| Hotline: 0983.970.780

Không chủ quan với cúm A khi thời tiết chuyển mùa

Thứ Ba 31/10/2023 , 10:32 (GMT+7)

Trong những tuần vừa qua, tại một số tỉnh/thành phố ghi nhận nhiều trường hợp mắc cúm A đến khám tại bệnh viện, đặc biệt đã có bệnh nhân nặng phải nhập viện điều trị.

Cúm A thường xuất hiện vào thời điểm thời tiết chuyển mùa. Ảnh minh họa.

Cúm A thường xuất hiện vào thời điểm thời tiết chuyển mùa. Ảnh minh họa.

Cần nhận biết sớm triệu chứng cúm A

Cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus, có khả năng lây lan nhanh. Bệnh cúm A thường xuất hiện vào thời điểm thời tiết chuyển mùa, với các triệu chứng rất dễ nhầm lẫn với cúm thông thường. Tuy nhiên, bệnh tiến triển rất nhanh, nếu không xử trí kịp thời dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong.

Bệnh cúm A gây ra bởi các chủng của virus cúm A như H1N1, H5N1, H7N9… Bệnh lây lan qua đường hô hấp thông qua các hạt bụi nước, giọt bắn li ti dính virus được thải ra khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc qua tiếp xúc với các đồ vật, bề mặt nhiễm virus rồi đưa lên mắt, mũi, miệng…

Triệu chứng ban đầu của nhiễm cúm A hay bệnh cúm mùa nói chung và nhiễm các virus gây viêm đường hô hấp khác là tương tự nhau, có thể có sốt, viêm long đường hô hấp (như ho, hắt hơi, sổ mũi), đau họng…

Tuy nhiên, ngoài các triệu chứng ban đầu như trên, người nhiễm cúm A thường sốt cao, da mắt sung huyết, họng đỏ sung huyết toàn bộ, mệt mỏi… Trường hợp sốt do cúm A đã kéo dài nhiều ngày, chuyển sang giai đoạn nghiêm trọng thì có thể gây tức ngực, khó thở, viêm phổi, viêm tiểu phế quản hay xuất hiện ho khan.

Bệnh nhân cúm nếu không được điều trị có thể gây ra nhiễm trùng tai, tiêu chảy, buồn nôn, nôn, chóng mặt, đau bụng, đau ngực,hen suyễn, viêm phổi,viêm phế quản và gây ra các vấn đề về tim mạch.

Tiêm vaccine phòng cúm là biện pháp phòng cúm A hiệu quả nhất. Ảnh minh họa.

Tiêm vaccine phòng cúm là biện pháp phòng cúm A hiệu quả nhất. Ảnh minh họa.

Các biện pháp phòng ngừa cúm A

Cúm A là bệnh rất dễ lây lan, mọi người đều có thể mắc đặc biệt là trẻ nhỏ, người già, phụ nữ có thai. Bệnh nhân cúm A nên được chăm sóc, cách ly tại phòng riêng để tránh lây nhiễm cho người thân trong gia đình.

Các loại rác thải như giấy ăn để lau mũi, khạc nhổ... cần để trong túi rác riêng, buộc kín để hạn chế nguy cơ lây nhiễm.

Bệnh nhân cúm cũng cần thường xuyên rửa tay, hạn chế làm virus bám vào các vật dụng như tay nắm cửa, cầu thang... có thể lây truyền cho người khác.

Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là tiêm vaccine phòng cúm chủ động cho trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên và người lớn. Thời điểm tiêm thích hợp là trước lúc giao mùa đông xuân khoảng 3 tháng (tháng 7-9 hàng năm) để cơ thể kịp sản sinh những kháng thể cần thiết để chống lại virus gây bệnh. Virus cúm không ngừng biến đổi, sau một năm thì kháng thể cũng dần ít đi, do vậy nên vaccine phòng cúm nhắc lại hàng năm.

Việc tiêm phòng đặc biệt có ý nghĩa với nhóm có nguy cơ lây nhiễm cúm cao như nhân viên y tế; trẻ từ 6 tháng đến 8 tuổi; người có bệnh mạn tính (bệnh phổi mạn tính, bệnh tim bẩm sinh, suy tim, tiểu đường, suy giảm miễn dịch…); người trên 65 tuổi.

Ngoài ra, để phòng bệnh, người dân cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân như: Rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi ra đường.

