| Hotline: 0983.970.780

Sức sống vụ đông

Nơi vụ đông được 'ưu ái' nhất trong năm

Thứ Tư 06/12/2023 , 06:20 (GMT+7)

YÊN BÁI Xác định vụ đông là vụ sản xuất chính, thậm chí cho thu nhập gấp đôi 2 vụ lúa trong năm nên Yên Bái luôn dành 'ưu ái' để sản xuất vụ đông tốt nhất.

Sáng lúa, chiều rau...

Nhiều năm nay, gia đình ông Nguyễn Văn Thường ở thôn Bái Dương, xã Tuy Lộc (TP Yên Bái) đã đưa một số loại cây rau màu vào gieo trồng trong vụ đông trên diện tích 6 sào đất ruộng lúa 2 vụ để nâng cao thu nhập.

Theo ông Thường, sau khi thu hoạch lúa vụ mùa, gia đình ông đã khẩn trương làm đất gieo trồng các giống đỗ, su su, bắp cải và rau gia vị. Trồng rau màu trong vụ đông cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với cấy lúa. Để cung cấp sản phẩm đảm bảo an toàn ra thị trường, ông đã áp dụng các phương pháp thủ công trong làm cỏ, bón bằng phân chuồng đã ủ hoại mục. Sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, nếu thời tiết thuận lợi sẽ thu được từ 30 - 40 triệu đồng trong vụ này.

Gia đình ông Nguyễn Văn Thường ở thôn Bái Dương, xã Tuy Lộc (TP Yên Bái) gieo trồng 6 sào cây rau màu vụ đông các loại trên đất 2 vụ lúa. Ảnh: Thanh Tiến.

Gia đình ông Nguyễn Văn Thường ở thôn Bái Dương, xã Tuy Lộc (TP Yên Bái) gieo trồng 6 sào cây rau màu vụ đông các loại trên đất 2 vụ lúa. Ảnh: Thanh Tiến.

Để sẵn sàng cho sản xuất vụ đông năm nay, gia đình bà Trần Thị Tố ở thôn Thanh Sơn, xã Tuy Lộc đã chuẩn bị giống cây trồng và phân bón từ giữa tháng 10. Ngay sau khi thu hoạch lúa mùa, cả nhà ra đồng phát rạ, khẩn trương làm đất trồng cây vụ đông. Vụ này gia đình bà trồng hơn 3 sào rau gồm các loại rau, quả như cà chua, súp lơ, bắp cải, su hào.

Theo bà Tố, súp lơ, cà chua là những cây màu khó tính, cần phải chăm sóc cẩn thận, kịp thời phòng trừ sâu bệnh mới đem lại hiệu quả kinh tế. Trong quy trình sản xuất, vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được đặt lên hàng đầu, vì vậy gia đình Tố dùng nguồn nước sạch để tưới rau và sử dụng các chế phẩm sinh học an toàn để phòng trừ sâu bệnh.

Do quá trình đô thị hóa, TP Yên Bái là địa phương có ít diện tích đất nông nghiệp, nhưng nhu cầu sử dụng thực phẩm lớn. Để chủ động nguồn thực phẩm rau, củ, quả, nhất là cho dịp lễ, Tết cuối năm, Thành phố đã chỉ đạo các xã, phường tăng hệ số sử dụng đất nông nghiệp; xây dựng sớm khung lịch thời vụ, cơ cấu giống phù hợp, quy hoạch sản xuất thành những vùng tập trung, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nông dân Yên Bái ngày càng chú trọng canh tác đảm bảo chất lượng sản phẩm và đảm bảo an toàn thực phẩm cho cây vụ đông. Ảnh: Thanh Tiến.

Nông dân Yên Bái ngày càng chú trọng canh tác đảm bảo chất lượng sản phẩm và đảm bảo an toàn thực phẩm cho cây vụ đông. Ảnh: Thanh Tiến.

Ông Nguyễn Anh Quyền - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ Phát triển nông nghiệp TP Yên Bái cho biết: Vụ đông này, bà con nông dân của Thành phố đã gieo trồng gần 450ha cây màu, tập trung ở một số xã, phường như Tuy Lộc, Âu Lâu, Tân Thịnh, Văn Phú, Hợp Minh…

Ngay từ đầu vụ, đơn vị đã cử cán bộ khuyến nông tập huấn, hướng dẫn bà con áp dụng khoa học kỹ thuật thâm canh, phòng trừ sâu bệnh hại cho cây vụ đông. Khuyến cáo người dân xử lý đất trước khi xuống giống để hạn chế mầm bệnh; định hướng cho người dân các loại cây phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu và có hiệu quả kinh tế cao đưa vào sản xuất.

