| Hotline: 0983.970.780

Mầm bệnh cúm gia cầm A/H5N1 ngoài môi trường rất cao

Thứ Năm 27/04/2023 , 15:50 (GMT+7)

Theo đánh giá của Sở NN-PTNT Tây Ninh, nguy cơ bùng phát dịch bệnh cúm A/H5N1 trong thời gian tới là rất cao, cần phải chủ động các biện pháp phòng ngừa.

Với tổng đàn gia cầm khoảng 9 triệu con, tỉnh Tây Ninh cần chủ động phương án phòng dịch cúm A/H5N1 từ xa để bảo vệ đàn gia cầm. Ảnh: Lê Bình.

Với tổng đàn gia cầm khoảng 9 triệu con, tỉnh Tây Ninh cần chủ động phương án phòng dịch cúm A/H5N1 từ xa để bảo vệ đàn gia cầm. Ảnh: Lê Bình.

Nguy cơ dịch cúm A/H5N1 hiện hữu

Tổng đàn gia cầm tại tỉnh Tây Ninh khoảng 9 triệu con, sản lượng thịt đạt 49.000 tấn. Cơ cấu chăn nuôi tiếp tục chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô trang trại, có kiểm soát, áp dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 22 cơ sở chăn nuôi gà được cung cấp giấy chứng nhận VietGAP, 48 cơ sở được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh, huyện Dương Minh Châu được chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh.

Báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tây Ninh cho biết, từ năm 2018 đến nay, chăn nuôi gia cầm trên địa bàn tỉnh ổn định, không xảy ra dịch cúm gia cầm. Tuy nhiên, nguy cơ bùng phát dịch bệnh cúm A/H5N1 trong thời gian tới là rất cao.

Qua kết quả giám sát chủ động của Sở NN-PTNT cho thấy, các loại mầm bệnh còn lưu hành với tỷ lệ tương đối cao ở ngoài môi trường và ở quần thể gia cầm. Trong khi đó, tổng đàn gia cầm lớn và vẫn còn nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo an toàn sinh học.

Theo ông Nguyễn Đình Xuân - Giám đốc Sở NN-PTNT Tây Ninh, virus cúm A/H5N1 không chỉ lưu hành trên con gia cầm nuôi mà nó còn lưu hành ở cả động vật hoang dã. Ngoài ra, phía Campuchia đã có trường hợp lây qua người và đã có trường hợp tử vong. Vì vậy, Sở NN-PTNT Tây Ninh đánh giá tình hình dịch bệnh ở mức nguy cơ cao và đã có tham mưu với UBND tỉnh có phương hướng ngắn chặn từ xa.

“Hiện nay, chúng tôi vẫn đi kiểm tra lấy mẫu ở ngoài với những điểm bán lẻ phát hiện có khoảng hơn 4% số mẫu cho kết quả dương tính với H5N1. Tuy không có ổ dịch nào cả nhưng mà vẫn nhìn thấy nó, tức là ở trạng thái là vật lành nhưng mà mang virus," ông Xuân thông tin.

Với việc virus vẫn tồn tại ngoài tự nhiên, nay kết hợp thời tiết thay đổi diễn biến phức tạp rất dễ tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh, trong đó có H5N1 phát triển, ảnh hưởng đến sức đề kháng của vật nuôi.

Bên cạnh đó, Tây Ninh có đường biên giới dài gần 240km với nhiều đường mòn, lối mở, các hoạt động giao thương qua lại của người dân diễn ra thường xuyên, trong đó có việc vận chuyển động vật qua biên giới nên nguy cơ mầm bệnh xâm nhập vào Tây Ninh rất cao. Vì vậy, việc chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm là rất cần thiết.

Dự kiến, có ít nhất 1,2 triệu liều vacxin cúm A/H5N1 được Tây Ninh triển khai tiêm cho đàn gia cầm trong năm nay để chủ động phòng dịch bệnh. Ảnh: Lê Bình.

Dự kiến, có ít nhất 1,2 triệu liều vacxin cúm A/H5N1 được Tây Ninh triển khai tiêm cho đàn gia cầm trong năm nay để chủ động phòng dịch bệnh. Ảnh: Lê Bình.

Cung cấp 1,2 triệu liều vacxin miễn phí

Hiện, Tây Ninh và các tỉnh thành khu vực phía Nam đang trong giai đoạn chuyển mùa với thời tiết thay đổi bất thường, thuận lợi cho virus cúm gia cầm phát triển trong khi diễn biến của dịch cúm gia cầm rất phức tạp, nguy cơ bùng phát dịch bệnh ở mức cao.