Đặc biệt, trong thời điểm giao màu thu đông có nhiều dịch bệnh thì cần tránh tới nơi tập trung đông người. Nhóm đối tượng nguy cơ mắc cúm A như người mắc bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai, người già, trẻ em... cần tránh tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc nghi ngờ mắc cúm.

Khi có các triệu chứng cúm như sốt, ho, sổ mũi, đau đầu... nên đến các cơ sở y tế khám để xác định bệnh và có biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho những người xung quanh.

Cần vệ sinh nơi ở, lớp học, nơi làm việc, lau chùi vật dụng, đồ chơi trẻ tiếp xúc hàng ngày bằng hóa hóa sát khuẩn.

Tăng cường sức đề kháng bằng cách nghỉ ngơi, ăn uống, sinh hoạt hợp lý, tập thể dục hàng ngày.

Không tự ý sử dụng thuốc nếu không có chỉ định của bác sĩ.

Không tự ý sử dụng thuốc nếu không có chỉ định của bác sĩ.

Không tự ý dùng thuốc khi mắc cúm A

Khi mắc cúm A, người bệnh cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, uống nhiều nước, ăn thức ăn lỏng và dễ hấp thu, uống thuốc hạ sốt, thuốc điều trị triệu chứng (thuốc ho, thuốc cảm chống nghẹt mũi), vitamin (đặc biệt là vitamin C) hỗ trợ tăng sức đề kháng... Đặc biệt, không tự ý sử dụng thuốc nếu không có chỉ định của bác sĩ.

Thực tế, khi nghi ngờ mắc cúm A, rất nhiều người đã tự ý mua thuốc Tamiflu về uống, tuy nhiên các bác sĩ cảnh báo cảnh báo điều này khá nguy hiểm. Tamiflu chứa hoạt chất oseltamivir là thuốc kê đơn, khi cấp phát, bán lẻ và sử dụng phải có đơn thuốc, không được sử dụng tùy tiện. Thuốc được chỉ định với nhóm có nguy cơ như người có bệnh mạn tính về tim phổi, thận, biến chứng viêm phổi... Chỉ khi có chỉ định của bác sĩ, người bệnh mới dùng thuốc này, không nên tự ý mua thuốc về chữa cúm A.

Việc tùy tiện dùng thuốc Tamiflu, nhất là đối tượng trẻ em có thể gây hậu quả virus  kháng thuốc, ngoài ra còn làm cho thị trường lũng đoạn, đẩy giá thuốc Tamiflu lên cao, gây tâm lý hoang mang. Theo hướng dẫn điều trị cúm của Bộ Y tế, cũng như các hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới đều khuyến cáo điều trị thuốc kháng virus Tamiflu chỉ được chỉ định khi có biến chứng nặng hoặc có nguy cơ cao như trẻ em nhỏ hơn 2 tuổi và người già trên 65 tuổi, bệnh nhân có bệnh mãn tính như hen suyễn, bệnh tim, suy giảm miễn dịch… Với các trường hợp còn lại, chỉ điều trị triệu chứng, nghỉ ngơi, cách ly phòng lây nhiễm, sau vài ngày sẽ tự khỏi và không có biến chứng.

Dù bệnh cúm lành tính, nhưng ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già (> 65 tuổi), trẻ em (< 5 tuổi) và phụ nữ có thai bệnh có thể diễn biến gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong. Vì vậy, việc theo dõi diễn biến bệnh là rất quan trọng. Nếu thấy cúm biểu hiện các triệu chứng có dấu hiệu nặng lên, có biểu hiện viêm phổi cần phải nhập viện, bởi cúm có thể gây các biến chứng thứ phát như viêm xoang, viêm phổi do bội nhiễm vi khuẩn, sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng.

Việc theo dõi dấu hiệu bệnh là vô cùng quan trọng. Hãy đưa bệnh nhân cúm đến viện khi sốt cao liên tục, khó hạ, kém đáp ứng thuốc hạ sốt; Xa cơ sở y tế, không có người chăm sóc, theo dõi tại nhà; Bệnh nhân cúm có các bệnh nền, có biểu hiện nặng lên, khó thở, biến chứng viêm phổi...

Xem thêm
Tập thể dục vào sáng và tối giảm nguy cơ ung thư ruột kết hơn 10%

Hoạt động thể chất vào các thời điểm khác nhau trong ngày có thể dẫn đến những kết quả khác nhau cho sức khỏe về lâu dài.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Nấm linh chi có giúp ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ không?

Nấm linh chi có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, nên nhiều người cho rằng có thể dùng nấm linh chi để chống lại sự tấn công của những virus có hại.