| Hotline: 0983.970.780

Bệnh khảm lá đe dọa vựa sắn Gia Lai

Thứ Sáu 22/10/2021 , 06:00 (GMT+7)

Hơn 3.500 ha sắn tại vựa sắn huyện Krông Pa đã bị nhiễm bệnh khảm lá, có nguy cơ mất mùa. Bệnh có nguy cơ đe dọa lan rộng ở Gia Lai.

Gần 3.500 ha sắn bị khảm lá

Krông Pa là huyện có diện tích trồng sắn lớn nhất của tỉnh Gia Lai, với tổng diện tích toàn huyện năm 2021 trên 22.800 ha. Cây sắn ở Krông Pa tập trung nhiều ở các xã như Ia Rsươm 1.967 ha, Ia Rmok 1.805 ha, Chư Drăng 1.785,5 ha, Uar 1.743 ha, Ia Mlah 1.727 ha, Ia Rsai 1.696 ha, Đất Bằng 1.690 ha, Krông Năng 1.614 ha, Chư Gu 1.653 ha, Chư Rcăm 1.623 ha, Phú Cần 1.137 ha, Ia Hdreh 1.633 ha, Đất Bằng 1.690 ha, Thị trấn Phú Túc 1.145 ha…

Một vườn sắn bị mắc bệnh khảm lá ở huyện Krông Pa (Gia Lai). Ảnh: Đ.L.

Một vườn sắn bị mắc bệnh khảm lá ở huyện Krông Pa (Gia Lai). Ảnh: Đ.L.

Tuy nhiên, một diện tích lớn cây sắn ở đây đang đứng trước nguy cơ mất mùa do mắc bệnh khảm lá. Thống kê mới nhất từ Phòng NN-PTNT huyện Krông Pa cho thấy, có gần 3.500 ha sắn của huyện đã bị mắc bệnh khảm lá (riêng xã Chư Rcăm và Thị trấn Phú Túc chưa có báo cáo).

Những địa phương bị nhiễm nhiều là Ia Mlah 788,8 ha, Chư Ngọc 656 ha, Krông Năng 411,7 ha, Chư Drăng 496,3 ha, Ia Rsai 110 ha, Phú Cần 150 ha, Chư Gu 155 ha, Ia Dreh 23,4 ha, Đất Bằng 235 ha, Uar 91 ha, Ia Rmok 70 ha, Ia Rsươm 108,7 ha.

Ông Ma Công (Sil Pin) ở buôn Prông (xã Ia M’lăh) trồng hơn 2 ha sắn giống HL-S12. Vườn sắn của ông ban đầu sinh trưởng và phát triển bình thường, tuy nhiên chỉ một thời gian sau thì lá bị vàng loang lổ, sau đó lá bị xoăn, nhăn nhúm, cong queo. Ông than thở: “Năm nay mất trắng rẫy sắn rồi. May mà tôi kịp chuyển đổi sang trồng hai ha ngô sinh khối giống 105S, vớt vát được chút ít”.

Bệnh khảm lá trên cây sắn ở Krông Pa nói riêng và các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có từ nhiều năm nay. Triệu chứng đặc trưng dễ nhận biết của bệnh khảm lá sắn là khảm vàng loang lổ trên lá.

Mức độ hại nhẹ, lá không bị biến dạng hoặc biến dạng nhẹ, mức độ hại nặng làm cho lá sắn xoăn, cong queo, nhăn nhúm. Hom giống lấy từ cây sắn bị bệnh khi mọc mầm sẽ có biểu hiện bệnh ngay và không cho thu hoạch. Khi cây sắn còn non bị nhiễm virus cũng không cho thu hoạch.

Cây sắn đã lớn mới nhiễm virus vẫn biểu hiện bệnh nhưng nhẹ hơn, làm năng suất, chất lượng giảm. Triệu chứng bệnh xuất hiện ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng của cây sắn, từ 2 tháng tuổi trở đi cho thấy virus lây nhiễm từ khi cây sắn còn non.

Lá và ngọn cây sắn bị xoăn do bệnh khảm lá. Ảnh: Đ.L.

Lá và ngọn cây sắn bị xoăn do bệnh khảm lá. Ảnh: Đ.L.

Không trồng giống HL-S11

Ông Võ Ngọc Châu, Phó Phòng NN-PTNT huyện Krông Pa cho biết: Bệnh khảm lá sắn do virus có Sri Lanka Cassava Mosaic Virus gây ra. Môi giới truyền bệnh bọ phấn trắng gây hại. Virus hại sắn gây hại qua 2 con đường là qua hom giống và qua môi giới truyền bệnh…

Nhằm khống chế bệnh khảm lá trên cây sắn, huyện đã tăng cường công tác thông tin tuyên truyền qua đài phát thanh tại địa phương, các điểm thông tin của xã, các điểm thu mua, chế biến khoai mì (sắn) về tác hại của bệnh khảm lá và biện pháp phòng chống.

Bên cạnh đó, khuyến cáo người dân mua hom giống tại các địa điểm bán giống có uy tín, rõ nguồn gốc xuất xứ; không mua hom giống khoai mì có nguồn gốc từ các tỉnh đang bị bệnh khảm lá gây hại nặng. Khuyến cáo người dân không sử dụng hom giống ở khu vực đã nhiễm bệnh cho vụ sau; vệ sinh đồng ruộng sau thu hoạch.

