| Hotline: 0983.970.780

Khốc liệt cuộc chiến ma túy ven biển:

Khi con nghiện… vươn khơi

Thứ Tư 01/04/2020 , 14:15 (GMT+7)

Môi trường biển đang bị xâm lấn bởi các con nghiện vươn khơi, nối dài đường dây cung cấp cái chết trắng cho ngư phủ…

Tại các khu vực neo đậu tàu cá trên địa bàn tỉnh BR-VT đều có Cảnh sát biển tuần tra kiểm soát. Ảnh: MV.

Tại các khu vực neo đậu tàu cá trên địa bàn tỉnh BR-VT đều có Cảnh sát biển tuần tra kiểm soát. Ảnh: MV.

Ngáo đá… giữa biển

Tại các khu vực neo đậu tàu cá trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT), có nhiều vụ, khi các con nghiện bất ngờ đụng độ với lực lượng tuần tra, chỉ trong một loáng, lực lượng chức năng đã phát hiện và triệt phá cả chục tụ điểm mua bán, tàng trữ, sử dụng ma tuý liên quan đến ngư phủ.

Đại úy Phạm Quang Long, Đội trưởng Đội phòng chống tội phạm ma túy – Đồn Biên phòng Bình Châu, huyện Xuyên Mộc (BR-VT) cho biết: “Những năm gần đây, tình trạng lao động đi biển sử dụng ma túy ngày càng gia tăng với đủ thủ đoạn tinh vi. Một số ngư phủ lén lút sử dụng ma túy trên tàu đánh bắt cá ngoài khơi, chủ tàu không để ý sẽ không thể phát hiện được”.

Theo Đại úy Long, thực trạng ngư phủ ngáo đá, quậy phá, không chịu làm việc diễn ra nhiều, cá biệt có một số trường hợp thuyền viên ngáo đá, phê thuốc đã điều khiển tàu ra khơi rồi tự nhảy xuống biển khiến các chủ tàu vô cùng lo ngại.

Lực lượng chức năng đọc lệnh kiểm tra khám xét tàu cá đi biển khi có dấu hiệu khả nghi tàng trữ

Lực lượng chức năng đọc lệnh kiểm tra khám xét tàu cá đi biển khi có dấu hiệu khả nghi tàng trữ "hàng trắng". Ảnh: MV.

Một số chủ phương tiện sau chuyến biển trở về cũng thẳng thắn trình báo với đơn vị về việc thuyền viên của họ lén lút mang ma túy lên tàu sử dụng. Thậm chí, có trường hợp thuyền viên lên cơn nghiện, ra khơi không làm việc được, buộc chủ tàu phải khống chế, gửi tàu khác đưa vào bờ, chấp nhận mất 5 - 10 triệu đồng tiền công đã ứng trước.

Tiếp xúc với phóng viên, ông Nguyễn Phúc Gặp, chủ tàu cá ở BR-VT chia sẻ: “Khó khăn lắm chúng tôi mới kiếm được bạn đi biển, nhưng ai ngờ khi ra khơi đánh bắt họ chẳng chịu làm việc.

Sau đó dần dần lộ diện là con nghiện khi thủ sẵn “hàng” mang theo, những lúc tranh thủ nghỉ ăn uống thì lén lút hút chích. Chính vì sợ những người này lên cơn phá phách tàu, hoặc tìm cớ gây sự nên chúng tôi phải canh giữ suốt ngày trên tàu cực lắm”.

Anh Nguyễn N, một ngư dân có thâm niên nghề biển, quản lý 5 tàu đánh bắt cá ở xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền (BR-VT) than vãn: “Do tàu, ghe bị thiếu người nên tôi đành phải nhờ mấy tay “cò” giới thiệu gấp cho bạn đi biển, nào ngờ đưa đến toàn mấy thằng làm biếng không chịu làm việc, khi chót nhận đưa đi biển rồi mới phát hiện chúng bị ngáo đá”.

Đại tá Phùng Văn Hoài, Đội trưởng Đội phòng chống ma tuý - Bộ đội Biên phòng tỉnh BR-VT xác nhận: “Chúng tôi cũng đã từng xử lý nhiều vụ ở Côn Đảo, do tàu cá đi dài ngày đánh bắt trên biển nên khi bọn chúng hết “hàng” sử dụng đã cố tình rắc muối, đường vào động cơ làm hỏng máy tàu để buộc chủ tàu phải đưa vào bờ tu sửa. Nhân thời cơ đó các đối tượng nghiện tranh thủ nhảy lên bờ tìm “hàng trắng” hoặc tìm cách trốn khỏi tàu đi chích hút nhằm thỏa cơn nghiện”.

Lực lượng chức năng kiểm tra danh sách ngư dân đăng ký đi biển.Ảnh: MV.

Lực lượng chức năng kiểm tra danh sách ngư dân đăng ký đi biển.Ảnh: MV.

Qua khai thác các đối tượng bắt giữ, trinh sát cho rằng con số ngư phủ sử dụng ma tuý ở địa phương hiện có đến hàng trăm người. Nguyên nhân được cho là do bị thiếu hụt lực lượng lao động đi biển quá lớn khiến các chủ tàu đành phải tuyển người tứ xứ thông qua “cò”, may mắn thì tìm được người tốt còn không cũng đành hứng chịu hậu quả.

Gia tăng tác chiến trên biển

Việt Nam có chiều dài bờ biển khoảng 3.260km, với diện tích trên 1 triệu km2, tiếp giáp với nhiều nước trong khu vực; đồng thời là tuyến huyết mạch hàng hải quốc tế, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Lợi dụng các hoạt động khai thác nguồn lợi thủy sản, buôn bán vận chuyển hàng hóa, bọn tội phạm buôn bán vận chuyển ma túy đã cất giấu “hàng” để vận chuyển qua một số tàu này.

Việc vây bắt các đối tượng vận chuyển, mua bán ma túy trong những năm gần đây diễn ra hết sức phức tạp. Ảnh: MV.

Việc vây bắt các đối tượng vận chuyển, mua bán ma túy trong những năm gần đây diễn ra hết sức phức tạp. Ảnh: MV.

Chỉ tính riêng khu vực vùng biển Vũng Tàu và  Tây Nam, trong năm 2019, Bộ đội Biên Phòng và cảnh sát biển phía Nam đã phát hiện triệt phá 53 vụ, bắt giữ gần 100 đối tượng cung cấp, sử dụng ma tuý, trong đó rất nhiều đối tượng là ngư phủ. Hàng chục kg ma túy dạng đá và hàng ngàn viên ma túy tổng hợp các loại đã bị tịch thu xử lý.

Đại úy Nguyễn Văn Dĩnh, Phó đội Trưởng Đội 1 đặc nhiệm phòng chống tội phạm ma tuý (Đoàn đặc nhiệm phòng chống tội phạm ma túy số 3) cho rằng: “Tội phạm về ma túy là loại tội phạm nguy hiểm, chúng thường sử dụng vũ khí nóng và vũ khí quân dụng chống trả quyết liệt các lực lượng chức năng khi bị phát hiện bắt giữ. Thực tế, việc vây bắt các đối tượng vận chuyển, mua bán ma túy trong những năm gần đây diễn ra hết sức phức tạp”.

Lực lượng Cảnh sát biển tuần tra phát hiện ngư dân đang sử dụng ma túy trên tàu cá đi biển. Ảnh: MV.

Lực lượng Cảnh sát biển tuần tra phát hiện ngư dân đang sử dụng ma túy trên tàu cá đi biển. Ảnh: MV.

Theo Đại úy Dĩnh, mới đây lực lượng cảnh sát biển Việt Nam phát hiện một đường dây buôn bán ma túy xuyên quốc gia đặc biệt nguy hiểm, các lực lượng đã phải phối hợp với Bộ Công an để tấn công triệt phá.

Trao đổi với NNVN, Thiếu tá Lê Anh Tiến, Đội trưởng Đội 2 đặc nhiệm phòng chống ma túy, chia sẻ: “Có những chuyên án, bọn tội phạm cất giấu hàng trăm bánh heroin trong bình gas công nghiệp.

Trong quá trình tổ chức vận chuyển ma túy thì bọn tội phạm thường có lực lượng cảnh giới đi trước dò đường, khi phát hiện lực lượng chức năng lập tức thông báo cho đồng bọn biết và luôn sử dụng “hàng nóng” để chống trả”.

