Anh ta đàn hát hay, lại đẹp trai, lãng tử, đã khiến trái tim tuổi mới của tôi chao đảo ngay từ lần gặp đầu tiên. Lúc ấy, anh ta đang công tác tại nhà văn hóa huyện, tuổi đã 25, còn tôi mới 18, vừa tốt nghiệp PTTH, đang theo học nghề may. Hôm đó, vào một sáng chủ nhật, tôi theo chị bạn cùng xóm, lên huyện xem văn nghệ. Tôi đã bị hớp hồn khi nghe anh ta hát bài Tình ca của nhạc sĩ Hoàng Việt.
Bài hát đã kết thúc, tôi vẫn còn ngẩn ngơ chưa hoàn hồn, khiến chị bạn ngồi bên phải lay gọi tôi mới giật mình. Hóa ra, chị bạn cùng xóm của tôi có quen biết anh, vì chị cũng công tác tại UBND huyện. Cuối buổi văn nghệ, chị dắt tôi đến làm quen với anh ta. Thế là, không chỉ mê giọng hát, tôi còn mê cả cách nói chuyện khéo léo, dẻo miệng của anh ta.
Từ đó, anh ta thường xuyên đến gặp tôi tại cơ sở tôi học may ở thị trấn. Tình yêu đầu đời đến với tôi ngọt ngào, cháy bỏng. Tôi si mê anh ta đến nỗi, khi bị bố mẹ phản đối, tôi đã làm liều "ăn cơm trước kẻng", để đạt bố mẹ vào chuyện đã rồi. Khi biết tôi đã có thai, bố mẹ không còn cách nào khác, đành phải chấp nhận cho tôi lấy anh ta. Lúc đó tôi chỉ mới quen anh ta chưa được nửa năm.
Sở dĩ bố mẹ tôi không đồng ý anh ta, vì sợ với tính cách nghệ sĩ, anh ta dễ sống bay bướm, tình cảm lăng nhăng, làm khổ tôi. Thế nhưng, sự việc lại trái ngược hoàn toàn. Anh ta rất yêu tôi. Yêu đến nỗi đã ghen tuông một cách điên cuồng, nếu không nói là... bệnh hoàn.
Cứ hễ nhìn thấy tôi tiếp xúc với một người đàn ông nào, bất kể già hay trẻ, quen hay lạ, là anh ta liền nghi ngờ, chất vấn. Rằng tôi gặp gỡ người đó có việc gì, hay người đã nói gì với nhau, người đó là ai, ở đâu... Anh ta cũng buộc tôi phải ở nhà, không được đến tiệm may làm việc, dù tay nghề tôi rất khéo, được bà chủ ưu ái. Kinh tế gia đình do mình anh lo liệu. Lúc đầu, tuy có hơi bực mình, nhưng tôi còn cảm thấy vui vui, vì nghĩ rằng mình được chồng yêu nhiều nên mới ghen nhiều như thế.
Sau dần, sự ghen tuông của anh ta ngày càng thái quá. Không chỉ ghen bằng lới nói, mà anh ta còn dùng bạo lực với tôi. Nhất là những khi tôi tình cờ gặp lại những bạn học cũ, mà anh ta biết rằng ngày trước ngưới đó có tính ý với tôi, dù không dược tôi đáp trả. Anh ta không ngại đánh đập ngay cả lúc tôi đang mang thai, khiến tôi phải sinh non cả tháng.
Sợ bố mẹ buồn, và cũng do trước kia tôi đã cãi lời để lấy anh ta, nên tôi đã giấu nhẹm mọi chuyện. Vì tôi sống với anh ta cách xa nhà bố mẹ gần 20 cây số, nên bố mẹ tôi không hay biết gì, cứ tưởng tôi rất hạnh phúc như lời tôi kể. Mỗi khi có dịp gặp bố mẹ, thì anh ta mồm mép ngọt ngào, hiếu thảo, nên bố mẹ tôi chẳng nghi ngờ gì.
Thực sự thì, anh ta cũng không giả tạo đối với bố mẹ tôi. Chỉ phải tội, anh ta cứ cuồng ghen như thế. Và sau mỗi lần đánh đập tôi, khi bình tĩnh, anh ta lại xin lỗi, chăm sóc tôi thật chu đáo. Tôi lại nguôi ngoai nỗi buồn, nỗi đau thân thể vì trận đòn của anh ta. Hơn nữa, tôi vẫn hy vọng, anh ta sẽ dần thay đổi, khi đã hiểu về tính tình của tôi nhiều hơn. Vì tôi rất yêu anh ta và đàng hoàng trong việc tình cảm.
Vậy mà không. Càng ngày anh ta càng có vẻ "bệnh" nặng hơn, và xem ra không có thuốc chữa. Tôi muốn ly hôn với anh ta, nhưng lại cũng rất thương con. Con trai tôi mới hơn 5 tuổi, tôi không muốn cháu phải sống thiếu bố.
Vả lại, tôi cũng sợ bố mẹ buồn, vì ông bà rất xem trọng danh dự, không muốn con cái không muốn con cái bị tan vỡ gia đình. Song tôi cũng rất sợ những trận cuồng ghen của anh ta. Mà việc này lại thường xuyên xảy ra. Tôi phải làm sao?
Lan Hương
Giải quyết tình huống: "Bi kịch làm mướn không công cho quý ông ngang ngược", KTGĐ số 33/2021
Hồng Hà thân mến!
Xét về bản thân và gia đình, thì bạn là người có học, đã từng có công việc ổn định, gia đình lại đàng hoàng, khá giả. Vậy hà cớ gì bạn phải lệ thuộc chồng đến như vậy. Cũng không phải có lợi thế về bản thân và gia đình, thì người vợ lại lấn lướt và xem thường chồng.
Vấn đề là sự bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Bạn phải có quyền làm vợ của mình, có quyền biết về kinh tế gia đình, và cả quyền về "tay hòm chìa khóa". Nếu bạn không phải là người hư hỏng, tiêu xài hoang phí, thì bạn phải được quản lý, hay chí ít cũng phải được giữ một khoản tiến nhất định, để chi tiêu cho gia đình và bản thân.
Người chồng không thể đối xử với bạn theo kiểu "tiền phát gạo đong" một cách dè xẻn, dù bạn chỉ ở nhà trông con, chứ chưa kể phải làm việc quần quật như thế. Bạn không thấy buồn tủi hay sao. Chính xác hơn, là bạn đã bị chồng xúc phạm nặng nề.
Đã tự nhận thấy mình chỉ là kẻ làm mướn không công cho chồng, lẽ nào bạn cứ phải chấp nhận. Bạn phải làm một cuộc cánh mạng thôi. Phải thay đổi tình thế, buộc chồng thực hiện những điều mà bạn cho là chính đáng và hợp lý, cả về công việc và tiền bạc.
Nếu anh ta không đồng ý, thì bạn đừng làm công việc ở xưởng của anh ta nữa. Bạn có thể gửi con cho mẹ ruột hay nhà trẻ, đi làm công việc khác, có thu nhập cho riêng mình. Hy vọng chồng bạn sẽ chịu nhượng bộ. Còn nếu anh ta vẫn cứ ngang ngược, thì bạn tự biết mình phải làm gì rồi đấy.
Chúc bạn may mắn!
Nguyên An
(Phước Trạch, Gò Dầu, Tây Ninh)