Huyện Trấn Yên là một trong những địa phương đi đầu trong sản xuất vụ đông ở Yên Bái. Phong trào sản xuất cây vụ đông được người dân duy trì từ nhiều năm nay để nâng cao thu nhập. Vụ đông năm 2023, toàn huyện đã gieo trồng trên 1.100ha cây màu, trong đó hơn 400ha ngô, 90ha khoai lang và trên 600ha rau màu các loại.

Trồng cây rau màu trong vụ đông mang lại thu nhập cao gấp nhiều lần cấy lúa 2 vụ. Ảnh: Thanh Tiến.

Trồng cây rau màu trong vụ đông mang lại thu nhập cao gấp nhiều lần cấy lúa 2 vụ. Ảnh: Thanh Tiến.

Bà Triệu Thị Bích Liệu - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Trấn Yên cho biết, sản xuất vụ đông luôn gặp nhiều khó khăn, bất lợi bởi thời tiết rét đậm, rét hại nhưng nếu bố trí khung thời vụ tốt, cơ cấu giống phù hợp, chăm sóc tích cực thì mang lại hiệu quả cao hơn các vụ chính trong năm.

Vì vậy, ngành nông nghiệp huyện đã tích cực hướng dẫn người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng phương pháp canh tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong chăm sóc cây vụ đông. Tập trung trồng rải vụ, gối vụ với những loại cây có giá trị, phù hợp với thổ nhưỡng để nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác.

Chị Nguyễn Thúy Giang ở xã Y Can (huyện Trấn Yên) chia sẻ: Trước đây, gia đình trồng rau màu ngoài bãi, phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết nên năng suất không cao, phải sử dụng thuốc BVTV hóa học để phòng trừ sâu bệnh, vừa tốn kém chi phí, ảnh hưởng tới sức khỏe và môi trường, vừa có nguy cơ gây mất an toàn trên sản phẩm.

Mỗi vụ đông, huyện Trấn Yên gieo trồng hơn 1.000ha cây màu. Ảnh: Thanh Tiến.

Mỗi vụ đông, huyện Trấn Yên gieo trồng hơn 1.000ha cây màu. Ảnh: Thanh Tiến.

Năm 2021, gia đình chị vay vốn đầu tư mô hình nhà lưới quy mô hơn 2.000m2 để trồng rau. Từ khi áp dụng mô hình nhà lưới, chị Giang có thể trồng rau trái vụ có giá trị cao hơn. Không những vậy, rau được trồng trong nhà lưới còn xanh tốt, phát triển đồng đều, chi phí sản xuất thấp do hạn chế được ảnh hưởng từ các yếu tố môi trường, thời tiết, sâu bệnh, sản phẩm luôn đảm bảo an toàn.

Giải phóng đất sớm nhất cho cây vụ đông

Vụ đông là vụ sản xuất đặc thù và có lợi thế của tỉnh Yên Bái. Trong 3 - 4 tháng mùa đông, có thể sản xuất đa dạng chủng loại cây trồng. Hiện nay, mỗi năm toàn tỉnh gieo trồng khoảng 10.000 - 11.000ha cây vụ đông, với đa dạng cây trồng như ngô, khoai lang, cà chua, rau ăn lá, rau ăn củ, đậu, bí và rau gia vị các loại…

Sản xuất vụ đông không những đã trở thành vụ sản xuất quan trọng trong năm, mang lại thu nhập cao cho bà con mà còn đáp ứng nhu cầu về thực phẩm choi thị trường, nhất là nhu cầu thực phẩm tăng cao vào dịp lễ Tết cuối năm, đồng thời bổ sung nguồn thức ăn dự trữ quan trọng cho chăn nuôi trong mùa đông.

Trồng rau trong nhà lưới giúp hạn chế được nhiều sâu bệnh, luôn đảm bảo an toàn thực phẩm và có thể trồng được các loại rau trái vụ cho thu nhập cao. Ảnh: Thanh Tiến.

