‘Sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa’ sẽ đến trong tương lai gần
Phát biểu kết luận, chỉ đạo Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023 ngày 20/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhận định: “Thiên tai trên thế giới, trong khu vực cũng như trong nước chưa bao giờ phức tạp, cực đoan, khó đoán định như hiện nay và được dự báo càng ngày khắc nghiệt, khó nắm bắt hơn. Với xu hướng đó, câu hát ‘sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa’ sẽ sớm trở thành hiện thực với đúng nghĩa đen trong một tương lai rất gần. Mọi sự biến động sẽ đến mà không thể lường trước được”.
Trong hoàn cảnh hết sức khốc liệt đó, Phó Thủ tướng cho rằng, các lực lượng chức năng, đặc biệt là bà con tại những vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai đã chủ động, tích cực ứng phó một cách trách nhiệm để hạn chế phần nào thiệt hại do thiên tai gây ra. Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến sự hỗ trợ, giúp đỡ, động viên, chia sẻ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, thời gian qua, hệ thống thể chế chính sách được xây dựng đầy đủ là cơ sở quan trọng để triển khai, thực hiện những chương trình, kế hoạch cho công tác phòng, chống thiên tai.
Cùng với đó, công tác phòng ngừa, kiểm tra, giám sát trước mùa mưa bão đã được chú trọng và đạt được nhiều kết quả khả quan. Công tác tập huấn đã được triển khai sát với thực tiễn hơn trước. Công tác ứng phó thiên tai đã được triển khai kịp thời, hiệu quả hơn. Công tác khắc phục hậu quả đã có sự tham gia của nhiều cơ quan, đơn vị trong nhiều lĩnh vực, nhiều góc độ hơn.
“Những người dân ở trong vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai cũng đã cảm nhận được sự đồng cảm, hỗ trợ từ tinh thần đến vật chất nhiều hơn trước đây”, lãnh đạo Chính phủ chia sẻ.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, công tác phòng, chống thiên tai trong thời gian qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế như vẫn còn có người thiệt mạng do thiên tai. Tại một số nơi, kế hoạch phòng, chống thiên tai còn chưa sát với thực tế, đặc biệt tại những vùng không có nguy cơ cao cơ quan chuyên trách phòng, chống thiên tai còn có sự chủ quan, không có sự chuẩn bị cho những tình huống thiên tai bất ngờ.
Công tác dự báo, cảnh báo với một số hình thái thiên tai chưa có sự đầu tư xứng đáng. Khả năng chống chịu thiên tai đang có xu hướng suy giảm do tình hình, diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp nhưng sự đầu tư của chúng ta không tăng.
“Trong tâm thế, suy nghĩ, mỗi người làm công tác phòng, chống thiên tai phải nhận thức được công việc sẽ ngày càng khó khăn do mức độ ảnh hưởng của thiên tai ngày càng gia tăng trong khi nguồn lực còn nhiều hạn chế”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Phó Thủ tướng, những người làm công tác phòng, chống thiên tai trong thời gian tới cần có trách nhiệm chấp hành những quy định, chỉ thị, chủ trương trong công tác phòng, chống thiên tai một cách phù hợp với thực tế tại mỗi khu vực, mỗi thời điểm.
Đồng thời, cần tập trung, đề cao công tác phòng ngừa hơn ứng phó thiên tai với tinh thần “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Trong bối cảnh nguồn lực cho đầu tư còn hạn chế, cần tập trung ưu tiên để tăng cường cho công tác cảnh báo, dự báo chuẩn xác, kịp thời hơn.
Công tác truyền thông cần được triển khai tốt hơn, đa dạng hơn nữa để xây dựng ý thức cho từng người có trách nhiệm trong phòng, chống thiên tai cũng như ý thức cho từng người dân.
Lãnh đạo Chính phủ cũng cho rằng công tác phối hợp trong phòng, chống thiên tai cần được triển khai tốt hơn, trách nhiệm hơn, có sự phân công minh bạch, rõ ràng và đặc biệt là không được đùn đẩy trách nhiệm.
Đa dạng hóa, hiện đại hóa công tác phòng, chống thiên tai
Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, để giảm thiểu được những rủi ro do thiên tai đem lại, chúng ta cần phải chủ động hơn trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Cụ thể, cần triển khai những giải pháp căn cơ, chiến lược dài hạn trên nền tảng công nghệ mới. Chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Cùng với đó, cần thúc đẩy quá trình hiện đại hoá lĩnh vực phòng, chống thiên tai theo hướng ứng dụng công nghệ hiện đại tiên tiến để cung cấp thông tin phòng ngừa, ứng phó với thiên tai.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, thời gian tới, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Bộ NN-PTNT tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, cùng các đối tác quốc tế, các tổ chức hoạt động cộng đồng tích cực triển khai các giải pháp căn cơ giúp nâng cao năng lực cộng đồng, vượt qua và phục hồi sau những khó khăn mà thiên tai gây ra.
“Các dự án cộng đồng như sổ tay minh hoạ, hướng dẫn phương án ứng phó thiên tai, nhà thoát lũ, làng an toàn, ngôi nhà trí tuệ... cần được khảo sát, đánh giá để có thể nhân rộng một cách phù hợp với thực tiễn”, tư lệnh ngành nông nghiệp khẳng định.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định, công tác phòng, chống thiên thời gian tới sẽ được thay đổi theo hướng quản lý, giảm thiểu rủi ro, chủ động thích ứng và dựa vào năng lực cộng đồng, phát huy tri thức bản địa.
“Là chủ thể đóng vai trò quyết định, thông hiểu, am tường rõ nhất về các rủi ro thiên tai đang đối mặt, cộng đồng dân cư địa phương trong vùng cần được tạo điều kiện, khuyến khích tham gia vào các khâu lập kế hoạch và triển khai thực hiện cụ thể”, lãnh đạo Bộ NN-PTNT lưu ý.
Theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, ngoài ưu tiên dành nguồn lực trong xây dựng quy hoạch kinh tế xã hội, các địa phương cần lồng ghép yếu tố phòng, chống thiên tai. Và đặc biệt cần có sự chăm sóc, đầu tư tốt hơn trong khắc phục hậu quả thiên tai.
“Ngoài ngân sách, chúng ta cần đáp ứng được những điều kiện của pháp luật Việt Nam cũng như đáp ứng được những tiêu chí, sự tin tưởng của các nhà tài trợ quốc tế để thu hút, kêu gọi sự đầu tư, gia tăng nguồn lực cho phòng, chống thiên tai”, Phó Thủ tướng lưu ý.