| Hotline: 0983.970.780

Khoan xương hổ bơm nước và mánh lới tuồn 'chúa sơn lâm' vào Việt Nam

Thứ Sáu 06/03/2020 , 09:00 (GMT+7)

Thâm nhập trại hổ ở bản Phôn Phen, huyện Khăm Cớt, tỉnh Bô Ly Khăm Xay (Lào) chúng tôi lần ra những manh mối đầu tiên của đường dây chuyên buôn hổ.

Công an Nghệ An bắt quả tang một vụ buôn hổ trái phép. Ảnh: Vu Cát Tiên.

Công an Nghệ An bắt quả tang một vụ buôn hổ trái phép. Ảnh: Vu Cát Tiên.

Trong 2 bài trước "Rùng mình tận thấy cảnh phanh thây hổ" và "Lọt vào trại nuôi hàng trăm 'chúa tể sơn lâm' để tuồn về Việt Nam", chúng tôi đã phản ánh tình trạng giết hổ và nuôi nhốt hổ ở một trang trại Lào rồi tuồn vào Việt Nam. Kỳ này, sẽ hé mở một số cách mà dân buôn thực hiện điều đó.

Một trại hổ chuyên nghề sinh sản, tạo giống trên đất Lào, cách cửa khẩu quốc tế cầu Treo (Hà Tĩnh) 40 km. Những vùng làng chuyên nghề nuôi hổ, nấu cao hổ trái phép ở Nghệ An, cách cửa khẩu này khoảng 150km. Có hay không một đường dây buôn hổ, xương hổ qua biên giới được thiết lập từ hai vùng đất này?

Dư luận những người quan tâm đến nhiều vụ nuôi nhốt hổ, cất giấu hổ đã xẻ thịt trong thùng đông lạnh của lái buôn thuộc các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu (Nghệ An) từng bị Công an Nghệ An bắt, cho rằng “nguồn gốc hổ phạm pháp này có xuất xứ từ Lào”.

Loạn hàng hổ sống, hổ chết

Suốt thời gian thâm nhập trại hổ ở bản Phôn Phen, huyện Khăm Cớt, tỉnh Bô Ly Khăm Xay (Lào) chúng tôi lần ra những manh mối đầu tiên của đường dây hành nghề buôn hổ qua biên giới.

Trên đường đưa tôi rời trại hổ, chuyện kể của ông S. cho rằng, hổ của trại này có chất lượng. Từ thức ăn được kiểm định hẳn hoi, đúng chế độ dinh dưỡng đến cách nuôi sinh sản bài bản, có khu vui chơi, tắm nắng, ăn ngủ riêng.

Vì thế lái buôn bên Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu sang mua không bao giờ nghi ngại quá nhiều chuyện giá cả. Nhìn là thích. Thích là xuống tiền. Chỉ có điều khi trao tiền, nhận hổ xong thì lái buôn liền sử dụng các “ngón đòn” sao cho có lãi.

Công an Hương Sơn bàn giao hai con hổ “sơ sinh’ cho đại diện Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã tại VN. Ảnh: Vu Cát Tiên.

Công an Hương Sơn bàn giao hai con hổ “sơ sinh’ cho đại diện Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã tại VN. Ảnh: Vu Cát Tiên.

Một số thành viên trại hổ cho biết, đa số lái buôn hổ Diễn Châu sang đây không ưa mua hổ loại 2 tạ mà chỉ thích mua con 1 - 1,2 tạ. Loại hổ này về được vỗ béo một năm sẽ nặng 2 - 2,2 tạ. Hổ đạt ngưỡng này họ bán ngay, giá từ 3 - 4 triệu đồng/kg, vì “nuôi thêm sẽ lỗ bể mặt”.

Một số lái buôn khác ưa mua loại hổ tầm 1,5 tạ. Mua xong, sau khi bắn chết, lái buôn lập tức bơm nước vào ngay. Số lượng nước bơm thường ở mức 50kg. Sau khi bơm nước mới cho vào thùng đông lạnh để giữ nước trong thịt con hổ. Về tập kết tại điểm cất giấu, chỉ cần cân lên là tính tiền. Lái buôn kiểu này chỉ cần lãi tiền “bơm”. Đôi khi mua giá 6 triệu đồng/kg, về bán chỉ 5 triệu đồng/kg là vì thế.

Bà Q. cho rằng lái buôn hổ kiếm tiền bằng mọi giá. Bà hé lộ một thủ thuật bí hiểm của lái buôn để làm tăng trọng lượng của xương hổ. Đó là trường hợp lái buôn kì công bơm tuỷ vào đặc kín ống xương, thậm chí khoan cả xương để bơm nước vào, tăng được gam nào hay gam ấy so với không bơm.

Đối với hổ sơ sinh, lái buôn có thể mua hổ mới sinh 20 ngày, thậm chí 15 ngày, mỗi con nặng 4-5 kí. Mua về, họ tiếp tục cho ăn sữa rồi nuôi vỗ béo.

