| Hotline: 0983.970.780

Khi thịt lợn Mỹ chuyển hướng từ Trung Quốc qua Việt Nam

Thứ Bảy 20/07/2019 , 13:10 (GMT+7)

Xuất khẩu thịt lợn Mỹ sang Colombia, Dominica, Australia, Philippines, Việt Nam và Hàn Quốc tăng 24% về số lượng, lên mức 530.000 tấn trong vòng 12 tháng tính từ tháng 4/2018 nếu so với một năm trước đó.

Các chủ trại chăn nuôi lợn ở Mỹ đã thiệt hại hàng trăm triệu USD trong việc xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc và Mexico sau khi tổng thống Donald Trump khởi động của chiến tranh thương mại kể từ năm ngoái.

12-06-48_1
Diễn biến xuất khẩu thịt lợn Mỹ sang Trung Quốc (cột dưới) và Mexico.

Và để giảm thiểu thiệt hại, họ đã và đang tìm kiếm các thị trường mới cho dù nhỏ hơn, từ Colombia tới Việt Nam, theo một bài phân tích của hãng tin Reuters dẫn nguồn dữ liệu từ Liên đoàn xuất khẩu thịt Mỹ và Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA).
 

Đa dạng nguồn cầu

Trong lúc nông dân Mỹ vẫn hy vọng về một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sau cuộc gặp của ông Trump với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tại thượng đỉnh G20 mới đây, ngành chăn nuôi lợn có vẻ đã tìm thấy một lối đi mới, tự mình thoát ra khỏi tình cảnh thê thảm mà các ngành nông nghiệp khác ở Mỹ, ví như trồng đậu tương và cao lương, đang phải đối mặt.

Tổng kết lại, xuất khẩu thịt lợn Mỹ giảm 3,9% về khối lượng và 8,4% về giá trị tính từ tháng 5/2018 đến tháng 4/2019, so với một năm trước đó. Đây là số liệu từ Liên đoàn xuất khẩu thịt Mỹ. Trung Quốc đã tăng thuế đối với thịt lợn nhập từ Mỹ kể trong tháng 4/2018 và tiếp tục tăng thuế vào tháng 7, cùng với đậu tương Mỹ.

Xuất khẩu đậu tương Mỹ giảm 13,7% về số lượng và 19,2% về giá trị, trong cùng thời gian nói trên. Xuất khẩu cao lương giảm tới 72,8% về số lượng và 72,6% về giá trị, theo USDA.

Việc bùng nổ doanh số ở các thị trường nhỏ đã trở thành cứu tinh cho ngành công nghiệp thịt lợn, nông dân chăn nuôi lợn Dean Meyer ở bang Iowa nói với Reuters.

Tuy nhiên, chuyện này thực ra đã có gốc rễ, bắt nguồn từ những nỗ lực marketing khởi động từ hơn một thập kỷ trước khi xảy ra cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, khi nông dân chăn nuôi lợn Mỹ và các nhóm thương mại đại diện cho họ tìm cách tận dụng lợi thế của hiện tượng tăng nhu cầu nguồn thực phẩm giàu đạm ở các thị trường mới nổi, khi thu nhập của người dân ở đây tăng lên.

12-06-48_3
Ngành công nghiệp thịt lợn Mỹ đã có lối đi mới.

Ngay từ khi đó, nông dân Mỹ và các nhóm thương mại đã có nhiều chuyến đi thăm các nước tiềm năng, các nước đang phát triển, tuyên truyền về việc thịt lợn Mỹ được sản xuất ra sao, tâng bốc chất lượng thịt trước các đầu bếp, các blogger khắp thế giới, theo những người tham gia các chuyến đi dạng này kể lại. Các nỗ lực ấy đã mang lại kết quả sau nhiều năm.

Năm ngoái, Trung Quốc và Mexico giảm nhập thịt lợn Mỹ, hậu quả là giá thịt giảm. Nhưng việc này lại khuyến khích các nước khác nhập khẩu thịt lợn Mỹ, đặc biệt là các thị trường nhỏ hơn nhưng có hiệp định thương mại với Mỹ như Colombia và Hàn Quốc.

Khả năng tránh suy giảm xuất khẩu của ngành chăn nuôi lợn ở Mỹ đã chứng tỏ sự quan trọng của việc phát triển đa dạng các loại khách hàng nhằm tự bảo vệ trước bất kỳ sự xáo trộn thương mại nào đối với các nhà nhập khẩu chính.

