnh khảm lá

Thứ Năm 20/01/2022 , 16:35 (GMT+7)

QUẢNG NGÃI Nhiều giống sắn được khảo nghiệm trong vụ đầu tiên ở Quảng Ngãi đã cho thấy có khả năng kháng được bệnh khảm lá, vừa cho năng suất và hàm lượng tinh bột cao.

Bệnh khảm lá hoành hành

Tại Quảng Ngãi, sắn là cây trồng chính ở nhiều địa phương, trong đó phổ biến nhất là các khu vực miền núi. Những năm qua, loại cây này đã thể hiện được lợi thế khi cho thấy khả năng chống chịu được hạn, thích nghi được trên các chân đất nghèo dinh dưỡng, không chủ động nước tưới. Hiệu quả kinh tế mà cây sắn mang lại cho người dân Quảng Ngãi ở những vùng đất khắc nghiệt khó có loại cây trồng nào có thể thay thế được.

Những niên vụ gần đây, bệnh khảm lá đã ảnh hướng đến nhiều vùng sản xuất sắn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: L.K.

Những niên vụ gần đây, bệnh khảm lá đã ảnh hướng đến nhiều vùng sản xuất sắn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: L.K.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi, tình hình sản xuất sắn trên địa bàn từ năm 2018 đến năm 2020 tương đối ổn định, diện tích trồng dao động từ gần 16.500 ha đến gần 18.000 ha, năng suất bình quân đạt xấp xỉ 19,5 tấn/ha, sản lượng trung bình đạt từ hơn 311.400 đến 348.550 tấn/năm.

Cây sắn ở Quảng Ngãi được canh tác ở 12 huyện, nhiều nhất tại huyện Sơn Hà. Các giống sắn chủ lực được người dân tại tỉnh này sử dụng là KM94 (chiếm khoảng 50% diện tích); giống KM140 (chiếm khoảng 30% diện tích), các giống còn lại KM419, NA1, KM7… chiếm khoảng 20% diện tích.

Ông Nguyễn Thế Vĩnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi cho biết, sau khi bệnh khảm lá trên cây sắn xuất hiện đầu tiên tại Việt Nam (tỉnh Tây Ninh) vào tháng 5/2017, đến tháng 9/2019 bệnh đã xuất hiện tại Quảng Ngãi. Địa phương đầu tiên có sắn nhiễm bệnh là xã Sơn Giang (huyện Sơn Hà), sau đó lây lan nhanh sang các địa phương khác.

“Niên vụ sắn 2020 - 2021 là niên vụ có diện tích sắn bị nhiễm bệnh khảm lá nhiều nhất với diện tích nhiễm trên 8.300 ha, chiếm hơn 50% tổng diện tích trồng toàn tỉnh. Trong đó có hơn 980 ha nhiễm nhẹ, gần 3.000 ha nhiễm trung bình và trên 4.400 ha nhiễm nặng.

Hầu hết các giống sắn sản xuất trên địa bàn tỉnh đều nhiễm bệnh khảm lá. Nếu những năm tới không có những giải pháp khắc phục, bệnh sẽ diễn biến càng nghiêm trọng, gây thiệt hại nặng về năng suất, chất lượng, dẫn đến giảm thu nhập của người trồng sắn”, ông Vĩnh nói.

Mô hình khảo nghiệm tại Quảng Ngãi vụ đầu tiên cho thấy cả 13 giống sắn đều có khả năng kháng (tùy mức độ) với bệnh khảm lá. Ảnh: L.K.

Mô hình khảo nghiệm tại Quảng Ngãi vụ đầu tiên cho thấy cả 13 giống sắn đều có khả năng kháng (tùy mức độ) với bệnh khảm lá. Ảnh: L.K.

Cũng theo ông Vĩnh, giải pháp căn cơ trong thời gian tới là tìm giống sắn kháng bệnh, có năng suất cao, hàm lượng tinh bột tốt để đưa vào thay thế các giống ở địa phương. Đối với những vùng bị nhiễm bệnh nặng và có ưu thế chuyển đổi thì vận động nông dân chuyển sang trồng các loại cây khác có hiệu quả kinh tế hơn. Nếu vùng bị nhiễm nặng, không có khả năng chuyển đổi có thể bỏ đất trống 1 vụ để cắt nguồn lây bệnh.

Nhanh chóng tìm nguồn giống kháng bệnh

Từ thực trạng bệnh khảm lá diễn ra khá phức tạp tại địa phương, tháng 4/2021, bằng nguồn vốn tự có, Trung tâm giống Quảng Ngãi đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu - Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc (thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam) và Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới (CIAT) tiến hành du nhập 13 giống sắn cùng với 3 giống đối chứng để khảo nghiệm, đánh giá về khả năng kháng bệnh, năng suất, chất lượng tại 2 huyện Mộ Đức và Nghĩa Hành.

