| Hotline: 0983.970.780

Khoảng trống nhận thức và trách nhiệm cá nhân về rác thải nhựa

Thứ Hai 01/11/2021 , 10:41 (GMT+7)

Các nhóm thanh niên, công nhân, nhân viên, ngư dân và nội trợ đều có một tỷ lệ thấp đồng ý rằng chính họ cần giảm thiểu rác thải nhựa.

Theo một nghiên cứu về nhận thức, thái độ và thực hành của người tiêu dùng nhựa tại Việt Nam do WWF-Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam thực hiện trong năm 2020 thì còn có nhiều người không chú ý đến các tác hại của rác thải nhựa, nhựa dùng 1 lần đối với môi trường tự nhiên.

Chỉ có một tỷ lệ nhỏ những người tiêu dùng hiện nay có hiểu biết sâu về nhựa, bao gồm việc phân biệt các loại nhựa khác nhau, cách sử dụng đúng, các nguy hại của nhựa dùng 1 lần đối với sức khỏe con người, với tự nhiên. Đặc biệt, người dân còn chưa hiểu biết nhiều về các chương trình chống rác thải nhựa của các cơ quan quản lý.

Học sinh Trường THCS Dương Đông - Phú Quốc học cách giảm rác nhựa. Ảnh: WWF.

Học sinh Trường THCS Dương Đông - Phú Quốc học cách giảm rác nhựa. Ảnh: WWF.

Phần lớn ngư dân không biết về ảnh hưởng của rác thải nhựa đối với môi trường sống. Theo WWF- Việt Nam (2020), chỉ có chưa tới 3% những người được hỏi có biết đến các chương trình, hoạt động của nhà nước trong nỗ lực chống ô nhiễm rác thải nhựa và khoảng 10% ý kiến cho thấy họ có biết một phần về chương trình chống rác thải nhựa của Nhà nước. Đây chính là một bài toán thách thức lớn trong thời gian tới để tăng cường các chương trình truyền thông, vận động toàn xã hội nói chung, vận động nhóm ngư dân và người nuôi trồng thủy sản nói riêng, thực hành giảm thiểu nhựa dùng một lần.

Phần lớn người tiêu dùng cho biết rằng nhựa dùng 1 lần là sản phẩm được kèm theo miễn phí mỗi khi họ mua sắm một sản phẩm, hàng hóa nào đó. Chính bởi vì coi đó là sản phẩm miễn phí, người tiêu dùng không đặt lại câu hỏi liệu đó có phải là thứ thực sự miễn phí hay đã được tính vào trong sản phẩm, hoặc cái được gọi là miễn phí đó phải trả giá như thế nào trong việc xử lý ô nhiễm cũng như sự ảnh hưởng ô nhiễm nhựa gây ra đối với sức khỏe con người. Và cũng chính vì xem đó là sản phẩm miễn phí, người tiêu dùng phần lớn vẫn chưa coi việc giảm thiểu xả rác nhựa là trách nhiệm của bản thân mình.

Các nhóm thanh niên, công nhân, nhân viên, ngư dân và nội trợ đều có một tỷ lệ thấp đồng ý rằng chính họ cần giảm thiểu rác thải nhựa. Đối với nhóm ngư dân, thái độ này thậm chí còn thấp hơn, chỉ có chưa tới 1/5 là đồng ý, theo WWF-Việt Nam (2020). Mặc dù vậy, tất cả các nhóm đối tượng đều thống nhất trong việc nhìn nhận rằng ô nhiễm rác thải nhựa sẽ giảm khi mỗi người giảm xả rác nhựa.

Nhìn chung, nhóm ngư dân thiên nhiều về thái độ coi sử dụng nhựa dùng 1 lần là nhu cầu chung của xã hội nên khó giảm thiểu được. Chỉ có 17% những người làm ngư nghiệp thể hiện thái độ rằng “chính tôi cần giảm thiểu nhựa dụng 1 lần”.

Thiệt hại từ rác thải nhựa đại dương đối với ngành thủy sản

Cũng theo báo cáo của WWF, tổng mức rác thải nhựa từ khai thác thủy sản cả nước vào khoảng 68.150 tấn/năm, trong đó rác thải ra biển khoảng 3.814 tấn/năm. Rác thải nhựa từ các vật dụng bằng nhựa được sử dụng rất nhiều trong các khâu: Thứ nhất là khai thác thuỷ sản, nhựa được sử dụng trong các ngư cụ, như lưới, chỉ lưới, dây giềng… và các thiết bị an toàn, bảo hộ như: áo phao, phao xốp…Thứ hai là bảo quản thuỷ sản gồm thùng nhựa, khay nhựa… và thứ ba là quá trình sinh hoạt tại tàu khai thác thuỷ sản như chai nhựa đựng nước, túi ni lông, hộp xốp...

Rác thải nhựa trong đại dương làm tổn hại các sinh cảnh biển có giá trị như rạn san hô, môi trường sống đáy biển, thảm thực vật, tích tụ trầm tích, phá vỡ hệ sinh thái. Đặc biệt, với đặc tính khó phân hủy, lại thường kèm theo các độc tố độc hại, rác thải nhựa có thể làm suy giảm chất lượng thủy sản và một số loài sinh vật biển khác, làm nước biển nhiễm độc, đặc biệt tại các vịnh và khu vực cửa sông.

Đối với ngành thủy sản, nhận thức được tầm quan trọng của việc quản lý rác thải nhựa đại dương trong ngành thủy sản, Bộ NN&PTNT-Tổng cục Thủy sản đã có những bước đi cụ thể sau:

Công văn 4914/BNN-VP ngày 11/7/2019 của Bộ NN&PTNT về việc hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ chung tay hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa;

Công văn 244/TCTS-KHCN&HTQT ngày 17/2/2020 của TCTS về việc “Chung tay hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương”;

Quyết định 1777/QĐ-BNN-TCTS ngày 20/5/2020 của Bộ NN&PTNT về việc giao nhiệm vụ xây dựng “Kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản, giai đoạn 2020-2030”;

Quyết định 282/QĐ-TCTS-KHCN&HTQT ngày 22/5/2020 của TCTS về việc giao nhiệm vụ xây dựng “Kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản, giai đoạn 2020-2030”.

Quyết định 687/ QĐ-BNN-TCTS ngày 5/2/2021 của Bộ NN&PTNT về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản, giai đoạn 2020-2030.

Nâng cao nhận thức và trách nhiệm cá nhân

Năm 2021, trong khuôn khổ dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam”, WWF và Tổng cục Thủy sản phối hợp triển khai chiến dịch truyền thông thí điểm hướng đến nâng cao nhận thức và thay đổi thái độ đối với rác thải nhựa đại dương trong cộng đồng ngư dân và người nuôi trồng thủy sản. Các hoạt động của chiến dịch truyền thông hướng đến nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và thay đổi thói quen của cộng đồng ngư dân, người nuôi trồng thủy sản và các bên có liên quan; giảm thiểu rác thải nhựa, thu gom, phân loại từ nguồn, tái sử dụng, tái chế và từng bước thay thế sử dụng vật tư chuyên dùng bằng nhựa trong ngành thủy sản.

Xem thêm
Đã đến lúc nghĩ về phục hồi môi trường nuôi tôm, cá

Ngành nông nghiệp đang đi phục hồi dinh dưỡng đất; thủy sản cũng đã bắt đầu đến lúc nghĩ về phục hồi môi trường nuôi, Cục trưởng Trần Đình Luân nói.

Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.