| Hotline: 0983.970.780

Khó như tuyển thú y viên cơ sở

Thứ Ba 05/07/2022 , 09:09 (GMT+7)

Yêu cầu trình độ, áp lực công việc, phụ cấp èo uột, không được đóng bảo hiểm…khiến việc tuyển dụng thú y viên cơ sở tại Quảng Trị khó như đãi cát tìm vàng.

Để sống được với nghề, chị Phạm Thị Ái Nga, nhân viên thú y xã Triệu Thượng phải đi rửa bát thuê. Ảnh: Võ Dũng.

Để sống được với nghề, chị Phạm Thị Ái Nga, nhân viên thú y xã Triệu Thượng phải đi rửa bát thuê. Ảnh: Võ Dũng.

Nhân viên thú y phải rửa bát thuê kiếm sống

Để gặp được chị Phạm Thị Ái Nga, nhân viên thú y xã Triệu Thượng (huyện Triệu Phong) chúng tôi phải ngồi chờ đến lúc chị đi rửa bát thuê về.

Ông Trần Thanh Sơn, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi - Thú y huyện Triệu Phong cho hay, cũng vì yêu nghề mà hơn 12 năm nay, vợ chồng chị Nga đều làm nhân viên thú y xã và cộng tác viên thú y thôn bản.

Hết năm 2021, khi không còn chính sách cho cộng tác viên thú y thôn bản nữa, chồng chị phải đi làm thợ hồ còn chị vẫn bám trụ lại làm nhân viên thú y xã Triệu Thượng. Để trang trải cuộc sống, từ nhiều năm nay, chị Nga phải tranh thủ thời gian được nghỉ để đi rửa bát thuê. Mỗi ngày rửa bát, chị được trả công 100.000 đồng nhưng không phải ngày nào cũng có thời gian đi làm. Thành ra, từ nguồn thu nhập ngày, mỗi tháng chị chỉ được khoảng gần 1 triệu đồng.

Năm 2010, sau khi tốt nghiệp trung cấp thú y, chị Nga vào làm nhân viên thú y bán chuyên trách xã Triệu Thượng. Thời điểm đó, chị nhận phụ cấp 700.000 đồng/tháng và được hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội.

Cứ nghĩ, dù thu nhập thấp nhưng được ở gần gia đình, có thể tranh thủ chăn nuôi, làm dịch vụ chữa bệnh cho gia súc gia cầm để trang trải cuộc sống, chị Nga đành chấp nhận. Thế nhưng, sự đời không như chị nghĩ.

Đến năm 2017, nhân viên bán chuyên trách như chị trở thành nhân viên hợp đồng. Lượng công việc cũng nhiều lên, áp lực vô cùng lớn. Ấy là lúc các loại dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm xuất hiện ngày một nhiều. Nhiều hôm, chị phải đi bắt 5-6 nghìn con vịt, con gà trong các trại nhiễm dịch cúm gia cầm từ lúc 5h chiều đến tận sáng để tiêu hủy.

Có ngày phải trực tiếp tiêu hủy hàng trăm con lợn nhiễm dịch tả lợn châu phi. Hay có những thời điểm, cả tháng trời phải cùng xã đi tiêm phòng gia súc gia cầm, tiêu độc khử trùng, rải vôi trên các tuyến đường.

Nhân viên thú y đối mặt với nhiều hiểm nguy, dịch bệnh từ gia súc, gia cầm có thể lây sang người bất cứ lúc nào nhưng họ hiện không được hỗ trợ đóng BHXH. Ảnh: Võ Dũng.

Nhân viên thú y đối mặt với nhiều hiểm nguy, dịch bệnh từ gia súc, gia cầm có thể lây sang người bất cứ lúc nào nhưng họ hiện không được hỗ trợ đóng BHXH. Ảnh: Võ Dũng.

Vất vả là thế nhưng chị không đành lòng nghỉ việc. Nay tuổi đã lỡ cỡ nếu nghỉ biết làm gì? Nghề thú y là nguyện vọng mà chị đã phải thuyết phục bố mẹ cho theo học. Chị còn yêu nghề lắm, chị không thể bỏ được. Chị chỉ biết tranh thủ thời gian rảnh rỗi ít ỏi để đi rửa chén thuê.

Nhưng kể từ đầu năm 2022 đến nay, theo Nghị quyết HĐND tỉnh Quảng Trị, mỗi xã sẽ chỉ có 1 nhân viên thú y, không được hỗ trợ đóng bảo hiểm, không có cộng tác viên thú y thôn bản. Áp lực càng ngày đè lên đôi vai của các nhân viên thú y, chị Nga không thể tưởng tượng nổi, nếu dịch dã xuất hiện như thời gian qua mình sẽ đối mặt như thế nào.

“Dịch dã là thời gian chúng tôi phải chịu áp lực khủng khiếp. Chính quyền hỗ trợ trong công tác tiêm phòng, chống dịch, tiêu hủy nhưng mình mới là người phải lăn ra làm nhiều nhất. Nhiều hôm cả hai vợ chồng phải đi từ chiều đến rạng sáng mới về nhà. Trong khi đó, đồng phụ cấp quá bèo bọt. Trót yêu nghề rồi nay không biết làm sao”, chị Nga nói mà trực trào nước mắt.

