| Hotline: 0983.970.780

Khe Đù vào mùa ong làm mật

Thứ Ba 22/02/2022 , 10:25 (GMT+7)

THÁI NGUYÊN Ở sườn đông dãy Tam Đảo, xóm Khe Đù (Phúc Thuận, Thị xã Phổ Yên) không chỉ là vùng cây ăn quả nổi tiếng mà còn phát triển mạnh nghề nuôi ong mật

Xóm sườn đông Tam Đảo

Mỗi năm, người nuôi ong ở Khe Đù thu 2 vụ mật chính: Mật hoa nhãn từ giữa tháng 3 đến giữa tháng 4, mật hoa rừng từ cuối tháng 4 đến giữa tháng 7. Rải rác trong năm là những vụ mật hoa rừng. Đến Khe Đù những ngày đầu xuân, đâu đâu cũng thấy những vồng hoa trĩu cành và tiếng những chú ong đang chở nặng đôi cánh.

Xóm Khe Đù là vùng đồi đất xa xôi của xã Phúc Thuận, nằm giáp chân dãy Tam Đảo về phía đông, vì thế người dân trong xóm quen tự gọi là xóm sườn đông Tam Đảo.

Đặc trưng vị trí địa lý và là vùng thâm canh cây ăn quả có diện tích lớn được người dân tận dụng để phát triển đàn ong mật. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Đặc trưng vị trí địa lý và là vùng thâm canh cây ăn quả có diện tích lớn được người dân tận dụng để phát triển đàn ong mật. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Dân cư trong xóm hầu hết là các hộ dân quê gốc ở xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên lên đây lập nghiệp. Vào cuối năm 1974, khoảng 20 hộ dân đã tìm đến vùng đất còn rất hoang vu này để an cư lập nghiệp. Vốn có nghề truyền thống trồng cây ăn quả kết hợp với điều kiện tự nhiên, người dân Khe Đù đã sớm phát triển vùng cây ăn quả.

Nhiều năm qua, các hộ dân đã trồng thử nghiệm và lựa chọn các giống cây ăn quả tốt nhất như bưởi Diễn, bưởi Hoàng Trạch, bưởi da xanh, bưởi Mỹ, bưởi Đoan Hùng, cam Vinh, cam Đường Canh, đặc biệt là nhãn và vải do các viện nghiên cứu và các nhà vườn giống uy tín cung cấp. Đến nay, xóm phát triển lên 95 hộ gia đình, tổng diện tích cây ăn quả của xóm gần 100 ha, nhiều hộ thu nhập đến 500 triệu đồng/năm.

Tận dụng thế mạnh

Giữa vùng hoa trái bạt ngàn này, một số hộ trong xóm đã thành lập Tổ hợp tác ong mật Đông Tam Đảo, duy trì quy mô gần 1.000 đàn ong lấy mật. Ông Nguyễn Đăng Thắng, 45 tuổi, Bí thư Chi bộ xóm cũng là tổ trưởng "Tổ ong”.

Ông Thắng chia sẻ, tổng diện tích cây ăn quả của xã Phúc Thuận rất lớn với hơn 500ha, các cây hoa màu được trồng đa dạng, thuận lợi cho việc nuôi ong lấy mật. Bên cạnh đó, những cánh rừng của dãy Tam Đảo với vô số những loài hoa dại, rất thuận lợi để phát triển nghề nuôi ong mật.

Nghề nuôi ong mật đang mở ra hướng đi mới cho thu nhập rất tốt với người dân vùng sườn đông Tam Đảo. Ảnh: ĐVT.

Nghề nuôi ong mật đang mở ra hướng đi mới cho thu nhập rất tốt với người dân vùng sườn đông Tam Đảo. Ảnh: ĐVT.

Tại địa phương, nghề nuôi ong đã có từ khá lâu, có những hộ nuôi hơn 30 năm nay, nhưng chủ yếu là tự phát, nuôi theo kiểu truyền thống và chưa được trang bị kỹ thuật bài bản nên năng suất, chất lượng chưa cao, việc tiêu thụ sản phẩm còn khó khăn.

So với những vật nuôi khác, nuôi ong tốn ít thời gian và công chăm sóc, song đòi hỏi người nuôi phải khéo léo, tỉ mỉ và cần mẫn. Con ong thường mắc bệnh bại liệt và tiêu chảy, nếu không phát hiện kịp thời để điều trị sẽ dẫn đến lây lan, mất cả đàn ong. Là một trong những người đầu tiên nuôi ong thương phẩm, gia đình ông Thắng hiện có 400 đàn ong, trung bình thu 2 tấn mật/năm, bán ra thị trường 120 nghìn đồng/kg.

