| Hotline: 0983.970.780

Không để tình trạng 'đầu năm ghi vốn, giữa năm điều vốn, cuối năm trả vốn'

Thứ Ba 04/06/2024 , 07:00 (GMT+7)

QUẢNG NINH Tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công năm 2024 của tỉnh Quảng Ninh hiện tương đối chậm so với kế hoạch đã đề ra, làm ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

Cần tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công

Đến hết tháng 4/2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 của tỉnh Quảng Ninh mới đạt trên 1.600 tỷ đồng, bằng 10,9% kế hoạch năm và đạt 11,2% kế hoạch vốn HĐND tỉnh giao đầu năm (trên 14.280 tỷ đồng), thấp hơn so với cùng kỳ 2022 (12,1%).

12/23 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân cao hơn bình quân toàn tỉnh (10,9%), điển hình: Trường Đại học Hạ Long 66,9%, Ban Quản lý Dự án đầu tư các công trình dân dụng và công nghiệp 33,5%; huyện Tiên Yên 28,2%... Còn lại có 11 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp hơn bình quân toàn tỉnh.

Tính theo cơ cấu nguồn vốn, hiện tỷ lệ giải ngân vốn Trung ương đạt 22,8% kế hoạch, thấp hơn so với cùng kỳ 2023 (23,8%); ngân sách tỉnh giải ngân đạt 10,6% kế hoạch, cao hơn so với cùng kỳ (9,6%); ngân sách huyện giải ngân đạt đạt 10,3% kế hoạch, thấp hơn so với cùng kỳ 2023 (15%).

Do thiếu nguồn vật liệu cát đắp nên dự án đường ven sông giai đoạn 1 nguy cơ chậm tiến độ.

Do thiếu nguồn vật liệu cát đắp nên dự án đường ven sông giai đoạn 1 nguy cơ chậm tiến độ.

Theo ông Phạm Hồng Biên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh, nguyên nhân tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp là do công tác giải phóng mặt bằng một số dự án còn chậm so với tiến độ đề ra; công tác chuẩn bị đầu tư còn chậm; số dư tạm ứng chuyển sang năm 2024 tương đối lớn (cả về tỷ trọng và giá trị tuyệt đối); thiếu nguồn vật liệu san lấp; công tác tổ chức triển khai thực hiện, phối hợp xử lý các khó khăn, vướng mắc giữa các chủ đầu tư với các sở, ngành, địa phương còn thiếu chặt chẽ.

Cùng với đó, năng lực một số cán bộ thực thi nhiệm vụ trong một số lĩnh vực về quản lý dự án, pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, ngân sách nhà nước còn hạn chế, dẫn đến cần nhiều thời gian để nghiên cứu, xử lý, lấy ý kiến của nhiều cơ quan, đơn vị khác, ảnh hưởng lớn đến việc hoàn thiện thủ tục đầu tư, tiến độ triển khai thực hiện dự án.

Ông Biên cho biết thêm, năm 2024, vốn ngân sách cấp tỉnh có 8 dự án khởi công mới, với tổng kế hoạch vốn đã bố trí 1.700 tỷ đồng, chiếm 30% kế hoạch vốn ngân sách tỉnh. Đến nay, mới giải ngân được 21,3 tỷ đồng, đạt 1,3% kế hoạch. Hiện mới có 7/8 dự án đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đang tổ chức triển khai các bước tiếp theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu, dự kiến trong quý II này, mới khởi công được. Còn dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 342, đoạn thuộc địa phận TP Hạ Long sẽ được khởi công trong tháng 9/2024.

Nếu tính cả kế hoạch vốn kéo dài đã được HĐND tỉnh Quảng Ninh thông qua, thì tổng nguồn vốn phải giải ngân trong năm 2024 của tỉnh là trên 16.300 tỷ đồng. So với tỷ lệ giải ngân đến hết tháng 4/2024 (trên 1.600 tỷ đồng), thì số còn lại phải giải ngân trong năm 2024 (bao gồm cả vốn kéo dài) là trên 14.700 tỷ đồng. Bình quân 9 tháng còn lại sẽ phải giải ngân trên 1.630 tỷ đồng/tháng. Mặt khác, số dư tạm ứng từ các năm trước chuyển sang năm 2024 trên 5.820 tỷ đồng, đây là thách thức rất lớn đối với các chủ đầu tư sử dụng vốn ngân sách và UBND các cấp của tỉnh.