Ngành công nghiệp đậu tương Mỹ đã phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc. Trước chiến tranh thương mại, thị trường này mua 60% tổng sản lượng đậu tương xuất khẩu của Mỹ, trị giá 12 tỷ USD và những nỗ lực tìm kiếm thị trường thay thế gần đây không thể bù đắp nổi thiệt hại do chiến tranh thương mại gây ra. Cao lương, loại cây trồng được canh tác với quy mô nhỏ hơn nhiều so với đậu tương, thậm chí còn phụ thuộc thị trường Trung Quốc nặng nề hơn nữa. 80% sản lượng cao lương xuất khẩu của Mỹ dành cho thị trường Trung Quốc.

Trong khi đó, ngành công nghiệp thịt lợn Mỹ trước cuộc chiến thương mại xuất khẩu 20% sang Trung Quốc và Hong Kong, trị giá 6 tỷ USD. Các nhà chăn nuôi lợn Mỹ bắt đầu lo lắng từ nhiều năm trước về nguy cơ sụt giảm nhu cầu từ Trung Quốc, khi nước này trong một số thời điểm chặn thịt lợn Mỹ vì chuyện dùng thuốc giúp vỗ béo lợn.

Xuất khẩu thịt lợn Mỹ sang Trung Quốc và Hong Kong giảm 30% về khối lượng và giá trị trong vòng 12 tháng tính từ tháng 4/2018, sau khi Bắc Kinh tăng thuế từ 12% lên 62% từ năm ngoái để trả đũa Mỹ.
 

Việt Nam - thị trường mới nổi

Xuất khẩu sang Mexico trong cùng thời gian giảm 11% về khối lượng và 25% về giá trị, sau khi Mexico áp thuế 20% đối với thịt lợn Mỹ nhằm trả đũa thuế Mỹ áp vào thép kể từ năm ngoái.

Trong khi đó, các nhà nhập khẩu ở một số thị trường nhỏ hơn, nhiều thị trường trong số này đã có quan hệ với các nhà sản xuất thịt Mỹ, nhảy vào nhanh chóng tận dụng thời cơ.

Xuất khẩu thịt lợn Mỹ sang Colombia, Dominica, Australia, Philippines, Việt Nam và Hàn Quốc tăng 24% về số lượng, lên mức 530.000 tấn trong vòng 12 tháng tính từ tháng 4/2018 nếu so với một năm trước đó, số liệu của Liên đoàn xuất khẩu thịt Mỹ cho biết.

12-06-48_2
Diễn biến xuất khẩu thịt lợn Mỹ sang các thị trường mới nổi.

Ông Meyer và các chủ trại lợn khác ở Mỹ đã đi theo nhiều đoàn thương mại tới nhiều thị trường trên thế giới tìm kiếm khách hàng mới. Ông đã thăm Colombia vào năm 2015 và Peru năm 2017. Các nỗ lực ấy nay đang mang lại kết quả, ông Meyer nói.

Colombia tăng nhập khẩu thịt lợn Mỹ thêm 34%, lên mức 103.000 tấn trong 12 tháng, với sự bảo trợ của Hiệp định thúc đẩy thương mại Mỹ - Colombia. Xuất khẩu thịt lợn Mỹ sang Hàn Quốc tăng 14% lên mức 230.000 tấn trong vòng 12 tháng và hoạt động này cũng là một nội dung được Hiệp định thương mại tự do Mỹ-Hàn bảo trợ.

Xuất khẩu thịt lợn Mỹ vào Việt Nam tăng mạnh hơn cả, ở mức 334% về khối lượng, đạt mức hơn 16.500 tấn, trong cùng thời gian.

“Tôi nghĩ rằng đó là kết quả của các chuyến đi thúc đẩy thương mại”, ông Meyer, người có chân trong ủy ban điều hành của Liên đoàn xuất khẩu thịt Mỹ nói.

12-06-48_4
Một nông dân nuôi lợn ở Mỹ.

Đầu năm nay, Liên đoàn xuất khẩu thịt Mỹ đã tổ chức sự kiện chế biến món ăn từ thịt lợn Mỹ ở TPHCM và sau đó tổ chức các hội thảo, đón tiếp 300 đầu bếp để tiếp thị thịt lợn Mỹ.

Nông dân Mỹ có nhiều người đã đến thăm công ty chế biến thực phẩm Vissan vào cuối năm ngoái, theo lời nông dân nuôi lợn Bill Luckey ở bang Nebraska, giám đốc Hồi đồng sản xuất thịt lợn quốc gia Mỹ.

Sau đó, công ty Việt Nam cử phái đoàn sang Mỹ tham quan các nhà máy chế biến thịt Mỹ, mở ra cơ hội thương mại, ông Luckey nói. Còn Vissan thì đang tính toán việc lần đầu tiên nhập thịt lợn đông lạnh từ Mỹ.

(Kiến thức gia đình số 29)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.