| Hotline: 0983.970.780

Bất an vì khô hạn

Thứ Hai 02/03/2020 , 07:01 (GMT+7)

Huyện Đơn Dương là địa phương có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn của tỉnh Lâm Đồng. Tuy nhiên, tình trạng khô hạn đang diễn ra khiến nông dân lo lắng.

Nông dân vùng sản xuất nông nghiệp huyện Đơn Dương lo lắng thiếu nước tưới trong thời gian tới. Ảnh: Minh Hậu.

Nông dân vùng sản xuất nông nghiệp huyện Đơn Dương lo lắng thiếu nước tưới trong thời gian tới. Ảnh: Minh Hậu.

Ông Trần Văn Nguyên, người trồng rau ở xã Lạc Lâm cho biết, địa phương đang bước vào đợt cao điểm mùa khô và nguồn nước ngầm ở giếng khoan có hiện tượng sụt giảm.

“Nước giếng nhanh cạn nên cứ phải canh chừng mỗi khi bật máy bơm. Cứ khoảng 45 phút đến 1 giờ là phải tắt máy để chờ nước. Cứ đà này, cỡ tháng nữa mà không mưa thì vườn nhà chắc không có nước để tưới”, ông Nguyên lo lắng.

Trong khi đó, gia đình anh Nguyễn Quốc Khánh ở xã Tu Tra cũng đang phải vật lộn với tình hình khô hạn. Khu vườn cỏ rộng hàng nghìn mét vuông của gia đình là nguồn thức ăn chính phục vụ chăn nuôi bò sữa nhưng vì không đủ nước nên cỏ lần lượt khô héo.

Anh Khánh cho biết: “Bây giờ tôi phải chọn lựa, phân loại cỏ để làm thức ăn cho bò. Những cây héo phải dùng làm thức ăn cho bê con còn cây tươi thì ưu tiên cho bò khai thác sữa. Nếu không làm vậy, chất lượng sữa sẽ không đạt tiêu chuẩn”.

Tại xã Lạc Lâm, tình trạng thiếu nước bắt đầu ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Vào những giờ cao điểm, nguồn từ hệ thống nước sạch do các trạm cấp về liên tục bị sụt giảm. “Khổ nhất là những hộ ở khu vực cao, muốn có nước dùng phải canh thời gian để lấy”, ông Bùi Ngọc Cung thổ lộ.

Huyện Đơn Dương đã có văn bản gửi Công ty cổ phần thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi đề nghị xả điều tiết nước để chống hạn. Ảnh: Minh Hậu.

Huyện Đơn Dương đã có văn bản gửi Công ty cổ phần thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi đề nghị xả điều tiết nước để chống hạn. Ảnh: Minh Hậu.

Bà Tou Prong Nay Khoan, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Đơn Dương cho biết, diện tích đất canh tác có hợp đồng sử dụng nước từ công trình thủy lợi của địa phương là khoảng 3.000ha. Thời điểm này, các hồ chứa trên địa bàn chưa tích đầy nước.

Theo Trạm quản lý hồ Pró (xã Pró, huyện Đơn Dương), thời gian vừa qua, địa bàn ít mưa khiến việc tích nước gặp nhiều khó khăn.

Để đảm bảo sản xuất vụ Đông Xuân 2019-2020 và cả năm 2020, huyện Đơn Dương đã tổ chức kiểm tra chặt chẽ các nguồn nước và thực hiện các biện pháp tiết kiệm để đề phòng hiện tượng mùa khô hạn kéo dài. Địa phương cũng xây dựng kế hoạch sản xuất chi tiết, lập lịch tưới cho từng tuyến kênh theo phương thức luân phiên.

Trước thực trạng hiện nay, UBND huyện Đơn Dương đã có văn bản gửi Công ty cổ phần thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi về việc xả điều tiết nước ở hồ Đơn Dương để phục vụ chống hạn. Huyện này đề nghị xả dòng chảy tối thiểu để người dân trồng hoa màu ở khu vực hạ du của hồ có nước để sản xuất.

Cũng theo bà Tou Prong Nay Khoan, hiện Trạm quản lý khai thác thủy lợi Đơn Dương và Trung tâm quản lý và khai thác công trình công cộng huyện đang gấp rút thi công các công trình thủy lợi, tăng cường nạo vét, sữa chữa hệ thống kênh để dẫn nước tưới.

Đặc biệt đang hoàn thiện hệ thống kênh mương nội đồng ở những vùng có nguy cơ xảy ra hạn hán để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất.

Đồng thời tổ chức tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm trong sản xuất lẫn sinh hoạt. Ngành nông nghiệp cũng khuyến khích người dân áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào tưới tiết kiệm và sử dụng những giống cây trồng thích ứng với điều kiện khô hạn.

Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp huyện Đơn Dương, nhiều công trình thủy lợi của địa phương đã cũ và xảy ra tình trạng bồi lắng ảnh hưởng đến quá trình tích nước và dẫn nước. Để phục vụ chống hạn, ngành nông nghiệp đã tổ chức nạo vét, sửa chữa 6 công trình. Trong đó nâng cấp, sửa chữa 3 công trình ở khu vực xã Ka Đô, Ka Đơn và thị trấn Thạnh Mỹ. Nạo vét 3 hồ chứa nước gồm: hồ Pró, hồ Đạ Ròn, hồ Ma Đanh với tổng kinh phí 5,76 tỷ đồng.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.