Mặc dù Tây Ninh chưa xảy ra ổ dịch nào nhưng Sở NN-PTNT luôn trong trạng thái cảnh giác cao, nhắc nhở, kiểm tra thường xuyên để tăng tỷ lệ tiêm ngừa. Chủ động phòng, chống dịch bệnh bùng phát trên đàn gia súc, gia cầm, dự kiến trong năm 2023, Sở NN-PTNT Tây Ninh sẽ cung cấp 1,2 triệu liều vacxin miễn phí cho các hộ chăn nuôi.

“1,2 triệu liều vacxin miễn phí này chúng tôi sẽ cung cấp cho những những hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ quy mô khoảng dưới 100 con. Còn những hộ chăn nuôi quy mô lớn thì đương nhiên là phải phải tự xử lí. Chúng tôi tin rằng với cách chúng ta kiểm soát như vậy sẽ hạn chế được thấp nhất rủi ro xảy ra”, Giám đốc Sở NN-PTNT Tây Ninh thông tin.

Đến giữa tháng 4/2023, Sở NN-PTNT đã cung ứng cho trạm thú y các địa phương hơn 891.000 liều vacxin các loại. Đến nay đã triển khai thực hiện tiêm phòng gia súc, gia cầm đợt một được hơn 57.500 liều. Đồng thời, các địa phương cũng thường xuyên tiến hành công tác tiêu độc, khử trùng, kiểm dịch động vật, triển khai công tác cấp giấy an toàn dịch bệnh cho các cơ sở chăn nuôi heo, gà.

Sở NN-PTNT đề nghị các địa phương triển khai thực hiện tiêm phòng trên đàn gia súc, gia cầm bắt đầu từ ngày 1/3/2023 và kết thúc đến hết ngày 31/5/2023. Ngoài đợt tiêm phòng chính phải thực hiện tiêm phòng bổ sung hàng tháng các loại vacxin cho số gia súc, gia cầm chưa được tiêm phòng trong các đợt tiêm phòng chính và số gia súc, gia cầm thuộc diện tiêm mới phát sinh đến tuổi tiêm phòng.

Tây Ninh xác định, các điểm bán và giết mổ gia cầm tự phát là nơi có nguy cơ cao bùng phát dịch, nên người dân nên thận trọng khi mua bán, sử dụng các sản phẩm chăn nuôi tại các điểm giết mổ tự phát này. Ảnh: Lê Bình.

Tây Ninh xác định, các điểm bán và giết mổ gia cầm tự phát là nơi có nguy cơ cao bùng phát dịch, nên người dân nên thận trọng khi mua bán, sử dụng các sản phẩm chăn nuôi tại các điểm giết mổ tự phát này. Ảnh: Lê Bình.

Bà Nguyễn Thị Hồng Loan - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tây Ninh khuyến cáo: Cũng như các virus khác, cúm A/H5N1 luôn có quá trình biến đổi. Do đó, nếu ngành thú y không phòng tránh tốt không thể biết được lúc nào nó biến đổi và có thể lây từ người sang người. Thứ hai là tiêm phòng càng nhiều càng tốt đối với gia cầm để hạn chế vật chủ trung gian lây truyền, vừa đảm bảo cho gia cầm vừa giảm được nguy cơ lây sang người”, bà Hồng Loan thông tin.

Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Hồng Loan nhấn mạnh, tình trạng giết mổ gia cầm tại chợ vẫn còn diễn ra phổ biến. Đây là nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người khi dịch cúm gia cầm đang ngày càng diễn biến phức tạp, có nguy cơ lây truyền và bùng phát thành dịch. Việc giết mổ gia cầm phải được thực hiện tập trung tại lò mổ xây dựng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Để phòng chống dịch cúm A/H5N1, ngành y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt nguyên tắc 5 không, gồm không giấu dịch, không mua bán gia cầm, sản phẩm gia cầm mắc bệnh, không bán chạy gia cầm mắc bệnh, không chăn thả rông hoặc vận chuyển gia cầm bị mắc bệnh ra khỏi vùng dịch, không vứt xác gia cầm bừa bãi ra môi trường.

Xem thêm
Nghề nuôi đà điểu gặp khó khăn chưa từng có

Hà Nội Trong trang trại của ông Tài, đàn đà điểu vục đầu ăn ở máng xong một con co chân chạy là tất cả các con khác cùng chạy theo, bụi cuốn bay mù mịt.

Hà Nội xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch

Mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch sinh thái và trải nghiệm ở Văn Đức đã tích hợp được đa giá trị, nâng cao khả năng sản xuất, tiêu thụ.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.