Bị bắt quả tang đang sử dụng ma túy, các đối tượng liều mình nhảy xuống biển hòng trốn thoát. Ảnh: MV.  

Bị bắt quả tang đang sử dụng ma túy, các đối tượng liều mình nhảy xuống biển hòng trốn thoát. Ảnh: MV.  

Hiện nay trên cả nước có hàng trăm cảng biển, cửa biển, đảo, là địa bàn trung chuyển ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam và ngược lại. Với tội phạm ma túy nội địa thì tàu cá ngư dân, tàu khách, tàu vận tải cỡ nhỏ là lựa chọn số 1 để cất giấu cũng như vận chuyển ma túy.

Còn tội phạm ma túy quốc tế thường dùng tàu siêu trường siêu trọng, với cách ngụy trang phổ biến là giấu ma túy trong các container.

Lực lượng Cảnh sát biển luôn đặt mục tiêu thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên biển. Ảnh: MV.

Lực lượng Cảnh sát biển luôn đặt mục tiêu thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên biển. Ảnh: MV.

Theo Trung tá Vũ Thái Anh, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng chống tội phạm ma túy số 3, việc lưu thông vận tải đường bộ khác hoàn toàn so với đường biển. Nếu đi đường bộ CSGT ra dừng xe, khi đối tượng bỏ chạy quăng hàng lại chúng ta vẫn tìm thấy được.

Còn ở dưới biển có thể phát hiện đối tượng đang mua bán ma túy với ngư dân, nhưng việc tổ chức vây bắt rất nguy hiểm vì triển khai trên mặt nước dễ xảy ra mất an toàn và khó khăn cả cho việc ém quân cũng như mật phục để bắt đối tượng.

Ngược lại, trên biển sẽ rất thuận lợi cho các đối tượng phi tang, các loại ma túy tổng hợp nếu gặp nước sẽ tan rất nhanh.

Thậm chí, nếu các đối tượng vận chuyển ma túy từ quốc gia này đến quốc gia khác thì việc “tác chiến” trên biển càng phức tạp hơn bội phần…

Trung tá Vũ Thái Anh, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng chống tội phạm ma tuý số 3 - Bộ tư lệnh Cảnh sát biển VN, người trực tiếp chỉ huy chuyên án “Huyền Trân Công Chúa” chia sẻ kinh nghiệm: “Làm nhiệm vụ trên biển cần phải đòi hỏi người cảnh sát biển có sức khỏe tốt, chịu đựng được sóng cấp 7 - 8 trở lên, vì càng khi sóng to gió lớn bọn tội phạm càng lợi dụng để vận chuyển ma túy vào Việt Nam. Nếu mới chỉ có nghi vấn ban đầu mà không tổ chức lực lượng phối hợp chặt chẽ để xác minh nguồn tin thì cực kỳ khó khăn, bởi vì khi dừng con tàu nước ngoài trên biển là rất phức tạp. Nếu không cẩn thận thì sẽ bị đối tác phản hồi hoặc kiện cáo, thậm chí đưa ra tòa án quốc tế”.

Theo báo cáo của UBND TP. Vũng Tàu, hiện trên địa bàn có khoảng hơn 1.000 tàu cá công suất dưới 20CV đang hoạt động tại các vùng biển. Thời gian gần đây, do nguồn lao động đi biển thiếu hụt, nhiều chủ tàu buộc phải thuê lao động đại trà từ nhiều địa phương khác, bất chấp việc không nắm rõ lai lịch của họ.

Điều này dẫn đến tình trạng lao động nghiện ma túy dễ dàng được thuê mướn, khiến cho tình hình an ninh trật tự tại khu vực tập trung tàu cá neo đậu và hoạt động đánh bắt hải sản trên biển của chủ tàu diễn ra hết sức phức tạp.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Làng nướng cá Diễn Vạn đỏ lửa

Nghề nướng cá tại đất biển Diễn Vạn có từ hàng chục năm rồi, bất kể nắng mưa, những bếp lửa rực đỏ bốn mùa, người làm tất bật từ sáng sớm đến đêm khuya.

Bình luận mới nhất