| Hotline: 0983.970.780

Sức sống vụ đông

Nơi vụ đông đã trở thành nghề

Thứ Ba 05/12/2023 , 14:36 (GMT+7)

THANH HÓA Tại nhiều địa phương ở xứ Thanh, sản xuất vụ đông đã trở thành nghề. Chỉ trong ít tháng, nông dân đã có thể sống khỏe nhờ cây vụ đông.

LTS: Trong khi sản xuất vụ đông một số nơi ngày càng teo tóp thì ở rất nhiều địa phương, sản xuất vụ đông đã trở thành nghề hái ra tiền. Nông dân nhận ra rằng, chỉ có vụ đông mới giúp họ khá lên từ đồng ruộng.

Ngồi "chỉ tay 5 ngón" vẫn thu hàng trăm triệu đồng

Cuộc họp về tích tụ đất đai tại xã Định Long có vẻ sôi nổi. Ông Phạm Ngọc Loát ra khỏi phòng họp lúc gần trưa, nên cơ mặt vẫn còn chưa giãn. Ở xã Định Long (Yên Định, Thanh Hóa), bất cứ cuộc họp nào liên quan tới sản xuất nông nghiệp đều có mặt ông. Là người có kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp nên cách đây vài năm, ông được tổ chức tín nhiệm bầu giữ chức Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Định Long.

Câu chuyện tích tụ đất đai hiện nay tại xã Định Long na ná chuyện dồn điền đổi thửa, chuyển từ trồng dâu tằm sang trồng ngô sinh khối tại địa phương cách đây vài năm.

Cánh đồng ngô sinh khối vụ đông tại thôn Là Thôn (xã Định Long, Yên Định). Ảnh: Quốc Toản.

Cánh đồng ngô sinh khối vụ đông tại thôn Là Thôn (xã Định Long, Yên Định). Ảnh: Quốc Toản.

Chuyện là, năm 2021, nhận thấy cây dâu tằm không còn hợp thời, Đảng ủy, HĐND xã Định Long đã họp và ban hành Nghị quyết chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ dâu tăm sang trồng ngô sinh khối và giao toàn bộ nhiệm vụ cho Hợp tác xã nông nghiệp làm đầu mối triển khai.

“Cây dâu tằm mặc dù là thế mạnh của địa phương với gần 100 hộ tham gia trồng, nhưng vài năm trở lại đây người dân bỏ bãi gần hết. Nguyên nhân là do lao động trẻ đi làm công ty, trong khi người già không còn sức lao động để cáng đáng công việc nặng nhọc này. Chưa dừng lại ở đó, một số hộ dân có đất bãi bồi nhất quyết không chịu nhường đất cho hộ có nhu cầu sản xuất vì sợ mất luôn đất. Trong khi một số cựu lãnh đạo xã thì muốn giữ lại vùng dâu tằm vì ít nhiều vẫn giúp bà con có thu nhập…", ông Loát kể.

Các cuộc tranh cãi xoay quanh vấn đề chuyển đổi cơ cấu cây trồng cứ thế kéo dài gần 1 năm. Ông Loát khi ấy có vẻ liều lĩnh khi ôm hết phần việc của xã vào người, nay muốn “quay đầu” cũng khó. Tới đường cùng, ông bàn với chính quyền địa phương và cán bộ thôn tổ chức họp dân, đồng thời nói rõ phương án: Thứ nhất, nếu người dân đồng ý chuyển đổi cơ cấu cây trồng sẽ được trợ giá về cây giống, bao tiêu đầu ra. Nếu hộ nào không có nhu cầu canh tác thì viết giấy cho hộ khác mượn đất làm dưới sự chứng kiến của xã. Còn việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhất quyết phải thực hiện vì nghị quyết của xã đã ban hành không thể thu hồi.

Ông Loát dứt khoát: “Xã không thể vì một số ý kiến trái chiều mà làm mất cơ hội tăng thu nhập cho bà con và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu…”.

Hiện nay, vùng trồng ngô sinh khối vẫn chưa có hệ thống thủy lợi. Muốn có nước bà con phải khoan giếng, dùng máy bơm. Ảnh: Quốc Toản.

Hiện nay, vùng trồng ngô sinh khối vẫn chưa có hệ thống thủy lợi. Muốn có nước bà con phải khoan giếng, dùng máy bơm. Ảnh: Quốc Toản.

Tại cuộc họp cuối vụ hè thu năm 2022, có 6 hộ dân trong xã tình nguyện đứng ra nhận đất của bà con với giá thuê 300 nghìn đồng/sào/năm để trồng thử nghiệm ngô sinh khối. Các hộ này có trách nhiệm cùng cán bộ xã đi vận động người dân nhường đất khi không có nhu cầu canh tác, hoặc đổi đất cho nhau để làm cánh đồng mẫu lớn.

