| Hotline: 0983.970.780

Khởi nghiệp thành công với mô hình chăn nuôi thỏ

Thứ Sáu 18/10/2024 , 06:21 (GMT+7)

SÓC TRĂNG Xuất phát điểm chỉ với 4 con thỏ vào năm 2018, anh Quốc hiện đã sở hữu đàn thỏ khoảng 200 con và dự định mở rộng lên 400 con.

Anh Trà Trí Quốc ở ấp Lương Văn Hoàng, xã Ngọc Tố (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) khởi nghiệp thành công với mô hình nuôi thỏ, thu nhập ổn định và tạo động lực cho nhiều thanh niên khác tại địa phương.

Khởi đầu từ sự đam mê và mong muốn phát triển kinh tế, anh Quốc đã tự học hỏi kiến thức về nuôi thỏ qua internet. Tuy nhiên, thời gian đầu không tránh khỏi khó khăn khi thiếu kinh nghiệm chăm sóc, nhất là việc nhận biết và xử lý các bệnh phổ biến như ghẻ, nấm và cầu trùng, khiến thỏ chết hàng loạt.

Sau khi tích lũy được kinh nghiệm, anh đã cải thiện quy trình chăm sóc, hạn chế mầm bệnh và sử dụng các loại thuốc điều trị phù hợp.

Anh Quốc chăm sóc thỏ. Ảnh: Như Băng.

Anh Quốc chăm sóc thỏ. Ảnh: Như Băng.

Theo anh Quốc, thị trường tiêu thụ thỏ hiện rất khả quan, chủ yếu bán cho các thương lái đến tận nhà thu mua và bán lẻ cho người dân địa phương, đôi khi nhu cầu cao khiến trại thỏ của anh không đủ cung. Giá thỏ hơi, thỏ trưởng thành từ 2kg trở lên hiện khoảng 70.000 đồng/kg.

Thỏ con trọng lượng 500 - 600g có giá 50.000 đồng/con. Riêng thỏ giống được bán với giá 100.000 - 120.000 đồng/kg, tùy vào chất lượng giống. Chu kỳ sinh sản của thỏ cái khoảng 30 - 35 ngày. Mỗi lứa thỏ mẹ đẻ từ 8 - 12 con. Mỗi năm anh Quốc có thể xuất bán từ 4 - 5 lứa, sau khi trừ chi phí lãi khoảng 40 - 50 triệu đồng.

Ông Phạm Minh Bần, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Ngọc Tố cho biết, mô hình nuôi thỏ của anh Quốc là một trong những mô hình nổi bật tại địa phương.

“Đảng ủy đã chỉ đạo Đoàn Thanh niên xã nhân rộng mô hình này nhằm giúp nhiều thanh niên khác có cơ hội phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương”, ông Bần nói.

Trang trại thỏ của anh Trà Trí Quốc - thanh niên ấp Lương Hoàng, xã Ngọc Tố (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) là động lực khởi nghiệp cho nhiều thanh niên địa phương. Ảnh: Như Băng.

Trang trại thỏ của anh Trà Trí Quốc - thanh niên ấp Lương Hoàng, xã Ngọc Tố (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) là động lực khởi nghiệp cho nhiều thanh niên địa phương. Ảnh: Như Băng.

Chị Thạch Thị Song Lanh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam xã Ngọc Tố đánh giá cao nỗ lực của anh Quốc trong khởi nghiệp.

Chị Lanh nhận xét: “Mô hình chăn nuôi thỏ của anh Quốc vừa mang lại thu nhập ổn định, vừa có tiềm năng phát triển lâu dài. Đây là cơ hội để thanh niên khác học hỏi và mở rộng phát triển kinh tế ở chính quê hương”.

Điểm đặc biệt trong mô hình của anh Quốc là việc áp dụng hệ thống cho ăn, uống nước tự động và lựa chọn thỏ giống từ các giống thỏ New Zealand to con, đạt trọng lượng từ 4 - 5kg/con khi trưởng thành. Bên cạnh đó, anh cũng nuôi thêm giống thỏ rừng, tuy nhỏ hơn nhưng lại có khả năng chống chịu tốt. Thức ăn chủ yếu cho thỏ là cám U41 kết hợp với chuối cây và cỏ, được cung cấp 2 lần mỗi ngày.

Với sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, mô hình chăn này không chỉ mang lại lợi ích cho gia đình anh Quốc mà còn mở ra cơ hội khởi nghiệp cho thanh niên xã Ngọc Tố.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.