Không còn phải đánh cược vào mùa nước lũ
Huyện An Phú, tỉnh An Giang là nơi đầu nguồn của sông Cửu Long. Cách đây khoảng 3 năm, mỗi mùa lũ nước về, người dân nơi đây sẽ có thể đánh bắt những sản phẩm thủy sản nước ngọt với giá trị cao, mang lại thu nhập lớn.
Theo Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh An Giang Trương Kiến Thọ, mô hình mang tính căn cơ lâu dài là mô hình chuyển đổi vườn cây ăn quả, cụ thể là cây bưởi và mô hình lúa - sen mang lại thu nhập cao. Ngoài ra, còn có mô hình nuôi cá đăng quầng vừa phát triển nuôi trồng thủy sản vừa dẫn dụ thủy sản tự nhiên. Với những mô hình này, người nông dân sẽ giải được bài toán khó khăn mùa lũ cạn, có thêm thu nhập trong thời gian chờ nước rút.
Tuy nhiên từ năm 2019 đến nay, hiện tượng lũ cạn bắt đầu xảy ra, nước lũ từ thượng nguồn Mekong đổ về các tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Long An rất ít và muộn hơn cả tháng so với chu kỳ các năm trước. Nguồn lợi thủy sản ít dần, đồng ruộng kém phù sa, đời sống người dân sống bằng nghề đánh bắt thủy sản thêm phần khó khăn, vất vả.
Chứng kiến cánh đồng của người dân bị ngập, không thể sản xuất lúa nhưng cũng không thể khai thác thủy sản như trước đây, ngành nông nghiệp tỉnh An Giang đánh giá việc xây dựng những phương án tạo sinh kế mùa lũ cạn cho bà con nông dân, đặc biệt là người dân ở khu vực đầu nguồn, là vô cùng cấp thiết.
Theo ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh An Giang, hiện nay các phương án tạo sinh kế cho người dân đang được triển khai trên nguồn dự án WB9 của Ngân hàng Thế giới (World Bank) và các nguồn lực để tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Thứ nhất, với những nơi có điều kiện đê bao, ngành nông nghiệp tỉnh An Giang sẽ hỗ trợ cho người dân chuyển đổi từ cây lúa sang cây ăn quả để canh tác, mang lại lợi nhuận cao hơn trên cùng một diện tích đất.
Thứ hai, với những khu vực cần bảo tồn nét độc đáo trong sản xuất, tỉnh sẽ dành ra khoảng 20 - 50ha để người dân canh tác lúa mùa nổi. Lúa mùa nổi sẽ được xem là một sản phẩm OCOP đặc trưng cho hệ sinh thái vùng đầu nguồn. Bên cạnh đó, hiện nay, Sở NN-PTNT tỉnh An Giang đang xây dựng dự án hỗ trợ người nông dân canh tác lúa mùa nổi theo hướng hữu cơ để nâng cao giá trị sản phẩm, bù đắp thiếu hụt thủy sản mùa lũ cạn.
Thứ ba, Sở NN-PTNT tỉnh sẽ tạo điều kiện cho người dân xây dựng mô hình nuôi cá đăng quầng, một hình thức nuôi thủy sản sử dụng diện tích mặt nước ven bờ sông, kênh, rạch, đầm phá có ít nhất một mặt là lưới chắn.
“Hiện nay, người dân xã Phú Hữu, huyện An Phú đã triển khai những mô hình thả cá đăng quầng. Người dân có thể nuôi thả những loại cá có giá trị thương phẩm và năng suất cao. Bên cạnh đó, tận dụng thức ăn dư thừa cho cá nuôi, mô hình đăng quầng sẽ giúp dẫn dụ nguồn lợi thuỷ sản thiên nhiên vào sinh sống, phát triển và tăng sản lượng khi thu hoạch”, ông Trương Kiến Thọ chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam.
Hỗ trợ 100% kinh phí cho người nông dân
Là một trong 27 hộ nông dân tham gia dự án xây dựng mô hình sinh kế mùa lũ cạn, ông Trịnh Văn Hận (ấp Phú Lợi, xã Phú Hữu, huyện An Phú, tỉnh An Giang) cho biết, trước đây, với diện tích 1,2ha, mỗi năm ông dùng để sản xuất 2 vụ lúa. Đến khi nước lũ lên thì ông bỏ trống vì không thể sản xuất do vùng đất nằm ngoài đê bao.
Năm nay nhờ có dự án của WB9 xây dựng mô hình sinh kế mùa lũ cạn nên ông Hận đã có thể tận dụng triển khai nuôi cá trê lai trong vòng 3 tháng. Người nông dân đánh giá tốc độ phát triển của cá rất tốt.
“Tham gia dự án, tôi đã được hỗ trợ toàn bộ 100% kinh phí để thực hiện mô hình như: lưới làm vèo nuôi cá, cây tràm cắm xung quang vèo lưới, cá trê giống và còn được hỗ trợ kỹ thuật nuôi. Nhờ đó tôi đã có thể yên tâm sản xuất và kì vọng vào việc thu nhập được tăng thêm đáng kể vào cuối vụ”, ông Trịnh Văn Hận phấn khởi.
Còn theo ông Kiều Thanh Hòa, trưởng ấp Phú Lợi, xã Phú Hữu, huyện An Phú, tỉnh An Giang, những năm qua, do tình hình khan hiếm nguồn nước ngọt, nước lũ thấp nên cuộc sống của bà con nơi đây đã gặp phải nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, thời gian qua, giá phân bón, thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp tăng cao, cùng với tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã làm ảnh hưởng, đảo lộn cuộc sống cũng như quá trình sản xuất của người dân.
“Sau hơn 1 tháng triển khai, khó khăn chính mà người dân ấp Phú Lợi gặp phải đến từ thời tiết, khí hậu diễn biến thất thường làm cho lượng cá về giảm so với mọi năm. Tuy nhiên, qua việc thực hiện mô hình tạo sinh kế cho người dân mùa lũ cạn, tôi kì vọng người dân nghèo nơi đây sẽ có thể tự thoát nghèo”, ông Kiều Thanh Hòa hi vọng.
"Các dự án thủy lợi của Bộ NN-PTNT tại địa phương đang phát huy hiệu quả trong việc hỗ trợ người nông dân sản xuất nông nghiệp thuận lợi hơn. Trong đó đặc biệt phải nhắc đến dự án nạo vét, tạo dòng chảy cho kênh Vĩnh Tế, đưa dòng chảy vào sâu những diện tích canh tác lúa lớn", ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh An Giang.