| Hotline: 0983.970.780

Khoa học công nghệ phải thích ứng với xu thế hội nhập

Thứ Ba 26/12/2023 , 20:27 (GMT+7)

Người làm nghiên cứu phải đi “bằng hai chân”, thích ứng với thời kỳ hội nhập, với những thay đổi của thị trường và yêu cầu của xã hội, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Cần chăm lo, phát triển cho nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Ảnh: Bảo Thắng.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Cần chăm lo, phát triển cho nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Ảnh: Bảo Thắng.

Năm 2023, Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường, Bộ NN-PTNT đã triển khai thực hiện 362 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Bộ, tập trung vào giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản chất lượng cao; công nghệ chế biến, bảo quản giảm tổn thất sau thu hoạch; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Cùng với đó, hoạt động bảo tồn, phục tráng nguồn gen phục vụ phát triển giống cây, con đặc sản địa phương; bảo vệ môi trường sản xuất nông nghiệp cũng được chú trọng.

Trong năm, Vụ đánh giá nghiệm thu kết thúc 55 nhiệm vụ khoa học, trong đó có 44 đề tài. Từ kết quả nghiên cứu, đã công nhận 69 giống mới, ban hành 42 tiến bộ kỹ thuật, 19 quy trình công nghệ, 12 sổ tay hướng dẫn kỹ thuật và 23 sách chuyên khảo.

Đặc biệt, Vụ Khoa học – Công nghệ và Môi trường đã phối hợp Văn phòng Bộ NN-PTNT xây dựng “Đề án Chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, đồng thời tổ chức 5 hội nghị toàn và phối hợp tổ chức Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo diễn ra vào trung tuần tháng 12/2023.

Đánh giá những kết quả đạt được của khối khoa học công nghệ trong năm 2023, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, 2023 là năm đầu thực hiện Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Vụ Khoa học – Công nghệ và Môi trường, với tư cách đơn vị quản lý nhà nước, đã chủ động có những biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đóng góp vào sức tăng trưởng chung của toàn ngành. “Khoa học công nghệ quyết định vị thế của quốc gia, của toàn ngành nông nghiệp. Năm qua, ngành nông nghiệp tăng trưởng kỷ lục 3,83%, xuất siêu kỷ lục 11 tỷ USD. Thành tựu này có đóng góp không nhỏ của khoa học”, Thứ trưởng nói.

Ghi nhận những cố gắng của tập thể những người làm khoa học, nhưng lãnh đạo Bộ NN-PTNT cũng thẳng thắn chỉ ra rằng việc đào tạo, xây dựng và giữ chân nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đang gặp nhiều thách thức.

Sau 1 năm thực hiện theo Nghị định 105, Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường cho biết, bước đầu đã ổn định về tổ chức khi không bố trí 'Phòng trong Vụ'. Ảnh: Bảo Thắng.

Sau 1 năm thực hiện theo Nghị định 105, Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường cho biết, bước đầu đã ổn định về tổ chức khi không bố trí "Phòng trong Vụ". Ảnh: Bảo Thắng.

Qua quá trình kiểm tra thực tế tại hàng chục viện nghiên cứu thuộc Bộ NN-PTNT, Thứ trưởng nhận thấy, đời sống của cán bộ, công nhân viên, những người làm nghiên cứu còn thiếu thốn. Cá biệt, một số nghiên cứu sinh trẻ còn phải “sáng nghiên cứu, chiều bán hàng online” để có thu nhập, trang trải cuộc sống.

Thứ trưởng nhìn nhận, khoa học công nghệ đang vận hành theo cơ chế thị trường. Do đó, những nhà khoa học cần nêu cao tinh thần "Lấy đề tài xuất phát từ thực tiễn rồi quay trở lại thực tiễn phục vụ".

“Khoa học công nghệ bây giờ phải thích ứng với thời kỳ hội nhập, với những thay đổi của thị trường và yêu cầu của xã hội. Chúng ta phải nghiên cứu, chọn tạo ra những cái mà thực tiễn đòi hỏi, chứ không tập trung vào những thứ chúng ta có sẵn, hoặc nghiên cứu chỉ để báo cáo”, lãnh đạo Bộ NN-PTNT trăn trở.

Khuyên người làm nghiên cứu phải đi “bằng hai chân”, nghĩa là phải vừa vững về chuyên môn, vừa đảm bảo về kinh tế, Thứ trưởng gợi mở một số định hướng cho Vụ Khoa học – Công nghệ và Môi trường, cũng như các đơn vị nghiên cứu như tối ưu tài nguyên đất đai và các quá trình có thể thương mại trong hoạt động nghiên cứu khoa học; bổ sung nguồn kinh phí từ địa phương, từ nguồn xã hội hóa và FDI.

Đặc biệt, ông nhắn nhủ các nhà khoa học quan tâm hơn đến công tác truyền thông, tuyên truyền bởi đây là cách nhanh và trực quan nhất để các tiến bộ kỹ thuật có thể đến với bà con nông dân, HTX, doanh nghiệp – đối tượng thụ hưởng các công trình nghiên cứu.

Trong năm 2024, Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường sẽ tập trung xây dựng Đề án phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp giai đoạn 2023-2030; Đề án thí điểm cơ chế hợp tác công tư trong nghiên cứu phát triển khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ ngành nông nghiệp giai đoạn 2022-2030. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện nhóm tiêu chuẩn, quy chuẩn phục vụ quản lý vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm và kiểm tra chuyên ngành.

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hậu Giang hưởng lợi lớn từ thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Hậu Giang Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phục vụ hơn 384.120ha sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, trong đó Hậu Giang là địa phương hưởng lợi lớn thứ hai với diện tích 48.500ha.

Trà Vinh sẽ vận hành 5 dự án năng lượng tái tạo vào năm 2030

Quy hoạch giai đoạn 2026 - 2030, các dự án sẽ được vận hành gồm điện mặt trời áp mái, điện rác, điện sinh khối, hướng đến giảm phát thải ròng bằng 0.