Ông Dagout Brice Liêm (42 tuổi, dân tộc Lạch, ngụ đường Lang Biang, thị trấn Lạc Dương) cho biết, tình trạng khan hiếm nước sạch xảy ra từ khoảng tháng 12/2019 nhưng đến nay cơ quan chức năng chưa có biện pháp xử lý.
Theo ông Liêm, nước yếu và thiếu vào tất cả các giờ trong ngày. Đặc biệt vào các giờ cao điểm 6 - 7h30 buổi sáng và 17 - 20h tối thì tất cả các vòi đều không có nước.
Ông Brice Liêm than phiền: “Gia đình tôi có 4 người lớn và 1 trẻ em nên nhu cầu nước rất nhiều. Ngày nào tôi cũng phải mở hết tất cả khóa nước và cắt cử một người ở nhà trông chừng để lấy. Thế mà chưa khi nào đủ để tắm giặt, nấu ăn”.
Cũng theo ông Liêm, nước sạch không đủ dùng nên nhiều lần gia đình phải mang can nhựa đến khu vực khác để xin, đem về dùng. Người này cũng phải bỏ thêm tiền mua nước sạch loại 20 lít/bình để dự trữ, đảm bảo cho việc nấu ăn.
Không chỉ ở đường Lang Biang, tình trạng thiếu nước sạch cũng khiến cho nhiều hộ dân ở đường Thống Nhất (Bon Đưng 1, thị trấn Lạc Dương) khốn đốn.
Ông Nho Anh K’ Ýeo (49 tuổi) cho biết, vợ chồng ông sống nhờ mấy sào cà phê và đi làm thuê cho các hộ trồng rau, hoa trong vùng. Cuối ngày, vợ chồng trở về nhà trong bộ dạng dơ bẩn nhưng nhiều hôm không thể tắm giặt do không tích trữ được nước.
Người nông dân 49 tuổi này cho hay, kể từ dịp Giáng sinh 2019, máy nước nóng ở phòng tắm của gia đình ông không có cơ hội hoạt động.
“Nước tích được ít hoặc nước đi xin nên dùng phải tiết kiệm. Vì đi làm cả ngày nên vợ chồng tôi phải thức đêm chờ nước. Có đêm cả hai vợ chồng ngủ quên, đang mơ màng thì nghe tiếng nước chảy nên bật cả dậy. Lúc đó, nhà có bao nhiêu đồ chứa nước đều đưa ra hứng”, ông K’ Ýeo thổ lộ.
Không chịu nổi cảnh thiếu nước, gia đình bà Dagout Stephanie Xuyên quyết định bỏ tiền thuê người khoan giếng.
Theo bà Xuyên, gia đình bà sống dựa vào nương rẫy cà phê, thu nhập không được bao nhiêu nhưng vì nhu cầu nước sinh hoạt quá bức thiết nên đã vay mượn hàng xóm, người thân số tiền 70 triệu đồng để khai thác nước ngầm.
Đầu tháng 3, sau khi đạt được hợp đồng với thợ khoan, bà chọn góc sân của gia đình để làm giếng. Khi khoan xuống độ sâu 65m thì bắt được mạch nước trong và cuộc sống mới dần ổn định trở lại.
Việc khai thác nước ngầm ở thị trấn Lạc Dương đang là giải pháp chống “khát” hàng đầu. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có khoản tiền hàng chục triệu đồng làm giếng. Hơn nữa, việc khai thác cũng mang tính chất may rủi vì phụ thuộc vào mạch nước ngầm.
Theo bà Cill Kồng, gia đình bà có 3 người và mọi sinh hoạt phụ thuộc vào nguồn nước sạch. Hồi tháng 2 vừa qua, dù nước không đủ dùng nhưng bà vẫn phải thanh toán hóa đơn lên đến hơn 1 triệu đồng. “Vì muốn hứng nước nên tôi cứ mở hết tất cả các van. Những lúc không có nước thì các vòi vẫn có không khí thổi ra và đồng hồ vẫn quay”, bà Cill Kồng cho biết.
Bà Cill Kồng, giáo viên một trường cấp 3 tại thị trấn Lạc Dương cho hay, người thân của bà đã thuê thợ khoan ở 3 vị trí khác nhau trong khuôn viên sân, vườn nhưng không mũi khoan nào lấy được nước ngầm.
“Thợ khoan lấy trước 10 triệu đồng nhưng giờ không có nước nên họ trả lại tiền. Khổ thế đấy!”, bà Cill Kồng tâm sự.
Theo người dân, từ khi xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt, họ đã tổ chức họp tổ dân phố và làm đơn gửi lên các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, đã nhiều tháng trôi qua, sự việc vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.
Ông Nguyễn Phú Việt, Phó chủ tịch UBND thị trấn Lạc Dương xác nhận, tình trạng thiếu nước sinh hoạt xảy ra ở địa phương đã lâu và có khoảng 2.700 hộ dân bị ảnh hưởng.
Ông cho biết: “Chúng tôi đã nắm thông tin phản ánh của người dân và đã 2 lần làm văn bản gửi lên đơn vị cung cấp nước sạch là Công ty cổ phần Cấp thoát nước Lâm Đồng nhưng họ chưa xử lý”.
Về vấn đề người dân không có nước để sử dụng nhưng vẫn phải trả phí cao, lãnh đạo thị trấn Lạc Dương cho biết đã nắm thông tin.
“Bà con mở van để chờ nước nhưng khi nước không chảy thì đồng hồ vẫn quay. Chúng tôi đã yêu cầu người dân giữ hóa đơn để làm việc với đơn vị cung cấp nước”, ông Việt cho hay.