“Nghề thú y viên không chỉ gian nan, vất vả, nhiều áp lực mà còn phải đối mặt với nhiều hiểm nguy, rủi ro, có những bệnh như cúm gia cầm có thể lây lan qua người bất kỳ lúc nào. Nay cấp trên không hỗ trợ đóng bảo hiểm nữa, thu nhập thì èo uột, chắc sắp tới tôi phải ngừng đóng bảo hiểm. Lúc đó, rủi ro đến cũng đành chấp nhận”, chị Phạm Thị Á Nga, nhân viên thú y xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, Quảng Trị ngậm ngùi tâm sự.

Trót yêu nghề, đến với nghề, nhiều nhân viên thú y như chị Nga không nỡ bỏ cuộc. Ảnh: Võ Dũng.

Trót yêu nghề, đến với nghề, nhiều nhân viên thú y như chị Nga không nỡ bỏ cuộc. Ảnh: Võ Dũng.

Tuyển nhân viên thú y khó như đãi cát tìm vàng

Sau sáp nhập Trạm Thú y, Trạm Khuyến nông, Trạm bảo vệ thực vật thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, một số tỉnh không còn duy trì đội ngũ nhân viên thú y xã, công tác chống dịch gặp rất nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, có những tỉnh, dù vẫn duy trì nhân viên thú y xã nhưng vì phụ cấp thấp, áp lực lớn, trách nhiệm nặng nề, chế độ không đảm bảo nên việc tuyển nhân viên thú y rất khó khăn. Quảng Trị là một địa phương như vậy.

Triệu Phong là một trong những huyện có tổng đàn vật nuôi vào loại lớn nhất của tỉnh Quảng Trị. Thế nhưng, cùng với việc nhiều xã khuyết nhân viên thú y, câu chuyện phòng chống dịch ở địa phương này đang gay go hơn bao giờ hết.

Tháng 4/2022, UBND huyện Triệu Phong mới chuẩn y được 13 nhân viên thú y cấp xã. Như vậy, so với nhu cầu, huyện Triệu Phong sẽ còn thiếu 5 nhân viên thú y trên địa bàn. Điều này khiến ông Trần Thanh Sơn, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi - Thú y huyện hết sức lo lắng.

“Nhân viên thú y một số xã bị bệnh, nay không tìm được người thay thế. Một số người có nhu cầu làm nhân viên thú y thì bằng cấp không đủ điều kiện. Có người bằng cấp đạt yêu cầu nhưng họ chê thu nhập quá thấp nên đi làm cho các trang trại với mức thu nhập 8-10 triệu đồng/tháng. Địa bàn các xã rộng nhưng chỉ có 1 nhân viên thú y hợp đồng, không còn cộng tác viên thú y thôn bản nữa nên không ít người sợ áp lực mà từ chối. Dịch bệnh ngày càng phức tạp nhưng với tình hình này thì rất gay go”, ông Sơn băn khoăn.

Để tuyển được nhân viên thú y mới vừa đảm bảo trình độ vừa nhiệt huyết với nghề tại Quảng Trị hiện rất khó khăn. Ảnh: Võ Dũng.

Để tuyển được nhân viên thú y mới vừa đảm bảo trình độ vừa nhiệt huyết với nghề tại Quảng Trị hiện rất khó khăn. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Nguyễn Trung Hậu, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Trị cho hay, theo quy định, đối với vùng biên giới, khó khăn thì trình độ nhân viên thú y chỉ cần sơ cấp. Luật Thú y cũng không quy định về trình độ đối với nhân viên thú y. Tuy nhiên, thú y là nghề đặc thù nên phải qua đào tạo mới làm được.

Nghị quyết HĐND tỉnh Quảng Trị đưa ra yêu cầu đối với nhân viên thú y cấp xã phải có trình độ tối thiểu là trung cấp và không còn là nhân viên bán chuyên trách nữa. Cùng với đó, họ không được hỗ trợ đóng bảo hiểm. Vì thế, việc tuyển nhân viên thú y vô cùng khó khăn, nhất là ở những vùng sâu vùng xa, địa bàn rộng, cách trở.

“Trước nay, cộng tác viên thú y thôn bản được nhận mức phụ cấp 0,5 hệ số lương. Nhưng nay không còn cộng tác viên thú y thôn bản nữa, địa bàn rộng, phức tạp, việc tuyển nhân viên thú y hết sức khó khăn. Nguy cơ ngành thú y mất “cánh tay nối dài” đã hiện hữu”, ông Nguyễn Trung Hậu, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Trị cho hay.

Cũng theo thông tin từ ông Hậu, hiện tỉnh Quảng Trị cũng chưa xây dựng được các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

21 xã chưa tuyển được nhân viên thú y

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Trị, mặc dù thông báo tuyển dụng nhân viên thú y đưa ra từ tháng 4/2022 nhưng đến nay toàn tỉnh vẫn còn 21 xã chưa tuyển được người. Điều đáng nói, số xã chưa tuyển được nhân viên thú y đều nằm ở những địa bàn có tổng đàn chăn nuôi lớn.

Cũng chính vì thiếu cán bộ thú y nên mặc dù năm 2019, Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Trị có ra nghị quyết về phát triển chăn nuôi hữu cơ. Theo đó, ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ một phần chi phí thức ăn, con giống… nhưng đến nay nghị quyết trên gần như chưa được thực hiện.

Xem thêm
Nuôi lợn nông hộ có thêm phao nhờ vacxin ASF: Kết quả thực tiễn sẽ thuyết phục nông dân sử dụng vacxin

'Khi người nuôi lợn thấy vacxin AVAC ASF LIVE bảo hộ tốt, bản thân họ sẽ chủ động truyền kinh nghiệm đến những người xung quanh', TS Nguyễn Văn Điệp chia sẻ.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.