| Hotline: 0983.970.780

Sức sống vụ đông

Khi cà rốt củ to hay nhỏ không còn quá quan trọng

Thứ Năm 07/12/2023 , 13:33 (GMT+7)

HẢI DƯƠNG Nông dân Đức Chính bảo, trồng cà rốt bây giờ củ to hay nhỏ không còn là điều quá quan trọng, quan trọng nhất là phải đáp ứng được yêu cầu của nước nhập khẩu.

Cà rốt Đức Chính ngày càng "chính quy"

Cho đến giờ, anh Nguyễn Đức Thuật, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Chính (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) vẫn chưa quên niềm vui cách đây một năm. Nhờ Dự án “Hỗ trợ cơ sở sơ chế và bảo quản nông sản tại Việt Nam” do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ và Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam làm chủ đầu tư, HTX của anh được xây mới nhà xưởng với quy mô gần 1.000m2. Trong đó, có dây chuyển rửa tự động, máy phân loại công suất 25 tấn/ngày và kho bảo quản nhiệt độ thấp rộng gần 50m2.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến (giữa) thăm dây chuyền sơ chế cà rốt của HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Chính. Ảnh: VAAS.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến (giữa) thăm dây chuyền sơ chế cà rốt của HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Chính. Ảnh: VAAS.

Đức Chính là thủ phủ cà rốt của tỉnh Hải Dương, với diện tích gieo trồng hàng năm hơn 300ha. Trước khi có dây chuyền sơ chế hiện đại tại HTX Đức Chính, nông dân hầu như phải làm thủ công, khiến nỗi lo ùn ứ sản phẩm vào mỗi kỳ thu hoạch luôn thường trực. Tuy nhiên, câu chuyện ấy đã lùi vào dĩ vàng. Ngay trong năm đầu tiên vận hành nhà xưởng mới, HTX đã đẩy mạnh thu mua, sơ chế cà rốt cho người dân. Một số ngày cao điểm, HTX đã sơ chế và xuất khẩu tới 100 tấn cà rốt/ngày sang Hàn Quốc.

Việc áp dụng máy móc, thiết bị hiện đại trong sơ chế, bảo quản cà rốt đã và đang góp phần tăng năng suất lao động, gia tăng giá trị cho rau, củ Hải Dương, cải thiện đáng kể thu nhập cho nông dân. Bên cạnh đó, nhờ được chính các chuyên gia Hàn Quốc tư vấn, cây vụ đông của tỉnh đáp ứng được những yêu cầu khắt khe về chất lượng, đồng thời mở ra cơ hội xuất khẩu trực tiếp tới nhiều quốc gia khác như Malaysia, UAE…

Theo Giám đốc Thuật, trong hơn 20 doanh nghiệp đang nhập khẩu trực tiếp cà rốt Đức Chính, có nhiều đơn hàng được đặt từ sớm và yêu cầu có sản phẩm ngay từ trà sớm, dự kiến thu hoạch trong tháng 12/2023. Các công ty liên hệ với HTX, trực tiếp thương lượng giá nên người dân không bị ép giá do bỏ được khâu trung gian. “Nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu đến các thị trường nước ngoài đã mang lại niềm vui, thu nhập lớn cho chúng tôi”, anh nói.

Để xuất khẩu cà rốt sang các thị trường cao cấp, khâu sau thu hoạch rất quan trọng. Cà rốt phải được rửa qua 5 nước, bảo quản lạnh ở nhiệt độ - 3 độ C trong khoảng 16 - 24 tiếng. Suốt quá trình sơ chế, công nhân phải thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Bà Nguyễn Thị Hạnh, Bí thư Đảng ủy xã Đức Chính (giữa) thăm cánh đồng cà rốt của xã. Ảnh: Tùng Đinh.

Bà Nguyễn Thị Hạnh, Bí thư Đảng ủy xã Đức Chính (giữa) thăm cánh đồng cà rốt của xã. Ảnh: Tùng Đinh.

Đơn hàng từ nước ngoài về tới tấp, cà rốt Đức Chính vươn cao, bay xa. Con đường trục chính của cánh đồng cà rốt vì thế cũng được UBND tỉnh Hải Dương quan tâm, đầu tư mở rộng từ 3m lên thành 6m để thuận tiện vận chuyển. Ngoài ra, hệ thống tưới nước tiết kiệm (tưới phun) lấy từ sông Thái Bình được lắp đặt cho khoảng 100ha cà rốt ngoài đê. Giờ thì ngồi ở nhà, nông dân cũng có thể chăm bón cho ruộng rau của mình.

Chị Đặng Thị Xim, một hộ dân tại xã Đức Chính đã sang cả huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh để thuê thêm đất trồng cà rốt. Chị bảo, trồng cà rốt bây giờ cần chú ý nhiều nhất không còn là kích thước củ to hay nhỏ, mà là dư lượng thuốc BVTV, phân bón trong củ có bảo đảm đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng của thị trường nước nhập khẩu hay không.

Chú trọng nâng cao chất lượng nên từ vài năm qua, Hải Dương gần như giữ ổn định diện tích cây vụ đông vào khoảng 21.000ha. Tổng sản lượng ước đạt gần 500.000 tấn, giá trị sản xuất vụ đông này khoảng 5.000 tỷ đồng, bình quân hơn 200 triệu đồng/ha. Những vùng cây trồng hiệu quả kinh tế thấp được chuyển dần sang cây trồng chủ lực hiệu quả kinh tế cao, thúc đẩy sản xuất tập trung thành vùng hàng hóa lớn; chú trọng quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm cây vụ đông.

Bà Nguyễn Thị Hạnh, Bí thư Đảng ủy xã Đức Chính chia sẻ: “Thời gian tới, Đức Chính tiếp tục xác định cà rốt là cây trồng chủ lực. Đảng bộ và chính quyền xã cam kết ưu tiên nguồn lực để người dân tiếp tục duy trì các chuỗi liên kết, mở rộng các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, hiện đại, giúp tăng giá trị trên một đơn vị diện tích”.

Bà Hạnh cũng kêu gọi người dân sản xuất theo quy hoạch, trồng rải vụ, tăng diện tích vụ sớm và kêu gọi doanh nghiệp liên kết bao tiêu sản phẩm để tránh dư thừa, rớt giá.

Cú hích từ chính sách cho vụ đông

Ông Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương khẳng định, địa phương luôn xác định nông nghiệp là mũi nhọn, là trọng điểm phát triển, đầu tư bởi điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng và tập quán, trình độ canh tác của bà con rất phù hợp. “Các cấp chính quyền tỉnh Hải Dương liên tục đề nghị ngành nông nghiệp rà soát, cập nhật để xác định sản phẩm chủ lực nhằm chú trọng phát triển”, ông nói.

Dây chuyền sơ chế cà rốt của HTX Đức Chính có công suất đạt 100 tấn/ngày. Ảnh: HTX Đức Chính.

Dây chuyền sơ chế cà rốt của HTX Đức Chính có công suất đạt 100 tấn/ngày. Ảnh: HTX Đức Chính.

Những năm qua, Hải Dương đã dành nhiều cơ chế, chính sách để thúc đẩy sản xuất, nâng cao giá trị cho sản xuất vụ đông. Trong đó, có tập huấn, đào tạo và hỗ trợ bà con nông dân, đặc biệt là khâu chăm bón, tư vấn kỹ thuật về bao bì, nhãn mác, quy định về dư lượng thuốc BVTV cho các cây trồng vụ đông chủ lực như cà rốt, hành, tỏi…

Trên tinh thần Nghị định 57/2018/NĐ-CP khuyến khích doanh nghiệp đầu tư và Nghị định 98/2018/NĐ-CP khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của Chính phủ, Hải Dương đã đẩy mạnh hỗ trợ sản phẩm có chất lượng cao. Tỉnh cũng đề xuất thực hiện các cơ chế hỗ trợ liên kết, xúc tiến tiêu thụ nông sản thông qua các hội nghị đầu bờ, lễ hội thu hoạch… để mời gọi các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp

Trong năm 2023, Chính phủ còn ban hành Nghị quyết 106/NQ-CP về phát triển HTX nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Bởi vậy, Hải Dương - địa phương trọng điểm về sản xuất vụ đông đã chú trọng nâng cao trình độ, năng lực quản lý đối với cán bộ HTX, thích ứng với những yêu cầu của Luật HTX (sửa đổi). Đồng thời, rà soát, hỗ trợ về phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, thu hoạch và công nghệ sau chế biến.

“Vai trò của kinh tế tập thể và HTX là giữ vai trò quan trọng để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp. Vì thế, chúng tôi luôn nghiên cứu, tìm hiểu tâm tư của bà con nông dân và đã xây dựng quy định hỗ trợ 50% cây giống, thuốc BVTV, phân bón trong các chuỗi giá trị nhằm giúp bà con chủ động hơn trong việc thực hiện liên kết sản xuất, từ canh tác đến tiêu thụ sản phẩm”, ông Quân nhấn mạnh.

Công nghệ tưới hiện đại, dẫn nước trực tiếp từ sông Thái Bình, đảm bảo nguồn nước cho các cánh đồng trồng cà rốt ngoài đê xã Đức Chính. Ảnh: Tùng Đinh.

Công nghệ tưới hiện đại, dẫn nước trực tiếp từ sông Thái Bình, đảm bảo nguồn nước cho các cánh đồng trồng cà rốt ngoài đê xã Đức Chính. Ảnh: Tùng Đinh.

Một số đề án như hỗ trợ áp dụng công nghệ mới vào sản xuất, chẳng hạn sử dụng máy bay không người lái phun thuốc BVTV, hay sản xuất hàng hóa tập trung theo hướng hữu cơ được tỉnh Hải Dương đẩy mạnh. Cùng với đó, là 13 danh mục được hỗ trợ khi tham gia liên kết sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, UBND tỉnh sẽ hỗ trợ 5 triệu đồng/ha cho người dân tích tụ ruộng đất, hay 500.000 đồng/m2 nhà màng…

Bà Lương Thị Kiểm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hải Dương cho biết, ngày càng có nhiều công ty tham gia liên kết với người dân từ lúc bắt đầu gieo trồng vụ đông. Tiêu biểu có mô hình trồng cà rốt tiêu chuẩn xuất khẩu của Công ty Cổ phần Chế biến nông sản Tân Hương đang triển khai khoảng 30ha tại xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng.

Nhờ quy mô lớn, đã tạo thuận lợi trong sản xuất tập trung, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa, giúp giảm chi phí. Cùng mức năng suất hơn 500 tạ/ha, nhưng sau khi trừ chi phí, người dân trồng cà rốt quy mô lớn, tập trung có lợi nhuận nhỉnh hơn từ 15 - 25 triệu đồng/ha so với sản xuất nhỏ lẻ.

“Từ mô hình trồng cà rốt tại Đức Chính, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai mô hình liên kết trồng khoai tây, trồng hành áp dụng cơ giới hóa tại các địa phương lân cận”, bà Kiểm bày tỏ.

Xem thêm
Người Mông trung thành với lợn đen

YÊN BÁI Đồng bào Mông ở Yên Bái tập trung phát triển chăn nuôi lợn đen bản địa quy mô hàng hóa, phù hợp với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt lại giúp nâng cao thu nhập.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất