| Hotline: 0983.970.780

Sức sống vụ đông

Vụ đông trị giá 8.000 tỷ đồng của Hải Phòng

Thứ Tư 06/12/2023 , 13:58 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Nhờ cách làm sáng tạo, nhất là vai trò hỗ trợ của hệ thống khuyến nông, mỗi vụ đông ở TP Hải Phòng mang về giá trị sản xuất khoảng 8.000 tỷ đồng.

Bí quyết giữ vụ đông

TP Hải Phòng là một trong những địa phương có diện tích cây vụ đông khá lớn ở Đồng bằng sông Hồng. Vụ đông sớm tại đây thường được gieo trồng từ 15/8 - 5/10, áp dụng đối với các loại cây ưa ấm như ngô, cà chua, dưa hấu, dưa chuột, bầu bí, khoai lang. Còn chính vụ đông sẽ gieo trồng từ 5/10 - 10/11, áp dụng với các loại cây ưa lạnh như khoai tây, rau thập tự, hành tỏi, ớt, rau đậu các loại, hoa cây cảnh...

Trồng cây vụ đông được duy trì khá tốt ở Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Trồng cây vụ đông được duy trì khá tốt ở Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Trong khi nhiều địa phương gặp khó khăn trong việc phát triển sản xuất vụ đông thì ở Hải Phòng, đây là vụ không thể thiếu. Mặc dù khó khăn trong mở rộng diện tích nhưng sản xuất vụ đông của Hải Phòng luôn duy trì khá ổn định, thậm chí ở một số quận, huyện, việc sản xuất cây vụ đông đã thành truyền thống, cho giá trị, thu nhập cao.

Gia đình ông Nguyễn Văn Hòa ở thôn Quan Bồ, xã Cấp Tiến (huyện Tiên Lãng) chỉ có khoảnh vườn nho nhỏ, nhiều năm trước đây gần như bỏ không vì quá ít để canh tác. Sau khi thấy hàng xóm ăn nên làm ra với cây khoai tây, được cán bộ khuyến nông giải đáp những thắc mắc, ông Hòa vượt qua “mặc cảm” bắt tay vào sản xuất cây vụ đông. Ngay trong vụ đầu tiên, trừ chi phí, gia đình ông thu về tiền triệu mà lại nhàn tênh.

“Tôi không nghĩ đồng đất quê mình lại hợp với khoai tây thế, bắt tay vào làm tôi được hỗ trợ tư vấn từ giống đến kỹ thuật, khi thu hoạch được doanh nghiệp mua tại chỗ. Chưa bao giờ tôi thấy làm nông nghiệp tiện thế này. Vụ đông năm 2023, tôi đã mở rộng thêm diện tích”, quá bất ngờ, ông Hòa chia sẻ.

Có lẽ cái mà ông Hòa mới ngỡ ra cũng là điều mà nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Tiên Lãng đã từng trải qua. Vì thế mà Tiên Lãng từ một địa phương phát triển manh mún, nhỏ lẻ về sản xuất vụ đông, đến nay trung bình mỗi vụ đông đã có trên 2.000ha được gieo trồng, trở thành một trong 2 địa phương đi đầu Hải Phòng về sản xuất vụ đông.

“Hàng chục năm nay, chúng tôi luôn ổn định khoảng 10ha khoai tây trồng tập trung với năng suất trung bình đạt khoảng 7,5 tấn/ha. Nhiều năm qua, HTX ký kết hợp đồng thu mua để cung cấp cho một doanh nghiệp ở tỉnh Hải Dương nên nông dân không phải lo đầu ra. Người dân chúng tôi rất phấn khởi”, ông Phan Văn Tụ, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Cấp Tiến bộc bạch.

Khoai tây là một trong những cây vụ đông được trồng nhiều ở Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Khoai tây là một trong những cây vụ đông được trồng nhiều ở Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Tại xã Tiên Thanh (huyện Tiên Lãng) hiện có khoảng 30ha trồng khoai tây và 30ha trồng dưa chuột bao tử tập trung vào vụ đông với khoảng 100 hộ trồng dưa chuột bao tử và 200 hộ trồng khoai tây. Dưa bao tử được người dân trồng trên diện tích đất 2 vụ lúa, còn khoai tây được trồng trên đất canh tác 1 màu, 1 lúa trong năm.

Nhiều năm nay, người dân không còn phải chịu cảnh “được mùa mất giá” do được Hợp tác xã đứng ra liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu toàn bộ sản phẩm cây vụ đông cho bà con. Người dân tại đây đã có truyền thống trồng cây vụ đông, duy trì liên tục hàng chục năm nay rất hiệu quả.

Ông Hoàng Xuân Định, Giám đốc HTX Tiên Thanh chia sẻ, để duy trì được vụ đông, quan trọng nhất là phải hiệu quả, người dân làm ra nông sản phải bán được, giá tốt và ổn định.

Hàng năm, vào đầu vụ, HTX sẽ đứng ra làm việc với doanh nghiệp, ký hợp đồng thu mua với giá cố định cho người dân. Với khoai tây, thường giá sẽ ở mức 7.000 đồng/kg, còn dưa bao tử sẽ dao động từ 8.000 - 12.000 đồng/kg. Với mức giá này, nếu được mùa, người dân lãi khoảng 2,5 triệu đồng/sào (360m2) khoai tây và lãi khoảng 6 triệu đồng/sào dưa bao tử, cao hơn nhiều so với trồng lúa.

Thông thường, khi vào vụ thu hoạch, thương lái nhiều nơi sẽ gặp gỡ người dân để thỏa thuận và mua với giá cao hơn so với giá mà người dân đã ký kết với HTX. Tuy nhiên nếu để xảy ra vi phạm thì các mối liên kết sẽ lập tức tan rã.

Nếu không tiêu thụ tốt được sản phẩm, giá trị không cao thì khó duy trì vụ đông. Ảnh: Đinh Mười.

Nếu không tiêu thụ tốt được sản phẩm, giá trị không cao thì khó duy trì vụ đông. Ảnh: Đinh Mười.

Để khắc phục tình trạng này, trước khi vào vụ thu hoạch, phía doanh nghiệp, HTX và các hộ dân sẽ ngồi với nhau thống nhất giá thu mua, nếu bên nào phá vỡ hợp đồng sẽ phải đền bù.

“Giá cả do thương lái đưa ra có khi cao hơn nhưng thường mua số lượng ít và lựa chọn khắt khe. Còn với hợp tác xã và doanh nghiệp liên kết, người dân được nợ giống, mua giá ổn định, được hỗ trợ ưu đãi về phân bón và vật tư. Chúng tôi ràng buộc với nhau rất chặt chẽ, các bên đều có lợi, nếu người dân vi phạm hợp đồng, bán nông sản ra ngoài phải đền 1,5 lần giá trị tiền giống và sẽ không được thu mua trong những năm sau”, ông Định chia sẻ

Ông Đinh Xuân Thắng - Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Vĩnh Bảo cho biết: "Dù diện tích cây vụ đông trên địa bàn còn manh mún nhưng luôn được duy trì đều đặn hàng năm với quy mô hàng nghìn ha. Năm 2023, diện tích cây vụ đông ở Vĩnh Bảo hiện bà con đã trồng được hơn 2 nghìn ha và sẽ còn tăng thêm.

Tại Vĩnh Bảo, cây vụ đông chủ yếu là khoai tây, được trồng phổ biến ở các xã như Tân Liên, Hòa Bình... Phần lớn diện tích trồng khoai tây vụ đông đều có hợp đồng tiêu thụ với các doanh nghiệp chế biến nên nông dân không phải lo đầu ra. Với giá bán khoai tây từ 7.000 - 7.500 đồng/kg, người dân rất phấn khởi, thu nhập cao hơn nhiều so với trồng lúa".

Mỗi vụ đông mang về 8.000 tỷ đồng

Theo Sở NN-PTNT TP Hải Phòng, kế hoạch diện tích gieo trồng cây vụ đông của Thành phố nhiều năm trở lại đây đều trên dưới 8.000ha, tổng giá trị sản xuất khoảng 8.000 tỷ đồng. Các địa phương có diện tích trồng cây vụ đông nhiều nhất là Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, An Dương, Kiến Thụy, Thủy Nguyên… Cây trồng thế mạnh là ngô, lạc, khoai tây, khoai lang, đậu và rau các loại.

Mô hình trồng rau vụ đông ở huyện Kiến Thụy. Ảnh: Đinh Mười.

Mô hình trồng rau vụ đông ở huyện Kiến Thụy. Ảnh: Đinh Mười.

Những năm qua, dù diện tích không mở rộng nhưng so với các cây trồng khác, cây vụ đông vẫn được người dân ưa chuộng và có đầu ra khá ổn định thông qua việc liên kết tiêu thụ sản phẩm nhờ có sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp.

Gia đình anh Nguyễn Thành Hiệp ở thôn Nam Bình, xã An Hưng (huyện An Dương) trồng hoa lay ơn để bán vào dịp Tết đã nhiều năm nhưng do chưa hiểu rõ về kỹ thuật canh tác nên hoa thường không đẹp và không đều, hiệu quả kinh tế thấp.

Tuy nhiên, từ khi được Trung tâm Khuyến nông TP Hải Phòng lựa chọn để triển khai mô hình “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất hoa lay ơn gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm”, mọi thứ đã thay đổi.

Anh Hiệp chia sẻ, quá trình triển khai, Trung tâm Khuyến nông TP Hải Phòng đã phân công cán bộ thường xuyên bám sát, kiểm tra đồng ruộng, hướng dẫn cách tưới nước, bón phân, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trong suốt quá trình sinh trưởng của hoa đến lúc thu hoạch.

Được hướng dẫn, ngoài áp dụng kỹ thuật canh tác mới, gia đình anh Hiệp cũng thay đổi cơ cấu cây trồng, sau vụ hoa thì trồng dưa và 1 vụ trồng lúa để hạn chế sâu bệnh hại và hạn chế dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật để vừa đảm bảo phát triển kinh tế, vừa bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe.

“Do được hướng dẫn kỹ thuật từ đầu nên thời gian trồng đến thu hoạch được rút ngắn xuống còn từ 85 - 90 ngày, cây hoa đẹp hơn, lá xanh hơn. Trong dịp Tết Nguyên đán năm ngoái, gia đình tôi thu về khoảng 300.000 bông hoa lay ơn, tổng lãi thuần cho diện tích 1,5ha là hơn 1 tỷ đồng”, anh Hiệp phấn khởi cho biết.

Một số mô hình trồng hoa vụ đông ở Hải Phòng cho lãi hàng tỷ đồng . Ảnh: Đinh Mười.

Một số mô hình trồng hoa vụ đông ở Hải Phòng cho lãi hàng tỷ đồng . Ảnh: Đinh Mười.

Cũng trên địa bàn huyện An Dương, ngoài mô hình này, Trung tâm Khuyến nông TP Hải Phòng cũng tổ chức hỗ trợ nhiều mô hình sản xuất cây vụ đông khác gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tích tụ ruộng đất, cho kết quả khả quan hơn nhiều so với cách canh tác truyền thống.

Đơn cử như tại như tại xã An Hòa (huyện An Dương), sau khi được Trung tâm Khuyến nông TP Hải Phòng hỗ trợ ứng dụng chế phẩm sinh học và cơ giới hóa vào sản xuất khoai tây, chỉ với diện tích 15ha, người dân đã thu về hơn 300 tấn, năng suất đạt hơn 7,2 tấn/ha.

Theo ông Nguyễn Ngọc Đam - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TP Hải Phòng, thời gian qua, nhờ ứng dụng cơ giới hóa và một số tiến bộ kỹ thuật hiện đại thay thế thói quen sản xuất truyền thống, sản xuất cây vụ đông nói chung và cây khoai tây nói riêng đạt năng suất, chất lượng cao.

Tuy vậy, trồng cây vụ đông còn nhiều khó khăn do thiếu nguồn lao động và việc tiếp cận các nguồn hỗ trợ chưa nhiều. Để phát triển cây vụ đông cần thêm cơ chế chính sách khuyến khích phát triển sản xuất; tạo hành lang pháp lý cho việc mở rộng sản xuất; chuyển đổi, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp.

Bên cạnh đó, cần quan tâm đến cơ giới hóa trong sản xuất, chú trọng áp dụng ở các khâu làm đất, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển, sơ chế bảo quản để sản xuất nông nghiệp nói chung và trồng cây vụ đông nói riêng tại Hải Phòng có nhiều khởi sắc, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế vốn có.

Theo Sở NN-PTNT TP Hải Phòng, năm 2023, Hải Phòng đặt kế hoạch gieo trồng 8.500ha cây vụ đông, mục tiêu này cao hơn so với năm 2022. Đến thời điểm đầu tháng 12/2023, các địa phương của Thành phố đã gieo trồng được gần 4.870ha, đạt 57,3% kế hoạch và bằng 98% so với cùng kỳ năm 2022.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.