Trong bài "Rùng mình tận thấy cảnh phây thây hổ", chúng tôi đã phản ánh cảnh tượng xẻ thịt hổ để nấu cao bán cho các đại gia. Trong bài này, phóng viên vào trang trại nuôi hàng trăm con hổ ở Lào để tuồn về Việt Nam.
Nếu một số vùng làng ở các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu (Nghệ An) nuôi hổ trái phép, lén lút, giấu kín như bưng thì trại hổ của bà chủ tên Q . ngang nhiên “mọc” ngay mặt tiền đường 8, cách trung tâm thị trấn Lạc Xao, huyện Khăm Cợt, tỉnh Bô Ly Khăm Xay (Lào) gần 3km.
Dãy hàng rào còn nguyên màu vôi sáng láng kéo dài hơn 100m phía mặt tiền, sát mép đường 8. Phía trong, cách dãy hàng rào tầm 50m hiện lên ngôi nhà cấp 4 với nhiều phòng ốc giống như một công sở. Tất cả đều im lìm, bí hiểm.
Lọt vào “rừng” hổ
Chỉ còn khoảng một giờ nữa chúng tôi rời bản Phôn Phen, huyện Khăm Cợt về Việt Nam. Thời gian ít ỏi còn lại khiến tôi càng thắc thỏm vì đã nghe chuyện bắn hổ, nấu cao hổ mà chưa được nhìn tận mắt trại nuôi hổ.
Thế rồi, như vận may chợt đến khi tôi “bám càng” một thành viên lọt vào trại hổ. Trộm nghĩ, cũng may mắn bởi hôm nay bà chủ trại vừa từ lên Vientiane bay ra nước ngoài nếu không thì khó bề lọt vô đây.
Chiếc xe dừng lại trước cánh cổng sắt tự động đang khoá. Ông S. gọi hai số điện thoại nhưng đều không được.
Sau cuộc gọi thứ ba, cánh cổng mới từ từ hé mở, vừa đủ chiếc xe đi lọt vào trong. Tôi hướng theo mũi xe lượn vòng vèo qua một góc trại, rồi chạy theo dãy bờ tường xây cao hơn 3m, phía trên là hàng dây thép gai.
Trước khi dừng lại khu vực cung cấp thức ăn cho hổ, ông S. chỉ tay về phía dãy chuồng hình chữ U đối diện, nói: “Chuồng hổ đấy”.
Tôi xoay người khỏi ánh mắt của ông S., mau lẹ bấm máy ảnh mini “chớp” một hình ảnh đắt giá. Nhưng dãy chuồng hình chữ U này mới chỉ là một góc rất nhỏ trong khu rừng rộng 200 hecta thuộc trại hổ.
Ông S. cho hay, trại rộng lắm, “ôm” trọn cả hai quả núi xanh mờ phía trước. Khu rừng gần đường nhất giành để nuôi khoảng 200 con hổ đủ mọi lứa tuổi nhưng đa số là hổ cái, hổ đực chỉ chiếm 1/3 tổng số. Nói đoạn, ông gọi điện thoại cho người ra mở cửa khu chuồng trại thứ hai, cách dãy chuồng hình chữ U không xa.
Tôi nín thở, nhón mũi giày nhưng cố bước đi chắc và nhanh vì lần đầu tiên tiến sát bên loài thú hung dữ, biết là nó ở trong chuồng lưới thép nhưng vẫn phải đề phòng như một phản xạ tự nhiên vậy. Dãy chuồng hổ nối dài, mỗi chuồng chỉ cách nhau một tấm lưới chia ô nhỏ xíu. Ông S. thì bước xăm xăm. Ông giục đi nhanh, xem nhanh và giao “không chụp ảnh, không đưa lên mạng, nguy hiểm đấy”.
Thoáng chốc chúng tôi lướt qua những chuồng hổ nối nhau hình chữ U, chữ L. Mỗi chuồng rộng chừng 30m2. Trong chuồng, hổ đứng, hổ đi, hổ nằm quanh những khúc xương bò còn tươi rói nhưng đôi mắt con nào cũng trừng trừng không chớp hướng về phía khách lạ. Chợt một tiếng gầm nhẹ rung lên như phát ra từ trong hang hốc.
Ông S. chỉ tay vào chuồng đối diện bảo: “Báo gầm đấy”. Tôi nhìn con báo khoảng một tạ gầm gừ rồi nhảy lên bệ xi măng nằm trong tư thế vồ mồi. Tôi trải lòng về tâm trạng bất an khi nghe tiếng báo gầm, ông S. trấn an: “Hổ, báo nuôi từ nhỏ ở đây nên hầu như mất hết khả năng săn mồi. Mà chuồng khoá cẩn thận, sắt thép ràng rịt như dệt, như đan, sợ chi”.
Vừa lúc đó, tiếng một con hổ bỗng rống lên từ phía chuồng hình chữ U:…A…au…A…au…Tôi chợt rùng mình theo tiếng rú kinh động giống như trong thước phim về rừng hổ hoang dã.
Đang đi, ông S. kéo tay tôi rẽ hướng khác để tránh chuồng hổ đang đẻ. Nghe thế, tôi sực “săn” chi tiết rất cần có trong “rừng” hổ này. Đó là hình ảnh của những chú hổ sơ sinh. Tôi hỏi về chuồng nuôi hổ sơ sinh, ông S. nói: “Hổ mới đẻ được tách ra nuôi riêng ở dãy nhà phía ngoài cùng”.
Đó là dãy nhà gồm những gian phòng không khác gì một khách sạn sang trọng. Nghĩ tôi đi xem để mua hổ con, người phụ trách ở đây nhẹ tay mở cánh cửa gỗ cho tôi nhìn thấy mấy chú hổ rồi nhẹ tay kéo cánh cửa lại. Đó là những chú hổ con mới 20 ngày tuổi, nặng khoảng 5 kí. Chúng đang nằm co lại, ngủ bên nhau như những con mèo khoang khổng lồ.
Hình ảnh cuối cùng tôi ghi được là chiếc container đang đậu dưới mái nhà, nơi cung cấp thức ăn. Cùng lúc anh tài xế mở cửa sau, lấy thức ăn của hổ thả vào trong bể nước để ngâm cho tan đá lạnh trước khi cho hổ ăn. Không khí lạnh phả ra tê buốt. Trong thùng xe, chật kín những hộp thức ăn đề chữ Thái Lan.
Ông S. cho biết, 10 ngày một container thức ăn 10 tấn chở từ Thái Lan về. Thức ăn gồm thịt bò, xương bò, thịt gà, chân gà đã được kiểm định chặt chẽ, không phải thức ăn lung tung ngoài chợ như ở làng nuôi hổ bên ta. Thức ăn do người phụ trách phân chia tuỳ theo từng lứa hổ. Hổ trẻ đang nuôi lớn thì ăn xương bò, chân gà. Một tuần ăn thịt bò tươi một ngày. Hổ già chủ yếu ăn xương cho bổ xương. Con nào hễ phát hiện tăng cân nhanh thì giảm khẩu phần. Vì hổ đực béo quá sẽ lười vận động ngoài “sân vui chơi”, hổ cái béo núc ních sẽ khó sinh sản.
Những con hổ xấu số
Con hổ 1,6 tạ vừa bị xẻ thịt thuộc lứa hổ già nhất trại này. Sở dĩ con hổ già bị bán để nấu cao là bởi không còn khả năng đi “tơ”. “Con hổ đực không tơ được nữa thì bán đi, thay lớp trẻ lên”, bà Q. nói.
Vòng đời con hổ chỉ sống trong vòng 20 năm. Sau 20 năm con hổ yếu dần rồi tự chết. Kinh nghiệm của dân nghiền cao hổ khẳng định hổ càng già, càng “rom” thì bộ xương càng quý bởi xương con hổ già rất dày, chắc, nhiều can xi nên nồi cao rất chất lượng.
