Ngô đông thuận lợi, khoai tây gặp khó
Năm 2023, toàn huyện Tân Yên (Bắc Giang) phấn đấu gieo trồng 3.800ha cây vụ đông, sản lượng ước đạt trên 70.000 tấn. Đến ngày 25/11, diện tích gieo trồng cây vụ đông trên địa bàn huyện đạt hơn 3.600ha. Trong đó tập trung vào các đối tượng chủ lực như rau các loại, ngô ngọt, khoai tây, khoai lang…
Bà Đào Thu Phương, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tân Yên cho biết, thời điểm cuối tháng 9, đầu tháng 10, trên địa bàn huyện liên tục có mưa nên việc xuống giống trà cây vụ đông ưa ấm (ngô ngọt, lạc) của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Sau đó, thời tiết nắng ấm lại gây bất lợi cho trà cây vụ đông ưa lạnh (khoai tây).
Hiện một số cây vụ đông đã cho thu hoạch với năng suất và giá bán tương đối cao như ớt (25.000 - 30.000 đồng/kg), ngô ngọt (7.500 - 9.000 đồng/kg), dưa chuột (10.000 - 15.000 đồng/kg), rau các loại (12.000 - 15.000 đồng/kg)...
Ghi nhận trên địa bàn huyện Tân Yên, hầu hết nông dân đều chung đánh giá: Đối với cây ngô, mặc dù tiến độ xuống giống năm nay có phần chậm hơn so với năm trước do đầu vụ gặp thời tiết mưa, nhưng sau đó nắng ấm trở lại nhanh đã tạo điều kiện thuận lợi để ngô sinh trưởng và phát triển. Hiện tại, các trà ngô thân cây khỏe, bắp to, một số diện tích đã thu hoạch cho năng suất cao.
Đối với khoai tây, nắng ấm liên tục lại là trở ngại vì đây là loại cây ưa lạnh. Giai đoạn xuống giống, một số diện tích gặp nhiệt độ cao nên có hiện tượng thối củ, phải trồng lại. Một số diện tích cây non mắc bệnh lở cổ rễ khiến nông dân tốn kém thêm chi phí và công lao động chăm sóc.
Tuy nhiên, theo dự báo thời tiết, thời điểm từ cuối tháng 11, các tỉnh miền Bắc sẽ đón đợt không khí lạnh, trời chuyển rét với nền nhiệt độ phổ biến từ 15 - 18 độ C, đây là điều kiện thuận lợi cho khoai tây phát triển, hình thành củ.
Đứng vững nhờ liên kết sản xuất
Vụ đông 2023, nhiều hợp tác xã (HTX), hộ sản xuất trên trên địa bàn huyện Tân Yên đã tích cực tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Kết quả thu được rất khả quan khi các chủ thể tham gia chuỗi đều được hưởng lợi.
Anh Nguyễn Văn Đàn, Giám đốc HTX Sản xuất nông nghiệp Tài Linh (thôn Chính Lan, xã Lan Giới, Tân Yên) cho biết, HTX gieo trồng 22ha ngô ngọt, 20ha khoai tây và liên kết thu mua cà chua bi, dưa bao tử cho các hộ trong vùng.
HTX phát triển sản xuất quy mô lớn từ năm 2021, tuy nhiên ban đầu chưa có sự liên kết sản xuất nên sản phẩm tiêu thụ rất vất vả, giá bán bấp bênh. Từ năm 2022, HTX đã tích cực kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp thu mua, chế biến nông sản để hợp tác, bao tiêu sản phẩm cây vụ đông theo hình thức HTX làm đầu mối cung cấp đủ nguyên liệu theo yêu cầu, doanh nghiệp thu mua toàn bộ sản phẩm với giá thỏa thuận (không chênh lệch lớn với giá thị trường, đảm bảo nông dân có lãi).
Theo anh Đàn, khi sản xuất theo chuỗi liên kết, các chủ thể tham gia đều có lợi. Người dân được HTX hỗ trợ cung cấp vật tư đầu vào (cuối vụ mới khấu trừ), sản phẩm có đầu ra ổn định, giá bán tốt nên không phải lo lắng tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. HTX thuận lợi hình thành cánh đồng sản xuất tập trung, áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa giúp giảm công lao động, tiết kiệm chi phí. Doanh nghiệp có nguồn cung nguyên liệu dồi dào, đảm bảo chất lượng.
“Nhờ có liên kết sản xuất, năm trước hơn 400 tấn khoai tây, hơn 200 tấn ngô ngọt của HTX được bao tiêu toàn bộ. Năm nay, HTX đã ký kết với doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ ngô ngọt với giá 7.000 đồng/kg (loại 1), 3.500 đồng/kg (loại 2), dưa bao tử loại 60 quả/kg có giá 11.000 đồng/kg. Riêng khoai tây, phía doanh nghiệp đã đề xuất mức giá 8.000 đồng/kg, tuy nhiên thời gian thu hoạch còn xa và càng về cuối năm giá bán dự báo sẽ tăng nên hai bên sẽ tiếp tục đàm phán để có được mức giá thu mua hợp lý hơn”, anh Đàn thông tin.
Tương tự, HTX Nông nghiệp Hoàng Linh (thôn Đồi Chính, xã Đại Hóa, huyện Tân Yên) do anh Vương Anh Tuấn làm Giám đốc đã xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất cây vụ đông hoạt động hiệu quả trong nhiều năm qua.
Anh Tuấn chia sẻ, người dân trong vùng có truyền thống trồng cây vụ đông nhưng trước đây do diện tích nhỏ lẻ, mạnh ai người ấy làm nên hiệu quả kinh tế không cao. Cũng vì lí do đó mà một số hộ đã để ruộng không hoặc trồng cho có.
Năm 2020, khi HTX chính thức được thành lập, nhận thấy đồng đất bị lãng phí, các thành viên đã thống nhất đứng ra mượn lại ruộng của những hộ bỏ hoang để sản xuất khoai tây, thuê chủ ruộng làm lao động chăm sóc (nếu có nhu cầu).
Vụ đông năm nay, HTX gieo trồng 20ha khoai tây và liên kết với hơn 30 hộ khác trong vùng để thu mua toàn bộ khoai tây và bí đỏ. Để hoạt động tiêu thụ thuận lợi, HTX liên kết với HTX Dịch vụ Sản xuất nông nghiệp Trường An (huyện Quế Võ, Bắc Ninh) xuất bán khoai tây thương phẩm loại 1 và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu khoai tây tiêu thụ loại 2 (HTX cung cấp cho doanh nghiệp khoai tây đã được gọt vỏ sạch sẽ). Bên cạnh đó, HTX cũng đầu tư xây dựng 2 kho lạnh với công suất 50 tấn/kho để bảo quản giống và khoai tây thương phẩm khi thị trường có sự biến động.
“Trước đây không có liên kết, khoai tây loại 2 tiêu thụ rất chậm, giá bán thấp. Bây giờ, số lượng bao nhiêu cũng được doanh nghiệp thu mua hết, giá bán tăng lên gấp đôi. Năm trước HTX xuất bán được hơn 200 tấn khoai tây gọt vỏ và 300 tấn khoai tây thương phẩm (nguyên vỏ), năm nay khả năng sẽ còn cao hơn”, anh Tuấn vui vẻ nói.
Liên kết để tự tạo ra thị trường
Anh Tuấn cũng cho rằng, trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp đối diện nhiều khó khăn, thay vì “đỏ mắt” đi tìm thị trường tiêu thụ, người sản xuất nên tự tạo ra thị trường cho mình bằng cách xây dựng chuỗi liên kết. Bởi lẽ, các chủ thể tham gia chuỗi ngoài quyền lợi sẽ luôn có trách nhiệm hoàn thành phần việc của mình. Hộ dân có trách nhiệm sản xuất an toàn, chất lượng; HTX là đầu mối đôn đốc, hướng dẫn, gom hàng; doanh nghiệp thu mua toàn bộ sản phẩm. Khi chuỗi lớn mạnh, sản phẩm sẽ không ngừng được hoàn thiện, tăng sức cạnh tranh và tự khắc có thị trường.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với việc mở rộng chuỗi liên kết là nhiều hộ vẫn giữ tâm lý chạy theo thị trường bán lẻ nên không mạnh dạn ký kết thỏa thuận liên kết từ đầu, mà đợi sự lên xuống của thị trường. Thậm chí, nhiều hộ đã có thỏa thuận liên kết, được HTX đầu tư giống, vật tư nhưng lúc thu hoạch lại bán sản phẩm cho thương lái bên ngoài khi thấy giá cao hơn hợp đồng thỏa thuận. Khi giá thị trường xuống thấp, sản phẩm tạo ra không đảm bảo lại yêu cầu HTX phải thu mua với giá cao…
Ông Hoàng Văn Y, thôn Liên Cao, xã Đại Hóa (huyện Tân Yên) trồng 10 mẫu khoai tây, 3 mẫu bí, 1 mẫu khoai lang chia sẻ, trong bối cảnh giá các loại vật tư đầu vào đều tăng như hiện nay, lại thiếu hụt lực lượng lao động nông nghiệp trẻ thì sản xuất nhỏ lẻ chắc chắn sẽ không có lãi. Bởi lẽ, muốn giảm chi phí và công lao động thì phải có diện tích đủ lớn để đưa máy móc vào thay thế lao động thủ công.
Tuy nhiên, nếu đầu tư sản xuất lớn thì chi phí ban đầu không hề nhỏ, cộng với việc không có đầu mối tiêu thụ ổn định thì chẳng hộ nào dám “liều”. Do đó, giải pháp tối ưu hiện nay cho các hộ sản xuất là tham gia vào chuỗi liên kết. Mặc dù giá bán sản phẩm trong chuỗi có thời điểm sẽ thấp hơn giá thị trường nhưng tính ổn định lại rất cao.
“Gia đình tôi là một ví dụ, lao động chỉ có 2 vợ chồng, chi phí đầu tư cho ngần đấy diện tích cây vụ đông mỗi vụ khoảng 200 triệu đồng. Nếu không tham gia liên kết, không được HTX cho ứng trước vật tư, thu mua khoảng 60 - 70 tấn khoai tây và hàng tấn các loại củ, quả khác thì không thể làm nổi. Hiện tại, nhờ có liên kết với HTX nên bình quân mỗi vụ đông sau khi trừ đi các khoản chi phí, gia đình vẫn có lãi khoảng 100 - 120 triệu đồng. Làm nông như thế là hạnh phúc rồi”, ông Y phấn khởi.
Theo bà Đào Thu Phương, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tân Yên, vụ đông 2023, UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường kết nối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vào địa bàn liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; định hướng, chỉ đạo các hộ sản xuất sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường.
Bên cạnh đó, tuyên truyền, vận động nông dân tích tụ ruộng đất thành những cánh đồng tập trung, sản xuất theo nhóm hộ, tham gia HTX; lấy HTX, tổ hợp tác làm đầu mối ký kết hợp đồng, liên kết, tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.