Nhà văn Trần Đình Hiến là người dịch nhiều tác phẩm của Mạc Ngôn: "Báu vật của đời", "Đàn hương hình", "Cây tỏi nổi giận"… NNVN xin giới thiệu góc nhìn của ông về Mạc Ngôn và cơ hội đoạt giải Nobel của nhà văn Việt Nam.
>> Mạc Ngôn đoạt giải Nobel Văn học
>> ''Do gốc rễ nông dân''
Nhà văn, dịch giả Trần Đình Hiến
Không đứng ngoài thời cuộc
Thưa nhà văn, ông đến với văn chương của Mạc Ngôn như thế nào?
Mạc Ngôn bắt đầu sáng tác văn học từ cuối những năm 70 (TK XX). Tôi biết đến ông khi ông bắt đầu nổi tiếng ở Trung Quốc với biệt danh “Mạc Ngôn tam hồng” (tên ba tác phẩm của ông đêu có chữ “đỏ”: “Củ cà rốt (củ cải đỏ) trong suốt”, “Cao lương đỏ”, “Rừng xanh lá đỏ”).
Đến năm 1995, khi ông được Hội Nhà văn Trung Quốc trao giải thưởng lớn cho truyện dài “Báu vật của đời” (nguyên tác “Vú to mông nở”) thì ông trở thành “Hiện tượng Mạc Ngôn”. Và đến khi “Đàn hương hình” ra mắt năm 2001 thì xuất hiện “bùng nổ Mạc Ngôn”. Ông có nhiều độc giả nhất ở Trung Quốc, và cho đến nay, ông cũng là nhà văn Trung Quốc được nhiều người đọc nhất trên thế giới.
Tôi đọc văn ông không chỉ nhằm thưởng thức một văn tài, cách xử lý của ông bằng hình tượng văn học về hiện thực xã hội mà ông đang sống, cả về lý thuyết lẫn thực tiễn.
Tôi không đủ điều kiện và trình độ để đọc hết các tác phẩm của Mạc Ngôn (gần 300 truyện, mỗi truyện một đề tài, không trùng lặp). Do hoàn cảnh lịch sử, văn hóa Việt Nam và văn hóa Trung Quốc có những nét tương đồng, tôi chỉ lọc ra những đề tài mà tôi trăn trở, về xã hội cũng như về nhân sinh, ngõ hầu tự giải đáp cho bản thân, và nếu phù hợp, giới thiệu để độc giả Việt Nam suy ngẫm.
Theo dòng suy tưởng ấy, tôi tìm thấy ở “Báu vật của đời” quan điểm đúng đắn của Mạc Ngôn về lịch sử. Đó là, như ông từng công khai phát biểu, lịch sử là “lịch sử trong con mắt nhân dân”. Nhân dân tham dự vào tất cả các sự kiện lịch sử. Vì vậy, chính nhân dân mới là những người làm ra lịch sử, cả đau thương lẫn hào hùng! Lịch sử không của riêng ai.
Qua “Báu vật của đời”, Mạc Ngôn là người phủ nhận triệt để cách nhìn nhận lịch sử truyền thống ở Trung Quốc: “Nhất tướng công thành vạn cốt khô” (Giãi thây trăm họ làm công một người).