Còn lớp hổ “trẻ” lên thay hổ “bố, mẹ” bắt đầu từ tuổi thứ 3. Lớp hổ này sẽ đảm nhận công việc đi “tơ” để sinh sản. Sinh sản, tạo giống là nhu cầu số một của trại để cung ứng giống cho các vùng làng nuôi hổ trái phép ở Nghệ An.
Kể chuyện hổ đi “tơ”, thành viên trại hổ khá rành: Ba tuổi là con hổ đực bắt đầu động đực, thích đi “tơ”. 15 tuổi hết “tơ” là giết. Riêng hổ cái đến tuổi thứ 7 mới bắt đầu sinh sản. Hổ đực đi “tơ” nhanh lắm, giống như ngựa, hươu chỉ chưa đầy hai phút một lần.
Đến tuổi, hổ “tơ” liên tục 20 ngày mỗi tháng. Khoảng 5 phút “tơ” một lần. Trước khi “tơ”, hổ đực dùng đuôi cà quanh mông hổ cái. Khi hổ cái nằm sấp xuống là tín hiệu cho hổ đực “tơ”.
Bà Q. nêu kinh nghiệm: “Con đực mà động đực đúng lúc con cái đòi “tơ” thì thụ thai tốt lắm. Con hổ vừa xẻ thịt đi “tơ” giỏi lắm. “Tơ” hàng trăm con rồi đó”. Cũng theo bà Q., muốn hổ sơ sinh khoẻ mạnh, làm giống tốt thì không nên cho hổ cái đẻ nhiều.
Ngoài “chức năng đi “tơ”, lớp hổ này có thể bị bán bất cứ lúc nào nếu được giá. Có hai cách bán hổ. Bán nguyên con và bán con đã bắn chết. Mua hổ nguyên con khi vận chuyển qua biên giới phải tính toán thời gian tiêm thuốc mê thật chuẩn mới an toàn. Hổ bị bắn chết thì phải cho vào thùng đông lạnh. “Đa số dân buôn ưa mua hổ bị bắn chết bởi vừa vận chuyển an toàn vừa bơm được nước vào trước khi ướp lạnh. Thường một con hổ 1 tạ được dân buôn bơm 5 yến nước. Tha hồ lời”, ông S. nêu một thủ đoạn thường gặp của lái buôn.
Hổ cái sinh sản khá dày. 5 tháng một lần sinh. Bình quân một năm hai lứa rưỡi. Một lần sinh từ một đến ba con. Công đoạn nuôi dưỡng hổ con được ví như nuôi trẻ. Chế độ dinh dưỡng nghiêm ngặt như sữa, cháo, thực phẩm đều được tính toán bài bản. Riêng cái khăn dùng để lau miệng hổ sau mỗi lần ăn hoặc đi vệ sinh trắng, sạch như khăn chăm sóc trẻ lọt lòng.
Ông S. nêu một thực tế: “Hổ sinh nhiều nhưng chết cũng lắm. Tỉ lệ chết là 70%”. Chúng tôi hỏi lí do hổ sơ sinh chết nhiều, ông S. lắc đầu không biết. Đoạn, ông nói: “Có lẽ do trùng huyết thống cũng nên”. Tôi chợt nghĩ, có thể nhận xét của ông S. sẽ giúp ích cho các nhà khoa học khi họ quan tâm chi tiết này.
Một thành viên khác của trại hổ góp chuyện: “Hổ sơ sinh chết đều được rút sạch ruột rồi ngâm rượu nguyên con. Rượu ngâm lần thứ nhất và lần thư hai đổ đi. Lần ngâm thứ ba chôn dưới đất một thời gian, dùng rất tốt. Mặt hàng này dân Trung Quốc chuộng lắm”.
Nói thêm về số phận của những chú hổ sơ sinh, các thành viên trại hổ cho rằng, do tỉ lệ chết 70% và khó nuôi nên hổ sơ sinh trở thành mặt hàng quý hiếm. Một cặp hổ sơ sinh bán tại Lào, giá 400-500 triệu đồng, tiền vận chuyển qua biên giới do lái buôn lo. (Còn nữa)