Sau gần 2 năm, cuối cùng việc tích tụ đất đai để trồng ngô sinh khối cũng xong. Người dân thống nhất giao lại đất cho 6 hộ dân để canh tác vùng trồng. Hộ có diện tích lớn nhất là 4,5ha, thấp nhất 2ha. Vụ ngô sinh khối đầu tiên đạt năng suất khoảng 2,8 - 3,2 tấn/ha. Ngô đến ngày thu hoạch được Công ty bò sữa Nông trường Thống Nhất thua mua. Năm 2022, với 20ha ngô, bà con trong xã thu nhập khoảng 2,4 tỷ đồng, lãi khoảng 1,5 tỷ đồng sau khi trừ chi phí.

Theo tính toán của ông Loát, thu nhập từ cây ngô sinh khối so với cây lúa gấp 2 lần, trong khi loại cây này có thể trồng 4 vụ/năm.

“Làm ngô sinh khối nông dân chỉ việc đứng "chỉ tay 5 ngón". Nông dân vừa nhàn, vừa có thu nhập cao nên phấn khởi lắm! Tất cả mọi việc từ làm đất, bón phân, gieo hạt, đến thu hoạch đều được cơ giới hóa và bao tiêu triệt để.

Vụ ngô sinh khối đầu tiên có người cầm cả trăm triệu đồng trên tay rồi thốt ra câu cửa miệng trước đám đông nghe rất hồn nhiên: “Cả đời làm nông dân chưa bao giờ được cầm tiền cục”, ông Loát kể và cho biết, từ khi xã trồng ngô sinh khối đến nay, ông chưa thu một đồng dịch vụ nào từ người dân, vì đây chưa phải là lúc nghĩ đến công trạng hay lợi nhuận.

Ông Trịnh Viết Hảo (xã Định Long) tự tin vụ đông năm nay sẽ mang lại cho gia đình thu nhập cao. Ảnh: Quốc Toản.

Ông Trịnh Viết Hảo (xã Định Long) tự tin vụ đông năm nay sẽ mang lại cho gia đình thu nhập cao. Ảnh: Quốc Toản.

Dọc cánh đồng thôn Là Thôn hằng ngày đều có một vài chuyên viên kỹ thuật của hợp tác xã qua lạo. Mọi diễn biến bất thường trên cây ngô đều được cán bộ kỹ thuật theo dõi, phân tích và hỗ trợ bà con phòng trị sâu bệnh từ gốc...

Vụ đông năm nay, ngô sinh khối được trồng sớm hơn mọi năm để đón mưa đầu vụ. Từ năm 2023 trở đi, bà con trong thôn xem vụ đông là vụ sản xuất chính bởi hiệu quả kinh tế mang lại khá cao. Hiện cánh đồng ngô tại thôn Là Thôn đã cao quá nửa thân người. Đây cũng là thời điểm người dân khẩn trương huy động nhân lực tỉa ngô xấu, bổ sung dinh dưỡng cho ngô phát triển đều, đẹp.

Ông Trịnh Viết Hảo (thôn Là Thôn) trồng 4,5ha ngô sinh khối, năm 2022 năng suất đạt khoảng 3 tấn/sào. Đây là vụ thứ 3 trong năm ông trồng ngô sinh khối, ước tính cho thu nhập hơn 300 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí đầu tư. Theo kinh nghiệm của ông Hảo, trồng ngô sinh khối ít tốn công chăm sóc hơn so với loại cây trồng khác, trong khi sản phẩm có đầu ra, thị trương tiêu thụ ổn định.

“Thời tiết năm nay thuận lợi nên cây ngô sinh trưởng phát triển tốt, ít sâu bệnh. Ngoài ra, đây là giống ngô có tán rộng, cây to, lá dày nên cỏ và sâu bệnh ít có cơ hội gây hại. Với đà này, tôi tin chắc sẽ thắng lớn và sẽ mở rộng trồng ngô sinh khối lên 4 vụ/năm”, ông Hảo chia sẻ.

Cái khó trong trồng ngô sinh khối tại xã Định Long không phải là thị trường tiêu thụ hay sản lượng, mà là hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu. Để có nước tưới, người dân phải khoan giếng ở chân ruộng, lắp đường ống chạy dọc lối đi để tưới nhỏ giọt cho ngô. Ông Loát nhẩm tính, nếu đầu tư hệ thống thủy lợi để phục vụ tưới cho ngô sinh khối, số tiền phải lên tới cả tỷ đồng, nhưng số tiền này quá sức với nông dân.

Cả làng trồng dưa chuột vụ đông

Ông Trịnh Văn Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Xuân (Thọ Xuân, Thanh Hóa) không nhớ nghề trồng dưa chuột nếp ở địa phương có từ khi nào, chỉ biết rằng, thuở nhỏ, ông đã chứng kiến cảnh tấp nập xe cộ chở dưa ra vào cổng làng. Lớn lên, ông được nghe các cụ cao niên trong làng kể lại, làng dưa có truyền thống cả trăm năm nay. Đây là giống dưa chuột bản địa do người dân tự tìm tòi nhân giống. 

Cánh đồng dưa chuột xen canh ớt tại xã Trường Xuân. Ảnh: Quốc Toản.

Cánh đồng dưa chuột xen canh ớt tại xã Trường Xuân. Ảnh: Quốc Toản.

Là địa phương có truyền thống thâm canh vụ đông hiệu quả, những năm qua, bà con nông dân xã Trường Xuân luôn coi đây là vụ sản xuất chính trong năm. Vụ đông năm nay, toàn xã gieo trồng các loại cây chủ lực như dưa chuột, ớt, ngô ngọt, rau màu khác trên diện tích 560ha. Đến cuối tháng 9, nông dân đã cơ bản gieo trồng hết diện tích theo kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, mưa lớn tại thời điểm gieo trồng đã làm cho gần 50ha cây vụ đông, chủ yếu là dưa chuột hư hại phải trồng lại. Rất may, do chủ động về nguồn giống nên ngay sau khi hết mưa, bà con đã chủ động ươm bầu, rút ngắn thời gian gieo trồng tại ruộng, đảm bảo được thời vụ.

Toàn xã Trường Xuân có 70ha dưa chuột, còn lại là diện tích trồng ớt, ngô ngọt và rau màu khác. Thời điểm này, trên khắp các cánh đồng màu của xã đã được phủ kín bởi màu xanh của các loại cây vụ đông. Tại cánh đồng cây màu của thôn Long Linh Ngoại 1, bà con cần mẫn bám đồng ruộng, tranh thủ thời tiết thuận lợi tập trung chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh cho cây vụ đông.

Riêng đối với cây dưa chuột, người dân trong xã đang tích cực thu hoạch vụ cuối. Vụ dưa này, mỗi ha đạt gần 30 tấn quả, doanh thu toàn xã từ việc bán dưa ước đạt khoảng hơn 2 tỷ đồng/năm. Nhiều bà con trong xã có thu nhập ổn định từ 40 - 50 triệu đồng từ cây vụ đông, chủ yếu từ dưa chuột, ớt, ngô.

Một số hộ dân đã thu hoạch xong dưa chuột vụ đông, chuẩn bị cho vụ mới. Ảnh: Quốc Toản.

Một số hộ dân đã thu hoạch xong dưa chuột vụ đông, chuẩn bị cho vụ mới. Ảnh: Quốc Toản.

Ông Trịnh Bá Quyền (thôn Long Linh Ngoại 1) cho biết: “Trồng dưa chuột chi phí thấp, trong khi đây là giống truyền thống của địa phương, phân chuồng cũng có sẵn nên chi phí không đáng kể. Dưa chuột chỉ cần hái, để đầu bờ là thương lái vào tận ruộng mua. Trường hợp người dân trực tiếp vận chuyển ra chợ hoặc nhập cho doanh nghiệp thì giá nhỉnh hơn một chút".

Để đảm bảo đầu ra ổn định, UBND xã Trường Xuân đã chỉ đạo các hợp tác xã xây dựng theo chuỗi liên kết từ nhà nông, hợp tác xã, doanh nghiệp thu mua bao tiêu sản phẩm với phương châm: Dưa được thu hoạch đến đâu, bao tiêu hết cho bà con đến đó. Đến nay, UBND xã đang hướng tới xây dựng thương hiệu dưa chuột nếp trở thành sản phẩm OCOP của địa phương, góp phần tăng giá trị hàng hóa, cải thiện thu nhập cho bà con.

Ông Vũ Quang Trung, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thanh Hóa cho biết: "Vụ đông trở thành vụ chính tại nhiều địa phương trong tỉnh những năm qua, với các sản phẩm chủ lực như ngô, đậu tương, khoai tây... Các sản phẩm này đang trở thành hàng hóa quy mô lớn, được doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu ngay từ đầu. Ngoài ra, để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cây vụ đông, hợp tác xã phải trở thành cầu nối giữa người sản xuất và doanh nghiệp nhằm quản lý, nâng cao giá trị sản xuất".

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.