Ở tuổi trưởng thành, họ sử dụng “thuốc thèm ăn” (thuốc tăng trọng) khiến con hổ có thể “nạp” 15 kí thịt gà, thịt bò trong một ngày. Chỉ một năm con hổ đã nặng khoảng 1,5 tạ. Hầu hết, những người sẵn tiền ở các tỉnh phía Bắc mua hổ nấu cao thì chỉ cần nhìn thấy con hổ là sướng rơn.

Con hổ càng to, béo họ càng thích, bởi sẽ có nhiều cao hổ. Họ không thể biết con hổ này chỉ mới một năm tuổi, xương còn mỏng, ít can xi, chất lượng cao không đáng kể.

Lúc này, thợ nấu cao độn thêm 15 - 20kg gạc nai, mai rùa thì trọng lượng nồi cao tăng lên, giá thành giảm xuống từ 20 - 18 - 15 - 10 triệu đồng một lượng cao hổ là không hiếm. Đây là lí do khiến người mua cao hổ ở Nghệ An dè bỉu “hổ Diễn Châu” hoặc “hổ bơm”.

Ông S. kể một câu chuyện bi hài khác về buôn bán xương hổ. Mới đây, ông mua 30 bộ xương gồm hai bộ xương hổ, 28 bộ xương sư tử từ châu Phi, di chuyển qua Thái Lan về đây.

Khi mua, ông hẹn người bán giấu kín kí hiệu riêng cho hai bộ xương hổ. Đúng hẹn, 5 “chuyên gia” buôn bán xương hổ từ Diễn Châu sang xem hàng. Các “chuyên gia” thận trọng cân, đo kích cỡ từ xương ống, xương sọ, xương sườn, răng, móng chân nhưng không thể phân biệt xương hổ và sư tử “vì giống nhau 100%, như anh em sinh đôi”.

Trong lúc đó, một kí xương sư tử giá thị trường trôi nổi chỉ 10 triệu đồng, một kí xương hổ 60-70 triệu đồng tiền Việt.

“Cao hổ rao bán đủ loại giá ở Nghệ An là do mẹo thuật buôn bán này biến hoá vào”, ông S. nhận xét. Còn một số thành viên trại hổ nói: “Mẹo này chỉ có dân trong “ngành” mới biết”.

Hai con hổ non được công an Hương Sơn thu giữ, bàn giao cho đơn vị có thẩm quyền. Ảnh: Vu Cát Tiên.

Hai con hổ non được công an Hương Sơn thu giữ, bàn giao cho đơn vị có thẩm quyền. Ảnh: Vu Cát Tiên.

Hổ lọt về Việt Nam thế nào?

Bằng cách nào để đưa đủ loại hổ sống, hổ chết, xương hổ lọt qua biên giới. Nghe tôi hỏi, ông S. cười khẩy: “Luật là xong”. 

Làm luật rồi nhưng cửu vạn của lái buôn phải “cắt” rừng mà “bươn” chứ không phải qua đường cửa khẩu. Đối với hổ sơ sinh, bỏ hai con vào cái lồng thoáng khí để gùi qua đường biên. Phải biết đoạn đường đến điểm giao hàng gần hay xa.

Đi gần, cỡ 3 giờ chỉ cần cho uống thuốc ngủ. Đi xa hơn thì phải tiêm thuốc mê. Giá trọn gói giao cho cửu vạn 60 triệu đồng/một cặp đôi.

“Gùi chục đôi cũng được, miễn là phải làm luật đàng hoàng”, ông S. nói vẻ thận trọng. Tôi cự lại: “Do không qua cửa khẩu, nếu cửu vạn gùi ba, bốn đôi mà chỉ làm luật một đôi, họ có biết không”.

Ông S. nghiêm sắc mặt: “Chết liền. Các vị trí “nóng” hai bên cánh gà cửa khẩu đều có người canh gác cẩn mật. Nếu bị phát hiện gian dối thì một cái lông hổ cũng không thể lọt qua, nhé”.

Riêng vận chuyển xương hổ qua cửa khẩu, một thành viên trại hổ nói: “Một bộ xương tầm 13 kí như bộ xương đang nấu cao, làm luật 200 triệu đồng”. Trong lúc đó đại gia H. cam đoan “chỉ khoảng 100 triệu đồng là qua”.

Để kiểm chứng thêm những câu chuyện về 'luật lá" của ông S. và ông H., sau khi nhập cảnh cửa khẩu quốc tế cầu Treo (Hà Tĩnh), chúng tôi trao đổi tình trạng này với thiếu tá Trần Văn Sông, Trạm trưởng cửa khẩu (Đồn biên phòng cửa khẩu Cầu Treo).

Khi nghe chúng tôi phản ánh dư luận về “luật” rừng buôn hổ qua biên giới, thiếu tá Sông nói: “Tôi chưa nhìn thấy con hổ bao giờ. Trong công tác bảo vệ chủ quyền và đấu tranh phòng chống tội phạm trên biên giới, chúng tôi ý thức được nghĩa vụ và trách nhiệm của người lính biên phòng nơi cửa khẩu, trong đó cảnh giác với tội phạm buôn bán hổ là động vật thuộc danh mục cấm”.

