Gần 10 năm lao động ở nước ngoài, anh Lê Duy Trinh ở xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình trở về quê và thuê vùng đất đầm hoang hóa để đầu tư, cải tạo thành vùng trồng sen xanh mướt. Không chỉ có thu nhập cao từ lá, hoa sen, ngó sen mà đây còn là điểm du lịch cho mọi người. “Chỉ năm đầu tiên, vùng sen đã cho chúng tôi có thu nhập gần 80 triệu đồng mỗi ha” - anh Trinh hồ hởi.
Ước mơ khởi nghiệp từ vùng quê
Tốt nghiệp lớp 12, anh Lê Duy Trinh tạm biệt quê nhà để sang nước Nga xa xôi lao động mong có được một nghề nghiệp ổn định, có thu nhập. Ở xứ người cũng chẳng dễ dàng gì, quần quật lao động nhưng sau 10 năm nhìn lại cũng chẳng tích cóp được mấy đồng làm vốn. Nhiều đêm không ngủ, anh mở mạng giải trí và đọc được những bạn trẻ cùng trang lứa đã khởi nghiệp đi lên từ đồng quê, từ chính quê hương mình. "Không đâu bằng quê nhà”, suy nghĩ đó cứ nung nấu trong lòng và anh quyết định về quê để khởi nghiệp trên những cánh đồng một vụ lúa, một vụ ngập nước cho cây năn, lác mọc hoang…
“Vùng ngập nước là lợi thế của cây sen”, với suy nghĩ này, anh Trinh tìm hiểu trên sách báo, internet về những mô hình trồng sen, kinh nghiệm truyền thống… để làm vốn kiến thức riêng cho mình.
Cuối năm 2022, anh Trinh “xin” gia đình cho chuyển đổi 1ha vùng ruộng trũ trồng một vụ lúa bấp bênh để cải tạo làm đầm trồng sen. Ban đầu, anh khăn gói vào tận Đồng Tháp để mua giống sen về trồng. Nhưng có lẽ không hợp thổ nhưỡng nên giống sen đưa về trồng mãi chẳng thấy lên.
Thất bại ngay từ vòng đầu không làm anh nản chí. Hỏi nhiều người có kinh nghiệm, anh lại vào Huế mua giống sen hồng về trồng. Mấy tháng sau, nhìn cây sen bung biêng lá xanh mướt mát xòe rộng trên mặt nước, anh thấy ấm lòng. Vụ sen hồng năm đó thắng lợi vì có sản phẩm đầu tiên là ngó sen, hạt sen để bán.
Vậy là đã đi đúng hướng, anh Trinh vận động bà con nông dân có ruộng liền kề để thuê lại với giá cao hơn trồng lúa. Bà con đồng tình ủng hộ nên năm sau, anh đã có thêm được diện tích gần 7ha để quy hoạch thành 7 hồ (mỗi hồ rộng khoảng 1ha) để trồng sen.
“Tôi chọn giống sen hồng để trồng thử nghiệm. Sau thời gian trồng thử thành công, tôi đã nhân giống sen này ra diện rộng. Tất cả 7 hồ sen đều cho ra hoa đúng mùa vụ, cây khỏe, hoa nhiều và đẹp, lá to” - anh Trinh phấn khởi.
Từ thành công bước đầu, để tạo thương hiệu riêng và dễ dàng trong giao dịch, anh Lê Duy Trinh mạnh dạn thành lập Hợp tác xã Sản xuất - Kinh doanh Dịch vụ nông nghiệp - Thương mại - Du lịch Tả Phan (HTX Tả Phan) do anh làm Giám đốc. HTX chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ cây sen và đưa vào hoạt động mô hình dịch vụ du lịch cho người dân đến tham quan.
Đầu năm 2024, sau thời gian nỗ lực của bản thân và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương cũng như các tổ chức chính trị xã hội, sản phẩm hạt sen tươi Duy Trinh đã được công nhận đạt OCOP 3 sao. “Đây này là động lực giúp tôi có thêm những dự định lớn hơn” - anh Trinh cho hay.