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công

Ngay từ đầu năm, tỉnh Quảng Ninh đã đặt mục tiêu phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đến 30/6/2024 đạt tối thiểu 50%, đến 30/9/2024 đạt tối thiểu 80% và đến 31/12/2024 đạt 100% kế hoạch vốn đầu tư giao đầu năm.

Cầu Bình Minh nối đôi bờ vịnh Cửa Lục (TP Hạ Long) được đầu tư từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025.

Cầu Bình Minh nối đôi bờ vịnh Cửa Lục (TP Hạ Long) được đầu tư từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025.

Để đạt mục tiêu này, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương, sở, ngành nâng cao vai trò, trách nhiệm, thường xuyên bám sát tình hình thực tiễn để đôn đốc, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh của từng dự án. Kiên quyết khắc phục triệt để những hạn chế, yếu kém trong công tác chuẩn bị đầu tư.

Các dự án giai đoạn 2021-2023 chậm tiến độ phải hoàn thành dứt điểm trong năm 2024; tập trung đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, triển khai dự án khởi công mới giai đoạn 2024-2025. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, hậu kiểm, xử lý nghiêm vi phạm; kiểm soát chặt chẽ việc tạm ứng, thanh quyết toán vốn; thu hồi dứt điểm các khoản tạm ứng quá hạn. Triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực "lợi ích nhóm", khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm trong lĩnh vực đầu tư công.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu thủ trưởng các đơn vị đề cao trách nhiệm nêu gương, phát huy vai trò của người đứng đầu và tinh thần trách nhiệm cá nhân; chủ động triển khai, nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường quản lý, điều hành, đẩy nhanh tiến độ thi công, nghiệm thu khối lượng hoàn thành, giải ngân vốn đầu tư công kịp thời, hiệu quả đúng quy định. Đặc biệt, xác định đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm cần tập trung chỉ đạo đánh giá hiệu quả thực hiện hàng tuần/tháng/quý và cả năm 2024. Trong đó, phải cụ thể, cá thể hoá trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong từng khâu của quy trình xử lý công việc, tuyệt đối không để xảy ra việc lạm dụng lấy ý kiến nhằm mục đích đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, bảo đảm các công việc thuộc thẩm quyền giải quyết phải được xử lý nhanh chóng, kịp thời, rút ngắn thời gian thực hiện. Cùng với đó là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời thay thế những cán bộ, công chức thiếu tâm huyết, trách nhiệm, năng lực yếu để trì trệ, không đáp ứng được yêu cầu công việc.

"Xác định rõ trách nhiệm các chủ đầu tư và cơ quan chủ quản trong tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, xử lý nghiêm tình trạng "đầu năm ghi vốn - giữa năm điều vốn - cuối năm trả vốn", đồng thời đây cũng là cơ sở để kiểm đếm, đánh giá khách quan trách nhiệm của từng đơn vị, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên trong từng khâu triển khai thực hiện dự án đầu tư công", Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy nhấn mạnh. 

Chủ tịch Quảng Ninh giao Thủ trưởng các sở, ban, ngành, các chủ đầu tư sử dụng vốn đầu tư công; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố phải chịu trách nhiệm trực tiếp trước Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh về kết quả phân bổ, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công của đơn vị mình. Sở Nội vụ được giao giám sát kết quả thực thi công vụ đối với lãnh đạo và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có liên quan, đề xuất phương án xử lý các trường hợp vi phạm thời hạn, chất lượng sản phẩm công tác và không thực hiện đúng chỉ đạo của tỉnh.

Trong thực hiện các nhiệm vụ có liên quan tới công tác đầu tư công, Quảng Ninh nâng cao vai trò trách nhiệm người đứng đầu và đội ngũ thực thi công vụ trên phương châm 6 dám (dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn thử thách).

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.