Thiếu tá Sông cũng đề cập tới Công ước quốc tế về buôn bán các loại động vật hoang dã nguy cấp (CITES): “Biên phòng thuộc trạm cửa khẩu cũng tham gia CITES nên rất coi trọng nhiệm vụ này”.

Bắt nhiều vụ buôn bán, tàng trữ hổ

“Trong 5 năm (2015-2019), Phòng Cảnh sát môi trường (PC49), Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03), Công an các huyện thuộc Công an Nghệ An đã bắt, khởi tố nhiều vụ buôn bán, tàng trữ hổ. Cụ thể:

Năm 2015, PC 49 bắt bốn vụ, 12 con hổ, 864 kg và 78 kg sản phẩm da, xương hổ. Năm 2016 Công an huyện Diễn Châu bắt bà Nguyễn Thị Quế, Lê Văn Đính, trú tại xóm 3, xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu đang vận chuyển một con hổ đông lạnh năng 37 kg và một bộ da hổ, một bộ đầu hổ nặng 6 kg.

Năm 2017 Công an Diễn Châu bắt tiếp ông Nguyễn Hữu Vệ, trú xóm 16, xã Diễn Đoài; Nguyễn Văn Kiên, trú xóm 6, xã Diễn Yên, đều thuộc huyện Diễn Châu, tàng trữ hai con hổ đông lạnh, nặng 248 kg, 14 kg thịt hổ.

Năm 2017, Công an huyện Quỳnh Lưu bắt ông Cao Xuân Toản, bà Nguyễn Thị Hương tàng trữ năm con hổ đông lạnh, nặng 606 kg. Năm 2018, Công an Quỳnh Lưu bắt tiếp ông Bùi Văn Hiếu, Hoàng Văn Thiện đều trú tại xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu; Nguyễn Văn Chính, trú tại tỉnh Đăk Lăk vận chuyển năm con hổ sơ sinh, nặng 10 kg.

Mỗi lần Công an Nghệ An phá án thành công một vụ buôn bán, trang trữ hổ, tổ chức của CITES đều gửi thư cảm ơn. Tổ chức này cũng từng hộ trợ một số trang thiết bị, giúp Công an Nghệ An trong lĩnh vực này.

Tài liệu thu thập được sau những vụ khởi tố, Công an Nghệ An xác định-những con hổ đã bị bắt có xuất xứ từ Lào, qua biên giới bằng nhiều đường khác nhau”.

Hai vụ án mới nhất

Sau khi chúng tôi kết thúc trang phóng sự này, ngày 4/3/2020, thượng tá Nguyễn Quang Tuệ - Trưởng Công an huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) cho biết - vừa khởi tố vụ án “Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật nguy cấp quý hiếm” xảy ra tại thôn Hà Trai, xã biên giới Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn.

Theo thượng tá Tuệ, lúc mờ sáng ngày 18/11/2019 Cảnh sát cơ động, Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh phối hợp Công an huyện Hương Sơn tuần tra trên đường 8, cách cửa khẩu quốc tế Cầu Treo 2 km. Công an phát hiện hai nam thanh niên đi xe máy ngược chiều, người ngồi sau vác một bì xác rắn.

Thấy dấu hiệu bất thường, công an quay lại kiểm tra thì hai thanh niên tăng tốc, vù xe trong sương mù rồi vứt bao xác rắn xuống bìa rừng.

Công an kiểm tra, phát hiện trong bao xác rắn có chiếc lồng nhựa chứa hai con hổ “sơ sinh” đã mệt lử. Sau đó, công an liên hệ, báo tin với Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại VN (Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật VN) có trụ sở tại Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình).

Rất may, đoàn công tác của trung tâm này vừa rời Vườn quốc gia Pù Mát (Nghệ An) nên sang Hà Tĩnh xử lí, kịp đưa hai con hổ “sơ sinh” về cứu hộ.

Liên quan đến vận chuyển động vật nguy cấp quý hiếm, ngày 8/1/2020, Công an huyện Yên Thành (Nghệ An) bắt tạm giam hai nghi can Võ Quang Thắng, Nguyễn Tấn Thịnh điều khiển xe khách mang biển kiểm soát Lào - 0777.

Chiếc xe này xuất phát từ Lào, qua cửa khẩu Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An). Xe chở 2 cá thể beo, 4 tay gấu, một bộ xương nghi xương hổ, 840 kg pháo hoa Trung Quốc, 3 khối gỗ đinh hương, 2 tạ đồng phế liệu.

Vụ án cũng mới được Công an Yên Thành khởi tố. Hiện công an đang đưa bộ xương nghi là xương hổ đi giám định và vận động chủ xe đang lẩn trốn ở Lào ra đầu thú.                      

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Nhiều dự án nông nghiệp do Ngân hàng Thế giới tài trợ đạt kết quả tốt

Chiều 22/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới vùng Đông Á – Thái Bình Dương Manuela V. Ferro.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 1] Tính mạng trên hết

Phần lớn quãng đời của ngư dân gắn với biển. Biển cả mênh mông, trong khi bão tố rất bất thường, sinh mạng và tài sản của ngư dân luôn bị thiên tai đe dọa…