Thiếu nước kinh niên
Theo đó, những hộ thiếu nước chủ yếu ở các vùng nông thôn xa xôi, hẻo lánh nên không thể xây dựng được hệ thống cấp nước đồng bộ. Trong khi, nhiều hộ khó khăn nên không có tiền khoan giếng nước. Cá biệt, có hộ gần chục năm phải đi mua nước về ăn.
Có nước sạch là niềm khát khao của nhiều hộ dân tại xã Khánh Thuận, huyện U Minh (Ảnh: Minh Khoa) |
Tại huyện Ngọc Hiển, nhiều hộ dân chấp nhận đi mua nước từ nơi khác về sử dụng và xem đó như công việc hàng ngày. Do phải cực nhọc chở từng lu nước nên giờ đây, nước nối mạng là niềm khao khát của nhiều hộ gia đình. Niềm hi vọng sẽ có một ngày được tận tay mở van nước sinh hoạt tại nhà luôn là điều mong mỏi của bà con.
Do nhà ở cách xa trung tâm huyện và có gần 10 năm đi mua nước về sử dụng, bà Lê Thị Mộng (xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển) luôn mong mỏi: “Do nhà nghèo nên việc khoan giếng, tôi không dám mơ ước. Hàng ngày tôi phải đi mua nước về ăn nên sử dụng rất tiết kiệm. Việc tắm rửa, giặt giũ cũng không thoải mái, phải dè xẻn”.
Theo bà Mộng, chỉ mong địa phương đầu tư hệ thống nước sinh hoạt để người dân đỡ khổ. “Tôi mong sẽ có một ngày được xài nước mô tơ, nối mạng. Khi ấy chắc phấn khởi lắm”, bà Mộng mong ước.
Tìm kiếm nhiều giải pháp
Làm việc với đoàn công tác của Tổng cục Thủy lợi, ông Nguyễn Hạnh Phúc, GĐ Trung tâm NS-VSMTNT Cà Mau, thông tin: “Hiện tỉnh có 239 công trình cấp nước tập trung tại nông thôn. Trong đó, có 193 công trình không có hệ thống lọc nước sạch, đã hư hỏng và hoạt động kém hiệu quả là 36 công trình, hầu hết xây dựng từ năm 1998 - 2008”.
Cà Mau hiện có 204.566/225.885 hộ dân nông thôn (gần 91%) sử dụng nước hợp vệ sinh. Số còn lại 22.000 hộ chưa chủ động nguồn nước sinh hoạt vào mùa khô. Ngoài ra, tỷ lệ sử dụng nước sạch chỉ đạt gần 50%.
Bồn nước xuống cấp, hư hỏng là nguyên nhân dẫn đến thiếu nước sinh hoạt tại huyện Ngọc Hiển (Ảnh: LHV) |
“Những hộ thiếu nước đa phần sống không tập trung, rải rác ven rừng, hẻo lánh nên các công trình cấp nước tập trung không dẫn tới được. Giải pháp để cấp nước cho các hộ này rất khó khăn, đòi hỏi nguồn kinh phí lớn. Trung tâm khuyến cáo người dân làm những bể chứa, bồn dự trữ nước mưa để sử dụng trong mùa khô”, ông Phúc cho biết.
Được biết, toàn tỉnh hiện có hơn 150 trạm cấp nước được đầu tư từ năm 2000 với quy mô và công suất nhỏ, công nghệ đơn giản, đã xuống cấp, hư hỏng nên hoạt động kém. Các công trình này đang cung cấp nước cho khoảng 2.000 hộ dân.
Ghi nhận tại xã Khánh Thuận (huyện U Minh), hiện có vài trăm hộ không sống tập trung, thường xuyên thiếu nước. Trung tâm đã khoan các giếng nước và đấu nối xuống cạnh bờ sông để người dân xung quanh thuận tiện lấy nước về sử dụng. Công trình đã giao cho địa phương quản lý.
Nói về giải pháp để người dân có được nguồn nước sinh hoạt dễ dàng, thuận tiện, ông Phúc thông tin: “Trước đây, các hộ dân này phải chở nước rất xa và giá rất cao. Nay có các giếng nước tập trung, họ rất đồng tình. Về lâu dài, nếu dân sống đông hơn thì Trung tâm sẽ dẫn đường ống ra thêm. Theo tôi, đối với những hộ dân trong khu vực đặc biệt thì phải chọn giải pháp tiết kiệm và sử dụng phù hợp nguồn nước".
Rau màu của bà con nông dân xã Tân Ân (huyện Ngọc Hiển, Cà Mau) cằn cỗi, héo úa vì thiếu nước tưới tiêu (Ảnh: Trần Duy) |
Ông Tô Quốc Nam, PGĐ Sở NN-PTNT Cà Mau, cho biết: “Hiện nước sạch ở Cà Mau rất khan hiếm, nguồn nước mạch không có, người dân khoan nước ngầm. Gần đây, nắng nóng, hạn hán kéo dài khiến mực nước ngầm hạ thấp, gây sụt lún nghiêm trọng”. Ông Nam cho biết, nước sinh hoạt của người dân Cà Mau 100% là nước ngầm, do nguồn nước mặt bị nhiễm phèn mặn. Nước mặt chủ yếu phục vụ cho sản xuất và nuôi trồng thủy sản. “Tôi mong muốn các cơ quan Trung ương hỗ trợ cho Cà Mau xây dựng một số công trình nước sạch thiết yếu, cải tạo, nạo vét kênh mương. Qua đó, giúp cho người dân nông thôn chủ động nguồn nước sinh hoạt, phục vụ sản xuất”, ông Nam kiến nghị. |