Anh ta tên Dũng, gia đình kinh doanh vật liệu xây dựng đã hai đời. Phụng không chê Dũng gì cả ngoài ngoại hình quá thấp bé của anh. Phụng có chiều cao 1m,65, đứng bên cạnh cô, Dũng kém hẳn một cái tai. Khi người ta chưa có tình cảm gì với nhau, thì ngoại hình chính là yếu tố quyết định.
Qua cuộc nói chuyện, Dũng chắc chắn đã ưng ý Phụng lắm rồi, nhưng riêng Phụng vẫn đắn đo không ít. Quả là không dễ gì tìm được một mối khá giả như thế, Dũng lại ăn nói, cư xử điềm đạm, cũng là điều khó có.
Tuy nhiên, Phụng cân nhắc: không thể nào chung sống lâu dài bên một người mà mình không yêu. Rốt cuộc Phụng đã từ chối, mặc dù về sau đôi lúc cô không khỏi có những phút hối hận.
Đám thứ hai đến với Phụng khi cô đang đi làm kế toán ở công ty cơ khí. Một anh nhân viên làm cùng tổ văn phòng tên Khương đã ngỏ lời tỏ tình với cô. Cô đã đáp lại mối tình này.
Thứ nhất vì Khương có ngoại hình điển trai. Anh tỏ ra là người bản lãnh và bươn chải. Hồi còn ở tỉnh, anh đã từng làm một số nghề như mở vườn trồng các cây ăn trái, nuôi cá công nghiệp, sau đó Khương để lại hết vườn tược, chăn nuôi cho ông anh và chuyển về thành phố làm việc.
Mối tình này kéo dài đến sáu năm rồi đường ai nấy đi. Nói đúng hơn là Khương lại quay về tỉnh mà không nói một lời nào với Phụng, có lẽ anh ta lại lang bạt kỳ hồ tính kế làm ăn mới.
Thật ra, mối quan hệ giữa hai người đã chuyển từ giậm chân tại chỗ cho đến giai đoạn thưa thớt dần dần từ lâu. Gọi là giậm chân tại chỗ vì yêu nhau lâu nhưng mỗi lần nhắc đến chuyện cưới hỏi là Khương lại tìm cách nói lảng sang chuyện khác hoặc viện cớ để trì hoãn.
Ban đầu Phụng nghi ngờ Khương đã có vợ con ở tỉnh, nhưng có lẽ không phải vậy vì trong thời gian yêu nhau, rất ít khi Khương về quê thăm nhà, có khi cả năm chỉ độ hai hoặc một lần. Khi người ta nhạt bớt những quan hê đi lại, tình cảm giữa hai bên cũng kém bớt độ mặn nồng, gắn bó. Chính vì vậy mà khi hay tin Chinh ra đi, Phụng vừa giận vừa dửng dưng không buồn gọi hỏi thăm anh ta.
Mối tình thứ ba đến với cô là một mối làm quen bắc cầu. Phụng có ông anh họ ở Lâm Đồng hay lên nhà chơi. Ông anh này hay dẫn theo các bạn bè ghé qua nghỉ tạm ở nhà bố mẹ Phụng. Một trong số những bạn thân của ông anh đó là Hợp.
Ngay từ những lần theo ông anh lên thành phố và ghé ở nhà Phụng, Hợp đã không thể cưỡng lại được trước nhan sắc mặn mà của cô. Về sau, mỗi khi có dịp lên thành phố, hoặc đi với ông anh của Phụng hoặc đi một mình, thậm chí chẳng có việc gì, nhưng Hợp cũng tìm cớ ghé qua thăm cô. Phụng biết rõ điều đó, và cô cũng thích anh.
Tuy hai đàng đã bụng trong như đã, mặt ngoài còn e. Hợp đã mời Phụng đi chơi phố vài lần nhưng chưa bao giờ dám ngỏ lời nói ra tâm sự, mà Phụng cũng dẻ dặt, không tiến xa hơn.
Hợp vốn có nghề chăn nuôi gia súc các loại và trồng cây ăn trái khá thành công ở Lâm Đồng, anh đã ngỏ ý xa xôi rằng nếu lập gia đình, anh muốn vợ chồng cùng ở Lâm Đồng và phát triển kinh doanh. Đó cũng là điều Phụng không hề muốn, cô thật sự không muốn sống xa gia đình, vì cô sợ cô đơn.
Do đó câu chuyện giữa cô và Hợp kéo dài độ vài năm rồi thôi. Cả chục năm sau đó, khi hỏi dò ông anh họ về Hợp, Phụng được biết anh vẫn chưa lấy vợ, có lẽ anh vẫn còn đợi cô hay chưa tìm được người nào hợp duyên chăng?
Ngoài ba chuyện trên, Phụng cũng có một số cơ hội làm quen với bạn trai khác, nhưng thường những người đó không để lại ấn tượng gì đặc biệt, hoặc cũng không có ý định nghiêm túc với cô. Bước vào độ tuổi 50, ngày Phụng càng cảm thấy giấc mộng tình cảm của mình càng xa vời thêm.
Ở độ tuổi đó, cô cũng có một, hai lần gặp gỡ, nhưng những lần này không còn là cô không ưng hay chê đối tượng nữa, mà là chính đối tượng đã chê cô “già” hơn họ, khi họ biết được số tuổi thật của cô. Tuy Phụng đã ngoài 50 tuổi, nhưng ngoại hình bên ngoài cô nhìn như mới chỉ độ 40 mà thôi, nghĩa là cô vẫn giữ được nhan sắc và ngoại hình khá trẻ trung so với tuổi thật.
Phụng thôi không còn nghĩ đến chuyện lập gia đình nữa. Sau một thời gian bị suy sụp tinh thần vì nỗi sợ cuộc sống độc thân mai sau khi về già, cô tìm niềm vui trong công việc, giúp đỡ gia đình bà chị hiện đang gặp khó khăn, thậm chí cô còn đầu tư hẳn cho một người cháu gọi cô bằng dì, cả về ăn học lẫn cuộc sống, xem cậu ta như con nuôi, hy vọng có chỗ nương tựa về sau, không phải về tài chính, nhưng là những đỡ đần về tinh thần cũng như trong sinh hoạt một mai khi cô đã về già.