| Hotline: 0983.970.780

Không bỏ lỏng thông tin về tính hợp pháp của gỗ nhập khẩu từ Châu Phi

Thứ Tư 09/11/2022 , 07:53 (GMT+7)

Do đóng cửa rừng tự nhiên, Việt Nam phải tìm đến kênh nhập khẩu về gỗ tròn và gỗ xẻ để đảm bảo nguồn cung cho chuỗi giá trị ngành gỗ.

Ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia Forest Trends và Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VIFOREST.

Ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia Forest Trends và Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VIFOREST.

TS. Tô Xuân Phúc, chuyên gia của Tổ chức Forest Trends cho biết, hàng năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 5-6 triệu m3 gỗ tròn (HS 4403) và gỗ xẻ (HS 4407) từ hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, châu Phi là nguồn cung gỗ nhiệt đới quan trọng bậc nhất, với khoảng 1,3 triệu m3 gỗ, trị giá hơn nửa tỉ USD/năm.

Nhập khẩu gỗ từ châu Phi vào Việt Nam ngày càng tăng, cả về sản lượng lẫn chủng loại từ hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ. Một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là bởi Việt Nam hiện cấm khai thác rừng tự nhiên. Dù sản lượng cây phân tán và cao su khai thác trong nước lớn, tương ứng khoảng 2-3 triệu và 4 triệu m3 mỗi năm, nguồn cung gỗ trong nước không đủ cung cấp cho ngành.

"Nhu cầu ngày càng tăng, nhưng thông tin liên quan tới các yêu cầu về tính hợp pháp của gỗ châu Phi tại Việt Nam còn hạn chế. Rất ít thông tin bằng tiếng Việt liên quan tới quy tắc và quy định quản lý hoạt động khai thác gỗ, đặc nhượng rừng, thực thi pháp luật và các tác nhân tham gia vào chuỗi cung ứng", ông Phúc nêu vấn đề.

Thông tin ít ỏi có thể cản trở sự tuân thủ của người tham gia và tạo ra những rủi ro về tính hợp pháp của các sản phẩm nhập khẩu. Điều này cho thấy nhiều thách thức khi triển khai Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS) ở Việt Nam trong tương lai.

Gỗ châu Phi nhập khẩu vào Việt Nam hiện có xu hướng gia tăng.

Gỗ châu Phi nhập khẩu vào Việt Nam hiện có xu hướng gia tăng.

Chính phủ Việt Nam đã ký Hiệp định Đối tác tự nguyện về Thực thi Luật lâm nghiệp, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) với Liên minh châu Âu vào năm 2018. Hiểu biết về các yêu cầu về tính hợp pháp của gỗ nhập khẩu từ châu Phi có vai trò rất quan trọng trong việc thực thi VNTLAS.

Tại Hội thảo "Tìm hiểu các yêu cầu về tính hợp pháp của gỗ nhập khẩu từ châu Phi", ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho biết, VNTLAS đã nêu rõ các yêu cầu được thống nhất trong Hiệp định VPA/FLEGT nhằm đảm bảo tất cả sản phẩm gỗ, trong đó có gỗ châu Phi, đều hợp pháp. 

"Dưới sự hỗ trợ của Forest Trends và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) cùng Tổng cục Lâm nghiệp, chúng tôi hy vọng sẽ hiểu rõ hơn các quy tắc cũng như quy định quản lý thực tiễn tại các quốc gia châu Phi. Đồng thời, đây cũng là cầu nối mở ra cơ hội hợp tác giữa các nhà hoạch định chính sách và khu vực tư nhân ở Cameroon với Việt Nam trong việc đảm bảo chuỗi cung ứng gỗ hợp pháp toàn cầu", ông Hoài chia sẻ.

Chung quan điểm, ông Nguyễn Văn Tiến - Trưởng Phòng Điều tra, xử lý vi phạm về lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm, Tổng cục Lâm nghiệp khuyến cáo doanh nghiệp cần kê khai nguồn gốc gỗ nhập khẩu, nộp bổ sung tài liệu nếu gỗ nhập khẩu từ loài rủi ro hoặc từ vùng địa lý không tích cực. 

Thông tin cụ thể được hướng dẫn trong Thông tư số 21/2021/TT-BNNPTNT, quy định phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ, nhằm đánh giá mức độ rủi ro của tất cả các tổ chức, doanh nghiệp  trong việc tuân thủ các yêu cầu của Hệ thống VNTLAS.

Tuy nhiên, việc phân loại này hiện còn gặp khó khăn do thiếu cơ chế phối hợp giữa Chi cục Kiểm lâm địa phương với các ban, ngành liên quan trong tỉnh; khó xác định tiêu chí tuân thủ quy định về phòng chống cháy rừng; chưa có phần mềm đồng bộ và hệ thống thông tin phân loại điện tử của Cục Kiểm lâm để thực hiện trực tuyến.

Xem thêm
Gìn giữ những thành lũy tre xanh mát

Bình Dương Khu bảo tồn tre lớn nhất Việt Nam - làng tre Phú An - là nơi bảo tồn nguồn gen tre lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đang gìn giữ những thành lũy xanh mát...

Trồng 1.000 cây hoa ban tri ân mảnh đất Điện Biên Phủ

Chiến dịch 'Phủ xanh tương lai trên mảnh đất lịch sử' tiến hành trồng 1.000 cây hoa ban tại những di tích lịch sử quan trọng ở thành phố Điện Biên Phủ.

Cứu hộ thành công cá thể gấu ngựa bị cụt chi trước

HÀ NỘI Từ đầu năm 2024 đến nay, Chi cục Kiểm lâm thành phố Hà Nội đã bàn giao 5 cá thể gấu cho Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.