Vừa qua, các đơn vị thực hiện mô hình cùng ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi đã tham quan, đánh giá về các giống sắn được trồng khảo nghiệm này. Kết quả cho thấy, trong vụ đầu tiên, 13 giống sắn du nhập đều có khả năng kháng bệnh khảm lá.

Ngoài ra, một số giống du nhập cũng thể hiện được năng suất, hàm lượng tinh bột tương đối cao như giống HN1, C97, VN19-442… Còn lại các giống sử dụng để đối chứng là KM94, KM505 và KM419 đều bị nhiễm từ mức cấp 2 đến cấp 3.

Theo ông Đỗ Đức Sáu, Giám đốc Trung tâm giống tỉnh Quảng Ngãi, ngay từ khi tại địa phương xuất hiện bệnh khảm lá làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng của cây sắn (năm 2019), đơn vị này đã chủ động tìm kiếm các nguồn giống chất lượng, kháng bệnh để đưa về trồng thử nghiệm. Tuy nhiên, phải đến giữa năm 2021 mới liên hệ được nguồn giống thực hiện mô hình này.

Ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi đang tích cực tìm kiếm các giống sắn kháng tốt được bệnh khảm lá để khôi phục hoạt động sản xuất sắn trên địa bàn tỉnh. Ảnh: L.K.

Ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi đang tích cực tìm kiếm các giống sắn kháng tốt được bệnh khảm lá để khôi phục hoạt động sản xuất sắn trên địa bàn tỉnh. Ảnh: L.K.

“Qua mô hình khảo nghiệm, chúng tôi sẽ đánh giá 3 tiêu chí. Ưu tiên thứ nhất là khả năng kháng bệnh khảm lá, sau đó là năng suất và hàm lượng tinh bột. Từ kết quả trong vụ thử nghiệm này, sẽ lựa chọn từ 3 đến 4 giống triển vọng nhất để nhân ra diện rộng, vừa nhân giống, vừa đánh giá lại.

Sau khi chọn được các giống triển vọng, sẽ tiếp tục tìm bổ sung thêm các giống mới, đồng thời trồng khảo nghiệm ở những địa phương khác của tỉnh để đánh giá các tiêu chí đã nói ở trên cũng như khả năng thích ứng với khí hậu, thổ nhưỡng. Từ đó lựa chọn được những giống phù hợp với điều kiện từng vùng, giúp tăng hiệu quả kinh tế, giảm thiệt hại cho người nông dân”, ông Sáu nói.

Bà Phạm Thị Nhạn, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Nghiên cứu - Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc cho biết thêm: Không chỉ riêng Quảng Ngãi mà hầu hết các vùng trồng sắn khu vực phía Nam và miền Trung đã bị nhiễm khảm trên tất cả các giống trồng phổ biến. Do vậy, Trung tâm đã phối hợp với CIAT đánh giá bộ giống được nhập từ nước ngoài về với hi vọng rút ngắn được thời gian chọn ra giống vừa kháng bệnh vừa có năng suất, hàm lượng tinh bột tốt phục vụ sản xuất.

“Qua kết quả khảo nghiệm ở Quảng Ngãi, chúng tôi đã chọn được 2 giống có triển vọng là TMEB419 và AR24-16 để tiếp tục thực hiện khảo nghiệm ở các địa phương khác trong tỉnh. Đối với việc cung cấp nguồn giống để sản xuất lớn, hiện nay, chúng tôi đang sử dụng công nghệ nhân nhanh của CIAT chuyển giao là nhân trong nhà màng với thời gian 2.000 hom/tuần. Hi vọng sẽ nhanh chóng cung cấp được giống tốt nhất cho sản xuất”, bà Nhạn nói.

“Hiện nay, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi đã tham mưu cho UBND tỉnh tìm các giống sắn kháng bệnh để thay thế dần các giống đang sử dụng ở địa phương. Vừa qua, đã chọn được giống HN3 và bố trí trồng được 10ha, mục tiêu để có nguồn giống sản xuất cho vụ tới.

Bên cạnh đó, trên cơ sở báo cáo của các cơ quan nghiên cứu về mô hình khảo nghiệm này, năm 2022, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật sẽ tham mưu sở trình UBND tỉnh bố trí kinh phí chọn các giống đảm bảo các tiêu chí kháng bệnh, năng suất cao, chất lượng tinh bột đảm bảo để giải quyết nguồn giống, khôi phục lại hoạt động sản xuất sắn trên địa bàn tỉnh”, ông Nguyễn Thế Vĩnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi cho biết.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Nông dân lo lắng vì giá lúa đông xuân sớm giảm mạnh

ĐBSCL Hiện một số nơi tại ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân sớm nhưng giá lúa giảm từ 2.000 - 2.400 đồng/kg so với cùng kỳ.

Bình luận mới nhất