Trồng rau trong nhà lưới giúp hạn chế được nhiều sâu bệnh, luôn đảm bảo an toàn thực phẩm và có thể trồng được các loại rau trái vụ cho thu nhập cao. Ảnh: Thanh Tiến.

Ông Nguyễn Xuân Huy - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Yên Bái cho biết: Vụ đông năm 2023, toàn tỉnh đã gieo trồng hơn 10.600ha cây màu. Xác định vụ đông là vụ sản xuất chính, với sản phẩm đa dạng, có thị trường tiêu thụ và mang lại giá trị thu nhập cao, các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch thời vụ, triển khai gieo cấy trà lúa đông xuân sớm, mùa sớm để chuẩn bị đất sớm nhất cho sản xuất cây vụ đông.

Chi cục cũng khuyến cáo bà con chủ động lựa chọn cơ cấu giống cây vụ đông có khả năng chịu rét, chịu úng tốt, năng suất, sản lượng cao; bố trí lịch thời vụ phù hợp và đẩy mạnh liên kết sản xuất. Đồng thời quy hoạch sản xuất theo hướng hàng hóa, tập trung, sản xuất theo vùng để có số lượng đủ lớn nhằm liên kết tiêu thụ sản phẩm. Khuyến khích các hộ dân, hợp tác xã ký hợp đồng bao tiêu trước khi tổ chức sản xuất đối với các sản phẩm cây trồng đầu tư lớn.

Mỗi năm tỉnh Yên Bái gieo trồng hơn 10.000ha cây màu trong vụ đông. Ảnh: Thanh Tiến.

Mỗi năm tỉnh Yên Bái gieo trồng hơn 10.000ha cây màu trong vụ đông. Ảnh: Thanh Tiến.

Ông Nguyễn Đức Điển - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Yên Bái cho biết: Với phương châm “sạch, chất lượng, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng”, nhiều vùng trong tỉnh đã hình thành các nhóm nông dân sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP.

Các địa phương tích cực hỗ trợ người dân ứng dụng công nghệ cao, sản xuất rau trong nhà màng, nhà lưới, trồng rau trên giá thể, rau thủy canh... Song song đó, chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi để hình thành các vùng chuyên sản xuất rau màu tập trung, an toàn, hữu cơ nhằm tăng năng suất, chất lượng và giá trị nông sản.

Yên Bái khuyến khích người dân hình thành các vùng trồng rau màu vụ đông hàng hóa theo hướng an toàn, hữu cơ. Ảnh: Thanh Tiến.

Yên Bái khuyến khích người dân hình thành các vùng trồng rau màu vụ đông hàng hóa theo hướng an toàn, hữu cơ. Ảnh: Thanh Tiến.

Tỉnh cũng chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương chủ động kết nối doanh nghiệp và nông dân trong thu mua, phân phối, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng chuỗi giá trị nông sản bền vững, khắc phục tình trạng bị tư thương ép giá đối với sản phẩm cây vụ đông. Đây là cơ sở để giúp nông dân, doanh nghiệp nghiên cứu, điều chỉnh hướng sản xuất, kinh doanh đáp ứng nhu cầu của thị trường và chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm.

Năm 2022, toàn tỉnh Yên Bái gieo trồng hơn 10.600ha cây vụ đông, sản lượng khoảng 70.000 tấn, giá trị thu nhập gần 550 tỷ đồng, trung bình đạt 51 triệu đồng/ha. Ở một số vùng, nông dân có truyền thống, trình độ thâm canh cao nên giá trị sản xuất vụ đông cao gấp nhiều lần so với 2 vụ lúa. Nhiều năm nay, vụ đông được xác định là vụ sản xuất chính thứ 3 trong năm, không chỉ góp phần đảm bảo mục tiêu sản xuất lương thực, mà còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao thu nhập cho nông dân.

Xem thêm
Người làm nên thương hiệu 'heo say xỉn'

NINH BÌNH Mấy năm nay tôi không thể vào một trại lợn nào vì chủ trại phòng dịch rất nghiêm, thế mà anh Nga bảo vào thoải mái, lao động ở đây còn thường xuyên về nhà.

Chú trọng tiêm vacxin, chống buôn lậu trước mùa nguy cơ dịch bênh

Chỉ đạo hoạt động của ngành thú y, chăn nuôi thời gian tới, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh công tác kiểm soát dịch bệnh bằng vacxin và phòng chống buôn lậu.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.