Tổ hợp tác ong mật được thành lập đầu năm 2020, thu hút 7 thành viên tham gia nuôi giống ong nội. Sau khi được tập huấn khoa học kỹ thuật, từ cách nuôi ong truyền thống, các thành viên Tổ hợp tác đã chuyển sang nuôi theo đúng quy trình, từ thiết kế thùng, kỹ thuật chọn giống, chọn địa điểm đặt đàn ong, tạo chúa cho đến thu hoạch mật… luôn được Tổ hợp tác đặc biệt chú trọng. Các thành viên đều có sổ nhật ký để ghi chép, theo dõi hằng ngày. 

Nhờ áp dụng chặt chẽ quy trình nuôi ong an toàn bằng nguồn thức ăn tự nhiên, không sử dụng thuốc kháng sinh, đàn ong của Tổ hợp tác phát triển ổn định, ít bị bệnh, số lượng đàn không ngừng tăng lên.

Với diện tích cây ăn quả rất lớn và đang phát triển theo hướng hữu cơ, vùng sườn đông Tam Đảo thuộc xã Phúc Thuận (Thị xã Phổ Yên) đang khai thác đa dạng tiềm năng nông nghiệp. Ảnh: ĐVT.

Với diện tích cây ăn quả rất lớn và đang phát triển theo hướng hữu cơ, vùng sườn đông Tam Đảo thuộc xã Phúc Thuận (Thị xã Phổ Yên) đang khai thác đa dạng tiềm năng nông nghiệp. Ảnh: ĐVT.

Kỹ thuật thu hoạch mật bằng máy quay ly tâm, sơ chế và bảo quản sản phẩm mật ong... cũng được áp dụng. Từ hơn 200 đàn ong khi mới thành lập, đến nay, Tổ hợp tác đã có gần 1.000 đàn đang cho khai thác mật, sản lượng mật đến nay đạt trên 4.000 lít.

Trước khi thu hoạch hoặc xuất bán, sản phẩm mật ong đều được Tổ hợp tác kiểm tra kỹ lưỡng nên chất lượng nâng lên rõ rệt, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Mật ong do Tổ hợp tác sản xuất đảm bảo nguyên chất, không chứa bất kỳ hóa chất hay phụ gia nào khác và được tiêu thụ tại các địa phương như Thái Nguyên, Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc... với giá bán dao động từ 140 -170 nghìn đồng/lít. Cùng với việc nuôi ong lấy mật, các hộ thành viên còn bán ra thị trường đa dạng các sản phẩm như phấn hoa, sáp ong và ong giống, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Ông Nguyễn Đăng Yến, thành viên Tổ hợp tác ong mật Đông Tam Đảo chia sẻ: Tham gia vào Tổ hợp tác, ngoài việc được hỗ trợ về giống, vốn để phát triển đàn, còn được Ban Chủ nhiệm Tổ hợp tác thường xuyên đến từng hộ để kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật nuôi ong và các phương pháp tạo chúa, san đàn, quay mật…

Đồng thời, hướng dẫn quy trình làm thùng ong, cầu ong sao cho phù hợp với điều kiện thời tiết của từng mùa để ong phát triển tốt, cho ra nhiều sản phẩm. Ông Yến khẳng định nghề nuôi ong chi phí đầu tư ít, không mất nhiều công chăm sóc. Nguồn thức ăn chính của ong là mật của các loài hoa. Khi đàn ong đi lấy mật về được khoảng 8 ngày là phải quay lấy mật, nếu không chúng sẽ đắp chúa khác và tự tách đàn, bốc bay mất.

Cách quay mật cũng đòi hỏi kỹ thuật khéo léo, lấy cầu ong nhẹ nhàng để không làm tổn thương đàn ong. Với trên 250 đàn ong, mỗi năm gia đình ông Yến thu nhập hàng trăm triệu đồng từ mật và ong giống. 

Do có kinh nghiệm và trình độ nuôi ong lấy mật nên chất lượng mật ong được người tiêu dùng đánh giá rất cao. Mật có màu vàng óng, sánh quyện, vị ngọt đậm đà, để lâu ngày chất lượng không giảm, màu sắc không thay đổi. Đặc sản mật ong “Tinh túy hoa nhãn” của Tổ hợp tác ong mật Đông Tam Đảo xóm Khe Đù đã được xã Phúc Thuận hoàn thiện hồ sơ dự thi sản phẩm OCOP, các thành viên trong Tổ đều định hướng phát triển lâu dài.

Thời gian tới, Tổ hợp tác ong mật Đông Tam Đảo phấn đấu số lượng đàn ong đạt khoảng 2.000 đàn và đầu tư máy lọc tinh và tách thuỷ phần để nâng cao chất lượng mật ong của vùng hoa quý này.

Xem thêm
Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Thời cơ thuận lợi để phát triển cây ca cao

Sau nhiều thăng trầm, giảm mạnh diện tích, cây ca cao vẫn có chỗ đứng ở Bà Rịa – Vũng Tàu và đang mang lại niềm vui cho nông dân nhờ giá tăng cao.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.