Cũng theo ông Châu, nông dân không trồng giống HL-S11 do giống này hiện nay đã bị cấm mua bán cũng như trồng; hạn chế trồng các giống bị nhiễm nặng với bệnh khảm lá như HL-S12, KM 419, KM 140; khuyến cáo người dân sử dụng các giống kháng bệnh, giống ít bị bệnh để trồng như giống KM94.

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm dịch, không cho vận chuyển, trao đổi hom giống và các bộ phận khác của cây sắn từ vùng bị nhiễm sang vùng chưa nhiễm. Sử dụng các loại thuốc trừ sâu rầy có nhiều đặc tính nổi trội và ít kháng thuốc vào các giai đoạn 25 ngày, 50 ngày và 75 ngày sau khi xuống giống.

Lá sắn bị vàng và xoăn tít do mắc bệnh khảm lá. Ảnh: Đ.L.

Lá sắn bị vàng và xoăn tít do mắc bệnh khảm lá. Ảnh: Đ.L.

Song song với các biện pháp phòng dịch như trên, huyện cũng đã triển khai một số giống mới kháng bệnh, cho năng suất và tỷ lệ tinh bột cao. Cụ thể, từ nguồn kinh phí hỗ trợ hạn hán năm 2019, cuối năm 2020 UBND huyện chỉ đạo Phòng NN- PTNT mua giống mì KM 94 để hỗ trợ cho người dân với số lượng 88.126 bó trương đương 881ha, với tổng kinh phí 4.406.300.000 đồng.

Từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp, Phòng NN-PTNT cũng đã xây dựng 10 ha mô hình sắn có tưới năm 2021, trong đó sử dụng giống kháng bệnh KM94 và lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt cho cây mì với kinh phí là 259.164.450 đồng.

UBND huyện Krông Pa đã thành lập đoàn kiểm tra, nhằm kiểm soát việc mua bán vận chuyển giống sắn từ địa phương khác đến huyện Krông Pa nhằm kiểm soát được lượng giống không đảm bảo chất lượng đưa tới tay người nông dân.

Qua kiểm tra thực tế đối chứng với các giống mỳ HL11, KM140, KM419.., giống KM94 hoàn toàn không bị bệnh khảm lá. Phòng NN–PTNT đã tìm hiểu các giống kháng bệnh như HN3, HN5 và đem trồng thí thí nghiệm 0,3 ha, hiện nay 2 giống sinh trưởng phát triển tốt và không bị bệnh khảm lá, hướng tới vụ mùa năm 2022 sẽ nhân rộng mô hình.

Xem thêm
Trại lợn đầu độc kênh mương

Tiền Giang Đang mùa khô hạn, thiếu nước sản xuất nhưng tại một số nơi dòng nước kênh bị ô nhiễm bởi chất thải do một bộ phận người chăn nuôi kém ý thức xả xuống.

Vĩnh Long tiêm miễn phí 60 ngàn liều vacxin phòng bệnh dại

Vĩnh Long Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản tỉnh Vĩnh Long cho biết, trong năm 2024, tỉnh sẽ tiêm miễn phí 60 ngàn liều vacxin phòng bệnh dại cho đàn chó trên địa bàn.

Lãi gấp đôi khi chuyển sang trồng rau thủy canh

HẢI PHÒNG Mạnh dạn chuyển sang ứng dụng công nghệ mới trong trồng rau, Hợp tác xã nông nghiệp Thái Sơn đã thu được lợi nhuận gấp đôi bình thường ngay trong vụ đầu tiên.

Bình luận mới nhất

Trong bài này, tác giả (sau đây xưng là Nattoi) để cập chủ yếu 03 vấn đề, trong đó chủ yếu tập trung cho giải quyết vấn đề số 1, hai vấn đề còn lại chỉ được nhắc đến: Một: Phương pháp thiết kế điều tiết lũ hiện hành chưa đưa thông số mực nước an toàn ở hạ du vào tính toán nên yêu cầu phòng chống lũ cho hạ du chưa được đảm bảo và không có tiêu chí để xác định hiệu quả vận hành giảm lũ. Vấn đề này đã được Nattoi giải quyết cả về mặt lý thuyết và thực hành (trình bày ở mục 3.4). Hai: Tiêu chí xác định MNCNTL, MNTNĐL không được công khai, minh bạch, làm cho việc kiến nghị điều chỉnh hạ thấp 2 mực nước đối với các hồ chứa thủy điện nhằm tăng dung tích trống phòng lũ là điều bất khả. Về vấn đề này (trình bày tại Mục 3.1), Nattoi chưa nêu cụ thể phương án giải quyết là để tập trung nội dung vào vấn đề số 1 như đã nêu, nhưng hướng giải quyết là đã có. Ba: Vấn đề bán con trâu mà tiếc sợi dây thừng: Thiết kế xây dựng đập, hồ chứa nước được tính toán an toàn ổn định lật, trượt đến mực nước lớn nhất thiết kế và kiểm tra với mực nước lớn nhất kiểm tra, cho phép giữ mực nước hồ không vượt quá mực nước lớn nhất kiểm tra nhưng lại chỉ cho phép sử dụng dung tích trống phòng lũ đến mực nước dâng bình thường là sự lãng phí ghê gớm trong đầu tư xây dựng và quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Hướng giải quyết vấn đề số 3 (trình bày tại Mục 3.2) vốn là tự nhiên đã có nhưng không được sử dụng vì không nghĩ đến giảm lũ cho hạ du.
+ xem thêm