Trên những tuyến đê bao quanh đầm sen, anh Trinh mua giống trúc lấy măng từ Đài Loan về trồng. Hợp đất, giống trúc này lên tươi tốt. Anh Trinh cho hay: “Măng trúc này rất ngon, ngọt và có thể ăn sống được. Tôi dự tính gây giống số lượng lớn và bán cho người có nhu cầu để có thêm sản phẩm trên cánh đồng này”.
Từ cánh đồng lúa một vụ đến thu nhập gần 80 triệu đồng/ha
Qua hai mùa sen nở, những sản phẩm từ lá sen, hoa sen, ngó và hạt sen mang thương hiệu HTX Tả Phan đã góp mặt trên thị trường. “Ngoài việc tạo công ăn việc làm thời vụ cho hàng chục lao động có thu nhập cao tại địa phương vào mùa thu hoạch sen hoặc dịch vụ thì hiệu quả từ mô hình cũng khá cao. Tính ra, mỗi ha ruộng cho thu nhập gần 80 triệu đồng mỗi năm. Qua hàng năm, phần lãi có thể cao hơn vì giảm được chí phí đầu tư ban đầu và sản phẩm được nhiều khách hàng biết đến hơn” - anh Trinh nói.
Hiện nay, các sản phẩm từ sen của HTX Tả Phan như hạt sen tươi, trà ướp bông sen… luôn được các thương lái trên địa bàn tỉnh ưa chuộng. Để hiện thực hóa những dự định của mình, anh Trinh đang ấp ủ đa dạng hóa sản phẩm, đầu tư thiết kế bao bì, nhãn mác để nâng tầm giá trị các sản phẩm từ sen. “Sau khi có một sản phẩm OCOP, chúng tôi đang xây dựng thêm một sản phẩm OCOP nữa là trà ướp bông sen” - anh Trinh cho hay.
Giữa vùng đồng quê, anh Trinh cũng đã mở rộng cánh cửa để đón du khách đến tham quan, trải nghiệm ngắm hoa sen, thưởng thức trà ướp bông sen tỏa hương thơm lừng. Vào mùa sen nở, mỗi ngày có hàng chục lượt khách đã đến đây để thưởng thức hương vị nồng nàn từ cánh đồng sen, hít thở không khí trong lành của vùng nông thôn và chụp ảnh kỷ niệm.
Chị Hoàng Thị Thủy ở TP Đồng Hới (Quảng Bình) từng đến cánh đồng sen của HTX Tả Phan tâm sự: "Mùa sen nở thật sự quyến rũ. Sau một tuần làm việc, gia đình tôi thường về đây để mua hoa sen và đắm mình trong không gian, cảnh vật vùng quê yên bình, ngắm cánh đồng sen nở, cánh hoa lay nhẹ trong gió là thấy tan đi mọi áp lực hàng ngày. Khi ra về thấy nhẹ nhõm trong lòng...”.
Những người trẻ như Lê Duy Trinh, đã từng rời quê hương đi một vòng trái đất, rồi trở về quê hương với những hành trang trải nghiệm để nhìn ra thời cơ cũng như giá trị mới từ những điều tưởng chừng cũ kỹ ở quê nhà.
Ông Lê Văn Đặng, Phó Chủ tịch phụ trách UBND xã Duy Ninh chia sẻ: “Chúng tôi rất ủng hộ và tạo điều kiện cho lớp trẻ dám nghĩ dám làm, mở ra những hướng đi mới trong việc phát triển nông nghiệp gắn với du lịch. Địa phương rất mong bà con có thêm nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp mới để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương”.
Khi chia tay, anh Lê Duy Trinh cho chúng tôi biết dự định sẽ thuê thêm đất để tiếp tục mở rộng mô hình cánh đồng sen. Không chỉ trồng sen ở Tả Phan mà anh sẽ đến những thôn lân cận thuê đất lúa một vụ kém hiệu quả để đầu tư trồng sen.
“Những nơi bà con không muốn cho thuê ruộng chúng tôi cũng khuyến khích bà con cùng chuyển đổi sang trồng sen. Hiện đã có một số bà con ở thôn Hiển Lộc (xã Duy Ninh) tham gia trồng sen. Ngoài việc cung ứng giống, phân bón, chúng tôi cũng đã bao tiêu sản phẩm từ sen cho bà con để có thu nhập cao hơn” - anh Lê Duy Trinh cho biết.