"Tôi tìm thấy ở “Đàn hương hình” vấn đề dân trí. Hình phạt do triều đình phong kiến đặt ra là để bảo vệ quyền lợi của vương triều. Xin nhấn mạnh: bảo vệ quyền lợi của vương triều, chứ không phải bảo vệ quyền lợi của nhân dân. Hình phạt càng thảm khốc, sức răn đe càng lớn. Vậy mà, trong “Đàn hương hình”, nhân dân nô nức đi xem hành hình tội nhân như đi xem hội. Theo Mạc Ngôn, đó là dân trí của nhân dân có vấn đề, chưa thoát khỏi trình độ của “con”, nghĩa là chưa thành “người” - như trong truyện đã mô tả. Dân trí được cải thiện đôi phần khi người dân đi xem hành hình Tôn Bính - người cầm đầu cuộc nổi dậy của nông dân Cao Mật chống thực dân Đức xâm lược, và cũng là gián tiếp chống triều đình Mãn Thanh hủ bại, chống tên quan đầu triều Viên Thế Khải câu kết với giặc, bán nước cầu vinh; phê phán tri huyện Tiền Đinh văn võ song toàn nhưng tính cách nhu nhược, hèn hạ trước kẻ thù", dịch giả Trần Đình Hiến. |
Như trên đã nói, tôi chỉ có khả năng chọn dịch 6 tác phẩm của Mạc Ngôn mà ở thời điểm đầu những năm 2000 tôi cho là tiêu biểu. Ngoài hai tác phẩm nói trên, tôi dịch “Cây tỏi nổi giận” viết về thói vô trách nhiệm của đám quan lại huyện Thiên Đường trước cuộc sống vô vàn khó khăn của người dân; dịch “Rừng xanh lá đỏ” để thấy tác động hai mặt của kinh tế thị trường; dịch “Tửu quốc” để gửi một thông điệp: Rượu chè be bét đồng nghĩa với ăn hết phần của con cháu, thực tế là ăn thịt trẻ con; dịch “Bốn mốt chuyện tầm phào” thực tế là bốn mốt tệ nạn xã hội trong thời buổi kinh tế thị trường, vì vậy thủ phạm trong truyện mới đi tìm bậc cao tăng để sám hối...
Mỗi truyện của Mạc Ngôn là một vấn đề xã hội cần suy ngẫm. Văn của ông không đứng ngoài thời cuộc.
Ngay sau khi Mạc Ngôn được trao giải Nobel, dư luận tại Trung Quốc xảy ra hai luồng ý kiến trái chiều. Ông có thể cho biết ý kiến của mình?
Việc trao giải Nobel văn học không thuần túy là công việc giữa người trao và người nhận. Nó là vấn đề xã hội. Mà xã hội đã quan tâm thì sẽ có nhiều ý kiến, cả thuận chiều và trái chiều. Chuyện này không lạ. Vấn đề là trường hợp Mạc Ngôn, ý kiến trái chiều đã thành một trào lưu hay chưa? Theo tôi tìm hiểu, ý kiến trái chiều tuyên bố công khai chỉ có vài người. Vài người chưa đủ thành dư luận! Còn ủng hộ thì quá nhiều, thậm chí cả ở cấp cao.
Khoảng giữa đỏ và trắng
Nhân sự kiện Mạc Ngôn, xin hỏi ông, nhà văn Việt Nam có cơ hội hay điều kiện gì để có thể đưa giải Nobel văn học về Việt Nam?
Câu hỏi này rất khó trả lời. Khó, vì nó liên quan đến nhiều thứ. Nhưng không phải là không thể.
Tôi xin mách một kinh nghiệm viết về đề tài lịch sử của Mạc Ngôn. Mới cách đây mấy hôm, trả lời phỏng vấn báo giới, Mạc Ngôn phát biểu như sau: "Tôi cho rằng, viết về đề tài lịch sử chưa hẳn đã được tự do viết gì thì viết. Vậy nên viết về lịch sử không tự do bằng viết về hiện thực. Mà cuộc sống trước mắt ngày càng có nhiều chuyện mới lạ, hấp dẫn...
... Mà những nét đặc sắc của lịch sử thì đã được cố định trong sách giáo khoa, không đỏ thì trắng, đúng không nào? Vì vậy ta phải viết về cái gì đó trong khoảng giữa đỏ và trắng mà người ta cùng thông cảm".
Trên đây là một kinh nghiệm của Mạc Ngôn. Các nhà văn Việt Nam chúng ta chắc chắn có nhiều kinh nghiệm hay hơn. Tôi tin rằng cuốn sách hay nhất có thể là cuốn sách chưa in, biết đâu một trong những cuốn ấy lọt vào giải Nobel thì sao?
Xin cảm ơn ông!