| Hotline: 0983.970.780

Khoa học - công nghệ nông nghiệp: Cái khó bó cái khôn!

Thứ Tư 04/09/2013 , 10:18 (GMT+7)

5 năm trở lại đây, nền nông nghiệp nước nhà đã có bước phát triển khá, phần nhiều nhờ những thành tựu về KHCN. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu KH-CN nhiều nhưng chậm được ứng dụng trong thực tế; quy mô ứng dụng còn nhỏ lẻ… đang là rào cản lớn khiến nông nghiệp chưa thể bứt phá.

5 năm trở lại đây, nền nông nghiệp nước nhà đã có bước phát triển khá, phần nhiều nhờ những thành tựu về khoa học- công nghệ (KHCN). Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu KH-CN nhiều nhưng chậm được ứng dụng trong thực tế; quy mô ứng dụng còn nhỏ lẻ… đang là rào cản lớn khiến nông nghiệp chưa thể bứt phá.

Hội nghị đánh giá hoạt động KH-CN thực hiện Nghị quyết TW7 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn được Bộ NN-PTNT, Bộ KH-CN và Ủy ban KH, CN-MT của Quốc hội phối hợp tổ chức hôm qua (3/9) tại Hà Nội dưới sự đồng chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân, Chủ nhiệm Ủy ban KH, CN-MT của Quốc hội Phan Xuân Dũng.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Bộ trưởng Cao Đức Phát thăm 18 gian hàng trưng bày các sản phẩm nông nghiệp tại Viện KH Nông nghiệp Việt Nam

KH- CN “chưa bám sát thực tiễn SX”

TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược phát triển NN-NT cho rằng, trong thời gian qua, nông nghiệp phát triển nhanh, trở thành trụ cột quan trọng của nền kinh tế trong quá trình CNH-HĐH, là chỗ dựa của xã hội khi kinh tế gặp khó khăn. Đây cũng có thể coi là một bước tiến của KH- CN trong nông nghiệp khi nó đóng góp rất lớn vào quá trình phát triển.

Tuy nhiên, nhìn lại quá trình 5 năm thực hiện Nghị quyết TW7 cho thấy, nội dung “Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, SX hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao” là một trong những nội dung được triển khai chậm nhất. Như vậy có nghĩa là KH-CN chưa đóng góp xứng với tiềm năng, có vẻ như vẫn “đi ngoài cuộc sống, chưa bám sát thực tiễn SX” và nền nông nghiệp vẫn là khu vực kinh tế tăng trưởng theo chiều rộng.

Để minh chứng, TS Sơn cho rằng, dù đã xây dựng nhiều cơ sở nghiên cứu khang trang cho đội ngũ nghiên cứu KH, song phần thiếu chính là cơ chế trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở này. “Nghị định 115 của Chính phủ ban hành từ 2005, nhưng rơi vào quên lãng. Quá sốt ruột trước sự chậm trễ này, một số viện thuộc Bộ NN-PTNT đã xin được xây dựng đề án thử nghiệm với 10 lần báo cáo với các cơ quan bộ và Chính phủ, nhưng việc đi vào thực tiễn thì vẫn chưa được thực hiện”, ông Sơn bức xúc.

Hơn nữa, mục tiêu “tăng đầu tư ngân sách cho nghiên cứu, chuyển giao KH-CN để nông nghiệp sớm đạt trình độ tương đương với các nước tiên tiến trong khu vực; ưu tiên đầu tư ứng dụng công nghệ sinh học để chọn tạo nhiều giống cây trồng, vật nuôi và quy trình nuôi trồng, bảo quản, chế biến, tạo đột phá về năng suất, chất lượng và hiệu quả SX” cũng đã không đạt được.

Bằng chứng là mặc dù chúng ta dành khoảng 1.000 tỷ/năm cho nghiên cứu và khuyến nông, nhưng với số lượng khoảng 6.000 người, hiệu quả nghiên cứu bước đầu chưa có chuyển biến rõ rệt, nếu không muốn nói là tiếp tục giảm sút.

“Tình trạng nông dân bỏ ruộng là rất bất bình thường, còn tình trạng nhà KH mà không nghiên cứu KH-CN còn bất bình thường hơn, bởi ở hầu hết các viện KH đang diễn ra quá trình thay đổi thế hệ. Đội ngũ cán bộ nghiên cứu trụ cột đã rất mỏng, trong khi lực lượng kế cận chưa nắm bắt được thực tế SX và trình độ KH chung của thế giới. Đây là thách thức lớn đòi hỏi có quyết sách kịp thời”, ông Sơn phân tích.

Đồng quan điểm trên, TS Nguyễn Văn Bộ, GĐ Viện KH Nông nghiệp Việt Nam, cho rằng, chính nguồn kinh phí cho nghiên cứu KH-CN chưa đáp ứng được yêu cầu nên nhiều nhà KH “dứt áo ra đi”. “Không ít những GS, TS đầu ngành của các viện lớn đã về đầu quân cho DN để hưởng ưu đãi về lương thưởng cũng như điều kiện tốt hơn trong nghiên cứu. Rõ ràng cái khó bó cái khôn”, ông Bộ cho hay.

Cũng theo ông Bộ, việc nghiên cứu để tăng giá trị thặng dư, thương hiệu của nông sản chưa được chú trọng. “Thật đáng buồn khi chính chúng ta đang sử dụng nhiều sản phẩm nguyên liệu của Việt Nam nhưng thương hiệu nước ngoài, hoặc trên các chuyến bay, các tour lữ hành không hề có quảng cáo sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.

Ngoài ra, chúng ta không thể có gạo giá 1.800 USD/tấn như Ấn Độ hoặc Pakistan đang chào bán, song chúng ta cũng không thể mãi bán gạo dưới 500 USD/tấn”, ông Bộ dẫn chứng.

50 năm sau KH-CN Việt Nam mới đuổi kịp thế giới

Đó là nhận định của nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn, người luôn đau đáu với đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Ông Tạn cho biết, KH nông lâm nghiệp ở Việt Nam hiện có tỷ suất cống hiến mới chỉ đạt 30%, trong khi tỷ suất này ở Trung Quốc lần lượt là: Quảng Đông 60%; Thượng Hải 70%. Còn các nước tiên tiến như Hà Lan, Đức… khoảng 80-90%.

“Đó là sự yếu kém khó chấp nhận. Với đà phát triển này, nếu tỷ lệ cống hiến của KH-CN Việt Nam chỉ tăng 1%/năm, thì sau ít nhất 50 năm nữa, chúng ta mới bắt kịp các nước tiên tiến trên thế giới vào thời điểm hiện tại”, ông Tạn nói.

Để trả lời câu hỏi về trách nhiệm của KH-CN đối với những bức xúc của SX và đời sống nông dân, nguyên Phó Thủ tướng cho rằng, cần quan tâm phát triển những loại cây có thế mạnh, hoặc đặc sản, giá trị kinh tế cao vào SX. Cùng với đó, quan tâm nghiên cứu những nguyên liệu đầu vào như phân bón, thức ăn chăn nuôi để hạn chế nhập khẩu. Ngoài ra, với ngành thủy sản, cần nghiên cứu và nhân ra diện rộng các loại thủy sản cao cấp, trong đó có cá nước lạnh.

Ở một khía cạnh khác, nhiều nhà KH cho rằng, trước mắt cần tháo gỡ sự gò bó trong nghiên cứu KH-CN bằng cách cho các viện, đơn vị nghiên cứu cơ chế tự chủ về tài chính và tự chịu trách nhiệm trước kết quả KHCN của mình. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần có cơ chế đặc thù thu hút nhân tài, bảo vệ bản quyền cho các đề tài KH-CN…

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đồng ý với các ý kiến của nhiều nhà KH. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, không thể phủ nhận vai trò của KH-CN trong nông nghiệp thời gian qua với việc chúng ta đã có những sản phẩm thế mạnh trong XK. Tuy nhiên, nông nghiệp là ngành đặc thù, có tỷ lệ rủi ro rất cao. “Thóc chưa vào bồ thì chưa chắc, cá chuẩn bị cho thu hoạch còn nổi trắng ao, thì rõ ràng là cần phải có KH-CN để hạn chế tình trạng này”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Khẳng định KH-CN là đầu tàu, là động lực thúc đẩy nông nghiệp phát triển toàn diện, nhưng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng cho rằng, KH-CN phát triển chưa đáp ứng được yêu cầu SX và đòi hỏi từ thực tiễn. Công tác quản lý Nhà nước về KH-CN còn nhiều bất cập phải sửa đổi cho phù hợp…

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, thời gian tới, ngành nông nghiệp cần phải lựa chọn cơ cấu cây trồng vật nuôi hợp lý gắn với thị trường tiêu thụ, tránh “kế hoạch hóa” trong SX, nhưng không có nghĩa là bỏ quy hoạch, định hướng. Muốn phát triển SX hàng hóa phải tạo thành chuỗi liên kết sản phẩm, đồng thời cần thúc đẩy nghiên cứu KH-CN trong nông nghiệp để tạo ra những sản phẩm hàng hóa có giá trị lớn…

“Nông nghiệp Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới của quá trình tái cơ cấu. Một trong những yếu tố thành bại của quá trình này là sự phát triển của KH-CN. Vì thế, cần phải có sự quan tâm hơn nữa đến KH-CN để nó thực sự phát huy vai trò quyết định trong SX nông nghiệp”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

+ “Cơ chế nhà KH khi còn ở các viện nghiên cứu thì đói, còn ra bên ngoài đầu quân cho các DN, các tập đoàn nước ngoài thì no, rõ ràng không thể khuyến khích nghiên cứu KH-CN. Một nhà máy đã SX được chiếc máy nông nghiệp cả chục năm trước, mà không thể cải tiến hoặc ra sản phẩm mới, dần dần chuyển sang ngành nghề khác, thì rõ là tình trạng bi đát quá”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

+ “Nâng cao giá trị gia tăng của nông sản là hướng đi của nền nông nghiệp chất lượng. Thật bất công khi người trồng cà phê của Việt Nam chỉ được hưởng 5-7% giá trị của sản phẩm cà phê. Phần giá trị còn lại nằm ở khâu trung gian và chế biến thành phẩm, hơn nữa, nó lại nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam. Nhiều ngành hàng khác cũng trong tình trạng tương tự”, TS Nguyễn Văn Bộ.

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bưu điện Việt Nam sẵn sàng 18.000 tỷ đồng chi trả lương hưu tháng 5

Bưu điện Việt Nam chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng phục vụ chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) tháng 5/2024 cho hơn 3,3 triệu người sau kỳ nghỉ lễ 30/4.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm